Sarah Palin: Tấm gương đấu tranh không mệt mỏi Print
Tác Giả: Phan Tú Khuynh   
Thứ Tư, 10 Tháng 11 Năm 2010 15:48

 Mặc dù cựu ứng cử viên phó tổng thống của đảng Cộng Hòa Sarah Palin vẫn không được các nhân vật như cựu Tổng Thống George W. Bush và bà Peggy Noonan,

 chuyên gia viết diễn văn cho cố Tổng Thống Ronald Reagan, đánh giá cao, bà vẫn là một chính trị gia đặc biệt tiêu biểu cho các hoạt động chính trị đang ngày càng khởi sắc của phụ nữ Mỹ trong thiên niên kỷ thứ ba.


Cựu Thống Ðốc Alaska Sarah Palin vận động tuyển cử tại Anaheim, California, cho các ứng cử viên Cộng Hòa, ngày 16 Tháng Mười, 2010. (Hình: Kevork Djansezian/Getty Images)
 

Nếu những người bảo thủ nhắc đến Sarah Palin như một nhà lãnh đạo chính trị bản lãnh của đảng Cộng Hòa và phong trào Tea Party, những người dân Mỹ bình thường coi Sarah Palin là tấm gương đấu tranh không mệt mỏi của phụ nữ bất kể xu hướng chính trị của bà là gì.

Trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ tổng thống ngày 2 Tháng Mười Một vừa qua, dù muốn, dù không, cựu Thống Ðốc Alaska Sarah Palin vẫn được coi là một trong những người có công đầu trong việc đem lại chiến thắng cho các ứng cử viên thuộc đảng Cộng Hòa mặc dù, từ sau cuộc tranh cử bất thành trong liên danh của Thượng Nghị Sĩ McCain chống lại các ứng cử viên Barack Obama và Joe Biden, bà Sarah Palin đã hoạt động chính trị phần lớn dưới danh nghĩa của Tea Party, một phong trào đại chúng muốn đưa nước Mỹ trở về với những giá trị truyền thống thời lập quốc, hơn là trong tư cách của một đảng viên Cộng Hòa.

Mặc dù kết quả cuộc bầu cử vừa qua cho thấy chỉ có 32% ứng cử viên do phong trào Tea Party đỡ đầu chiến thắng trong cuộc chạy đua vào Hạ Viện Mỹ, điều này không có nghĩa là những cuộc vận động tích cực và không mệt mỏi của bà Sarah Palin không góp phần to lớn vào chiến thắng vang dội của phe Cộng Hòa trong cuộc bầu cử.

Vả lại, nếu tính đến kết quả cuộc chạy đua vào Thượng Viện thì ngoại trừ sự thất bại ê chề của hai ứng cử viên Christine O'Donnell (Delaware) và Sharon Angle (Nevada), trong số 10 ứng cử viên được phong trào Tea Party và vị cựu thống đốc Alaska trực tiếp vận động và yểm trợ, ít nhất cũng đã có tới 5 ứng cử viên Cộng Hòa thành công nhờ có bà Sarah Palin và phong trào Tea Party đứng đằng sau.

Một điểm đặc biệt cần nói tới là, trong khi hầu hết các lãnh tụ Cộng Hòa -có lẽ vì vẫn còn cảm thấy “chùn chân” trước thất bại não nề trong cuộc bầu cử tổng thống vào năm 2008- không mấy ai thường xuyên xuất hiện và tích cực yểm trợ cho các ứng cử viên của đảng mình thì bà Sarah Palin đã gần như “một người, một ngựa” xông pha “vào nơi gió cát” để nâng đỡ và vận động cho các ứng cử viên Cộng Hòa, đến nỗi trên các hàng tít lớn của báo chí trong mùa bầu cử vừa qua hầu như chỉ có tên của Tổng Thống Obama (hoặc lâu lâu có cựu Tổng Thống Clinton) và cựu Thống Ðốc Palin được coi là đại diện cho các thế lực chính trị nặng ký đối đầu nhau đằng sau các ứng cử viên Dân Chủ và Cộng Hòa.

Và bất kể sự kiện các ứng cử viên Cộng Hòa tại thành lũy vùng duyên hải miền Tây của đảng Dân Chủ là California đã không mấy thành công trong cuộc bầu cử vừa qua so với các đồng nghiệp của họ tại các tiểu bang khác, việc bà Sarah Palin lặn lội bay qua California hồi Tháng Mười để vận động cho các ứng cử viên Cộng Hòa tại đây cũng nói lên nỗ lực không mệt mỏi của nữ chính trị gia này trên bước đường tranh đấu cho lý tưởng mà bà và những người đồng chí hướng đang theo đuổi.

Sarah Palin, nhũ danh Sarah Louise Heath, sinh ngày 11 Tháng Hai năm 1964 tại Sandpoint, Idaho, nhưng theo gia đình sang định cư tại Alaska khi cô bé mới được ba tháng tuổi.

 Hai thành tích đáng ghi nhớ lúc còn đi học của Sarah là cô có chân trong đội bóng rổ của trường Wasilla High School -với biệt danh rất “ngầu” là “Sarah Barracuda”- khi trường đoạt giải vô địch học khu vào năm 1982, và vào năm 1984 cô được bầu làm Hoa Hậu Wasilla rồi Hoa Hậu Thân Thiện và Á Hậu Alaska.

Sau khi theo học đại học tại nhiều nơi khác nhau, nữ sinh viên Sarah Palin tốt nghiệp báo chí tại Ðại Học Idaho vào năm 1987 rồi trở lại Alaska và thành hôn với Todd Palin, người bạn trai từ thủa còn học trung học, vào năm 1988. Họ có với nhau 5 người con, hai trai và ba gái, trong đó người con gái lớn là Bristol Palin hay được báo chí truyền thông để ý tới vì cuộc đời tình ái không mấy êm ấm của cô này.

Sau một thời gian làm xướng ngôn viên thể thao cho các đài truyền hình KTUU-TV và KTVA-TV ở Anchorage, bà Palin đắc cử nghị viên Hội Ðồng Thành Phố Wasilla vào năm 1992, để rồi sau đó trở thành thị trưởng từ 1996 đến 2002.

 Vào ngày 4 Tháng Mười Hai năm 2006, bà Sarah Palin trở thành nữ thống đốc đầu tiên của Alaska nhờ vận động tuyển cử dưới chủ thuyết đạo đức xã hội và trong sạch hóa chính quyền.

Năm 2008, Thượng Nghị Sĩ John McCain, ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng Hòa, đã chọn Thống Ðốc Sarah Palin làm ứng cử viên tranh chức phó tổng thống đứng trong liên danh với ông chống lại liên danh Barack Obama-Joe Biden của đảng Dân Chủ.

Mặc dù bà Palin và ông McCain thất bại trong cuộc tranh cử, điều này không làm giảm bớt đi tham vọng trở thành tổng thống của vị cựu thống đốc Alaska.

Kể từ đầu năm 2009 trở đi, bà Palin thường xuyên xuất hiện trên các diễn đàn chính trị, thực hiện nhiều chuyến đi ra khỏi Alaska để nuôi dưỡng ngọn lửa đấu tranh cho ngày mà bà mơ ước sẽ quay lại Washington, D.C. trong chiến thắng vinh quang.

Vào ngày 3 Tháng Bảy năm 2009, bà Palin đột ngột tuyên bố từ chức thống đốc Alaska, khiến dư luận cho rằng bà muốn dành hết thì giờ vào các hoạt động chuẩn bị cho cuộc đời chính trị huy hoàng hơn sau này của bà.

Vào Tháng Mười Một năm 2009, cựu ứng cử viên phó tổng thống Sarah Palin cho ra đời quyển hồi ký nhan đề “Going Rogue,” và hai tháng sau đó trở thành cộng tác viên của đài truyền hình bảo thủ Fox News.

Vào năm 2009, sự ra đời của phong trào Tea Party -một “bản sao” tân thời của phong trào Boston Tea Party hồi năm 1773 dẫn đến cuộc Cách Mạng giành độc lập của Mỹ tách khỏi Ðế Quốc Anh- đã giúp cho nữ chính trị gia Palin có một diễn đàn vững mạnh để củng cố tư thế chính trị của mình qua những cuộc vận động nhằm ủng hộ các ứng cử viên Cộng Hòa đối đầu với phe Dân Chủ trong các cuộc bầu cử, đặc biệt là kỳ bầu cử giữa nhiệm kỳ vừa rồi.

Tea Party được coi là một phong trào đại chúng có khuynh hướng bảo thủ từng thực hiện nhiều cuộc tập họp chính trị tại khắp nơi ở Hoa Kỳ để phản đối các chính sách của Tổng Thống Obana và đảng Dân Chủ đang nắm quyền ở cả Thượng Viện lẫn Hạ Viện Hoa Kỳ.

Ngoài Sarah Palin ra, các lãnh tụ của Tea Party còn gồm có Keli Carender, nhân vật tổ chức cuộc tập họp đầu tiên của Tea Party hồi Tháng Hai năm 2009 tại Seattle (Washington); bình luận gia Fox News Michelle Malkin; chủ biên chương trình Tin Tức Kinh Doanh của CNBC Rick Santelli...

Các cuộc thăm dò và thống kê cho thấy những thành viên hoặc những người ủng hộ phong trào Tea Party chủ yếu là người da trắng, đa số là nam giới, đã lập gia đình và tuổi từ 45 trở lên, có khuynh hướng bảo thủ, thường giàu có và có nền học vấn tương đối cao.

Qua một số những bất đồng nhỏ giữa bà Sarah Palin và các lãnh tụ Cộng Hòa trong cuộc bầu cử vừa qua -mà tiêu biểu là với đại chiến lược gia Karl Rove- một câu hỏi đang được chính giới và báo chí truyền thông Mỹ đưa ra: Giả dụ như Sarah Palin ra ứng cử tổng thống năm 2012, liệu bà có ứng cử với tư cách là một đảng viên Cộng Hòa hay là với tư cách của “đảng” Tea Party, là phong trào chính trị đại chúng tuy có khuynh hướng bảo thủ và thường ủng hộ đảng Cộng Hòa nhưng hồi mới gần đây lại muốn hoạt động như một phong trào độc lập trong quần chúng Mỹ?