Ðến giờ, chính phủ Israel vẫn thường xuyên lên tiếng bày tỏ hoài nghi đối với thiện chí của Iran, kêu gọi các nước Tây Âu và Hoa Kỳ “phải thật thận trọng, coi chừng lọt bẫy của Tehran."


Trong 2 ngày liên tiếp, cánh nhà báo săn tin ở thủ đô đều trông thấy Ngoại Trưởng Hoa Kỳ John Kerry xuất hiện ở Thượng Viện. Sáng Thứ Ba, ông đến ăn sáng với Thượng Nghị Sĩ Bob Corker, vị nghị sĩ Cộng Hòa có chân trong Ủy Ban Ðối Ngoại; sáng Thứ Tư ông trở lại để cùng với ông Tổng Trưởng Tài Chánh Jack Lew thuyết trình riêng cho các nghị sĩ trong Ủy Ban Tài Chánh Thượng Viện, trước khi lên máy bay trở lại Trung Ðông để vừa thúc đẩy hòa bình vừa trấn an đồng minh Israel.

john kerry 101013Ngoại Trưởng John Kerry trong buổi điều trần tại Ủy Ban Ngoại Giao Hạ Viện, hôm 10 Tháng Mười Hai, liên quan đến cấm vận Iran. (Hình: T.J. Kirkpatrick/Getty Images)

Mặc dù những cuộc gặp gỡ nêu trên đều diễn ra dưới dạng “kín” hoặc “mật,” tức bên hành pháp lẫn lập pháp sẽ không nói gì với báo chí, nhưng tin hành lang cho hay tất cả những buổi gặp, phía hành pháp Mỹ đưa ra lập luận nói rằng họ ghi nhận được những dấu hiệu cho thấy chính phủ Iran thật sự muốn bắt tay làm việc chung với cộng đồng quốc tế “để giải quyết mọi khúc mắc liên quan đến chương trình nguyên tử” mà quốc gia Trung Ðông này đang theo đuổi. Dựa vào lý do đó, Tòa Bạch Ốc tin rằng Washington cũng nên bày tỏ thiện chí “bằng cách tạm thời không gia tăng mức độ cấm vận” theo như lời ông Kerry nói - để có thể giải quyết vấn đề bằng đường lối ngoại giao.

Thì ra hành pháp đang muốn Quốc Hội “nhẹ tay” hơn với Tehran, đừng vội bàn chuyện tăng mức cấm vận với Tổng Thống Hassan Rouhani vừa được dân chúng Iran chọn làm lãnh đạo, và cũng là người chỉ chừng một tháng trước đây đã nói chuyện qua điện thoại với Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama. Cuộc nói chuyện kéo dài khoảng 15 phút đồng hồ đó dẫn đến kết quả chính phủ Tehran đồng ý ký bản hiệp ước có giá trị 6 tháng với Hoa Kỳ và đồng minh Tây Phương, đồng ý thực hiện một số quy định để đánh đổi lấy lời hứa giảm bớt mức độ cấm vận đang được thi hành.

Mong là một chuyện, được hay không lại là chuyện khác.

Trước ngày cuộc gặp diễn ra, Thượng Nghị Sĩ Cộng Hòa Bob Corker cho báo chí biết ông “chờ đợi cuộc tiếp xúc với đại diện của hành pháp” để “có câu trả lời rõ rệt hơn về hướng đi mà Tổng Thống Barack Obama muốn nhắm tới đối với Iran.”

Ông Crocker cũng nói rằng phần đông các vị nghị sĩ Thượng Viện và dân biểu Hạ Viện “đều muốn Hoa Kỳ tiếp tục chính sách cứng rắn đối với chính quyền Tehran, cho tới khi thật sự nhìn thấy thiện chí của chính quyền Tehran,” kể lại từng nghe các đồng viện Dân Chủ lẫn Cộng Hòa thắc mắc “tại sao lại phải nhẹ tay với họ (Iran) trong 6 tháng? Tại sao không tiếp tục gây áp lực cho đến khi họ chấp nhận buông ý định chế tạo võ khí nguyên tử.”

Trước khi gặp các vị lãnh đạo ở Quốc Hội, Tòa Bạch Ốc đã mời đại diện của những tổ chức ủng hộ Do Thái để nhắc lại cam kết không bao giờ cho Iran quyền được có võ khí hạt nhân, và cam kết sẽ giúp Israel bảo vệ an ninh lãnh thổ. Một đại diện của Tổ Chức Người Do Thái Sinh Sống Tại Hoa Kỳ tiết lộ cam kết này “được bà Cố Vấn Hội Ðồng An Ninh Quốc Gia Susan Rice đưa ra,” và “bà Rice nói với chúng tôi rằng đó là thông điệp của Tổng Thống Hoa Kỳ Obama.” Cũng trong cuộc gặp gỡ này, bà Cố Vấn An Ninh Quốc Gia “cũng nhắc nhở chúng tôi đừng quên Tổng Thống Obama nói ông hiểu người Do Thái có lý do để thắc mắc, nhắc lại đây chỉ là bản hiệp định đầu tiên, nếu Iran làm đúng những gì họ nói thì chúng ta sẽ đi tiếp, nếu họ không giữ đúng lời hứa, chính phủ Mỹ sẽ trở lại chính sách cứng rằn trước đây.”

Ðến giờ, chính phủ Israel vẫn thường xuyên lên tiếng bày tỏ hoài nghi đối với thiện chí của Iran, kêu gọi các nước Tây Âu và Hoa Kỳ “phải thật thận trọng, coi chừng lọt bẫy của Tehran.” Trong phiên họp hội đồng chính phủ diễn ra tại Jerusalem hôm Chủ Nhật vừa qua, Thủ Tướng Benjamin Netanyahu nói rằng Iran có đủ mọi phương tiện “để chỉ trong vòng 2 tuần lễ có được số lượng uranium chế tạo võ khí nguyên tử.” Trước đó, Thủ Tướng Israel cũng nhắc lại rằng chính phủ nước ông không loại trừ tất cả mọi biện pháp, kể cả sử dụng biện pháp quân sự, để bảo vệ an ninh lãnh thổ.

Phát biểu của nhà lãnh đạo chính phủ Do Thái khiến mọi người nhớ lại đến giờ dư luận thế giới vẫn tin rằng sớm muộn gì Israel sẽ oanh tạc các địa điểm tình nghi Tehran đang cất giấu uranium và các loại thiết bị được dùng để chế tạo bom nguyên tử, cho dù Ngoại Trưởng Pháp Laurent Fabius - người chủ trương phài cứng rắn với Iran - đã nói nếu điều đó xảy ra “thế giới sẽ thắc mắc tại sao chính phủ Do Thái lại làm điều đó,” ý muốn nói sao không cho Iran cơ hội bắt tay làm hòa với thế giới.

“Sự thật chúng tôi rất muốn hòa bình,” nhà nghiên cứu nổi tiếng Alan Bernstein của Viện Nghiên Cứu Quốc Phòng Israel chia sẻ với cử tọa trong buổi nói chuyện cuối tuần trước ở Washington D.C. “Chúng tôi là những người phải sống với chiến tranh nên biết giá trị của hòa bình, thật sự yêu hòa bình, muốn thấy hòa bình, nhưng chúng tôi thắc mắc liệu chính quyền Iran láng giềng có mong muốn như chúng tôi hay không?” Ông nhắc lại “các bạn chắc chưa quên giới lãnh đạo Iran lúc nào cũng muốn xóa bỏ Israel trên bản đồ thế giới” và đặt câu hỏi “liệu chúng tôi có thể tin những người như thế hay không?”

Không chỉ nghi ngờ thiện chí của Iran, giới bảo thủ Israel cũng thắc mắc với cả đồng minh Hoa Kỳ, đặc biệt sau khi biết được tin Washington và Tehran “bí mật tiếp xúc với nhau” trước khi thông báo cho chính phủ đồng minh Do Thái biết. Chỉ ở điểm này không thôi, chuyên gia Ben Emmanuel từng giữ vai trò cố vấn chính trị cho Thủ Tướng Netanyahu bảo “tôi không biết phải dùng chữ nào cho đúng, nếu bảo là bán đứng anh em thì hơi quá nhưng rõ ràng chính phủ Mỹ đã chơi không đẹp với bạn bè.”