Dầu muốn hay không, tổng thống đã vẽ ra lằn đỏ ở Syria. Nếu lằn đỏ đó không được bảo vệ thì các chính phủ ở Nhật Bản, Israel, Ba Lan và ngay cả ở Việt Nam nữa sẽ cảm thấy ít an toàn hơn.


Tôi có hai câu chuyện liên quan đến cái chữ “sen đầm” này.

Hồi tôi còn ở tù ở Chí Hòa trong cái giai đoạn mà cả nước đi tù sau năm 1975, khu nữ là nơi mà mấy anh cai tù, mà chính quyền cho cái tên hoa mỹ là quản giáo, thích đến và cũng thích huênh hoang. Trong số này có một anh chàng thuộc loại “dốt đặc” nhưng vẫn thích khoe, theo cái kiểu, “Ở ngoài Bắc xe hơi tủ lạnh chạy đầy đường.”

Có một hôm, hẳn mới được học tập chính trị, anh chàng vào ba hoa nói về sự “thâm độc của đế quốc Mỹ Ngụy.” Trong phòng nữ khu AB đó có đủ cả, từ một đại úy quân đội Việt Nam Cộng Hòa bị bắt vì đã tham dự một cố gắng tổ chức kháng chiến chống lại kẻ xâm lăng. Cũng có một bà cán bộ hồi chánh, sau khi miền Nam thất thủ, đã vội vàng chạy kiếm một chỗ để làm vua một cõi. Chỉ ít lâu sau, những đồng chí cũ của bà ta khám phá ra, thế là bà lại bị bắt vào tù. Nhưng đông nhất là một nhóm các cô sinh viên đi vượt biên bị bắt đưa về. Các cô còn trẻ, tính tình nghịch ngợm. Thấy ông cán ba hoa, “Cái ‘thằng Mỹ’ sen đầm quốc tế nó thâm độc lắm,” các cô không nhịn được hỏi “Thế sen đầm là gì?” Ông cán lúng túng, ấp úng một hồi rồi bảo, “Nó là cái con sen đầm đó, nó thâm độc lắm.”

Nghĩ tội nghiệp cho ông lính công an bởi quả thật thời đó báo chí thường xuyên chỉ trích chê bai vai trò “sen đầm quốc tế” của Hoa Kỳ. “Sen đầm,” phiên âm từ chữ gendarme của tiếng Pháp, thực ra chỉ là một ông cảnh sát. Và mỉa mai thay ngày nay chính Hà Nội đang tìm tới người cảnh sát quốc tế đó để cầu viện.

Câu chuyện thứ nhì là từ thời học trò. Hồi đó tôi được học bài thơ “If” của Rudyard Kipling. Bài thơ đó ngày nay mà đưa vào trường học thì hẳn sẽ bị bảo là thủ cựu và lạc hậu, không có “cool” tí nào cả. Nhưng thế hệ chúng tôi ngây thơ hơn nhiều nên vẫn khá thích thú. Nhưng cũng chỉ biết có mỗi một bài. Mãi đến khi sang Mỹ đi học, tôi mới được biết đến một bài thơ nữa của nhà thơ đã có thời là thi sĩ của Ðế quốc Anh, đã có một bài thơ tặng cho Hoa Kỳ khi Hoa Kỳ theo chân các cường quốc Tây Phương, chiếm Philippines làm thuộc địa.

Tôi còn nhớ mang máng Kipling khuyến khích Hoa Kỳ hãy:

“Take up the white man's burden...
The savage wars of peace
Fill full the mouth of famine
And bid the sickness cease.”

(Hãy gánh gánh nặng người da trắng/chiến tranh tàn nhẫn của hòa bình/Cho những miệng đói ăn/ và làm ngưng bệnh tật)

quannoiday syriaNgày nay, như ký mục gia Gideon Rachman của tờ Financial Times nhận xét, Hoa Kỳ có một tổng thống da đen và không một nhà trí thức nào dám dùng cái ngôn ngữ đế quốc của Kipling. Nhưng cái ý tưởng là Hoa Kỳ gánh một gánh nặng đặc biệt trong việc làm viên cảnh sát giữ trị an cho thế giới thì vẫn còn đó. Ngay chính Tổng Thống Barack Obama cũng nói đến cái vai trò đặc thù đó trong lời kêu gọi phải có hành động về Syria. “Chúng ta là Hoa Kỳ,” tổng thống tuyên bố, phác họa vai trò đặc biệt mà quốc gia của ông đã đóng trong việc tạo dựng và bảo vê trật tự thế giới hậu 1945.

Nhưng liệu Hoa Kỳ có còn chuẩn bị đóng vai trò làm người cảnh sát bảo vệ cho thế giới và tiếp tục chiến đấu trong “những trận chiến tàn nhẫn cho hòa bình”? Câu hỏi đó đang ám ảnh cuộc tranh luận tại Quốc Hội về can thiệp ở Syria. Sự ngần ngại của chính tổng thống và các cuộc thăm dò dư luận ở Hoa Kỳ đã cho thấy là nhiều người Mỹ rất nghi ngờ. Họ lại càng bị ảnh hưởng thêm bởi quyết định của Quốc Hội Anh muốn không tham dự vào bất cứ một cuộc can thiệp quân sự nào ở Syria. Kể cũng phải, gần 80 năm sau khi ông Kipling qua đời, nhiều người ở Anh nay coi quyết định của Quốc Hội là một chỉ dấu là Anh Quốc sau cùng đã gỡ bỏ được cái bản năng hậu đế quốc muốn làm cảnh sát cho thế giới, ngay dầu chỉ là làm phó sheriff cho Hoa Kỳ.

Anh Quốc là cường quốc quân sự thứ tư của thế giới và thành viên của Hội Ðồng Bảo An, thành ra một quyết định như vậy hẳn sẽ có ảnh hưởng toàn cầu. Nhưng nếu Hoa Kỳ chọn một con đường tương tự, nó mới thật là rung trời lở đất. Ðiều còn đáng sợ hơn nữa là chuyện đó có thể sẽ trở thành sự thật. Hoa Kỳ đã quá mệt mỏi vì chiến tranh sau Iraq và Afghanistan và nền kinh tế đã bị yếu đi vì cuộc khủng hoảng vừa qua. Trong khi đó, cuộc cách mạng shale gas đã làm cho Hoa Kỳ không còn lệ thuộc vào dầu thô của vùng Trung Ðông nữa. Người dân Mỹ, kể cả tổng thống, không còn chút ảo tưởng nào là quân đội của họ sẽ được chào đón ở các quốc gia khác. Thay vì vậy, như Kipling đã khuyến cáo, họ đã học để lúc nào cũng chờ đợi “sự đổ lỗi của những người đã được giúp đỡ/ Sự oán ghét của những người được bảo vệ.”

Cũng như ở Anh quốc, một khoảng cách lớn đang phân chia ở Hoa Kỳ giữa những người có trách nhiệm về chính sách ngoại giao và coi lẽ đương nhiên là phải canh phòng cho thế giới, trong khi dân chúng nói chung thì rất hoài nghi. Những cuộc thăm dò dư luận cho thấy hai phần ba dân chúng Anh hài lòng với quyết định của Quốc Hội về Syria. Ở Hoa Kỳ, cuộc tranh luận trong Quốc Hội xảy ra trong một bối cảnh tương tự với các cuộc thăm dò dư luận đi từ nghiêng ngửa đến phe chống can thiệp đông hơn phe ủng hộ.

Cũng phải thông cảm cho Tổng Thống Obama và nhân dân Hoa Kỳ. Lo ngại về một cuộc can thiệp vào Syria là chính đáng. Sau kinh nghiệm đau thương ở Iraq, nơi các phe phái đã không đồng ý nổi với nhau để cùng cai trị và đe dọa nội chiến lại bắt đầu được nói đến. Sau kinh nghiệm Afghanistan, nơi bao nhiêu xương máu của Hoa Kỳ và đồng minh đã đi đến kết luận là triển vọng Taliban trở lại ngày càng rất có thể xảy ra. Và nhất là sau kinh nghiệm của cuộc can thiệp vào Libya, nơi các phe cấp tiến đã không đủ sức để cai trị và biến vùng đất này thành một ổ hoạt động cho al-Qaeda, nơi một ông đại sứ được chính người Libya mến chuộng đã bị hạ sát ngay trong tòa tổng lãnh sự.

Hơn thế, như Tướng Dempsey đã khẳng định tại Hạ Viện, làm sao có thể nói là sẽ không có nguy cơ leo thang. Tổng thống khẳng định là ông chỉ muốn một tấn công giới hạn, nhưng có một số câu hỏi ông không có câu trả lời. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu ông Bashar al-Assad, không những không bị cản trở, tiếp tục sử dụng vũ khí hóa học? Liệu Hoa Kỳ có một viễn ảnh chính trị thực tế cho tương lai của Syria không? Bắn một mớ hỏa tiễn tuần du vào Syria, và hy vọng là bằng một phép lạ nào đó nó sẽ cải thiện tình hình thì quả không phải là một chiến lược mà chỉ là một ước muốn hão huyền.

Cũng phải thêm là tuy từ sau năm 1945 đến nay, Hoa Kỳ đã đứng ra làm người bảo đảm cho an ninh toàn cầu, nhưng không phải lúc nào Hoa Kỳ cũng can thiệp vào mọi cuộc chiến hay tìm cách ngăn cản mọi vi phạm nhân quyền. Hoa Kỳ đã không can thiệp vào Chiến tranh Iran-Iraq hồi thập niên 1980, một cuộc chiến không khác gì ở Syria hiện nay, khi Hoa Kỳ cảm thấy khó tin tưởng ở cả hai phe lâm chiến.

Khái niệm về can thiệp vào những cuộc nội chiến đặc biệt tàn nhẫn, hay là cưỡng bách thi hành lệnh cấm với một vũ khí nào đó, thực ra mới nổi lên từ thập niên 1990. Nó phát xuất từ cuộc thảm sát kinh hồn ở Rwanda nơi máu chảy đỏ sông, hay cuộc chiến ở Bosnia nơi vụ thảm sát ở Shrebrenica đã làm sống dậy lương tâm của một số lãnh tụ. Thêm vào đó là sự phát triển của một chủ thuyết mới về “vũ khí có sức hủy diệt hàng loạt” là một phần của cuộc chiến chống khủng bố sau ngày 11 tháng 9.

Dĩ nhiên việc Quốc Hội bác bỏ can thiệp vào Syria sẽ là trở về với một lập trường cổ truyền và giới hạn về liệu những hành động nào của một quốc gia khác có thể biện minh cho việc triển khai sức mạnh quân sự của Hoa Kỳ. Thành ra trên nguyên tắc, việc không can thiệp vào Syria không có nghĩa là ông sheriff Hoa Kỳ đã gác súng về hưu. Khổ một nỗi, không hành động, không những khuyến khích ông Assad thêm quá khích, mà còn sẽ bị diễn dịch bật đèn xanh bởi nhiều quốc gia khác. Cho đến nay, niềm tin là “lằn đỏ” của Hoa Kỳ có một ý nghĩa đã là nền tảng của kiến trúc an ninh toàn cầu, từ Thái Bình Dương đến Vùng Vịnh đến liên hệ Nga Ba Lan.

Dầu muốn hay không, tổng thống đã vẽ ra lằn đỏ ở Syria. Nếu lằn đỏ đó không được bảo vệ thì các chính phủ ở Nhật Bản, Israel, Ba Lan và ngay cả ở Việt Nam nữa sẽ cảm thấy ít an toàn hơn. Thực sự, tuy không ý thức, nhưng thế giới ngày nay cần “viên sen đầm” Hoa Kỳ hơn bao giờ hết, vì hé lộ ở chân trời là một quốc gia đang muốn giành bá quyền.