“Tình hình đối với ông Obama bây giờ chẳng khác gì tình cảnh xảy ra với ông Bush hồi 2005 và 2006”,

Có nhiều điều giống nhau cũng khác nhau giữa ông “W” và ông “O”.

obama bushMột ông đã làm tổng thống, một ông đương nhiệm; một ông bị đảng chỉ trích vì chính sách đối với 2 cuộc chiến Iraq, Afghanistan và cách giải quyết trận siêu bão Katrina, một ông đang bị đảng cằn nhằn vì những trở ngại do chương trình Obamacare gây nên; một ông cắn răng nhìn đảng mất ghế ở cuộc bầu cử giữa kỳ, một ông đang lo không biết tình hình bầu cử 2014 sẽ như thế nào, không rõ dân chúng có còn ủng hộ ông và ủng hộ đảng hay sẽ đồn phiếu cho phía bên kia. Ðiều giống nhau nhất: Cả 2 ông đều đắc cử nhiệm kỳ thứ nhì rất vẻ vang nhưng chỉ sau 5 năm trời lãnh đạo quốc gia, uy tín của 2 ông đều xuống rất thấp: Ông “W” chỉ được 43% dân chúng ủng hộ, ông “O” đương thời được có 41%.

Chuyện đó chẳng có gì lạ cả, theo nhận xét của những người từng làm việc dưới quyền ông “W”. Cựu giám đốc chính trị Matt Schlapp của ông “W” bảo “lịch sử nước Mỹ cho thấy cứ bắt đầu nhiệm kỳ thứ nhì là các sếp bắt đầu lúng túng không biết phải làm gì”, một phần có lẽ vì thôi thúc tâm lý “muốn để lại dấu ấn chính trị cho lịch sử”. Một lý do khác cũng được ông Schlapp nói tới là cả 2 ông George W. Bush và ông Barack Obama “thành công trong cuộc tái ứng cử nhưng lại không thành công về kế hoạch đối nội mà họ mong muốn thực hiện” vì thế “cả 2 ông bị điểm thấp là điều có thể đoán trước”.

Nhận xét của người từng làm việc với ông “W” giúp mọi người nhớ lại những gì mới xảy ra cách đây 8 năm khi ông Bush “con” tái ứng cử. Vài năm trước đó ông loan báo mở cuộc chiến Iraq (được gần 80%) dân chúng ủng hộ, khi tranh cử nhiệm kỳ thứ nhì ông cho hay quốc gia vẫn ở trong tình trạng chiến tranh, nhưng ngay sau ngày ông thành công thì tin tức cho thấy tất cả những tài liệu ông đã trình bày với người dân về lý do tại sao phải đánh Iraq đều không đúng sự thật khiến sự ủng hộ của người dân dành cho cuộc chiến giảm thật nhanh, những lời chỉ trích về chính sách ông cho thực hiện ở Iraq và Afghanistan ngày một tăng cao. Chính điểm này khiến ý kiến muốn tư hữu hóa Quỹ An Sinh Xã Hội mà ông để nghị không được sự tán thành của các chính trị gia cùng đảng vì ai cũng ngại bị chỉ trích là “đi quá gần” với ông, và kết quả cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2010 cho thấy rõ điều đó: Càng gần với ông “W” bao nhiêu thì càng dễ... thất cử bấy nhiêu!

Trường hợp của ông Obama cũng chẳng khác gì trường hợp ông Bush. Khi ra tranh cử nhiệm kỳ thứ nhì, ông nhìn nhận kinh tế phục hồi ở mức không nhanh như mọi người trông chờ nhưng gọi cử tri “đừng thay ngựa giữa đường”, tiếp tục vào chính sách ông đang thực hiện, giúp ông cơ hội làm tròn những gì ông đã thực hiện ở nhiệm kỳ đầu. Không thể phủ nhận sau đó nền kinh tế của Hoa Kỳ vững vàng hơn, tỷ lệ thất nghiệp xuống còn có 7%, nhưng trục trặc trong việc thi hành Obamacare khiến người dân bực bội, cộng thêm vào đó là tin cho thấy Cơ Quan An Ninh Quốc Gia (NSA) thu thập tài liệu từ điện thoại và email của dân chúng, khiến ngay cả những người từng hết lòng ủng hộ ông -ít nhiều- cũng cảm thấy chán nản. Ðiều này dẫn đến kết quả: Tháng 12 năm 2005 viện Gallup cho biết chỉ có 43% cử tri hài lòng với ông Bush, 52% phản đối; tháng 12 năm 2013 viện Gallup cho hay chỉ có 41% cử tri hài lòng với ông Obama, tỷ lệ người phản đối cũng là 52%.

“Tình hình đối với ông Obama bây giờ chẳng khác gì tình cảnh xảy ra với ông Bush hồi 2005 và 2006”, là nhận định của cựu Dân Biểu Cộng Hòa Tom Reynolds từng đại diện cho tiểu bang New York. “Tám năm trước đây các vị dân cử Cộng Hòa lo âu không biết có tái đắc cử hay không, bây giờ bên Dân Chủ ở trong tình huống y hệt như thế”. Ông Reynold nhắc lại chuyện xưa: Lúc đó “anh em chúng tôi thúc giục bên Tòa Bạch Ốc phải làm hết điều này đến diều khác để cứu vãn tình thế, bây giờ bên Dân Chủ cũng làm điều tương tự, hy vọng sẽ được cử tri tiếp tục ủng hộ”.

Bên Dân Chủ đòi hỏi những gì? Dân Biểu Gerry Connolly của tiểu bang Virginia cho hay “Chúng tôi nghĩ tổng thống nên đánh thật mạnh vào thành quả kinh tế, đừng mất quá nhiều thì giờ cho những chuyện khác”, xem đó là cách hay nhất để uy thế chính trị của ông Obama tăng lên, giúp các ứng viên Dân Chủ tái ứng cử. “Tôi tin Tòa Bạch Ốc phải làm điều đó ngay từ lúc này để người dân biết hiểu tại sao không nên tin vào lời hứa hẹn của phía Cộng Hòa”. Muốn làm điều này, “Tòa Bạch Ốc phải tăng cường lực lượng chuyên trách về thông tin, đẩy mạnh tin tức về thành quả kinh tế đến khắp mọi nơi, đừng tốn quá nhiều thì giờ giải thích về Obamacare nữa. Tổng thống phải nói cho dân chúng biết lối làm việc cứng rắn của đảng Cộng Hòa đã khiến cho chính phủ liên bang phải đóng cửa, phải nhắc nhở mọi người về chuyện đảng Cộng Hòa không chịu hợp tác làm việc chung”.

Trong những buổi tiếp xúc với báo chí nhân dịp cuối năm, các viên chức thân cận với ông Obama cho hay “lắng nghe ý kiến của mọi người”, hứa hẹn “sẽ có một kế hoạch hành động hoàn toàn mới” cho năm 2014. Kế hoạch này bao gồm việc mở cuộc vận động để những người làm cùng một công việc lãnh mức lương bằng nhau (thay vì nam công nhân lãnh lương cao hơn nữ công nhân), vận động Quốc Hội tăng mức lương tối thiểu “sao cho phù hợp với mức sống của dân chúng”, mở rộng chương trình hỗ trợ giáo dục và bảo vệ môi trường. Một phụ tá của ông Obama còn nói “đây là những điều tổng thống muốn làm ngay từ ngày đầu” và ông “sẽ thực hiện trước khi hoàn tất nhiệm kỳ thứ nhì”.

Lời hứa hẹn đó khiến một số chính trị gia Dân Chủ như ông Howard Dean (từng ra tranh cử tổng thống hồi 2004) lên tiếng nói “cảm thấy vững tâm hơn”, tin tưởng “tình hình sẽ đổi khác trước ngày cử tri đến phòng phiếu (vào tháng 11 năm 2014)” nhưng những nhà hoạch định chính sách cho đảng Dân Chủ đều nhìn nhận chuyện lấy lại khối đa số ở Hạ Viện ngày càng trở nên khó khăn hơn” chưa kể đến mối lo có thể mất một vài ghế nghị sĩ ở Thượng Viện.

“Khó thì lúc nào cũng khó”, Dân Biểu Zack Sapce của Ohio trả lời. “Tôi không nghĩ tình hình tệ đến mức phải lo âu vì từ bây giờ đến cuối năm tới chưa chắc người dân còn nhớ đến chuyện trục trặc Obamacare, họ chú ý hơn tới chuyện kinh tế, việc làm... những chuyện ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của họ và gia đình họ”. Vị dân cử bước vào tòa nhà Quốc Hội Liên Bang nhờ làn sóng chống đối Tổng Thống Cộng Hòa George W. Bush còn nói với giọng thật tự tin “Ông Bush bị dân chúng chỉ trích vì đưa quân vào 2 mặt trân Afghanistan và Iraq, năm tới người lính Mỹ cuối cùng sẽ từ Aghanistan về nước, tôi đảm bảo người dân sẽ xem đó là điểm son của Tổng Thống Obama, quên hết những gì đã xảy ra trong năm 2013”.