Chưa lúc nào xã hội Việt Nam lại bị lưu manh hóa như hôm nay.

Tôi vừa có chuyến đi Ba Lan khá dài. Về lại Ba Lan, nơi tôi đã từng học tập, làm ăn và trưởng thành, có một cái gì đó thật gần gũi, tình cảm, cảm giác tựa như đi xa về lại ngôi nhà của mình. Nhưng tiếp xúc với đủ các giới khác nhau, đôi lúc tôi vẫn thấy ngỡ ngàng, có lẽ vì đã quen với cách sống Mỹ nhiều năm nay.

Ấy là trong những cuộc vui chơi, ăn nhậu, khi trò chuyện, chửi thề và đệm hai từ “Ð.M.” dường như là phổ biến, liên tục, không thể thiếu trong một câu nói. Tuy nhiên mọi người rất vui vẻ, thoải mái, chân tình, không ai thấy mình bị xúc phạm.

Một anh bạn kể về Hà Nội, khi trả tiền taxi anh cám ơn, thì bị người bạn đi cùng mắng ngay: “Ð.M., đéo gì phải cám ơn, coi chừng nó còn cho nhảy đồng hồ số nữa kìa”. Người bạn còn lên tiếng giảng giải, ở Hà Nội, ra đường gặp lưu manh, trộm cướp, không “gấu” là sẽ bị lừa gạt ngay.

Cái văn hóa ăn nói thô lỗ dường như đã ăn sâu vào giao dịch, sinh hoạt của cộng đồng người Việt ở đây mà đa phần là ra đi từ miền Bắc.

Trong một xã hội con người đối xử với nhau thường nghiêng về bạo lực, có xu hướng lấn át, đè bẹp nhau, trong khi đó giáo dục xuống cấp thế thảm và những nghịch lý đạo đức cứ xảy ra thường xuyên như cơm bữa, hàng ngày, trên mặt báo chí chính thống, trên đường phố.

Cả chính quyền là một bộ máy tập trung quyền lực vào các nhóm lợi ích, thân hữu. Tham nhũng, rút ruột công trình trở thành đường dây có tổ chức, như Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng thú nhận. Ăn cắp hàng triệu đôla từ dự án để mua nhà cho gái chân dài như Dương Chí Dũng, cựu tổng giám đốc Vinalines, hay có quan hệ tình dục với nữ học sinh vị thành niên như chủ tịch tỉnh Hà Giang Nguyễn Trường Tô, là những điển hình của sự sa đọa về đạo đức.

Hồ Duy Trúc, trong phiên tòa ngày 26 tháng 12 năm 2013, sau khi bị tuyên án tử hình, cả gia đình đã chửi bới những người bị hại, rượt đánh luật sư, đe dọa thẩm phán, cho thấy một nền tảng pháp lý bị hư hỏng, mọi chuẩn mực, kỷ cương đều bị hủy hoại.

Nhà dột từ nóc. Thượng bất chính, hạ tắc loạn. Dân chúng sẽ chẳng có tấm gương nào để soi rõ là cơ quan công quyền. Trong khi thi hành công vụ, đặc biệt là trấn áp dân oan, những người biểu tình chống Trung Quốc xâm lược, hoặc những người có các hoạt động dân chủ nhân quyền, lực lượng công an thường xuyên sử dụng ngôn ngữ dung tục của bọn côn đồ, xã hội đen. Ngay giữa đồn công an mà trung tá công an Vũ Văn Hiển còn nói “tự do là cái con c.” thì chẳng còn gì để bàn thêm.

Tất cả cộng với một quá khứ lâu dài của thời bao cấp, thiếu thốn đủ điều cũng tạo ra cho con người thói cựa quyền, bắt nạt giữa người làm dịch vụ và khách hàng.

quanan hanoiMột quán ăn ở Hà Nội (Ảnh trên Net)

Một phóng viên AFP đã từng mô tả về phở Hà Nội: “Chỗ ngon nhất lại nằm ở những hàng quán không sạch sẽ, với những người bán hàng thô lỗ, dòng người xếp hàng dài và môi trường tồi tàn nhất”.

Vào những nơi này, kiếm được chỗ ngồi đã khó, quán xá chật hẹp, bẩn thỉu, dưới nền nhà vứt đầy những mẩu giấy lau miệng, nhưng rất có thể phải ăn phở đứng. Thế nhưng vẫn chưa an tâm vì bạn có thể được “tặng kèm” những cái lườm nguýt, thái độ khó chịu, hay thậm chí... mắng chửi từ người bán hàng.

Những quán món “quà tặng kèm” có thể nhìn thấy ở quán phở trên phố Bát Ðàn (khách phải trả tiền trước và thường phải ăn trong tư thế đứng), ốc luộc “lắm mồm” ở phố Nam Ðồng (khách ngồi ăn quá lâu sẽ bị “quét” hoặc đuổi thẳng cổ để nhường chỗ cho người khác), bún dọc mùng “chửi” ở chợ Ngô Sĩ Liên, cháo gà ta “quát” phố Nhà Thờ và phố Lý Quốc Sư...

Hết bún “chửi”, cháo “quát” lại đến bánh Trung Thu “xếp hàng” trong dịp Trung Thu vừa rồi. Thời buổi thị trường tự do mà thiên hạ xếp hàng rồng rắn trước cửa hàng bánh Bảo Phương ở Hà Nội, trong không khí nóng bức, ngột ngạt, cãi vã, chửi bới nhau để khi tới lượt thì chỉ được mua ba hộp, người nào thắc mắc lập tức bị mắng và đuổi đi.

Thực ra, trên đấy chỉ là một vài câu chuyện nhỏ trong văn hóa kinh doanh, dịch vụ ở Hà Nội. Nếu kể ra những thứ kém văn hóa thì không xuể. Những người lớn tuổi ở Hà Nội cho rằng, bản thân Hà Nội không phải là nơi chứa chấp, sinh sôi ra thói hư tật xấu ấy. Người Hà Nội thuở xưa vốn nhẹ nhàng, tinh tế, khéo léo và thân thiện, ăn nói lễ phép chứ tuyệt nhiên không có hiện tượng thiếu lịch sự với khách như bây giờ. Ngay trong hoàn cảnh kinh tế nghèo khó hơn nhiều, đã từng có câu ca dao:

Chẳng thơm cũng thể hoa nhài
Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An

Họ đổ tội cho người nhập cư từ các tỉnh lẻ lên đây phá hoại truyền thống văn hóa Hà Nội. Sự pha tạp với những văn hóa của các vùng, miền khác đã hòa lẫn, làm xấu đi những nét thanh nhã, lịch thiệp của người Hà Nội xưa.

Nhưng đổ tội cách cư xử “thiếu văn hóa” cho người nhập cư không hẳn đúng, vì có thể so sánh với Sài Gòn. Sài Gòn có dân số đông hơn, tình trạng người nhập cư đa dạng không kém Hà Nội, thậm chí phức tạp hơn, nhưng văn hóa phục vụ của họ tốt hơn rất nhiều. Ði mua sắm hàng ở Sài Gòn thường được nhìn nhận thái độ nhã nhặn, vui vẻ của người bán hàng. Tính cách này dường như đã thành nền nếp, họ đã được hấp thụ tính văn minh của văn hóa thương mại của một xã hội cởi mở.

Anh bạn Ngô Hoàng Minh ở Ba Lan viết trên Facebook kể về một người Bắc nói rằng, anh ta qua du lịch Mỹ, đến Orange County, khi thuê khách sạn đã bị “đuổi” vì lý do hết phòng, rồi anh ta phải bắt chước giọng Nam mới được một tiệm phở “cho” ăn. Tôi đã viết comment phản bác lại rằng, người đó láo khoét vì không thể nào có lối văn hóa cư cử như thế ở Mỹ. Người miền Bắc ở Mỹ rất nhiều, tôi chẳng thấy sự phân biệt đối xử nào, và tính cách coi “khách hàng là thượng đế” là truyền thống, là tập quán của người Mỹ cũng như người Việt trong kinh doanh, dịch vụ.

Rõ ràng, môi trường sống là yếu tố quan trọng nhất để tạo ra cách ứng xử của con người. Giống như trước đây tôi đã từng xem bộ phim “Một bông hoa và hai người làm vườn” của Ấn Ðộ. Ðể trả thù vị chánh án xét xử oan sai và nói “giỏ nhà ai quai nhà ấy”, ám chỉ phạm nhân có nguồn gốc của một gia đình xã hội đen. Phạm nhân sau khi ra tù đã bắt cóc đứa con trai nhỏ của vị chánh án và nuôi dưỡng trong hoàn cảnh của mình, dạy dỗ, đào tạo nó thành kẻ trộm cắp, lưu manh chuyên nghiệp. Kết thúc bi hài kịch là người cha, vị chánh án ấy, đã xử chính con của mình về tội giết người cướp của.

Cây cối sẽ không lớn và trưởng thành, ra kết quả trên mảnh đất khô cằn, không có bàn tay chăm sóc. Nó cũng giống như một xã hội thiếu tính nhân văn khó có thể sản sinh ra con người tử tế.

Chưa lúc nào xã hội Việt Nam lại bị lưu manh hóa như hôm nay. Người ta giẫm đạp lên nhau vì tiền. Các giá trị vật chất thay cho giá trị tinh thần nhân bản. Người ta có thể mua vài ngàn đôla tấm bằng tiến sĩ rởm để chạy chức. Cô giáo có thể phạt học sinh bằng liếm ghế. Bảo mẫu nhà trẻ có thể tát, ghì đầu em bé khi cho ăn. Người ta có thể sung sướng tranh nhau hôi của khi xe tải chở hàng bị nạn, có thể đưa ra kết quả xét nghiệm giả, đánh tráo thủy tinh thể, đưa phim chụp giả vì tiền; có thể để sản phụ chết cùng thai nhi chỉ vì thiếu phong bì; có thể giải phẫu thẩm mỹ làm chết người rồi vứt xác phi tang, hoặc lấy xương động vật làm giả xương liệt sĩ, v.v...

Tôi không nghĩ những người bạn của tôi hay nói tục là những con người xấu, ngược lại, họ là những người rất mực bình thường, nếu không nói là đàng hoàng. Tôi nói với họ ở Mỹ, trong những cuộc gặp mặt vui chơi, dường như chẳng thấy ai chửi thề, nói tục. Họ nói rằng xứ văn minh nó thế!

Cách ứng xử của những người bạn ở Ba Lan âu cũng là một thứ di căn của xã hội miền Bắc, như là sự phản ứng có điều kiện trước những cái xấu xa, hủ lậu, riết rồi trở thành thói quen, một lối nhập cuộc để sống và tồn tại. Có lẽ chính xác hơn, rau nào thì sâu đó.