main billboard

“Bạo lực chỉ có thể được che đậy với một lời nói dối, và lời nói dối chỉ có thể được duy trì nhờ bạo lực. Ai từng đem bạo lực ra làm cách thức rồi chắc chắn sẽ buộc phải lấy dối trá làm nguyên tắc.” (Aleksandr Solzhenitsyn)


Nhắc đến Võ Nguyên Giáp người ta không quên Ðiện Biên Phủ. Nhớ đến Ðiện Biên, người cộng sản Việt Nam thường ca tụng bốn anh hùng tiêu biểu của người lính “cụ Hồ,” đó là Bế Văn Ðàn lấy vai làm giá súng, Tô Vĩnh Diện dùng thân chèn pháo, Phan Ðình Giót lấy thân mình lấp lỗ châu mai, Trần Can hiên ngang dẫn đầu tiểu đội vượt qua lô cốt tiền đồn để xông vào sở chỉ huy của Pháp, cắm cờ lên cứ điểm Him Lam.

Bế Văn Ðàn, liên lạc viên tiểu đội, ở Mường Pồn, khẩu trung liên của trung đội chưa bắn được vì không có chỗ đặt súng. Trong tình thế hết sức căng thẳng, đang bị thương, Bế Văn Ðàn không ngần ngại chạy lại cầm hai càng khẩu trung liên đặt lên vai mình và hô đồng đội bắn. Trong lúc lấy thân mình làm giá súng, Bế Văn Ðàn bị hai vết thương nữa và hy sinh, hai tay vẫn còn ghì chặt súng trên vai mình. Ðây là một kịch bản khó tin dành cho những người điên, vì khi hai càng của khẩu trung liên đặt trên hai vai, nòng súng nằm sát trên đỉnh đầu, tiếng nổ sẽ làm cho vỡ màng nhĩ và chấn động não bộ, cũng như lửa từ nòng súng sẽ làm cháy tóc và da mặt!

dukhach dienbienphuHai du khách thăm hầm chỉ huy của Pháp tại chiến trường Ðiện Biên. (Hình: Hoang Dinh Nam/AFP/Getty Images)

Tô Vĩnh Diện, tiểu đội trưởng pháo cao xạ, thì qua 5 đêm kéo pháo ra đến dốc Chuối, đường hẹp và cong rất nguy hiểm, nửa chừng dây kéo pháo bị đứt, pháo lao nhanh xuống dốc, trong hoàn cảnh hiểm nghèo đó, Tô Vĩnh Diện hy sinh lấy thân mình chèn vào bánh pháo, nhờ đó đơn vị kịp ghìm giữ pháo dừng lại. Người ta nghĩ rằng đây là chuyện bịa, vì sau khi Diện được truy tặng danh hiệu anh hùng, các tài liệu phía cộng sản mô tả, nơi thì nói là đơn vị ông là đơn vị pháo 105mm, nơi thì nói là pháo cao xạ 37mm. Ngay ngày tháng xẩy ra vụ việc nhiều tài liệu ghi chép Tô Vĩnh Diện chết vào tháng 3 năm 1953, nhưng trên bia mộ lại khắc ngày chết là ngày 21 tháng 1 năm 1954. Nếu là pháo 105 mm, thì xương thịt của một người khoảng 50kg không thể nào giữ nỗi một dàn súng đang lao xuống vực.

Phan Ðình Giót, tiểu đội phó, trong trận đánh đồi Him Lam, đã bị thương vào vai, máu chẩy đầm đìa, nhưng bất ngờ từ hỏa lực ở lô cốt số 3 của lính Pháp bắn rất mạnh vào đội hình đang xung phong, Giót đã dùng hết sức mình còn lại nâng tiểu liên lên bắn mạnh vào lỗ châu mai, miệng thì hô to: “Quyết hy sinh... vì Ðảng... vì dân!!...” rồi rướn người lấy đà, lao cả thân mình vào bịt kín lỗ châu mai địch. Nhờ vậy hỏa lực của lô cốt này bị dập tắt, toàn đơn vị “ào ạt xông lên như vũ bão,” tiêu diệt gọn cứ điểm Him Lam.

Trần Can, đại đội phó, trong trận đánh đồi Him Lam mở đầu cho chiến dịch Ðiện Biên Phủ, được giao nhiệm vụ chỉ huy tiểu đội cắm cờ lên đồn Pháp. Mặc dầu hỏa lực quân Pháp bắn ra dữ dội, Can dẫn đầu tiểu đội vượt qua lô cốt tiền đồn, qua được trận địa, nhẩy lên lô cốt cắm cờ.

Trừ chuyện Trần Can hy sinh chịu chết để cố gắng cắm cờ là chuyện thường tình trong các trận chiến, còn các chuyện bịt lỗ mai, lấy thân chèn đại bác đang lao xuống vực hay lấy thân làm giá súng trong “huyền thoại” Ðiện Biên Phủ, đều là những chuyện phịa, mà những cấp chỉ huy ngoài mặt trận, từng tham gia chiến tranh đều thấy điều vô lý của nó.

Càng phịa hơn nữa là sử sách cộng sản Việt Nam đều chép rõ, mà không thấy điều phi lý, vô nghĩa: “Hiện nay tại Ðiện Biên Phủ, có ba nghĩa trang liệt sỹ, là nghĩa trang phía gần đồi Ðộc Lập, nghĩa trang gần đồi Him Lam và nghĩa trang gần đồi A1, có tổng cộng là 3.976 ngôi mộ. Năm 1954, một trận lũ lớn vào cuốn trôi các bia mộ nên 3.972 mộ đều trở thành mộ vô danh. Chỉ có 4 ngôi được đặt riêng biệt là mộ các anh hùng Bế Văn Ðàn, Phan Ðình Giót, Tô Vĩnh Diện, Trần Can là còn ghi nhận được.”

Có nghĩa là trận lụt lũ đã san bằng 3,968 ngôi mộ, đất đá vô tri, không chừa một ai, nhưng sao bốn ngôi mộ liệt sĩ nói trên lại còn, để cho hậu thế noi gương... anh hùng. Mặt khác, trong trận chiến quyết liệt của Ðiện Biên Phủ, tử sĩ của cả hai bên, phải bỏ tại chỗ hoặc vùi nông, có đâu lại được bia mộ đàng hoàng. Bế Văn Ðàn chết ở Mường Phồn, Phan Ðình Giót ở Him Lam, Tô Vĩnh Diện ở Mường Thanh, những cứ điểm này xa nhau hàng cây số, làm sao có thể phân biệt được anh hùng hay không anh hùng, để đem bốn xác chết này chôn gần nhau, mà dù cho thiên tai bão lụt cũng không thể nào xóa vết. Cứ dựng bia, khắc tên, ghi tuổi, nhưng dưới mộ để không, hay chôn xương trâu, xương bò thì cũng chẳng ai hay, gọi là “mộ gió.”

Ðiều đáng buồn là ngay những ông tướng tư lệnh, ở xa trận địa hàng chục cây số cũng nghe báo cáo láo, đem những chuyện vớ vẩn, khó tin này viết vào hồi ký của mình. Phải chăng trong xã hội ấy người ta đã làm láo, báo cáo láo, lâu ngày hòa đồng, không tin cũng viết, không tin cũng nói, tạo nên một xã hội gian dối lừa lọc, kẻ khác dối mình, thì mình lại dối với người khác. Những chuyện khó tin, lâu ngày thêu dệt, loa phóng thanh ra rả từng ngày, báo chí chạy những hàng chữ lớn, đảng chỉ đường, đảng nói không thể nào sai.

Sau đây không phải là những chuyện thật như đùa, mà những chuyện đùa bắt dân ngu phải xem là thật. Những chuyện “dũng sĩ diệt Mỹ” trong sách vở cộng sản có đến hàng nghìn chuyện bịa đặt, vô lý, buồn cười nhưng vẫn được đem làm kinh nhật tụng cho thiếu nhi dưới chế độ XHCN. Chúng tôi chỉ sơ lược kể hầu quý độc giả hai câu chuyện điển hình, một của “dũng sĩ diệt Mỹ tí hon” bỏ cát vào nòng súng Mỹ, và một của dũng sĩ “Hercule VC” dùng bàn tay sắt níu càng trực thăng Mỹ, khiến máy bay không làm sao cất cánh được, bị bắn tan tành.

Hồ Thị Thu ở Quảng Nam, năm 13 tuổi, một lần thấy địch phơi súng hàng loạt, chĩa nòng về dân quân du kích Việt Cộng như thách thức, bỗng lóe lên ý tưởng: bỏ cát, sạn vào nòng súng để chúng bắn không được. “Dũng sĩ” này vờ chơi trò trẻ con đem rổ đựng cát sạn, trên phủ lớp lá chuối, giả vờ nô đùa rồi bỏ cát, sạn vào nòng súng của lính Mỹ. Ðêm ấy du kích tấn công, Mỹ giương súng ra bắn nhưng đều bị toe nòng.

Một chuyện khác của “dũng sĩ” tí hon, là vào “nửa đêm, lính Mỹ gác đang ngáy khò khò, để súng lăn lóc”(nguyên văn), Hồ Thị Thu lẻn tới vác từng cây súng ra phía sau đồng, giấu đi. Rồi cứ thế vào... lấy tiếp. Ðến khi nghe gà gáy, biết trời sắp sáng, Hồ Thị Thu chạy về báo cho bộ đội địa điểm giấu súng.

Hồ Thị Thu là người con gái đầu tiên của miền Nam được phong Dũng sĩ diệt Mỹ, hai lần được gặp “bác Hồ,” năm 1970, được cử đi dự trại hè Thiếu nhi Quốc tế tại Liên Xô và được vợ chồng bà Ri-ta (ở thành phố Khác-cốp) nhận làm con nuôi. Bịp được cả “bác Hồ,” bịp được cả Liên Xô! Hay là Liên Xô cùng “bác Hồ” cũng cùng một giuộc!

“Xúi trẻ ăn cứt gà!” Tuyên truyền ấu trĩ như vậy mà dân cũng nghe.

Mỹ ngu như vậy, thua là phải!

“Dũng sĩ” Bùi Minh Kiểm, đặc công Quảng Nam “sau ba giờ cầm chân địch, bị thương ở tay và đầu, máu chảy ra nhiều nhưng vẫn kiên trì cầm súng bắn ngăn địch tiếp cận công sự. Giữa lúc cuộc giằng co đang diễn ra ác liệt thì địch huy động trực thăng bắn róc két, pháo kích lần hai. Giữa lúc “dầu sôi, lửa bỏng” ấy, đồng đội của ông Kiểm, tức ông cùng Nguyễn Phú Thao đã đưa ra một cách đánh táo bạo. Khi chiếc UH-1 rà tới chuẩn bị hạ thấp để bắn róc két thì ông Kiểm lao người lên dùng hai tay ghì càng máy bay xuống. Ðôi bàn tay thép như chiếc nam châm hút chiếc UH -1 xuống gần sát mặt đất. Viên phi công bất ngờ, chưa kịp gạt cần súng máy thì đã bị đồng đội của Bùi Minh Kiểm từ bên dưới bắn thốc lên, thẳng vào buồng lái. Chiếc máy bay mất thăng bằng loạng choạng lao xuống, nổ tan xác.”

Vì sao dân Việt Nam lại có người tin vào những chuyện quái đản này, nói như ông Tản Ðà, chẳng qua “Cũng bởi thằng dân ngu quá lợn/ Cho nên quân nó dễ làm quan!”

Không có gì hơn, để kết luận bài này, xin mượn thêm lời một người đã có kinh nghiệm với quốc tế Cộng Sản, cựu tổng bí thư đảng Cộng Sản Xô Viết, ông Mikhail Gorbachev: “Tôi đã bỏ một nửa cuộc đời cho lý tưởng cộng sản. Hôm nay tôi đau buồn mà thú nhận rằng: cộng sản chỉ biết “tuyên truyền và dối trá.”