main billboard

Cái chết của Phạm Quý Ngọ như phép mầu giải bài toán khó. Nguyễn Phú Trọng và Nguyễn Bá Thanh bỗng nhiên hụt hẫng, mất đà. Nhân danh cuộc chiến chống tham nhũng, nhưng cú đòn cũng chỉ đánh được tới rốn.


Vào thời buổi này chết ở tuổi sáu mươi được xem là chết trẻ. Người ta đã mang xác ông về chôn tại quê nhà Thái Bình sau khi cử hành tang lễ ở cấp cao do Bộ Công An chủ trì.

phamquyngo damtangĐám tang Phạm Quý Ngọ (Ảnh VietnamNet)

Một ngày sau khi Ban Nội Chính Trung ương đảng cộng sản Việt Nam (ÐCSVN) đề nghị Bộ Chính Trị (BCT) xem xét đình chỉ công tác của Thứ Trưởng Bộ Công An Phạm Quý Ngọ, để tiến hành điều tra vụ án “làm lộ bí mật nhà nước” trong việc tổ chức cho Dương Chí Dũng, cựu chủ tịch Hội Ðồng Quản Trị Vinalines, chạy trốn, thì ông đột ngột qua đời, ngày 18 tháng 2 năm 2014.

Dẫu biết ông Phạm Quý Ngọ có bệnh ung thư gan, nhưng 5 năm trước ông được ghép ba phần tư lá gan của đứa con nuôi, con của một đồng đội, đã khỏe mạnh bình thường, ít nhất đến cuối tháng 12, 2013, khi ông tổ chức đám cưới cực kỳ hoành tráng, xa hoa cho đứa con trai tại một khách sạn nước ngoài cao cấp ở Hà Nội. Cái chết của ông đã gây xôn xao dư luận, có nhiều suy diễn không phải không có logic và đặt ra nhiều dấu hỏi.

Thứ nhất, tờ Petrotimes (mà tổng biên tập không ai xa lại là Ðại Tá Nguyễn Như Phong, người đã có loạt bài ca ngợi Dương Chí Trọng, em trai của Dương Chí Dũng) đưa tin sớm nhất. Bài được Online vào lúc 19 giờ 58 phút, nói Phạm Quý Ngọ chết vào lúc 9 giờ 20 phút cùng ngày 18 tháng 2, 2014. Có nghĩa rằng, bản tin về cái chết xuất hiện sớm hơn cái chết. Thật là kỳ lạ! Tờ VnExpress thoạt đầu cũng đưa tin chết vào lúc 21 giờ 20 phút.

Các tờ khác Một Thế Giới, Tiền Phong, Người Lao Ðộng... đều dưa tin Phạm Quý Ngọ chết vào buổi chiều tối, lúc 19 giờ 30. Nhưng tất cả đều đã hiệu đính và thống nhất giờ chết vào lúc 21 giờ 5 phút sau khi có thông báo chính thức của Bộ Y Tế và Bộ Công An.

Một yếu nhân ra đi, lại là tâm điểm chú ý của dư luận xã hội về một vụ án tham nhũng lớn, nên rõ ràng ngoài việc các tờ báo sấn sít hóng tin, ai cũng muốn tỏ ra mình sành sỏi, gấp gáp đưa lên mặt báo sớm nhất, còn chứng tỏ sự lúng túng vội vã trong rối loạn từ cái chết bất ngờ.

Phạm Quý Ngọ, cựu ủy viên Ban Chấp Hành Trung Ương ÐCSVN, thứ trưởng Bộ Công An, tổng cục tưởng tổng Cục Cảnh Sát, trưởng Cơ Quan Ðiều Tra Của Bộ Công An, một thân hữu tin cẩn của ông Nguyễn Tấn Dũng, là mắt xích quan trọng của cả nhóm lợi ích, xuyên suốt từ hạ tầng cơ sở lên thượng tầng kiến trúc.

Trên mạng xã hội từ hôm 18 tháng 2 xuất hiện rất nhiều các bài viết, đa số nhắm vào nguyên do của cái chết. Có sự uẩn khúc không thể lý giải, nên nhiều người cho rằng, phải có tác động của bên ngoài tạo ra cái chết, nhằm bịt kín, chôn chết bí mật. Lại có thuyết âm mưu, cho rằng, người chết là “Ngọ giả”, còn “Ngọ thật” đã được đào tẩu đi nước ngoài bằng giấy tờ với tên họ khác.

Có người lại khẳng định rằng, ông Ngọ đã chết lâm sàng hai ngày trước, báo chí chỉ hóng hớt thêm muối thêm tiêu khi đưa tin và cuộc chơi giờ đây mới thực sự bắt đầu. Tuy nhiên, tin về việc những người thăm viếng ông Ngọ vào giờ chót, thấy ông vần còn tỉnh táo vào chiều ngày 17 tháng 2, đã bác bỏ nguồn này.

Các giả thiết và suy diễn, nói cho cùng đều có những lý lẽ riêng và được bảo vệ bởi chính sự bưng bít, thiếu minh bạch thông tin trong chế độ cộng sản.

Tuy nhiên tôi tin rằng, ông Ngọ đã chết. Còn bệnh ung thư gan, mà theo các nguồn tin, sức khỏe của ông suy giảm trầm trọng bắt đầu từ tháng 2 năm 2014. Lá gan có phản ứng thải ghép, có vẻ như quả báo nhãn tiền, âm hồn người cho gan có lẽ muốn đòi mạng sống do sự tráo trở của ông Ngọ (lẽ ra chỉ lấy một nửa thay vì ba phần tư lá gan). Nhưng cái chết của ông đã thực sự gây hoang mang dư luận, vì với căn bệnh ung thư này, ông có thể ra đi không đến mức đột ngột đến thế.

Bàn tay vô hình nào sau cái chết của Ngọ? Ðó là bí mật có lẽ sẽ được mang theo xuống mồ. Như những bí ẩn về những cái chết bất đắc kỳ tử của Nguyễn Ðình Tứ, của các tướng lĩnh quân đội Nguyễn Bình, Lê Trọng Tấn, Ðinh Ðức Thiện, Hoàng Văn Thái, v.v...

Trong hệ thống tổ chức của chế độ cộng sản Việt Nam, một hệ thống công an trị, con mắt của công an bao quát hết mọi ngóc ngách hoạt động của xã hội. Công an không chỉ là bộ máy giữ an toàn, trật tự trị an, mà còn kiểm soát hoạt động của mọi cơ quan nhà nước ngay trong hệ thống ấy. Chế độ cộng sản đặt nền tảng cho sự tồn tại là luôn có kẻ thù và nghi ngờ lẫn nhau, không ai tin ai. Từng mảng hoạt động, hành chính, đối ngoại, kinh doanh đều được cài cắm công an có chức năng cụ thể theo dõi. Bàn tay lông lá của công an, do đó, thọc sâu vào toàn bộ các dự án kinh tế, các khoản thu chi tài chính và có thể nói là đầu mối kết dính với thượng tầng.

Chính vì thế, chúng ta không ngạc nhiên về sự có mặt của Phạm Quý Ngọ hay đại diện của Bộ Công An trong những buổi lễ triển khai các dự án của Vinashine, Vinalines.

Trong cái đống nợ nần và thất thoát hàng tỷ đô la của tổng Công Ty Vinalines, ụ nổi chỉ là một sự việc rõ ràng được khoanh vùng để truy tố Dương Chí Dũng.
Nếu sờ tới những con tàu cũ mua về tân trang lại không sử dụng được, những dự án xây dựng cầu cảng hoang phí và không hiệu quả, cuộc chơi sẽ còn giật gân hơn. Mật báo cho Dương Chí Dũng chạy trốn là nhằm ngăn ngừa một sự đổ vỡ lớn. Một triệu đô la của bà Trương Mỹ Lan, giám đốc công ty Vạn Thịnh Phát, mà Dương Chí Dũng đưa cho Phạm Quý Ngọ trong phi vụ thay đổi công năng cảng Sài Gòn, biến nơi này thành khu vực thương mại, dịch vụ, giải trí, là một minh chứng. Ðây là một món đấu thầu béo bở mà quyết định dành cho ai thuộc thẩm quyền cao nhất. Năm trăm ngàn đô la khác chỉ là sự trả ơn cho việc mật báo mà thôi.

Trong Hội Nghị Trung Ương 6 vào tháng 10 năm 2012, Nguyễn Tấn Dũng đã thoát hiểm cuối cùng bằng “chúng ta tha chúng mình” (We forgive us - The Economist). Ông ta tiếp tục tại vị và cái tên X được đưa ra đàm tiếu trước công luận. Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đã phải nghẹn ngào chấp nhận. Ðến Hội Nghị Trung Ương 7, Nguyễn Tấn Dũng tận dụng được sức mạnh của cả Ban Chấp Hành Trung Ương Ðảng Cộng Sản Việt Nam, những kẻ quyết bảo vệ ông ta vì quyền lợi ghế-tiền, đã gạt bỏ được Nguyễn Bá Thanh, trưởng Ban Nội Chính, phó Ban Phòng Chống Tham Nhũng, trong cơ cấu vào Bộ Chính Trị.

Ban chuyên án do Ban Nội Chính đề xuất bao gồm người của Ban Nội Chính, Tòa Án, Viện Kiểm Sát, Bộ Công An và các cơ quan chức năng khác để điều tra vụ án “làm lộ bí mật nhà nước”, cùng với cái chết của Phạm Quý Ngọ, đã mất đi cơ hội đào sâu, nhắm vào Trần Ðại Quang, bộ trưởng Bộ Công An và cao hơn là Nguyễn Tấn Dũng, người chỉ đạo cao nhất và trực tiếp các tập đoàn và tổng công ty nhà nước, trong đó có Vinalines. Vụ án sẽ được chấm dứt đúng bài bản vì nghi phạm duy nhất là Phạm Quý Ngọ đã chết, theo tinh thần điều 107 của Bộ Luật Hình Sự.

Chương cuối của một vở bi hài kịch được khép lại. Nhiều kẻ hít sâu, thở phào, thấm chí có kẻ cười ruồi. Cái chết của Phạm Quý Ngọ như phép mầu giải bài toán khó. Nguyễn Phú Trọng và Nguyễn Bá Thanh bỗng nhiên hụt hẫng, mất đà. Nhân danh cuộc chiến chống tham nhũng, nhưng cú đòn cũng chỉ đánh được tới rốn.

Tuy nhiên, nói cho hết lẽ, thực chất của cuộc chiến chống tham nhũng này là gì, nếu không phải là sự tranh giành quyền lực nội bộ trong ÐCSVN? Hệ thống chính trị này không có khả năng ngăn chặn tham nhũng, thậm chí còn là mảnh đất mầu mỡ làm sinh sôi nảy nở tham nhũng, biến tham nhũng thành một quan niệm giá trị, một tập quán được mọi người tiếp nhận hoặc mặc định trong xã hội, trở thành văn hóa sống hàng ngày. Chống tham nhũng chỉ là cái cớ để loại trừ nhau, bởi vì Bộ Chính Trị ÐCSVN đứng trên luật pháp. Những người thuộc diện Bộ Chính Trị Quản Lý, như Phạm Quý Ngọ, đều phải xử lý theo quyết định tùy nghi của nó.

Thảm bại cuối cùng vẫn thuộc về nhân dân, những người phải gánh lấy món nợ khổng lồ ngày một tăng từ bộ máy tham nhũng thối nát, từ các chi phí bôi trơn và rút ruột các công trình.