main billboard

... sau cuộc họp kéo dài 3 giờ đồng hồ do chính tổng thống chủ tọa hồi sáng Thứ Bảy vừa rồi, dường như Washington vẫn ở trong trạng thái lưỡng lự.


LTS: Liệu Tổng Thống Hoa Kỳ Barck Obama có quyết định can dự vào cuộc chính biến ở Syria hay không là câu hỏi đang được nói tới trong tình hình nóng bỏng hiện nay ở Trung Ðông, cũng là câu hỏi được nhật báo Người Việt đặt ra với đặc phái viên Nguyễn Văn Khanh, trước giờ báo đưa đến nhà in. Cuộc phỏng vấn dưới đây được thực hiện từ California qua điện thoại.

obama 2Tổng Thống Barack Obama vừa bước xuống trực thăng Marine One bước vào Tòa Bạch Ốc hôm Thứ Sáu, với vẻ mặt lo lắng về tình hình tại Syria. (Hình: SAUL LOEB/AFP/Getty Images)

Người Việt (NV): Tin anh nghe được từ Washington, DC, như thế nào? Có đánh Syria hay không?

Nguyễn Văn Khanh: Cho đến khuya hôm nay (Chủ Nhật, 25 Tháng Tám), câu trả lời vẫn là 50-50, cho dù các viên chức Hội Ðồng An Ninh Quốc Gia nói rằng hầu như chắc chắn quân đội của Tổng Thống Bashar Al-Assad đã sử dụng võ khí hóa học trong cuộc giao tranh hôm Thứ Tư tuần trước ở ngoại ô thủ đô Damascus, giết chết ít nhất 355 người. Ðiều cần lưu ý đến là “hầu như chắc chắn” không có nghĩa là “chắc chắn.”

NV: Trong trường hợp trở thành “chắc chắn,” chuyện gì sẽ xảy ra? Tổng Thống Barack Obama sẽ quyết định như thế nào?

Nguyễn Văn Khanh: Không thể biết lúc đó quyết định của Tổng Thống Obama sẽ như thế nào, tức liệu Hoa Kỳ có can dự bằng quân sự ở Syria hay không, nhưng ngay lúc này, những gì tôi nghe được cho thấy sau cuộc họp kéo dài 3 giờ đồng hồ do chính tổng thống chủ tọa hồi sáng Thứ Bảy vừa rồi, dường như Washington vẫn ở trong trạng thái lưỡng lự. Trước cuộc họp đó, các viên chức cao cấp Tòa Bạch Ốc từng nói họ “liên tục có những cuộc họp để thảo luận về tình hình Syria và những biện pháp cần làm,” trong đó có cả những phiên họp với sự tham dự của Ngoại Trưởng John Kerry và Bộ Trưởng Quốc Phòng Chuck Hagel.

Hôm qua, khi đến Kuala Lumpur, Malaysia, ông Chuck Hagel cho hay Bộ Quốc Phòng được chỉ thị của tổng thống là “phải sẵn sàng” và “đã làm đúng theo chỉ thị” của vị tổng tư lệnh. Trước đó, mọi người đều biết chiến hạm Mỹ đang có mặt tại Ðịa Trung Hải đã vào thật sát Syria để khi cần sẽ bắn hỏa tiễn phá hủy các căn cứ quân sự chủ yếu của Syria. Nhưng nếu nghe kỹ những gì ông Hagel trình bày với báo chí ở Malaysia thì chúng ta thấy ngay là Hoa Kỳ đang lưỡng lự vì vào Syria chưa hẳn đã hay, không vào Syria cũng chưa hẳn đã đúng.

Hồi trưa Chủ Nhật, chủ tịch Ủy Ban Quốc Gia Ðảng Dân Chủ là bà Dân Biểu Debbie Wasserman Schultz cũng nói điều tương tự, cho biết “chính phủ vẫn đang cần nhắc, tổng thống sẽ có quyết định khi cần thiết.” Bà Debbie Wasserman Schultz còn nói là theo bà hiểu thì Tổng Thống Obama được để nghị nhiều giải pháp, chuyện còn lại là ông sẽ làm gì và vào lúc nào.

NV: Tại sao Hoa Kỳ lại chần chừ?

Nguyễn Văn Khanh: Theo tôi, câu trả lời rõ ràng nhất nằm trong nội dung lá thư đề ngày 19 Tháng Tám của Ðại Tướng Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Ðội Hoa Kỳ Martin Dempsey gửi cho Dân Biểu Eliot Engel của đảng Dân Chủ, cho thấy Hoa Kỳ không vội quyết định can dự quân sự trực tiếp vào cuộc chiến Syria vì Washington tin rằng nếu được giúp đỡ để chiến thắng, chưa chắc phe nổi dậy “sẽ tôn trọng quyền lợi của nước Mỹ.”

Lá thư cũng viết rằng quân đội Hoa Kỳ “có khả năng tiêu diệt lực lượng không quân của chính quyền Bashar Al-Assad” nhưng làm điều này “sẽ đẩy Hoa Kỳ can dự quá sâu vào nội bộ của một quốc gia thuộc khối Hồi Giáo Ả Rập” mà không đưa ra được kế hoạch giúp giải quyết cuộc chiến kéo dài đã hơn 2 năm rưỡi “bằng giải pháp thương thuyết hòa bình.”

Một trong những cố vấn chính trị của Ðại Tướng Demsey có nói rằng hiện giờ không phải đơn thuần chỉ có hai phe chống đối và phe chính quyền “mà có nhiều nhóm đang hoạt động riêng rẽ,” vì thế, Hoa Kỳ phải tìm được một nhóm hay một tập hợp, liên minh nào đó “để ủng hộ quyền lợi của họ và của chính chúng ta” nhưng rất tiếc “ngay lúc này vẫn không tìm thấy được nhóm nào tôn trọng quyền lợi, điều kiện nước Mỹ đặt ra,” buộc họ phải thực hiện sau ngày lật đổ chính Al-Assad, cho dù ai cũng hiểu cục diện cuộc chiến sẽ thay đổi nếu có sự can dự của Hoa Kỳ và những nước đồng minh của Mỹ ở Âu Châu.

Một viên chức cao cấp thuộc Bộ Quốc Phòng giải thích rõ hơn, đại để là Hoa Kỳ có khả năng làm nhiều điều ở Syria mà không cần phải đưa quân đổ bộ, chẳng hạn như bắn hỏa tiễn từ xa vào tiêu diệt các căn cứ quân sự quan trong của nhà cầm quyền Damascus, nhưng điều quan trọng nhất là “vẫn chưa nhận được lời cam kết, hứa hẹn chắc chắn của bất cứ nhóm nổi dậy nào là họ sẽ bảo vệ quyền lợi hay điều kiện của nước Mỹ,” đồng thời có quá nhiều phe nhóm tự nhận là đang dẫn đầu cuộc nổi dậy lật đổ một chính quyền độc tài, “dù thực lực của những nhóm này không chứng tỏ hoặc không hẳn đã hơn thực lực của những nhóm khác.” Dù vậy, viên chức này cũng nói rằng Washington tiếp tục lượng định xem kế hoạch nào là kế hoạch tốt nhất “để có thể giúp giải quyết cuộc chiến đầy rắc rối đã giết chết cả trăm ngàn người.”

NV: Quyền lợi của Mỹ là gì? Ðiều kiện Washington đòi hỏi là gì?

Nguyễn Văn Khanh: Washington đòi hỏi phải có một chính quyền dân cử, dân chủ thay thế cho chính quyền Al-Assad, vì theo quan điểm của Hoa Kỳ và thế giới thì bao giờ cũng dễ dàng làm việc với một chính phủ dân chủ hơn là làm việc với một thể chế độc tài. Nói nôm na là Washington đang đi tìm người để bắt tay làm việc chung, chưa tìm được người thì vẫn ở trong trạng thái chần chừ, lưỡng lự.

NV: Và Washington sẽ tiếp tục thái độ chần chừ này cho đến khi nào?

Nguyễn Văn Khanh: Tôi thấy Damascus đã đồng ý cho toán thanh tra Liên Hiệp Quốc vào làm việc, điều tra tận chỗ, nên chắc Hoa Kỳ đợi xem kết quả cuộc điều tra này như thế nào rồi mới đưa ra quyết định cuối cùng. Ðó là dự đoán mà tôi nghe được từ nhiều người.