main billboard

“Tại sao các ông tàn nhẫn quá vậy?”


hatuanphongÔng Hạ Tuấn Phong (Xia  Junfeng) (Ảnh Europics)

Hôm Thứ Tư vừa qua, ông Hạ Tuấn Phong, một người bán dạo đã bị xử tử. Ở một đất nước mà hầu hết dân chúng đồng ý với án tử hình, vụ hành quyết ông đã tạo một làn sóng phản đối dữ dội bởi cái chết của người bán hàng rong đó đã trở thành tiêu biểu cho bất công trong hệ thống pháp lý của Hoa lục.

Không ai nghi ngờ gì việc ông Hạ Tuấn Phong giết người. Bởi cách đây bốn năm, trong một giây phút hốt hoảng, sợ hãi, ông đã đâm chết hai tên thành quản vốn đã tìm cách trừng phạt ông vì đã bán thịt nướng rong mà không có giấy phép.

Sáng hôm Thứ Tư, ông Hạ, một công nhân thất nghiệp, có vợ và một cậu con trai 13 tuổi, đã bị hành quyết ở tỉnh Liêu Ninh. Cái chết của một người hèn kém như ông Hạ đã tạo nên một làn sóng phản đối tràn ngập địa chỉ Sina Weibo, một thứ Tweeter của Trung Quốc. Ban kiểm duyệt làm việc cật lực nhưng nhiều ngàn thông điệp vẫn được đưa ra lên án vụ xử tử ông.

Ðại đa số tập trung vào sự bất công trong vụ xử, nhưng một số không khỏi so sánh số phận của ông với số phận của một người nữa cũng mới bị kết án tử hình về tội sát nhân, bà Cốc Khai Lai, vợ của một lãnh tụ đã bị hạ bệ Bạc Hy Lai. Bà Cốc đã thú nhận âm mưu ám sát một doanh gia người Anh. Nhưng vì bà là thuộc dòng máu lãnh tụ, bà đã được án tử hình treo, có nghĩa là bà đã được đổi sang án chung thân thay vì tử hình.

“Nếu Cốc Khai Lai có thể được cho sống sau khi đầu độc một người đến chết thì Hạ Tuấn Phong không thể bị hành quyết,” một giáo sư của Viện Ðại Học Trung Quốc về Chính trị và Luật ở Bắc Kinh viết. Ông thêm, “Thật là một ước mơ hão huyền khi cả quyết là tất cả mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, nhưng quả thật khó coi khi biến lý tưởng này thành một trò hề.”

Ðiều còn đáng ngạc nhiên hơn nữa là trường hợp của ông Hạ đã được tường thuật một cách đầy cảm tình từ một trong những tờ báo rất thân cận với nhà nước. Hoàn Cầu Thời Báo, một tờ báo lá cải trực thuộc Nhân Dân Nhật Báo, cơ quan ngôn luận chính thức của đảng Cộng sản Trung Quốc, đã diễn tả vụ này là một tấm thảm kịch cho tất cả mọi người trong cuộc. Và điều còn đáng ngạc nhiên hơn nữa là Tân Hoa Xã, cơ quan thông tấn chính thức của Bắc Kinh, đã cho đăng trên website của họ một loạt những bức tranh cảm động của cậu bé con trai ông Hạ, kể cả một bức cho thấy đứa con chạy tới ôm lấy bố mình.

Trong khi đa số cảm tình dành cho ông Hạ phản ảnh sự thù ghét của dân chúng với đám thành quản, một thứ bảo vệ mà các đơn vị hành chánh thuê để làm những công việc mà đến công an của họ cũng không muốn làm, nó cũng làm nổi bật sự hoàn toàn không tin tưởng vào hệ thống pháp lý của nhà nước. Dân chúng biết rõ là cái gọi là hệ thống tòa án hoàn toàn bất lợi cho bị can và là một khí cụ của nhà nước để bảo vệ cho quyền lợi của đảng và nhà nước. Luật sư Ðằng Bưu, người đại diện cho ông Hạ trong khi ông kháng án, đã thẳng thắn nói bản án này là nhằm để gửi một thông điệp là bất cứ một thách thức nào với nhà nước, ngay cả với những kẻ thừa hành thấp hèn nhất của nhà nước, cũng sẽ không được dung thứ.

Ông giải thích, “Nhà chức trách muốn phô trương bắp thịt của họ.”

Hầu hết chi tiết về vụ án không ai tranh cãi. Hồi tháng 5 năm 2009, ông Hạ và bà vợ đang bán thịt nướng ở trên đường phố tại thành phố Thẩm Dương, thủ phủ tỉnh Liêu Ninh, khi mười tên thành quản bao vây họ. Những tên này giựt lấy cái bình gas mà họ dùng để đốt lò, ném mấy cây xiên xuống đất rồi nắm lấy ông Hạ và bắt đầu đánh ông khi ông tìm cách chống cự. Vụ đánh đập nghe đâu tiếp tục ở trụ sở của ban thành quản gần đó. Và chính ở đó, theo các luật sư, ông Hạ đã rút con dao cắt trái cây trong túi ra, và đâm ba tên thành quản đang hành hạ ông, giết được hai tên.

Luật Sư Ðằng nói là tòa án từ chối không chịu nghe sáu nhân chứng muốn giải thích rõ là ông Hạ đã hành động để tự vệ. Cuối cùng, thẩm phán chỉ chấp nhận những lời khai của đám thành quản, và các tòa trên cũng vậy. Luật Sư Ðằng bực tức nói, “Ðây là một trường hợp hết sức bất công.” Ông còn chỉ ra là muốn kết án cố ý sát nhân đòi hỏi bằng cớ tội ác này được tính toán trước, có tiền ý.

Hơn thế, vụ ông Hạ chỉ là một trong một loạt những đụng độ giữa dân chúng với thành quản, vốn được giao cho nhiệm vụ áp đặt những luật lệ vặt như vệ sinh, cấm lấn chiếm lòng lề đường, giấy phép bán rao, và những luật nhỏ mà công an không thèm bận tâm tới. Hồi tháng 7, một ông 56 tuổi bán dưa đỏ ở tỉnh Hồ Nam đã té xỉu và gục chết trên đường sau khi một tên thành quản dùng quả cân trong cái cân của ông đánh vào đầu ông.

Bên thành quản thì biện minh nói họ cũng là nạn nhân của bạo hành, đưa ra một thí dụ hồi tháng 3 năm ngoái khi một tên thành quản tìm cách ngăn chặn một người xây nhà lậu ở tỉnh Hồ Bắc đã bị người dân làng tức giận vác búa chém chết.

Vụ của ông Hạ không khác gì vụ của một người bán lạp xưởng dạo ở Bắc Kinh cũng không có giấy phép bán hàng. Ông này bị kết án năm 2007 về tội chém chết một viên thành quản đã tịch thu cái xe của ông. Vụ đó cũng được dân chúng theo dõi và bày tỏ cảm tình rất nhiều, có điều ít nhất trong vụ đó bị cáo được lãnh án tử hình treo.

Trong những tháng gần đây, khi vụ án của ông đang chờ quyết định của tòa án tối cao của Trung Quốc, số phận của ông Hạ đã được một làn sóng dân chúng ủng hộ. Ðó thường là một yếu tố ảnh hưởng đến quyết định của thẩm phán trong những vụ tạo nhiều phản ứng. Một quỹ để thuê luật sư cho ông nhận được ào ạt tiền đóng góp, và báo chí đã tìm cách tạo cho ông thêm tư cách, diễn tả ông và bà vợ, trước kia làm bồi phòng ở một khách sạn, đã cố gắng tiếp tục cho cậu con trai được học vẽ.

Một cuốn sách gồm những bức tranh cậu bé đã vẽ, được xuất bản để gây quỹ cho gia đình, bán hết nguyên 5,000 cuốn.

Hôm sáng Thứ Tư, sau khi tin đưa ra là Tòa án Nhân dân Tối cao đã bác đơn kháng cáo của ông, bà vợ ông, đã ghi lại cuộc chia tay lần cuối với chồng mình trong một lô những blog đưa lên Internet, đã được mọi người trên toàn quốc chăm chú theo dõi. Bà kể là mẹ bà đã té quỳ xuống khóc lóc, và nói là đám lính canh từ chối không cho họ được phép chụp một tấm hình kỷ niệm cuối cùng. Bà viết, “Tại sao không cho được đến một tấm hình để con trai anh ấy còn có thể thấy bố? Tại sao các ông tàn nhẫn quá vậy?”

Phải chăng nhân dân Trung Quốc cũng đang đặt một câu hỏi như vậy đối với nhà nước và đảng Cộng sản. “Tại sao các ông tàn nhẫn quá vậy?” Hay là như lời phê bình trên Sina Weibo “Ðây không phải điều chúng ta muốn. Chiến đấu cho đến lúc bóng tối tan biến đi.”

Nghe đâu sau khi kiểm duyệt đã xóa hết những lời blog, tweet chê bai, vẫn còn một điều còn sót lại, không biết vì cố tình hay vô ý, bức tranh của cậu con trai ông Hạ, vẽ một ông bố cõng con. Ông bố ngoái đầu nhìn con âu yếm. Cậu con trai nhắm mắt hài lòng. Thật quả là một bức hình còn ý nghĩa hơn vạn lời nói.