“Trước đây chúng tôi than không thể lật đổ chính phủ Al-Assad nếu không có sự yểm trợ quân sự của Hoa Kỳ, bây giờ Hoa Kỳ hứa mà không làm thì tình huống chẳng có gì thay đổi cả. Binh sĩ của Al-Assad tiếp tục tiến quân, chúng tôi vẫn vất vả ngăn chặn”.


Ðã 5 tuần lễ trôi qua kể từ ngày Tòa Bạch Ốc cho biết Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama đồng ý yểm trợ võ khí cho lực lượng Syria nổi dậy “để giúp họ quannoiday syriaphương tiện lật đổ chế độ độc tài Bashar Al-Assad”, chưa một khẩu súng hay viên đạn nào đến tay các binh sĩ của lực lượng được chính phủ Hoa Kỳ công khai ủng hộ, trong khi tin tức cho thấy dân quân Hồi Giáo đứng đằng sau chính quyền Al-Assad đang sử dụng các loại võ khí “Made in USA”.

Hình ảnh do các tổ chức dân quân Hồi Giáo Shiite ủng hộ nhà độc tài Syria phổ biến trên các trang mạng xã hội cũng như qua Facebook cho thấy họ đang dùng các loại võ khí được sản xuất từ Mỹ như M-16, súng các bin M-4 và cả súng phóng lựu M-203. Một trong những người theo thật sát tin này là ông Phillip Smyth của Viện Nghiên Cứu Chính Sách Cận Ðông (Washington Institute for Near East Policy) cho rằng “có thể các nhóm dân quân Hồi Giáo Shiite mua được những loại võ khí này ở Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq, hay Libya”. Trên trang mạng Jihadology.net, ông Smyth viết thêm điều cần phải chú ý là “hầu hết hình ảnh được phổ biến cho thấy những khẩu súng này vẫn còn thật mới hoặc rất mới” chứng tỏ bọn gian vừa mua hay đánh cắp được.

Theo chuyên gia người Anh Stephen Weber đang cộng tác với tờ The Jerusalem Post, dân quân Hồi Giáo Shiite “mua được ở đâu, từ ai, thì không thể nào biết chắc được” chỉ biết “những khẩu súng này có thể sẽ được đưa từ ngoài vào Syria, giúp ông Al-Assad có thêm võ khí để chận đường tiến quân của phe nổi dậy hoặc sử dụng để giết dân như ông ta đã làm trong 2 năm qua”.

Hồ sơ quốc phòng Hoa Kỳ cho thấy nhiều quốc gia đang sử dụng võ khí do Hoa Kỳ chế tạo, trong đó có Iraq. Cách đây 3 năm khi sửa soạn rút người lính cuối cùng từ Bangdad về Mỹ, chính phủ Obama đồng ý bán thêm cho Iraq 80,000 khẩu M-16, 25,000 khẩu các bin M-4 và 2,550 khẩu súng phóng lựu M-203 loại tối tân nhất. Vài năm trước đó, phúc trình của Văn Phòng Tổng Thanh Tra Chương Trình Viện Trợ Cho Iraq có đoạn viết rằng Washington cung cấp cho quân đội Iraq nhiều loại võ khí khác nhau nhưng “cả 2 phía đều không kiểm soát chặt chẽ”, dẫn đến tình trạng mất mát xảy ra, “không ai biết cả chục ngàn khẩu súng đủ loại đang nằm ở đâu”.

Ngay tại Washington D.C., một số chuyên gia quân sự Hoa Kỳ nói “chẳng ngạc nhiên về chuyện này”. Ông Matt Rutherford, cựu nhân viên của Văn Phòng Quốc Tế Ðặc Trách Tái Thiết Iraq cho hay “ngay từ những ngày đầu tiên khi vừa đặt chân xuống phi trường Baghdad, tôi đã nghe các đồng nghiệp than thở về chuyện một số lượng không nhỏ võ khí cung cấp cho Iraq bị mất mát” và phía Baghdad “không bao giờ có câu trả lời rõ rệt cả”. Ông kể lại trong một bữa tiệc “có người hỏi một viên tướng của Bộ Tổng Tham Mưu Iraq rằng làm thế nào để có bản tổng kết số võ khí Hoa Kỳ đã giao cho Iraq được phân phối ra sao, viên tướng này chỉ trả lời một cách chung chung là mỗi người lính Iraq được phát một khẩu súng cầm tay, số còn lại được tồn kho, chứ không nói rõ là họ có kiểm soát chặt chẽ số lượng võ khí được giao cho các đơn vị hay không”.

Chuyện các nhóm dân quân Hồi Giáo Shiite sử dụng võ khí của Mỹ chế tạo đang là đề tài được nói đến ở Washington D.C., trong khi lực lượng nhân dân nổi dậy chống độc tài ở Syria “vẫn chưa nhìn thấy quân viện mà chính phủ Hoa Kỳ đã hứa”. Bà Elizabeth O'Bagy, một phân tích gia của Viện Nghiên Cứu Chiến Tranh (the Institute for the Study of War) thường xuyên trao đổi tin tức với những viên chức cao cấp trong Hội Ðồng Quân Sự Tối Cao Syria Tự Do, cho hay “họ than thở chờ cả tháng rồi vẫn chưa thấy gì cả”. Trong một cuộc phỏng vấn dành cho hãng thông tấn AFP, một thành viên của hội đồng có nói rằng “Trước đây chúng tôi than không thể lật đổ chính phủ Al-Assad nếu không có sự yểm trợ quân sự của Hoa Kỳ, bây giờ Hoa Kỳ hứa mà không làm thì tình huống chẳng có gì thay đổi cả. Binh sĩ của Al-Assad tiếp tục tiến quân, chúng tôi vẫn vất vả ngăn chặn”.

Không một viên chức hành pháp Hoa Kỳ nào giải thích tại sao kế hoạch viện trợ võ khí cho Hội Ðồng Quân Sự Tối Cao Syria Tự Do lại bị chậm trễ, cho dù khi bị chất vấn về chuyện này, ông phát ngôn viên Jay Carney của Tòa Bạch Ốc trả lời “Chuyện cam kết giúp cho người dân Syria không phải là chuyện đùa, ai cũng biết Tổng Thống cương quyết giúp đỡ cho lực lượng nổi dậy ở Syria”, nhắc lại lật đổ chế độ độc tài Al-Assad là mục tiêu Hoa Kỳ và thế giới đều mong muốn thấy. Bên Bộ Ngoại Giao, bà phát ngôn viên Jen Psaki nói thêm “Chính phủ Hoa Kỳ sẽ làm tất cả những gì có thể làm để đảm bảo võ khí đến tận tay những người đang cầm súng chiến đấu chống lại chính quyền Al-Assad”.

Một nhân viên dưới quyền cựu Tổng Trưởng Quốc Phòng Leon Panetta kể lại dù ủng hộ ý kiến trợ giúp võ khí cho người dân Syria, “nhưng ông sếp cũ của tôi luôn luôn cảnh báo phải thật thận trọng, đừng để lọt vào tay quân đội của Al-Assad hay những tổ chức Hồi Giáo quá khích”. Theo bà Dân Biểu Illeana Ros-Lehtinen, có thể điều này khiến chương trình cấp võ khí cho thành phần nổi dậy ở Syria bị chậm trễ.

Vị dân cử Cộng Hòa từng giữ vai trò chủ tịch Ủy Ban Ngoại Giao Hạ Viện còn cho rằng viện trợ võ khí cho dân quân Syria “là điều không nên làm”. Bà giải thích “Chúng ta không biết rõ thành phần nổi dậy gồm những ai, chịu ảnh hưởng từ đâu, nên không thể bảo đảm võ khí gửi từ Mỹ sang sẽ không lọt vào tay kẻ xấu”.