main billboard

“Khi can dự vào Syria, chúng tôi phải cân nhắc nhiều khía cạnh khác nhau, chứ không thuần túy chỉ có vấn đề nhân quyền,”


“Tổng thống thật sự có ý định đó hay sao?” ông Chánh Văn Phòng Denis McDonough hỏi với giọng khá ngỡ ngàng.

obama denis mcdonoughChánh Văn Phòng Denis McDonough cùng Tổng Thống Barack Obama tại Tòa Bạch Ốc. (Hình minh họa: Drew Angerer-Pool/Getty Images)

“Tổng thống có nhớ là phải mười ngay nữa Quốc Hội mới nhóm họp trở lại không? Tổng thống có biết là quyết định chần chừ như vậy sẽ khiến mình gặp bất lợi về mọi mặt hay không?”

Những câu hỏi dồn dập này được người phụ tá thân tín nhất của Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama đặt ra vào khoảng 5 giờ trưa Thứ Sáu tuần trước, khi ông cùng với nhà lãnh đạo quốc gia đứng đầu thế giới đi bộ chung quanh Tòa Bạch Ốc. Ý kiến đi bộ là ý kiến của Tổng Thống Obama, “thời tiết lúc đó gần 90 độ F, không khí nóng bức, và khi quay trở lại văn phòng cả 2 ông đều ướt đẫm mồ hôi,” theo lời kể của một viên chức Hội Ðồng An Ninh Quốc Gia.

Khi tổng thống “gọi Dennis (McDonough) rủ đi bộ, chúng tôi đoán biết ngay là ông phân vân, không biết nên quyết định như thế nào,” một viên chức Tòa Bạch Ốc kể lại cho các nhà báo biết. Vài giờ trước đó, “đích thân tổng thống triệu tập cuộc họp để bàn về chuyện Syria, ông bảo muốn nghe ý kiến mọi người trước khi có quyết định cuối cùng.” Phiên họp kéo dài hơn 2 tiếng đồng hồ “rất sôi nổi, đôi lúc còn căng thẳng, chỉ vì mọi người tranh cãi nhau về câu hỏi của tổng thống là phải làm thế nào cho đúng.” Làm cho đúng đây là “phải tránh tất cả mọi mũi dùi chỉ trích chúng ta, hoặc nếu không tránh được thì cũng phải hạn chế tối đa, như tổng thống đã nói khi ông bắt đầu phiên họp.”

Ông Obama “phân vân” là điều đương nhiên phải xảy ra. Ngày Thứ Năm ông được thông báo tin Quốc Hội Anh bỏ phiếu chống can dự vào Syria bằng giải pháp quân sự, xế trưa Thứ Sáu lại nghe Ngoại Trưởng Hoa Kỳ John Kerry cho biết ngoại trừ Tổng Thống Francois Holland của Pháp, chưa một quốc gia đồng minh nào trong khối NATO lên tiếng ủng hộ kế hoạch oanh kích các cứ điểm chiến lược của Damascus, bảo thêm “sẽ có một vài nước Ả Rập sẽ ủng hộ chúng ta, nhưng phải đợi cho đến Chủ Nhật khi họ gặp nhau (tại cuộc họp khẩn cấp) ở Cairo.” Bên Ðức thì sao, một nhân vật có mặt trong cuộc họp đặt câu hỏi với người đang điều khiển ngành ngoại giao Hoa Kỳ. Câu trả lời từ ông Kerry “bà Thủ Tướng Angela Merkel vẫn chưa nói gì về chuyện Syria, nhưng điều đó cũng dễ hiểu vì bà sẽ tái ứng cử vào cuối năm nay.” Ông Kerry không nói thêm nhưng đủ để mọi người hiểu quốc gia đồng minh của Mỹ đang gặp khó khăn về chính trị, dù không chống đối nhưng mọi phát biểu ủng hộ ngay lúc này đều không hay.

Cuối cùng chỉ còn mỗi ông Obama!

“Khi can dự vào Syria, chúng tôi phải cân nhắc nhiều khía cạnh khác nhau, chứ không thuần túy chỉ có vấn đề nhân quyền,” ông Cô Vấn Ben Rhodes trả lời câu hỏi tại sao chính quyền Damascus sử dụng võ khí hóa học giết chết hơn 1,400 người - một phần ba là trẻ em - mà Hoa Kỳ vẫn chưa có hành động trừng phạt. “Chúng ta chưa can dự bằng quân sự vì nhiều lý do khác nhau, trong đó một phần vì chúng ta không nghĩ rằng hành động quân sự sẽ giúp giải quyết tình trạng nhân quyền ở đó,” nói thêm “chuyện quan trọng nhất vẫn là phải giải quyết thế nào cho ổn thỏa mọi mặt, nên nhớ từ khi cuộc chiến xảy ra, tổng thống đã nói rõ là Hoa Kỳ không bao giờ chấp nhận để cho bất kỳ quốc gia nào sử dụng võ khí hóa học, đặc biệt là khi thấy một chính quyền dùng loại võ khí này để giết chính người dân của họ.”

Như thế, phải hành động như thế nào? Câu trả lời đến lúc 7 giờ tối Thứ Sáu, khi Tổng Thống Obama chỉ thị triệu tập dàn cố vấn để thông báo quyết định của ông: sẽ yêu cầu Quốc Hội cứu xét xem chính phủ phải làm gì với Syria. Ðây là quyết định mà phần lớn các cố vấn thân cận nhất với ông muốn nghe, trong đó có bà Cố Vấn An Ninh Quốc Gia Susan Rice - người từng thúc giục tổng thống phải có biện pháp cứng rắn đối với Syria ngay từ khi cuộc chiến mới bắt đầu, hay ông Tổng Trưởng Quốc Phòng Chuck Hagel, người chủ trương khi đã nói sẽ ra tay hành động thì phải làm ngay, đừng để cho đối thủ nghĩ là mình chỉ dọa nạt theo lối rung cây nhát khỉ.

Tại sao Tổng Thống Obama lại chuyền banh sang Quốc Hội?

“Tôi được nghe nói tổng thống đưa ra 2 lý do,” một cựu cố vấn của Tổng Thống George W. Bush chia sẻ những tin tức thu nhặt được từ Tòa Bạch Ốc. “Lý do thứ nhất là ông muốn có hậu thuẫn chính trị, tin tưởng sự ủng hộ của các vị dân cử sẽ giúp ông thêm thuận lợi khi trình bày với dân chúng Hoa Kỳ và với thế giới, đồng thời giảm bớt áp lực chống đối ở trong lẫn ngoài nước. Lý do thứ nhì Tổng Thống Obama đưa ra là can dự vào Syria hoàn toàn khác với can dự vào Lybia, ông không có sự ủng hộ của Hội Ðồng Bảo An, cũng chẳng được Liên Ðoàn Ả Rập tán thành. Cách hay nhất là nếu Quốc Hội đồng ý thì ông sẽ đánh Syria, nếu Quốc Hội lắc đầu thì ông tính cách khác. Nhưng trong lúc này, theo cựu cố vấn của Tổng Thống George W. Bush, “tôi nghe là Tổng Thống Obama tin tưởng Quốc Hội sẽ bỏ phiếu thuận, cho phép ông mở cuộc oanh kích chớp nhoáng như cả thế giới đều biết ông sẽ làm.”

Những điều này được Tổng Thống Obama nói trong bài phát biểu đọc trưa Thứ Bảy vừa rồi. “Mặc dù tôi tin tưởng là tôi có quyền quyết định về quân sự mà không phải xin Quốc Hội chấp thuận, nhưng tôi thấy quốc gia sẽ vững mạnh hơn nếu chúng ta làm điều này, và hành động của chúng ta sẽ hữu hiệu hơn nhiều.” Tổng Thống Obama bảo tiếp “chúng ta nên tranh luận (về chuyện Syria) vì đây là vấn đề rất lớn, lớn hơn tất cả những vấn đề khác.”

Tối hôm đó, Tòa Bạch Ốc cũng gửi sang Quốc Hội bản dự thảo nghị quyết đồng ý để Tổng Thống Obama trừng phạt Syria. Bản dự thảo này không nói đến thời hạn, mục tiêu mà quân đội Hoa Kỳ sẽ phải thực hiện, nhưng có đoạn viết rằng Quốc Hội “dành toàn quyền cho Tổng Thống quyết định” làm những gì ông thấy cần thiết phải làm.