'Sợ vợ' không phải là bình đẳng giới Print
Tác Giả: Martina Nguyễn   
Thứ Năm, 17 Tháng 3 Năm 2011 12:14

Ít nhất trên giấy tờ, sự bất bình đẳng giới tại Việt Nam dường như đang tan biến.

 Vai trò phụ nữ cũng thay đổi cùng với những đổi thay tại Việt Nam

Đã nhiều người viết về tốc độ tăng trưởng kinh tế dũng mãnh và sự biến đổi văn hóa xã hội của Việt Nam.

Trong những năm gần đây, Việt Nam đã có những bước nhằm thúc đẩy bình đẳng giới với việc thông qua Luật Bình đẳng Giới năm 2006 và tiến hành một chương trình chung với LHQ năm 2009.

Việt Nam dẫn đầu khu vực châu Á Thái Bình Dương trong các vấn đề phụ nữ: Về giáo dục, Việt Nam có tỉ lệ biết chữ 91% ở nữ giới và tỉ lệ nữ vào đại học gần như bằng phái nam. ‘Phái yếu’ cũng có tỉ lệ đại diện trong chính phủ cao nhất tại châu Á, với 25% thành viên Quốc hội là nữ. 80% phụ nữ ở tuổi lao động cũng đều có việc làm.

Ít nhất trên giấy tờ, sự bất bình đẳng giới tại Việt Nam dường như đang tan biến.

Nhưng vẫn còn những vấn đề xã hội đằng sau con số thống kê màu hồng. Bạo lực gia đình và tình dục vẫn phổ biến.

 Theo LHQ, ít nhất cứ ba phụ nữ thì có một người có thể bị đánh, bị ép quan hệ tình dục hoặc làm nhục trong đời. Tỉ lệ phá thai thuộc hàng cao nhất thế giới – trung bình một phụ nữ Việt Nam có 3.32 lần phá thai trong đời.

Người ta thấy có vết nứt kinh tế và xã hội phân rẽ người phụ nữ nông thôn với người thành thị, trong khi nạn mãi dâm và buôn người vẫn là “tệ nạn xã hội” chưa giải quyết.

Những bất cập này dường như cho thấy rằng các quan niệm phương Tây về bình đẳng giới – được định nghĩa bởi những mô hình phát triển và được thực hiện bởi một chính phủ quyết tâm gia nhập thế giới công nghiệp hóa – thật xa lạ trước hiện thực xã hội của người phụ nữ Việt Nam.

Công và tư

Nhiều đàn ông Việt Nam nói rằng phụ nữ mới là chủ gia đình

Mặc dù trong lịch sử phụ nữ Việt Nam đóng vai trò chủ động là nội tướng trong gia đình, nhưng khi ra xã hội, họ thường chịu sự bất bình đẳng.

Hai cuộc chiến kéo dài, thời gian kinh tế kế hoạch hóa tập trung và rồi là phát triển kinh tế đã biến đổi vai trò phụ nữ không chỉ trong nhà mà cả trên thị trường và chính trường.

 Ngày hôm nay, giống như các nước châu Á đang phát triển khác như Trung Quốc và Ấn Độ, phụ nữ Việt Nam phải chông chênh đi giữa các giá trị truyền thống và hiện đại.

Khái niệm bình đẳng giới kiểu phương Tây và nhu cầu kinh tế đã giúp khuyến khích phụ nữ có mặt nhiều hơn trong lực lượng lao động và đời sống xã hội – tạo ra một ‘gánh nặng kép’. Một mặt, nhiều người vẫn tin rằng làm vợ, làm mẹ là điều cốt tủy cho một ngôi nhà hòa thuận và “hạnh phúc gia đình”. Mặt khác, phụ nữ nay lại phải giữ vai trò lớn hơn trong mảng kinh tế, xã hội, chính trị.

Vì thế, mặc dù phụ nữ đã ra khỏi nhà và đi làm, nhưng nhiệm vụ và vai trò của họ trong gia đình tương đối không thay đổi. Người vợ vẫn được trông chờ chăm sóc chính cho con cái và quản lý đời sống trong nhà.

Hiện tượng này được Giáo sư Arlie Hochschild mô tả là “ca làm việc thứ hai”. Trong nhiều cuộc hôn nhân, nghề nghiệp của vợ vẫn bị xem là thứ yếu so với của chồng. Điều này làm hạ giá “ca thứ nhất”, tức công việc bên ngoài, và biện hộ cho “ca thứ hai” là người trông trẻ và lo toan gia đình.

Theo tính toán của Hochschild, giờ làm thêm từ “ca thứ hai” chiếm tới một tháng một năm. Mặc dù bà viết về phụ nữ Mỹ khi xảy ra cuộc cách mạng quyền nữ giới, nhưng ghi nhận của bà cũng có thể giúp mô tả trải nghiệm của phụ nữ Việt Nam thời kỳ hậu đổi mới.

Cá nhân và tập thể

Nhiều nhà chỉ trích thuyết nam nữ bình quyền phương Tây cho rằng nó có xu hướng bỏ qua các truyền thống và định chế lâu đời.

Phụ nữ Việt Nam cảm thấy gắn bó trong mạng lưới gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, người quen biết – những mối quan hệ giúp định hình bản sắc của họ. Với nhiều người, ‘thuyết nữ quyền’, nhấn mạnh đến giải phóng và xung đột giới, có vẻ mơ hồ và xa lạ.

Trong một xã hội định hình bởi các quan hệ phụ thuộc lẫn nhau, nếu chỉ cô lập và giải quyết các vấn đề riêng liên quan phụ nữ thì thật nông cạn và chẳng đạt được gì nhiều. Bản sắc của phụ nữ ở Việt Nam phải được phân tích thông qua các định chế xã hội như quan hệ gia tộc và hôn nhân.

Nhà nghiên cứu Lê Thị Nam Tuyết cho rằng hạnh phúc cá nhân có thể được diễn đạt bên trong các cấu trúc tập thể. Theo bà, mục tiêu của bình đẳng giới nên là “xây dựng một mô hình gia đình mới, một gia đình đem lại hạnh phúc vĩnh cửu cho từng cá nhân”.

Đặc biệt ở Việt Nam, phụ nữ và vai trò của họ không thể được xem xét như một hiện tượng riêng lẻ mà phải đặt trong quan hệ thay đổi với các thành tố xã hội khác, tức là đàn ông. Mọi cuộc thảo luận về bình đẳng giới đều thiết sót nếu không đánh giá lại người đàn ông, thái độ và ý niệm của họ về ‘nam tính’.

Huyền thoại ‘sợ vợ’

Là ‘đàn ông Việt Nam’ nghĩa là thế nào? Các vai trò giới của đàn ông có được là từ đâu? Trả lời được các câu hỏi này sẽ giúp giải thích các giá trị và niềm tin vẫn còn đang cản trở sự bình đẳng ngày hôm nay.

Nhưng đưa phái nam vào cuộc thảo luận về vai trò giới có thể khó khăn. Mỗi khi được hỏi về bình đẳng giới, nhiều người đàn ông Việt Nam thường đùa ‘dĩ nhiên ở nhà tôi có bình đẳng…Tôi sợ vợ mà!”

Cố gắng rõ rệt nhằm lờ đi các vấn đề giới nghiêm túc bằng một bình phẩm lém lỉnh cho thấy đàn ông Việt Nam không thoải mái khi nói đến các vấn đề liên quan phụ nữ. Nhưng thái độ, hành vi của đàn ông lại gắn kết – thậm chí là không thể thiếu – với sự bình đẳng giới trong tương lai.

Không may là các học giả về giới tại Việt Nam đã tương đối nhu nhược khi nghiên cứu về đàn ông. Là ‘đàn ông Việt Nam’ nghĩa là thế nào? Các vai trò giới của đàn ông có được là từ đâu? Trả lời được các câu hỏi này sẽ giúp giải thích các giá trị và niềm tin vẫn còn đang cản trở sự bình đẳng ngày hôm nay.

Thực tế, một số vấn đề giới bức thiết nhất chỉ có thể giải quyết bằng cách vừa tăng sức mạnh cho phụ nữ mà cũng phải thảo luận cả về đàn ông.

Ví dụ vấn đề bạo hành tình dục và gia đình. Mặc dù chính phủ và các NGO quốc tế đã đạt tiến bộ khi thông qua luật và hỗ trợ cho các nạn nhân, nhưng cũng cần phải nói về thái độ và các giá trị của đàn ông mà đã giúp bạo lực tồn tại.

Quay lại chuyện đàn ông sợ vợ, cảm xúc của họ phản ánh sự lúng túng của thuyết nữ quyền phương Tây khi áp dụng cho thực tiễn xã hội ở Việt Nam.

Thảo luận trừu tượng về “sự đàn áp của nam giới” dường như xung khắc với trải nghiệm của đàn ông về sự thống trị của đàn bà trong gia đình. Mọi khái niệm về bình đẳng giới ở Việt Nam phải lưu ý những định chế và vai trò về giới đang có sẵn như thế, để tập trung vào sự hợp tác và hòa giải.

Với những đàn ông này, sự sợ vợ của họ không nhất thiết đồng nghĩa với sự tôn trọng. Những tình cảm đó, dù trong nền văn hóa nào, cũng chẳng phải là bình đẳng giới.

Bài dịch từ bản tiếng Anh của Martina Nguyễn, một nhà nghiên cứu xã hội người Mỹ gốc Việt, hiện sống tại London.