Nữ Tướng Bùi thị Xuân Print
Tác Giả: Lãng Nhân / Hương sắc quê mình   
Thứ Sáu, 04 Tháng 6 Năm 2010 22:02

Bà quê ở thôn Xuân Hoà, xã Bình Phú, quận Bình Khê, tỉnh Bình Định, Trung Việt, bà bẩm sinh thông tuệ và sức vóc hơn người,

thêm cử chỉ đoan trang, nên được chung quanh kính nể. Thuở nhỏ theo đòi nghiên bút, lớn lên ham tập binh đao và nhất là học điều khiển voi trận.

Ngoài hai mươi, kết duyên cùng tướng Trần Quang Diệu của nhà Tây Sơn, chiêu mộ người làng cùng theo giúp chồng, lại lập riêng một đoàn nữ binh tinh nhuệ nức lòng theo vì phục tài thao lược và cảm mến đức tính cao quý của bà: không bao giờ ra lệnh giết những người đối phương đã bị bắt.

Trung thành với anh hồn vua Quang Trung sớm băng, hai vợ chồng đem hết lòng dũng cảm phò tá vua con Cảnh Thịnh trong lúc triều Tây Sơn suy yếu vì triều thần ganh tị nhau, chia bè kéo cánh, nguy hại cho thể thống.

Bấy giờ, nước ta chia làm hai phần: từ tỉnh Khánh Hoà miền nam Trung Việt ra Bắc dưới quyền triều Tây Sơn.

 Từ Khánh Hòa vào miền Nam do Nguyễn Ánh cai quản.

Từ Khánh Hòa tới Qui Nhơn, vua Quang Trung dành quyền cho con Nguyễn Nhạc là Nguyễn Bảo chấp chính.

Không ngờ Bảo mắc mưu Ánh, đầu hàng. Vua Cảnh Thịnh cho Vũ Văn Dũng cùng Trần Quang Diệu đem đại quân vào đánh Qui Nhơn, vây hãm hai mặt bộ và biển: hai tướng giữ thành, Ngô Tòng Châu uống thuốc độc tự tử, Võ Tánh nhảy vào đống lửa tự thiêu.

Thừa lúc đại quân Tây Sơn bận ở Qui Nhơn lại nhân có gió mùa đông bắc, Ánh cho một đạo quân ra tập kích Phú Xuân. Phò mã Nguyễn Văn Trị đóng quân ở núi Linh Thái không ngăn nổi quân Ánh do Lê Văn Duyệt chỉ huy đổ bộ chiếm cửa Tư dung. Vua Cảnh Thịnh đích thân đem binh ra kháng chiến, nhưng không nổi, phải chạy ra Nghệ An. Phú Xuân vào tay Ánh.

 Dừng lại Nghệ An, vua Cảnh Thịnh cử em là Nguyễn Quang Thùy cùng bà Bùi Thị Xuân tiến quân vào Quảng Bình đẩy lui binh Ánh. Hai tướng liên tiếp uy hiếp lũy Trấn ninh và Đâu mâu, song không thắng được ngay. Vua Cảnh Thịnh nóng ruột, muốn lui quân. Bà Bùi Thị Xuân xin tiếp tục chỉ huy cuộc chiến. Có ngày bà thúc quân đánh phá lũy Trấn Ninh từ sáng đến hoàng hôn khiển quân Ánh nao núng.

Rủi ro xảy đến do một tì tướng Tây Sơn làm phản, nên trận Sông Gianh thua, kéo theo sự đầu hàng của một tướng khác ở lũy Động Hải, khiến bà Bùi Thị Xuân phải chia quân cứu ứng hai nơi, thành ra thể quân của bà ở Trấn Ninh suy giảm. Thấy quân Ánh sắp đổ bộ ở sông Gianh, Nguyễn Quang Thùy hoảng sợ rút binh, lui rồi bà Xuân mới biết. Bấy giờ bà đã tràn vào lũy Trấn Ninh, trọng yếu hơn các lũy khác.

Nhưng sự thoái chí của Thùy làm tinh thần binh sĩ sa sút, xin buông khí giới, hùa nhau chạy tán loạn. Cực chẳng đã, bà Xuân phải cùng một số quân trung kiên chạy về Nghệ An.

Ở đây ít lâu bà gặp lại chồng, Thái phó Trần Quang Diệu tuy chiếm được Qui Nhơn song không chống được quân địch từ hai phía, Bắc không chống được địch từ Phú Yên đánh ra và Nam từ Quảng Nam ập vào Phải hợp với Vũ Văn Dũng đỉ xuyên sơn qua Lào về Nghệ.

Rồi Nghệ thất thủ, vợ chồng cùng con gái chạy ra huyện Hương Sơn, sau tới huyện Thanh Chương thuộc miền núi tỉnh Thanh Hóa. Quân Ánh bủa vây nhiều lần không hiệu quả vì không địch lại đàn voi trận của bà Bùi Thị Xuân.

Sau Ánh cho lựa một số người giảo hoạt cải trang thành dân quê thường ngày đem cơm xôi hoa quả tiếp tế và tỏ lòng mến phục trung thành. Mới đầu vợ chàng ngờ vực, dần dần không để ý đề phòng đến nỗi mắc mưu, bị bắt. Ánh muốn dụ về hàng nhưng Trần Quang Diệu trả lời:

- Tôi trung không thờ hai chủ.

Thế là Trần Quang Diệu bị chém ngang lưng. Bà Bùi Thị Xuân cùng con gái 15 tuổi bị voi giày.

Giáo sĩ De la Bissachère mục kích vụ hành hình dã man này, đã kể lại trong cuốn ký sự "Relation sur le Tonkin et la Cochinchine" (tường thuật về Bắc Kỳ và Nam Kỳ) xuất bản năm 1807:

"Bùi Thị Xuân không đổi sắc, tiến đến trước con voi như chọc tức nó. Mấy võ quan ra lệnh bắt bà quỳ xuống. Bà cứ thản nhiên tiến bước. Voi lùi lại. Lính cầm dáo thọc vào đùi voi, con vật đau xông lên giương vòi quắp lấy bà, tung lên trời. Bùi Thị Xuân tắt thở rồi chúng lấy dao cắt lấy tim gan và thịt ở cánh tay, chia nhau ăn sống, ý chừng muốn được dũng mãnh như bà..."

Đời sau có thơ ca ngợi và kính phục vị nữ anh hùng:

Xưa nay khăn yếm vượt mày râu
Bùi thị phu nhân đứng bậc đầu
Chém tướng, chặt cờ, khoe kiếm sắc
Vào thần, ra quỷ, tỏ mưu sâu
Quên nhà, nợ nước đem toan trước
Vì nước, thù nhà để tính sau
Tài đức nghìn thu còn nức tiêng
Non Côn cháy ngọc bởi vì đâu? (1)

(khuyết danh)

Chú thích:

1. Non Côn cháy ngọc: Kinh Thư - Dận chinh – “hỏa viêm Côn cương, ngọc thạch câu phần". Lửa bốc cháy núi Côn, ngọc với đá cùng bị cháy.
 Sái Trầm tiên sinh đời Tống giải thích: Tám chữ trên chính là chê trách chính sự tàn bạo, không phân biệt kẻ tốt người xấu, đem giết hết, vậy thì còn khốc liệt hơn cả lửa cháy thiêu rụi hết, không phân biệt ngọc với đá nữa. "Non Côn cháy ngọc" thi nhân dùng bốn chữ này có ý nói trong lúc Tây Sơn suy yếu, chúa Nguyễn thừa cơ dấy lên nhưng chính sách quá tàn bạo, trang liệt nữ như bà Bùi Thị Xuân mà đem phanh thây thật là không biết phân biệt đâu là đá đâu là ngọc... (Tá Chi chú)