Home Đời Sống Dinh Dưỡng Uống mật có nguy hiểm không?

Uống mật có nguy hiểm không? PDF Print E-mail
Tác Giả: Tổ ng hợp   
Thứ Hai, 08 Tháng 11 Năm 2010 06:07

    Mặc dù các nhà chuyên môn đã không ngớt lên tiếng cảnh cáo, nhưng uống rượu pha mật gấu hoặc nuốt mật rắn, mật rùa, mật ba ba...,

 vẫn là một trào lưu rất thịnh hành trong giới ăn nhậu để thể hiện đẳng cấp của mình, bởi lẽ giá của 1cc mật gấu - được quảng cáo là "gấu rừng nguyên chất"  ít  nhấtcũng là

 
200 đến 300 nghìn đồng, một con rùa nặng khoảng 1kg sau khi chế biến, từ 600 đến 700 nghìn, còn rắn hổ thì cả triệu bạc. (tiền vn)

    Tại Sàigon, có thể dễ dàng tìm thấy những món "đặc sản" này trong một số nhà hàng, quán nhậu ở quận 3, quận 5, quận 11, quận Bình Tân. Tại quận 2, có một quán nằm sâu trong vườn cây rậm rạp, chòi tranh, mái lá nhìn rất nên thơ. Ở quán này, rắn được nuôi trong chuồng lưới sắt mắt cáo. Thôi thì đủ tất cả các loại rắn. Từ loại không có nọc độc như rắn ri voi, ri cá, đến "góa phụ áo đen" là con rắn hổ mun, rồi hổ hành, hổ lửa, hổ đất, tam khoanh tứ đốm nâu đỏ xám vàng...

    Khách sau khi xem , chọn "hàng", nhân viên phục vụ sẽ bắt con rắn xấu số ấy lên ngay bàn khách. Bằng một động tác rất điệu nghệ, đuôi con rắn bị cắt sâu chừng 2/3, máu chảy tong tỏng vào chai rượu - mà phải là rượu đế nấu bằng nếp nguyên chất, hoặc cũng là vodka thì uống nó mới "sung!". Tiếp theo, người phục vụ moi tim, moi mật con rắn đặt lên đĩa, cả nửa tiếng sau quả tim vẫn thoi thóp, phập phồng. Ai là "chủ xị" hoặc là nhân vật được kính trọng nhất trong bàn, sẽ ưu tiên thưởng thức quả tim, túi mật rắn. Rượu hòa máu rắn rót vào chiếc cốc con, nâng lên, ực một phát, tim, mật chui tuột vào dạ dày!

   Không chỉ có rắn, quán còn sẵn sàng cung cấp cho các đệ tử Lưu Linh cả mật gấu nữa mà theo lời ông chủ, thì "đây là mật gấu rừng chính hiệu, từ Gia Lai đưa về". Tôi hỏi ông, mật gấu có tác dụng gì?

Như gãi đúng chỗ ngứa, ông thao thao bất tuyệt: "Thứ nhất là nó rất tốt cho tiêu hóa, cho xương khớp. Anh thấy con gấu nó ăn một lúc cả chục ký thịt sống mà có sao đâu. Nó té từ trên cây cao cả chục mét xuống cũng có sao đâu. Đó là nhờ vào mật. Mật gấu còn chữa được xơ gan, ung thư gan. Tháng trước có bà ở quận 1 bị ung thư gan, bệnh viện trả về. Ông chồng qua tôi mua mật gấu về cho bả uống. Bữa nay bả đi đánh tennis được rồi (?!)".

Mật là gì?

Mật - nói chung - gồm muối kim loại, các acid cholic, cholesterol, sắc tố mật như bilirubin... Mật do tế bào gan liên tục tổng hợp, cô đặc và dự trữ ở túi mật rồi đổ vào ruột sau mỗi bữa ăn, giúp cho việc tiêu hóa dễ dàng. Phần lớn lượng mật này sau đó hấp thu trở lại gan rồi quay về túi mật. Một phần nhỏ mật thải ra ngoài qua đường phân và nước tiểu. Tế bào gan luôn tổng hợp mật để bổ sung cho lượng mật bị thải ra.

   Mật gấu, tên khoa học là Fel Ursi, có acid ursodesoxycholic (viết tắt là UDC) -  dạng tinh thể màu trắng tan trong rượu, trong nước, tạo thành dung dịch trong suốt không màu. Còn khi pha vào rượu, nó có màu vàng chanh hoặc xanh biếc là do sắc tố mật mà ra. Phần lớn UDC ở dạng liên kết tạo thành muối mật tauro usodesoxycholat (viết tắt là TUDC). Muối mật TUDC là chất đặc biệt của mật gấu và là hoạt chất chính có tác dụng chữa một vài loại bệnh. Để đánh giá chất lượng mật gấu và cũng để phân biệt mật gấu với những loại mật khác, người ta căn cứ vào hàm lượng TUDC.

Theo một phân tích của Viện Hàn lâm Y học Hoàng gia Anh, mật gấu ngựa có hàm lượng TUDC cao nhất, còn mật gấu chó, gấu lợn, gấu đen, gấu nâu..., hàm  lượng TUDC rất thấp. Mật các động vật khác hầu hết đều không có TUDC, hoặc không đáng kể.

    Vẫn theo công trình nghiên cứu của Viện Hàn lâm Y học Hoàng gia Anh, mật gấu có tác dụng bảo vệ gan, giúp ổn định màng tế bào, tăng chức năng miễn dịch, bảo vệ nhu mô gan, phục hồi tổ chức gan bị tổn thương. Các nghiên cứu lâm sàng cho thấy UDC của mật gấu có tác dụng điều trị xơ gan tốt hơn các hóa dược khác. Tuy nhiên, mật gấu dùng để điều trị xơ gan phải là mật gấu ngựa.

 

Qua phân tích, trong 1gr mật gấu ngựa khô có 200mg UDC. Ngược lại, mật gấu chó gần như không có UDC mà chỉ có acid chenodesoxycholic (viết tắt là CDC). CDC không những không có tác dụng chữa viêm gan, xơ gan mà còn là nguyên nhân gây bệnh viêm gan. Khi người bệnh uống CDC, vi khuẩn đường ruột ăn CDC rồi sản sinh ra acid lithocholic - là tác nhân gây bệnh viêm gan. Bên cạnh đó, y học hiện đại cũng chứng minh chất UDC trong mật gấu có tác dụng ngăn chặn hình thành sỏi và làm tan sỏi mật khi sỏi còn nhỏ. Tại nhiều nước trên thế giới, UDC được điều chế dưới dạng viên để điều trị sỏi mật với tên gọi Ursofalk.

Tuy nhiên, mật gấu có chữa được ung thư hay không còn là điều phải bàn. Theo Hội Ung thư Việt Nam thì mật gấu có tác dụng phòng hơn là chữa ung thư gan.

    Tiến sĩ Đỗ Khắc Hiếu - Trưởng bộ môn Tế bào động vật học - Viện Công nghệ Sinh học cùng các cộng sự của ông đã nhiều năm nghiên cứu về vấn đề này và nhiều công trình đã được công bố trên một số tạp chí khoa học trong cũng như ngoài nước.

     Tiến sĩ Đỗ Khắc Hiếu cho biết: "Mật gấu không trực tiếp tiêu diệt được các tế bào ung thư nhưng hỗ trợ tốt cho các thuốc điều trị ung thư. Khi bổ sung mật gấu cùng thuốc điều trị ung thư thì ngay ở nồng độ thấp hơn liều điều trị, mật gấu cũng làm tăng tác dụng tiêu diệt và ức chế tế bào ung thư của những thuốc ấy. Vấn đề này hiện nay vẫn đang được nghiên cứu thêm. Nếu thành công sẽ mở ra một hướng điều trị mới...".

   Theo quan niệm của đông y, mật gấu có tính đắng, vị hàn, dùng để giải nóng cho gan, mật, dùng làm thuốc hỗ trợ tiêu hóa, giải độc, sát trùng, chữa đau răng, đau dạ dày, làm tan sỏi mật, mau phục hồi chỗ gãy xương. Mật gấu còn dùng để chữa các bệnh "vượng hỏa", sinh ra chứng co giật ở cả người lớn và trẻ em, chữa các bệnh đau đầu, đau mắt do gan nóng. Bên cạnh đó, mật gấu làm tan máu bầm, máu tụ, làm cho máu lưu thông tốt hơn. Người ta thường dùng mật gấu để xoa bóp những vết thương sau chấn thương tụ máu.

    Tuy nhiên, mật gấu luôn được dùng chung với những vị thuốc đông y khác và tùy theo từng loại bệnh, mà lượng mật gấu cần dùng nhiều hay ít.

Bác sĩ -  Nguyễn Xuân Hướng, Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam , khẳng định: "Mật gấu rất độc. Gấu ăn hàng chục ký thịt sống mà vẫn tiêu hóa tốt trong khi con người không ăn được thịt sống, dù chỉ là một miếng cỏn con. Hay gấu uống được hàng lít mật ong, trong khi con người không thể làm được. Đó là nhờ mật con gấu giúp cho sự tiêu hóa của chính bản thân con gấu tốt. Còn con người, nếu uống mật gấu vào, sẽ bị phá tế bào gan, thận, gây suy gan, suy thận dẫn tới tử vong".

Có nên uống mật không?

   Nguy hiểm như vậy, nhưng dân nhậu hầu như chẳng ai ngán, và những người uống mật gấu, mật vịt, mật rắn theo kiểu truyền khẩu, rằng nó chữa được bệnh này bệnh kia, nó "sung" hơn Viagra thì mỗi ngày mỗi nhiều mà không ai để ý đến hậu quả chết người của nó.

Một bác sĩ có người con nuôi gấu. Hôm đó, người con tặng cha 1cc mật gấu để uống. Ai dè uống xong, da dẻ ông bác sĩ này bỗng nhiên đen thui, đen từ đầu đến chân, đen luôn cả các móng - dấu hiệu của rối loạn đông máu. Được bác sĩ Nguyễn Xuân Hướng tận tình cứu chữa, nạn nhân may mắn thoát chết, chỉ có mỗi điều là tay chân thì ở lại, còn các móng tay chân vĩnh viễn ra đi!

Một người khác  sau khi uống rượu pha mật gấu, ông đã tử vong vì suy gan, suy thận. Bác sĩ Hướng cho biết: "Có lần, tôi đến khám cho một phụ nữ, là cán bộ trong một cơ quan nhà nước. Thấy chị vẫn bình thường, chị xin tôi cho mấy thang thuốc uống cho khỏe. Nhưng tuần sau tôi đến thì thấy chị bị phù, da trắng bệch, Tôi hỏi: Tại sao tuần trước vẫn khỏe mạnh mà bây giờ chị lại ra nông nỗi này. Chị trả lời không biết. Tôi bảo y tá là khi nào thấy chị vô niệu - nghĩa là không đi tiểu được - thì hãy báo cho chúng tôi. Ngay lúc đó, y tá cho biết từ sáng đến giờ không thấy chị ấy đi tiểu. Lập tức chúng tôi đưa chị đi cấp cứu . Bác sĩ hỏi mãi thì chị mới nói là chị uống một tí mật gấu bằng hạt gạo, và loại mật đó là loại rất tốt. Thế là chúng tôi hiểu chị đã bị suy thận, suy gan vì mật gấu. Ngày hôm sau thì chị mất".

 

Không chỉ mật gấu, người ta còn uống mật vịt với niềm tin là nó sẽ chữa lành bệnh sỏi gan, sỏi mật nhưng sau đó, họ chết vì... viêm gan mà nguyên nhân là do chất acid chenodesoxycholic (CDC) có trong mật vịt!

Tương tự như vậy, nhiều trường hợp suy thận cấp, rối loạn đông máu, phải vào bệnh viện để chạy thận, lọc máu cấp cứu cũng có nguyên nhân từ mật rắn, mật rùa, mật ba ba.

"Mọi chất mật đều có chứa độc tố. Dịch mật giúp tiêu hóa thức ăn. Loài vật ăn cái gì thì thành phần cấu tạo của mật sẽ có những chất để tiêu hóa thức ăn đó. Thí dụ loài vật ăn thịt sống  thì trong mật sẽ có những chất giúp tiêu hóa thịt sống. Dịch mật người khác dịch mật của loài vật. Chính vì thế khi uống mật gấu chẳng hạn, phải chú ý đến độ thích ứng của cơ thể với các chất có trong mật. Nếu sử dụng không đúng sẽ dẫn đến bệnh tật, thậm chí có thể chết người", chưa kể  đường dẫn mật thông với ruột, nơi chứa rất nhiều vi khuẩn.

   Nếu mật bị nhiễm khuẩn - mà biểu hiện cụ thể nhất là lúc mật lắng xuống, dưới đáy có lớp cặn màu trắng đục thì đó chính là mủ. Khi uống sống - nghĩa là mật lấy từ con vật bị bệnh ra rồi pha thẳng vào rượu, vào nước - thì rất dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn đường tiêu hóa, dẫn đến sốc nhiễm khuẩn.

Thế nhưng, đâu phải ai uống mật cũng đều bị suy thận, suy gan, rối loạn đông máu. Giải thích về điều này, "Điều đó tùy vào cơ địa của từng người. Thí dụ có người chỉ cần tiêm một mũi thuốc bổ Vitamine B1 là sốc , chết ngay. Và mặc dù ai đó nói rằng  họ uống rượu mật gấu cả vài năm nay, nhưng vẫn khỏe mạnh bình thường thì tôi khuyên họ nên cẩn thận bởi lẽ trong mật có muối kim loại, muối mật. Khi xuống thận, thận sẽ phải làm việc rất mệt mỏi để lọc các muối này. Nếu chức năng thận kém, muối mật, muối kim loại sẽ tích tụ lại, gây viêm cầu thận, bể thận, hoặc lâu dài gây ra sỏi thận".

    Cuối cùng, nói đến chuyện uống mật, nuốt mật thì cũng cần nhắc thêm về chuyện uống rượu máu rắn, máu rùa, máu ba ba... Trứng của các ký sinh trùng đường ruột như giun đũa, giun móc, sán lá, giun lươn, giun chỉ... đều theo máu đi đến một số cơ quan trong cơ thể như phổi, phế quản phế nang, thực quản, dạ dày, ruột non..., nơi ấu trùng sẽ trưởng thành.

Vì thế, vô phúc uống rượu rắn, rượu ba ba - mà trong máu rắn, máu ba ba có trứng giun lươn, rồi sau đó nó thành ổ trong não, gây áp xe não hoặc thường trú trong con mắt thì coi như... "xong hàng"!