“bất kể chuyện gì xảy ra, bất kể thỏa hiệp nào đã đạt được thì thái độ chần chừ của Hoa Kỳ chỉ có lợi cho một người là Tổng Thống Bashar Al-Assad của Syria."


Câu chuyện rôm rả cả ngày Thứ Bảy. Trên nguyên tắc, nhóm bạn - trong đó có dăm bảy ông bà nhà báo - gặp nhau để xem trận cà na giữa Alabama và Texas A&M, sau đó là ăn tối để chờ xem trận đấm trị giá bạc trăm triệu của Floyd Mayweather Jr., nhưng từ giữa trưa đã có tranh cãi chỉ vì bản tin được gửi từ Geneve: Ngoại Trưởng Hoa Kỳ John Kerry thông báo đã đạt được thỏa thuận với Nga để giải quyết kho võ khí hóa học của Syria.

john kerry sergei lavrovNgoại Trưởng John Kerry (trái) và Ngoại Trưởng Sergei Lavrov tại cuộc họp báo ở Geneva, Thụy Sĩ, sau khi hai bên đạt thỏa thuận về Syria. (Hình: Larry Downing/AFP/Getty Images)

Thỏa thuận giữa 2 cường quốc “là dấu hiệu mới nhất cho thấy chiến tranh sẽ không xảy ra,” theo lời ông chủ nhà, “sẽ làm hài lòng người dân Mỹ vốn chán ghét chiến tranh.” “Ðây là giải pháp chính trị giúp Tổng Thống Barack Obama thoát hiểm” vì từ đầu ông sếp nước Mỹ bảo nhất định sẽ trừng phạt nhà cầm quyền Damascus về tội sử dụng “võ khí hóa học giết dân” là ý kiến của người thứ nhì, giải thích thêm “ông Obama không còn cách nào hơn là phải gật đầu làm việc chung với Nga vì cả Quốc Hội, dân chúng Hoa Kỳ lẫn dư luận quốc tế đều không ủng hộ để ông mở cuộc oanh kích như đã dự tính.” Người thứ ba góp ý kiến, nhắc lại phát biểu của ông phát ngôn viên Bộ Quốc Phòng George Little cho biết “quân dội vẫn sẵn sàng để chờ lệnh tổng thống, chứng tỏ ngòi nổ chiến tranh vẫn chưa tháo gỡ hẳn đâu,” phải chờ xem tình hình sau này diễn ra như thế nào rồi mới biết được. Ngồi ở một góc phòng là ông nhà báo từ California mới dọn sang Washington D.C. làm việc, góp ý bằng câu “bất kể chuyện gì xảy ra, bất kể thỏa hiệp nào đã đạt được thì thái độ chần chừ của Hoa Kỳ chỉ có lợi cho một người là Tổng Thống Bashar Al-Assad của Syria. Ông này tưởng đã chết nhưng bây giờ lại sống, tưởng mất ghế lãnh đạo nhưng bây giờ ghế tổng thống của ông ta lại vững vàng hơn.”

Câu nói nghe tưởng như đùa đó đưa mọi người trở về với thực tế.

Giải pháp Hoa Kỳ và Nga mới đạt được sau 3 ngày bàn thảo thật sôi nổi ở Geneve không chỉ giúp Tổng Thống Obama vượt qua khó khăn chính trị mà còn là “món quà trên trời rớt xuống” giúp chính quyền Bashar Al-Assad vững tâm hơn. Từng có lúc bị đe dọa bằng súng đạn, bây giờ tiếng súng khai hỏa khó nổ vì mọi chuyện đều phải thông qua ngả Hội Ðồng Bảo An; từng có thời bị lên án là một chính quyền không đại diện cho người dân Syria, bây giờ trở thành một chính phủ có đầy đủ tư cách pháp lý để có mặt trong tất cả những cuộc đàm phán quốc tế, khởi đầu là cuộc đàm phán sẽ bắt đầu nội trong một vài ngày tới để nói chuyện về kho võ khí hóa học Damascus đang có, kế đến là vòng đàm phán giải quyết cuộc nội chiến kéo dài đã hơn 2 năm.

Tất cả những người theo dõi sát thời cuộc vẫn chưa quên lời ông phát ngôn viên Day Carney nói hôm 18 Tháng Bảy năm nay “al-Assad sẽ chẳng bao giờ có cơ hội điều khiển cả nước Syria,” ám chỉ Washington sẽ tìm giải pháp “để lực lượng nổi dậy giữ miền Bắc, các vùng còn lại thuộc về al-Assad,” theo lời giải thích của chuyên gia Joshua Landis đang điều khiển Trung Tâm Nghiên Cứu Trung Ðông của Viện Ðại Học Oklahoma. Bây giờ với thỏa thuận đạt được với Nga, “chuyện al-Assad phải ra đi như Tổng Thống Obama thường nói hay phải chia lãnh thổ như ông phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc đã bảo là điều rất khó xảy ra.” Lý do: “khi gật đầu làm việc với Nga, phía Hoa Kỳ hiểu rằng bên cạnh Nga là Syria, và cả Moscow lẫn Damascus không bỏ lỡ cơ hội để nắm thế thượng phong,” cho biết thêm ông tin “tất cả những gì Nga gật đầu với Hoa Kỳ chỉ xảy ra sau khi al-Assad gật đầu với Nga.”

Liên minh Nga-Syria “đang nắm thế thượng phong” cũng là điều được 2 vị thượng nghị sĩ Cộng Hòa John McCain và Linsay Graham nói đến trong bản tuyên bố chung phổ biến hôm Thứ Bảy tuần trước, ngay sau khi được thông báo chi tiết những điều khoản Ngoại Trưởng John Kerry đạt được trong cuộc thương thuyết với Ngoại Trưởng Nga Sergei Lavrov. Hai vị nghị sĩ ủng hộ oanh kích Syria và được đích thân Tổng Thống Obama hứa hẹn sẽ nỗ lực hơn trong kế hoạch yểm trợ lực lượng nổi dậy lật đổ chính quyền al-Assad cho rằng “không thể nào ngờ” Hoa Kỳ lại “lọt vào tròng của al-Assad và Vladimir Putin” khi thỏa thuận những điều khoản có lợi cho Nga và Syria hơn là có lợi cho nước Mỹ, e ngại thái độ nhượng bộ này sẽ khiến Hoa Kỳ gặp khó khăn trong tương lai khi nói chuyện với Iran, đòi hỏi Tehran phải hủy bỏ chương trình võ khí nguyên tử mà họ đang theo đuổi.
Ngay Thượng Nghị Sĩ Dân Chủ Bob Casey của tiểu bang Pennsylvania - một mặt - xem kết quả cuộc thương thuyết là “một điều đáng khích lệ,” mặt khác tin rằng Nga và Syria bị buộc ngồi vào bàn hội nghị “sau khi Hoa Kỳ đe dọa sẽ dùng võ lực.” Ông Bob Casey cho biết đã nói chuyện với nhiều viên chức của Tòa Bạch Ốc, “nhắc nhở họ rằng chúng ta vẫn phải tiếp tục dùng quân sự làm áp lực để buộc Syria thi hành đúng những gì chúng ta đã đạt được với (đồng minh của họ là) Nga.”

Trước những phản ứng khá gắt gao này, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ và dàn cố vấn cao cấp của Tổng Thống Obama cho hay “biện pháp quân sự vẫn còn đó” và “Tổng Thống Obama sẵn sàng sử dụng biện pháp này nếu Syria không tuân thủ những điều khoản được ghi trong thỏa thuận Nga-Mỹ.” Ngay ở cuộc họp báo tại Geneve, Ngoại Trưởng Kerry cũng nói tới điểm này, cho biết trong trường hợp chính quyền al-Assad không giao nộp võ khí hóa học, lúc đó “sẽ có nhiều phương thức để giải quyết vấn đề qua ngả Hội Ðồng Bảo An Liên Hiệp Quốc.” Nhưng chính Ngoại Trưởng Kerry cũng nhắc nhở mọi người “trong 2 năm qua Nga lúc nào cũng bỏ phiếu chống lại mọi biện pháp Hội Ðồng muốn áp đặt với Syria,” do đó ông bảo chuyện sử dụng võ lực đối với Syria “có thể sẽ đi qua ngả của Hội Ðồng Bảo An, hay có thể là quyết định của tổng thống Hoa Kỳ và những quốc gia đồng minh chia sẻ cùng quan điểm.”

Những lời lẽ mạnh mẽ đó có đủ trấn an giới quan sát chính trị hay không? Câu trả lời: chưa hẳn! Trong bài viết đăng tải trên tờ The Washington Times, học giả chuyên về Trung Ðông Michael Rubin của Viện Nghiên Cứu AEI cho hay đối với Hoa Kỳ “thương thuyết là giải pháp để giải quyết vấn đề” còn đối với Nga “thương thuyết chỉ là một đòn chính trị, họ sử dụng để kéo dài thì giờ chứ không giải quyết được điều gì cả.”

Ðiều đó có nghĩa là sẽ có lợi cho ông Bashar al-Assad.