Trong dịp cuối tuần trước, thế giới chứng kiến hai bộ mặt của chính trị thế giới, chiến tranh và hòa bình.


bando china ADIZBản đồ Air Defense Identification Zone (ADIZ) của Trung Cộng và Nhật Bản (Ảnh trên Net)

Hôm Thứ Bảy, Trung Quốc tuyên bố thành lập một khu vực bảo vệ không phận trên hầu hết Biển Hoa Ðông, bao gồm trong đó có khu vực quần đảo Senkaku do Nhật Bản cai trị từ hơn 100 năm nay mà Trung Quốc gọi là Ðiếu Ngư và giành chủ quyền.

Có nhiều quốc gia đặt những vùng bảo vệ không phận mà tên tiếng Anh là Air Defense Identification Zone (ADIZ). Lớn nhất và đầu tiên là vùng ADIZ bọc quanh Bắc Mỹ được điều khiển chung bởi Không Quân của Hoa Kỳ và Canada cũng như các cơ quan không lưu dân sự. Nhưng điều quan trọng là vùng ADIZ này bao bọc quanh lục địa Bắc Mỹ và Hoa Kỳ không đòi hỏi thủ tục nhận diện nếu phi cơ ngoại quốc không có dự định đi vào không phận của Hoa kỳ và do đó không công nhận quyền của các quốc gia ven biển áp dụng thủ tục ADIZ tức là đòi biết đường bay và nhận diện với các phi cơ không có ý định đi vào không phận của nước đó.

Hoa Kỳ thành lập một ADIZ quanh Nhật Bản trong giai đoạn Hoa Kỳ chiếm đóng Nhật Bản sau Ðệ Nhị Thế Chiến. Việc quản trị khu vực này được trao cho Nhật Bản năm 1969. Khu vực ADIZ của Nhật tuy vậy không được Trung Quốc và Nga công nhận. Nhật Bản đã nới rộng khu vực ADIZ của họ hai lần, một năm 1972 và một năm 2010, khi họ nới rộng thêm vào biển Hoa Ðông để bao gồm đảo Yonaguni, lấn vào vùng ADIZ của Ðài Loan vốn bao quanh khu phía Tây của đảo Yonaguni của Nhật.

Vùng ADIZ của Nam Hàn cũng được Hoa Kỳ thành lập trong thời chiến tranh Cao Ly năm 1951 và chuyển giao cho Nam Hàn. Hiện nó không bao gồm Ðá Socotra mà người Hàn gọi là Ieodo, nhưng Bộ Trưởng Quốc Phòng Kim Kwan-jin nói là Ðại Hàn có thể tính đến chuyện nới rộng vùng ADIZ của họ để bao đảo này trước hành động mới của Trung Quốc.

Ðiều đặc biệt mà ADIZ Trung Quốc mới thành lập và những ADIZ có sẵn là tất cả những ADIZ có sẵn đều bao bọc một vùng lãnh thổ mà quốc gia đó làm chủ. Vùng của Nhật Bản rộng nhất nhưng phần là vì Nhật muốn bao bọc mấy hòn đảo nằm rải rác ở phía Nam của quần đảo Nhật Bản. ADIZ của Trung Quốc thì bao bọc một vùng biển rất lớn, vượt xa vùng mà các quốc gia khác, kể cả Hoa Kỳ áp đặt ADIZ.

Ðã có nhiều diễn dịch về tại sao Bắc Kinh làm vậy. Có người bảo Trung Quốc muốn nhân cơ hội Hoa Kỳ đang bận tâm ở Trung Ðông và những vấn đề nội bộ như cuộc tranh cãi giữa hai chính đảng về ngân sách, chính sách bảo hiểm y tế, để thách thức sự chế ngự quân sự của Hoa Kỳ trong vùng. Dẫn điều được ông Tập Cận Bình nói với Tổng Thống Barack Obama trong chuyến hai người gặp gỡ nhau ở California là Thái Bình Dương đủ rộng cho hai cường quốc, một nhà bình luận nói đây là một cách để Trung Quốc thử xem Hoa Kỳ có đồng ý cho họ thay đổi cục diện và giành lấy biển Hoa Ðông và biển Hoa Nam (tức Biển Ðông) làm biển nhà của mình, cũng như thách thức vòng phòng thủ đầu tiên của Hoa Kỳ để chặn Trung Quốc.

Cũng có người bảo, thực ra hành động này là nhắm chính vào Nhật Bản. Ðiều Bắc Kinh muốn làm là thách thức quyền kiểm soát của Nhật Bản trên năm hòn đảo được gọi là quần đảo Senkaku. Về ngắn hạn, Bắc Kinh muốn buộc Tokyo phải công nhận chủ quyền trên Senkaku là đang trong tranh chấp, một điều mà Tokyo từ chối công nhận.

Một nhà bình luận chỉ ra là Bắc Kinh thích tính chuyện đường dài. Theo lập luận này Bắc Kinh, vốn xưa nay có một số điều kiện coi như là tiên quyết trước khi bắt đầu điều đình với bất cứ một quốc gia nào. Trong số các điều kiện tiên quyết đó có vấn đề Tây Tạng và Ðài Loan. Nay họ có thể thêm là các phi cơ của quốc gia đó phải tuân thủ vùng ADIZ của Trung Quốc. Việc tuân thủ này đã là một hành động công nhận chủ quyền của Bắc Kinh trên Senkaku/Ðiếu Ngư.

Dầu sao thì điều Bắc Kinh đã làm là tạo nên một bầu không khí căng thẳng mới cho Ðông Á. Khi Hoa Kỳ phải gửi hai chiếc B-52 bay qua để khẳng định hiện trạng và cả Nhật Bản lẫn Nam Hàn cũng đều gửi phi cơ quân sự vào khu vực ADIZ của Trung Quốc, hành động của Bắc Kinh đã là một hành động gây chiến.

Nhưng cũng cuối tuần qua, vào lúc hừng sáng ngày Chủ Nhật, chỉ vài giờ sau khi Bắc Kinh có hành động gây chiến, ở Genève, Ngoại Trưởng John Kerry của Hoa Kỳ cùng với ủy viên ngoại giao của Liên Hiệp Âu Châu và ngoại trưởng của Anh, Pháp, Ðức, Nga và Trung Quốc đã ký kết một thỏa thuận tạm với Iran để tạm thời giới hạn hoạt động hạt nhân của Iran và để lập lại niềm tin mở đường cho một thỏa thuận lâu dài về hồ sơ hạt nhân của xứ này.

Báo chí đã nói rất nhiều về những tháng gặp gỡ bí mật khi các viên chức của Hoa Kỳ có lúc phải đi phi cơ quân sự, có khi đi cửa sau và dùng thang máy của nhân viên, để tránh con mắt dòm ngó của báo chí, thực hiện năm cuộc gặp gỡ với các đại diện của chính phủ Iran. Ðiều khó khăn nhất, theo các nhà ngoại giao này là sự thiếu tin cậy giữa hai bên. Không những phía Hoa Kỳ e ngại Iran trở mặt mà phía Iran cũng không tin vào Hoa Kỳ.

Thực ra, theo một số nhà ngoại giao quen thuộc với cuộc điều đình, phía Iran khó xử hơn Hoa Kỳ. Kể từ khi lên nắm quyền, chế độ của các vị ayatollah ở Iran đã tìm đủ mọi cách để tạo cho Hoa Kỳ hình ảnh là một “Great Satan” và do đó không thể nào có chuyện điều đình hay thảo luận được. Cho đến ngay trước ngày mà thỏa thuận tạm được ký kết, những dân quân vốn đã từng là lực lượng nòng cốt ngoài đạo quân Vệ Binh Cộng Hòa, để bảo vệ chế độ và nhất là đàn áp đối lập, vẫn còn tiếp tục hô to khẩu hiệu truyền thống của họ “Death to America,” ngay sau khi Ayatollah Khamenei tìm cách giải thích với họ về một sự có thể điều đình với chính kẻ thù cũ đó.

Tưởng cũng xin nhắc lại một chút về liên hệ sóng gió giữa Hoa Kỳ và nước Cộng Hòa Hồi Giáo Iran. Việc 52 nhà ngoại giao Hoa Kỳ bị bắt làm con tin trong suốt 444 ngày là một sự cố tình tạo thù nghịch với Hoa Kỳ của Ayatollah Khomeini để tạo thành một thứ “ông ngáo ộp” giúp ông đàn áp mọi đối lập trong nước cũng như đẩy sang một bên mọi thành phần ôn hòa, viện cớ là phải đối phó với kẻ thù giảo quyệt hùng mạnh. Kể từ lúc đó, Giáo Chủ Khomeini đã tạo nên một chế độ độc tài thần quyền đáng sợ.

Nhưng chuyện gì rồi cũng bị thời gian thay đổi. Chế độ thần quyền đó dần dà dựa vào một lực lượng đàn áp chính là đạo quân Vệ Binh Cộng Hòa. Và một lực lượng như vậy dĩ nhiên rất dễ trở thành kiêu binh. Cho đến nhiệm kỳ thứ nhì của Tổng Thống Mahmoud Ahmadinejad, có lẽ các vị giáo chủ vẫn nghĩ là họ nắm được trọn quyền, nhưng khi ông Ahmadinejad âm mưu muốn tìm cách lấy bớt quyền của chính Ayatollah Khamenei thì nguy cơ của cánh quân sự này đã lộ rõ. Ðó chính là động cơ khiến Ayatollah Khamenei, một người vốn rất nghi ngờ Hoa Kỳ, đã đồng ý cho điều đình.

Nhưng cho đến khi ông thực hiện được việc gạt được lực lượng kiêu binh đó sang một bên, đưa một nhân vật cánh tả chủ trương canh tân lên nắm quyền thì việc điều đình mới tiến triển được. Và cho đến phút chót sự nghi kỵ, lo ngại của Iran đã lộ rõ khi ngay trước ký kết, một viên chức của Iran còn gọi điện thoại đòi sửa chữa hiệp ước.

Sau cùng hiệp ước đã được ký kết. Tương lai còn chưa hoàn toàn sáng tỏ nhưng dầu sau bước đầu đi đến hòa bình đã đạt được. Và ao ước cùng cố gắng của nhiều chính phủ Hoa Kỳ, tìm cách đạt được một thỏa thuận để giải quyết vấn đề Trung Ðông, đã có một tia hy vọng thành công, một sự thành công chỉ có thể có được vì Hoa Kỳ có đủ tự tin để thấy là không cần phải uy hiếp mới đạt được điều mình muốn.

Trung Quốc trong khi đó vẫn tiếp tục có một thái độ của kẻ bully. Chúng ta hẳn đều biết những kẻ bullies thực ra là những kẻ đầy mặc cảm tự ti. Họ đè nén kẻ yếu vì họ sợ kẻ mạnh. Và nếu cứ muốn tiếp tục làm kẻ bully thì làm sao có thể đáng mặt siêu cường cơ chứ?