main billboard

Với cuộc tranh cãi về can thiệp hay không can thiệp ở Syria đang được bàn thảo ở cả Quốc Hội Hoa Kỳ lẫn Quốc Hội Anh, câu hỏi vẫn đặt ra là trong trường hợp không có một nghị quyết của Liên Hiệp Quốc cho phép can thiệp thì liệu có căn bản pháp lý nào bên ngoài Liên Hiệp Quốc hay không?


quannoiday syriaÐối với một số người hình ảnh những hàng dài thi thể nạn nhân trong đó có rất nhiều em nhỏ, những câu chuyện kinh hồn của nhân chứng, thì chẳng cần có biện minh nào cho can thiệp cả. Nhưng có những người khác thì vẫn còn bị ám ảnh bởi những can thiệp gần đây của Hoa Kỳ và Tây Phương mà kết quả thật không được như ý muốn.

Thực ra, chính từ phản ứng tình cảm đó đang ngày càng đưa đến một khuôn khổ pháp lý đang được phát triển để biện minh cho can thiệp quân sự dựa trên lý do nhân đạo. Ðược gọi là “Responsibility to Protect - Trách nhiệm bảo vệ” mà cái tên tắt tiếng Anh là R2P, khung pháp lý này đã được dựng lên qua những thảm họa nhân đạo hồi thập niên 1990 ở Kosovo và Rwanda.

Như phóng viên pháp lý của đài BBC Clive Coleman giải thích, khung pháp lý mới này dựa trên ba nguyên tắc chính:

*Nhà nước phải bảo vệ nhân dân mình chống lại thảm sát, tội chiến tranh, thanh lọc sắc tộc và tội đối với nhân loại, trong khi, đồng thời, cộng đồng quốc tế cũng có trách nhiệm giúp quốc gia ngăn ngừa những tội ác như vậy.

*Nơi nào có bằng cớ mạnh mẽ về những tội ác như thế này và khi nhà nước không thể hay không ngăn cản được, cộng đồng quốc tế phải tìm đủ mọi phương thức hòa bình nhằm chấm dứt những tội ác đó.

*Nếu tất cả đều đã làm hết rồi mà thất bại thì cộng đồng quốc tế có thể sử dụng võ lực.

Dĩ nhiên, để có danh chính ngôn thuận tối đa, can thiệp quân sự cần phải được cho phép bởi một nghị quyết của Hội Ðồng Bảo An Liên Hiệp Quốc. Hội đồng hiện có một vị thế độc nhất vô nhị là trọng tài chính cho việc sử dụng vũ lực trong công pháp quốc tế. Nhưng không phải lúc nào cũng có thể đạt được một nghị quyết của Hội Ðồng Bảo An. Với quyền lợi của Nga gắn bó với Syria, sẽ hầu như không thể có được đồng thuận để có được một nghị quyết tại hội đồng.
Trong tình thế như vậy, theo một số lập trường, khung pháp lý R2P cung cấp một biện minh cho cộng đồng quốc tế sử dụng vũ lực như là một giải pháp cuối cùng. Thi hành giải pháp này có thể là qua một liên minh vùng hay một cái đã được gọi là “Coalition of the willing,” một liên minh của những quốc gia sẵn sàng tham gia.

Dĩ nhiên là có một số bảo đảm cần thiết nếu muốn sử dụng R2P làm biện minh. Trước hết cần có bằng cớ rõ rệt là đang có một thảm họa xảy ra. Thứ nhì là mọi biện pháp ôn hòa, như ngoại giao, cấm vận, đã được sử dụng mà không đạt được kết quả. Và thứ ba là bất cứ việc sử dụng vũ lực nào cũng phải có mục tiêu rõ rệt để chấm dứt thảm họa và bảo vệ thường dân.

Nói cách khác, đây chỉ là một quyền hành động giới hạn. Tuy nhiên, một số các luật gia tin là một khi tất cả những tiêu chuẩn này đã có, thì lúc đó việc sử dụng võ lực giới hạn và có chủ đích rõ rệt có thể hợp pháp theo khung luật pháp R2P.

Dĩ nhiên can thiệp quân sự trong hoàn cảnh này là tùy vào chính phủ chứ không phải các luật gia. Các chính phủ do đó có nhiệm vụ phải chứng minh là họ có lý do để can thiệp quân sự vào một quốc gia và để chứng minh là họ hành động đúng theo pháp lý.

Nhưng cái gọi là Công pháp Quốc tế không phải như luật pháp quốc gia. Trên trường quốc tế không có một tòa án quốc tế nào có thể đưa ra phán quyết là hành động can thiệp quân sự, nếu đáp ứng được những đòi hỏi trên, là hợp pháp.

Và chính vì thế hiện nay vẫn còn rất nhiều tranh cãi. Luật Sư Geoffrey Robertson, một luật sư về nhân quyền quốc tế, biện minh là chưa bao giờ cần có một nghị quyết của Hội Ðồng Bảo An chấp thuận hành động để ngăn chặn, trừng phạt hay răn đe đối với tội đối với nhân loại. Ông Robertson chỉ ra là trước khi có Liên Hiệp Quốc hay Hội Quốc Liên thì đã có những trường hợp được công nhận rõ ràng để có hành động chống lại hải tặc hay là nô lệ.

Gần đây, ông Robertson chỉ ra hành động của Liên minh NATO nhằm chấm dứt vụ thanh trừng sắc tộc ở Kosovo. Việc đó đã không đòi hỏi một nghị quyết Hội Ðồng Bảo An, và Nga đã không chặn hành động đó. Ông nhắc lại là nếu Nga muốn ngăn cản hành động chống lại Syria vì tội đối với nhân loại qua việc sử dụng vũ khí hóa học để thảm sát dân mình, thì họ phải đưa ra một nghị quyết lên án ở Hội Ðồng Bảo An, như họ đã cố làm ở Kosovo. Lần đó Nga thất bại, chỉ có ba phiếu ủng hộ thành ra hành động của NATO được coi là chính đáng.

Nhưng ông Robertson cũng khuyến cáo là việc sử dụng vũ lực phải thích ứng, và mục đích phải là ngăn cản chế độ Syria đừng sử dụng khí độc nữa. Nó có nghĩa là một số hành động quân sự giới hạn, với đe dọa là sẽ có thêm hành động nữa nếu chính quyền tiếp tục sử dụng khí độc.

Ông khẳng định là “thế giới không thể cấm vũ khí hóa học và rồi bình chân như vại khi một quốc gia dùng nó để hạ sát thường dân.” Ðiều khó, theo ông là làm sao chứng minh được “không nghi ngờ” gì nữa là thủ phạm chính là chính quyền Syria.

Giáo Sư Robert McCorquodale, một chuyên gia về luật quốc tế và luật đối chiếu, thì không đồng ý với lý luận đó. Ông khẳng định “Sử dụng vũ lực bởi một quốc gia trong trường hợp trở thành một đe dọa cho hòa bình và an ninh quốc tế, như ở Syria, nằm dưới Hiến Chương Liên Hiệp Quốc. Hiến chương này đòi hỏi hành động phải được sự chấp thuận của Hội đồng Bảo an để có thể hợp pháp (trừ trường hợp tự vệ).”

Nếu những bằng cơ mạnh mẽ và độc lập về việc sử dụng võ khí hóa học của chính phủ Syria thì việc đó đã vi phạm đủ luật pháp quốc tế để biện minh cho những hành động hợp pháp quốc tế. Và hành động hợp pháp đó không hẳn là quân sự.

Lý luận là can thiệp quân sự có thể chấp nhận được vì những lý do nhân đạo, như là biện minh cho can thiệp ở Kosovo năm 1999, hay là như một phần của trách nhiệm của quốc gia bảo vệ mọi người đã là nạn nhân của tội ác chiến tranh, thảm sát, tội đối với nhân đạo và thanh lọc sắc tộc là một vi phạm trắng trợn và có hệ thống nhân quyền, như biện minh chính cho sứ vụ của Liên Hiệp Quốc ở Darfur năm 2006.

Nhưng cả hai nguyên tắc đó chưa thành công pháp quốc tế, chỉ là một chỉ dấu cho một sự hướng về một công pháp quốc tế tập trung vào con người hơn là quốc gia. Và trong khi sự thiếu hành động của Hội Ðồng Bảo An có thể thật bực tức cho nạn nhân của các hành động bởi các nhà nước, ở Syria và trên toàn thế giới, hệ thống công pháp quốc tế hiện nay được làm bởi các nhà nước để bảo vệ hòa bình và an ninh quốc tế và để ngăn cản sử dụng võ lực đơn phương. Công pháp quốc tế hiện hành do đó nói rằng can thiệp vũ trang sẽ là phạm pháp nếu không có sự cho phép của Hội Ðồng Bảo An, ông McCorquodale kết luận.

Lý luận của hai luật gia ở trên cho thấy là việc can thiệp quân sự vào Syria chắc chắn sẽ gây nhiều tranh cãi. Ðối với chính phủ Hoa Kỳ và chính phủ Anh, thực ra, điều quan trọng chính là làm sao thuyết phục các vị dân cử đồng ý với hành động can thiệp. Thủ Tướng David Cameron đã thất bại vì quá vội vàng và thiếu chuẩn bị. Tổng Thống Barack Obama đã thận trọng hơn.