main billboard

‘Nếu chúng ta cho đăng chuyện này, chúng ta sẽ bị đuổi khỏi Trung Quốc.’”


Cái câu “nhà báo nói láo ăn tiền” tuy là oan uổng nhất là đối với những nhà báo đứng đắn mà sự thật là kinh nhật tụng, nhưng cũng có phần đúng bởi bản chất của những người đi vào nghề làm báo là tò mò và sau khi tò mò tìm ra sự việc thì phải nói lên cho toàn thiên hạ biết.

Với bản chất đó, nhà báo sẽ rất bực mình và tức giận nếu tất cả công khó tìm tòi một sự việc bị chủ bút cấm không cho đăng. Ðó hẳn là thái độ của Michael Forsythe, phóng viên về Trung Quốc của Thông tấn xã Bloomberg, thường trú ở Hồng Kông. Và khi một nhà báo bực mình thì sẽ than thở, và than thở của một nhà báo thường là với các đồng nghiệp thành ra trong nghề làm báo khó có điều gì có thể giữ kín.

Câu chuyện bắt đầu hôm cuối tháng 10, khi bốn phóng viên của Bloomberg ở Hồng Kông túm tụm lại vào buổi tối để nhận một cú điện thoại cách đó 8 múi giờ từ Chủ bút Matthew Winkler. Và khi nghe xong lệnh của ông chủ bút, bốn nhà báo tức tối nhìn nhau. Phóng sự điều tra mà họ đã mất gần cả năm nay để thực hiện đưa ra chi tiết về liên hệ tài chánh giữa một trong những người giàu có nhất Trung Quốc và những gia đình của các lãnh tụ hàng đầu ở Bắc Kinh, sẽ không được đăng.

china censorshipNghe đâu, theo tờ New York Times dẫn lời những nhà báo biết đến cuộc bàn luận này, ông Winkler đã bênh vực cho quyết định của mình, so sánh việc tự kiểm duyệt này với các hãng thông tấn ngoại quốc tìm cách bảo vệ khả năng tường thuật bên trong nước Ðức dưới thời Nazi. Một trong những nhà báo kể lại, “Ổng nói: ‘Nếu chúng ta cho đăng chuyện này, chúng ta sẽ bị đuổi khỏi Trung Quốc.’”

Chưa hết, chưa đầy một tuần lễ sau, một bài thứ nhì, về các hoàng tử công chúa đỏ ở Trung Quốc được các ngân hàng ngoại quốc tuyển làm nhân viên, cũng bị cấm đăng.

Trong một email trả lời tờ Times, ông Winkler viết là bài báo này không bị hủy bỏ. Ông viết, “Ðiều quý ông nói là không đúng. Những bài này vẫn còn có hiệu lực và không bị bỏ.”

Nhưng nhiều nhân viên của Bloomberg ở Hồng Kông nói ông Winkler nói rõ trong cú điện thoại quan ngại của ông chính là về việc tiếp tục có phóng viên ở Trung Quốc, chứ không phải để bảo vệ lợi tức của công ty. Nhưng ngay cả trong trường hợp này, ông đã cho người nghe một cảm tưởng rõ ràng là công ty đang rút lui khỏi một số khía cạnh trong các tường thuật của họ về nền kinh tế lớn thứ nhì trên thế giới. Ðiều còn đáng nói hơn nữa là sự việc này xảy ra chỉ hơn một năm sau khi Bloomberg “đụng độ lớn” một hàng lãnh đạo của một quốc gia đã tỏ ra sẵn sàng trừng phạt các tổ chức báo chí quốc tế dám gây sự với họ.

Thông tấn xã Bloomberg đã làm Bắc Kinh nổi giận hồi năm 2012 khi họ cho phổ biến một loạt bài về tài sản cá nhân của gia đình các lãnh tụ, kể cả của tân Tổng Bí thư Tập Cận Bình. Tờ Times công nhận hoạt động của Bloomberg ở Trung Quốc đã bị ảnh hưởng từ lúc đó, với các nhà báo mới bị từ chối không cho thường trú, và việc bán dịch vụ cung cấp tin tài chánh cho các công ty quốc doanh chậm dần. Các viên chức Trung Quốc thường xuyên lập lại là mọi tin tức về tài sản và đời tư của các lãnh tụ Trung Quốc là vượt lằn đỏ.

Và cảm nhận của một số nhân viên của Bloomberg là công ty nay không muốn vượt lằn đỏ đó đã làm cho họ cảm thấy bất an.

Ðến tuần rồi, Bloomberg đã ngưng chức phóng viên Michael Forsythe. Tờ Times còn nói nguồn tin của họ là hai nhà báo của Bloomberg. Và chuyện ngưng chức này xảy ra sau khi tờ Times và nhiều cơ quan ngôn luận khác đưa ra câu chuyện về cú điện thoại của ông Winkler. Nhưng đồng tác giả phóng sự điều tra đó là Shai Oster thì chưa thấy bị ngưng chức.

Tờ Times còn kể lại là trước đó một tuần, sau khi cáo buộc tự kiểm duyệt được loan ra, phóng viên và chủ bút của văn phòng Bloomberg ở Hồng Kông đã đóng góp cho bài phóng sự không được đăng, được mời vào một loạt các cuộc gặp gỡ. Họ được hỏi thẳng về bản tin này trực diện hay qua các cú điện thoại với các sếp ở Hong Kong và New York. Hôm Thứ Tư, 13 tháng 11, ông Forsythe được yêu cầu đến phòng nhân viên rồi không thấy trở lại nữa.

Nhưng không phải chỉ có tờ New York Times tường thuật về vụ này. Tờ Financial Times ở Luân Ðôn thì trình bày câu chuyện qua trích dẫn những email liên lạc, lúc đầu ca ngợi bài phóng sự và có vẻ như là bài phóng sự sắp được đăng thì mới có lệnh cấm. Và tin về vụ ngưng chức đầu tiên được tường thuật bởi tờ New York Post.

Thông tấn xã Reuters, một đối thủ của Bloomberg, thì giải thích nguồn gốc của sự thay đổi thái độ của Bloomberg do sự can thiệp của người mà họ nói là một trong hai ông chủ của Bloomberg. Theo Reuters, Bloomberg LP, công ty mang tên Ðô trưởng New York Michael Bloomberg, thực sự có hai ông chủ. Ngoài ông Bloomberg còn có ông Tim Secunda. Và nếu ông Bloomberg, người đưa ông Winkler vào làm tổng chủ bút, là một người có nhiều tham vọng kể cả muốn là một ông vua truyền thông, ông Secunda chỉ có một mục tiêu trên đời đó là lợi nhuận.

Khen ngợi ông Winkler là đã một mình gây dựng nên một cơ quan thông tấn hàng đầu từ số không, Reuters nói ông vốn là một người mà bản chất là một nhà báo, và là một nhà báo muốn chứng tỏ là có thể vượt hơn các nhà báo khác. So với đối thủ Bloomberg News đã tỏ ra là nhanh hơn, sâu hơn, chính xác hơn, đáng tin cậy hơn, trong mỗi bản tin.

Mục đích đó của ông Winkler, theo nhà phân tích Felix Salmon của Reuters, đã làm cho ông Winkler đi ngược đường với ông Secunda, người mà ưu tiên duy nhất là dịch vụ cho khách hàng, và cho những người mua Bloomberg điều mà họ muốn. Theo ông Salmon, có vẻ những người mua Bloomberg, tuy muốn những tin tức gây chấn động thị trường, nhưng cũng không để ý lắm đến các tin tức khác “không” gây chấn động thị trường.

Thành ra trong khi ông Winkler đã xây dựng một đội ngũ nhà báo điều tra, mở ra Bloomberg Muse để tường thuật về nghệ thuật, ông Secunda cằn nhằn, hỏi tại sao Bloomberg News cần phải cung cấp đủ mọi thứ. Ông hỏi tại sao những người mua Bloomberg News không tìm những nội dung đó từ tờ New York Times chẳng hạn, nếu họ thấy cần? Chuyện đó có thể đúng nhưng ông Winkler không thích như vậy. Thế là ông Secundo bắt đầu âm mưu. Mấy năm gần đây ông Winkler đã mất quyền kiểm soát ở một số lãnh vực như Bloomberg Businessweek. Và đến mùa hè năm nay ông Secunda cho lập Bloomberg Media và giao chức tổng quản trị cho ông Justin Smith, với nhiệm vụ là làm cho Bloomberg News ít tốn tiền hơn.

Và quan trọng hơn là Bloomberg News đang làm cho Bloomberg LP, công ty cung cấp dịch vụ tin tài chánh, công ty mẹ của hệ thống Bloomberg, mất tiền ở Trung Quốc, nơi mà công ty hy vọng là sẽ có tăng trưởng cao nhất. Kể từ năm ngoái khi loạt bài phóng sự về gia đình ông Tập được cho đăng, lợi tức của Bloomberg giảm mạnh khi chính quyền cấm các công ty quốc doanh mua dịch vụ 20,000 đô la một năm này. Bloomberg cũng không xin được visa thường trú cho phóng viên mới. Nhưng mới đây Bắc Kinh đột ngột cho phép Bloomberg hoạt động thêm hai năm nữa ở Trung Quốc.

Dĩ nhiên việc Bloomberg quyết định “khấu đầu” với Trung Quốc, từ chối đăng những bài tại quốc gia mà việc phổ biến những bài đó là cần thiết nhất, là một hành động hèn mạt của cơ quan ngôn luận và thực sự có lẽ về lâu về dài cũng chẳng giúp gì cho họ cả.

Hơn thế, các ông chủ của Bloomberg như ông đô trưởng sắp mãn nhiệm và ông Secunda, vốn không phải là nhà báo, quên mất là họ hoạt động trong môi trường của những người ưa nói, nên mọi bí mật của họ sẽ bị bật mí. Họ cũng quên mất là uy tín của một cơ quan truyền thông dựa trên sự tín nhiệm của độc giả. Và ở một khía cạnh nào đó, mọi tin tức của Bloomberg gửi đi về Trung Quốc từ nay sẽ bị nghi ngờ.