main billboard





“khi họ nghĩ viễn tượng hòa bình chỉ ở mức dưới 50-50, thì chẳng dại dột gì mà họ gật đầu tương nhượng (với đối thủ)”.

Ðến từ buổi trưa nhưng mãi lúc gần 6 giờ chiều hai nhân vật chính mới xuất hiện. Hai người đây là bà Bộ Trưởng Tư Pháp Tzipi Livni của Israel và ông Saeb Erekat, trưởng đoàn đàm phán của chính quyền Palestine. Cả hai bắt tay nhau, khuôn mặt đầy nghiêm nghị, trước khi ngồi xuống nghe ông chủ nhà John Kerry bắt đầu lời phát biểu mang nội dung “con đường đi đến mục đích tất cả chúng ta đều mong muốn không phải là con đường dễ dàng, nhưng phải đặt chân đi bước đầu thì mới có thể đặt chân tới mức đến”.

hoidam israel palestineSau 3 năm trời cuộc thương thuyết hòa bình bị bế tắc, bữa tiệc do ông Kerry khoản đãi ở Bộ Ngoại Giao tối Thứ Hai đánh dấu lần đầu tiên hai phái đoàn đàm phán Israel và Palestine gặp nhau để bàn những chuyện “chính họ cũng biết không thể nào giải quyết nổi”, theo nhận xét của hầu hết các nhà quan sát chính trị ở Washington D.C. và tại Trung Ðông. Ngay chính cựu cố vấn của ông Kerry là Giáo Sư Shibley Telhami cũng bảo với các nhà báo là theo nhận xét của ông, “khi họ nghĩ viễn tượng hòa bình chỉ ở mức dưới 50-50, thì chẳng dại dột gì mà họ gật đầu tương nhượng (với đối thủ)”. Người từng soạn thảo sách lược Trung Ðông cho ông Kerry trong cuộc vận động tranh cử tổng thống hồi 2004 nói thêm “cả 2 phía đều ngại không muốn làm điều đó, cả 2 phía đều không muốn bị xem là ngu xuẩn khi làm điều đó”.

Ý kiến của ông cựu cố vấn ngoại giao Telhami chính là ý nghĩ những người có mặt trong bữa tiệc mở đầu một trang sử mới cho cuộc thương thuyết tìm hòa bình. Ai cũng biết cuộc chiến đã kéo dài hơn nửa thế kỷ, ai ai cũng tán thành mục tiêu tứ cường (gồm Hoa Kỳ, Nga, EU và Liên Hiệp Quốc) đưa ra là sẽ có một quốc gia Palestine được thành lập, nằm sát và sống chung hòa bình với cựu thù Israel. Nhưng để đạt được mục tiêu đó không phải là điều dễ làm vì có rất nhiều vấn đề không thể nào giải quyết được, từ chuyện phân chia đường ranh biên giới, Israel phải ngưng hẳn chương trình định cư dân ở những khu vực “thuộc về người Palestine” mà họ đang chiếm đóng, cho tới chuyện chia thành phố lịch sử Jerusalem để người Palestine có chỗ đặt thủ đô. Ðây là những để tài đã được đôi bên tranh cãi trong thời gian từ 2008 đến 2010 trước khi cuộc đàm phán bị bế tắc, và nhiều người cho rằng phát biểu Thủ Tướng Benjamin Netanyahu đưa ra trước khi phái đoàn thương thuyết lên đường sang Washington D.C. phó hội là dấu hiệu cho thấy cuộc đàm phán chắc cũng chẳng đi tới đâu.

Ông Netanyahu nói như thế nào? “An ninh của Israel là điều quan trọng nhất”, ông bảo, ý muốn nói những vòng đàm phán trước đây đi vào ngõ cụt cũng chỉ vì an ninh của Israel không được đảm bảo. Cũng chính ông thủ tướng Israel từng giải thích chính vì muốn bảo vệ an ninh cho đất nước nên ông không dễ dàng đồng ý trả lại cho người Palestine phần đất mà họ đang đòi, một số viên chức trong chính phủ do ông lãnh đạo cũng bắn tiếng cho hay chương trình đưa dân đến những vùng đó định cư sẽ tiếp tục được thực hiện.

“Chúng tôi biết Israel sẽ không thảo luận điều đó”, một phụ tá của ông trưởng đoàn đám phán Palestine nói với báo chí trước khi bữa tiệc do Ngoại Trưởng John Kerry bắt đầu. “Mục tiêu của chúng tôi là ranh giới của Palestine và Israel phải là các lằn ranh đã có từ 1967”, bảo thêm “không chỉ Hoa Kỳ mà ngay cả thế giới cũng ủng hộ chúng tôi ở điểm này”. Ông nói thêm “trước khi đến Washington chúng tôi đã hỏi đi hỏi lại nhiều lần, và phía Hoa Kỳ đảm bảo ủng hộ lập trường của chúng tôi về lằn ranh biên giới”, chính điều đó đã thúc đẩy Chủ Tịch Mahmoud Abbas “đồng ý bày tỏ thiện chí cho cuộc đàm phán hòa bình thêm một cơ hội nữa, cho dù biết trước bên kia (Israel) sẽ không gật đầu với đòi hỏi chẳng phải chỉ của chúng tôi mà của cả thế giới”.

Tiết lộ này khiến mọi người nhớ lại từ lâu, lãnh tụ Abbas luôn luôn tỏ vẻ ngần ngại mỗi khi bị hỏi về tương lai hòa bình giữa Palestine và Israel, chỉ vì ông e ngại những điểm ông đặt ra trên bàn hội nghị sẽ bị chính quyền bảo thủ của Thủ Tướng Netanyahu bác bỏ. Rất nhiều lần ông Abbas nói rằng chỉ đồng ý tham gia đàm phán “với điều kiện vùng Tây Ngạn, Gaza và khu vực phía Ðông Jerusalem (mà Israel chiếm từ 1967 đến giờ) phải thuộc lãnh thổ của Palestine” đi kèm với đòi hỏi “chính phủ Israel phải ngưng ngay chương trình đưa dân định cư ở những vùng đất thuộc về chúng tôi”. Ðến giờ, cả 2 đòi hỏi này vẫn chưa được Israel ngó ngàng tới.

Bên phía Israel cũng nói đến Washington D.C. vì muốn bày tỏ thiện chí hòa bình. Phát ngôn viên Aaron Sagui của Tòa Ðại Sứ Israel nhắc lại chuyện “chính phủ nước tôi vừa mới trả tự do cho 104 tù nhân Palestine” kể thêm chính Thủ Tướng Netanyahu khi đưa ra quyết định này “cũng phải nói đây là một trong những quyết định khó khăn nhất” vì hầu hết những kẻ mới được thả đều từng hoạt động khủng bố, giết người dân Do Thái. Nhà báo nổi tiếng Herb Keinon của tờ Jerusalem Post viết rằng điều mọi người đều có thể đoán trước “là những kẻ giết người sẽ được tuyên dương là anh hùng”, kêu gọi “chính quyền Palestine nên bày tỏ thiện chí muốn đi đến hòa bình, đừng để phí thì giờ vào chuyện ca ngợi những kẻ tay nhúng máu”.

Như vậy, thế giới trông chờ gì ở cuộc đàm phán vừa mới bắt đầu tối Thứ Hai ở Washington D.C.? Bà phát ngôn viên JenPsaki của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ cho biết trong 24 giờ tới, “hai bên sẽ thảo luận với nhau về chương trình làm việc cho những cuộc thương thuyết kế tiếp, trước khi bàn thảo chi tiết về những điểm cần phải giải quyết để đi đến mục tiêu”. Nếu không có gì thay đổi, chương trình làm việc này sẽ được thực hiện ngay tức khắc, kéo dài trong khoảng thời gian từ 6 đến 9 tháng, “cuộc gặp ở Washington D.C. chỉ là bước đầu, tạo cơ hội cho hai bên đưa ra và đồng ý về những gì sẽ bàn thảo với nhau trong những tháng sắp tới”.