Di tích cổ Qumran, Massada và Biển Chết Print
Tác Giả: Trịnh Hảo Tâm / Hình: Phùng Khải Tuấn   
Thứ Bảy, 19 Tháng 6 Năm 2010 18:28

Gần Biển Chết có hai khu khảo cổ là Qumran và Massada, Qumran là một làng hoặc một tu viện của người Do Thái

 nơi người ta khám phá gần 900 cuộn Thánh Kinh cổ có niên đại trước Công Nguyên. Massada là một thành trì của Do Thái chống lại đế quốc La Mã, khi bị bao vây cả năm trường, họ đồng lòng cùng nhau tự sát để khỏi rơi vào tay giặc.


Khách hành hương nổi người trên mặt nước Biển Chết.

Rời Jericho nơi có ngọn Núi Cám Dỗ và cây sung ông Dakêu chúng theo theo quốc lộ 90 đi về phía Nam để đến di tích khảo cổ Qumran. Ðoạn đường 18 km này cũng là sa mạc núi non không một bóng cây, không một xóm nhà. So với đường đi Las Vegas ngang qua sa mạc Thung Lũng Tử Thần (Death Valley) thì tuy gọi là Thung Lũng Tử Thần nhưng còn có sự sống, còn có cây xương rồng nở hoa, những bụi cỏ xanh màu và những con rắn mối, thằn lằn còn ở đây toàn là đất đá và núi non như Ðại Vực Grand Canyon.

Có một bà trong đoàn hành hương hỏi: “Ðất đai khô khan như thế này mà tranh giành làm chi khiến các tổng thống Mỹ từ Biu Cờ-lin-tong cho đến Ô-ba-ma phải đứng ra dàn xếp, mất thời giờ quá. Sao không cho họ sang Mỹ định cư ở các tiểu bang thưa người, hết chiến tranh giành nhau có phải hơn không?”

Có tiếng một ông trên xe đáp lại: “Họ giành nhau là vì đây là đất Thánh mà, như bà vậy, sao không du lịch các nơi danh lam thắng cảnh mà đến đây lặn lội làm gì?” Cả đoàn trên xe cười khúc khích, lại có người lên tiếng: “Tại bả muốn lên thiên đàng!” Linh mục trưởng đoàn mới có cơ hội lên tiếng: “Chúa có nói: ‘Ai muốn theo ta thì phải vác Thánh Giá’”.

Câu chuyện đưa đẩy một lúc thì xe đi vào vùng bình nguyên có ruộng trồng lúa mì hay khoai tây, cà rốt gì đó và xa xa thấy một vùng nước xanh lấp lánh ánh bạc. Ðây thuộc vùng West Bank nhưng hiện do Israel kiểm soát, họ có những hồ chứa nước lấy từ sông Jordan và các con suối nhỏ trong những tháng mưa và làn nước phía xa mà chúng ta thấy đó là Biển Chết chúng ta sẽ tới sau. Bây giờ xe rẽ vào tay phải để đến khu khai quật di tích cổ có tên là Qumran.

Công viên quốc gia Qumran

Du khách đến thăm khu khảo cổ Qumran.

Khu di tích Qumran đã trở thành công viên quốc gia của Israel có thu lệ phí vào cửa (20 NIS, đồng New Israel Shekel, 1 USD = 3.87 NIS).

Trong công viên ngoài các bãi đất được khai quật lộ ra các bức tường đá nhà cửa thời xưa còn có phòng triển lãm hình ảnh lúc khai quật, phòng chiếu phim và quán ăn.

 Qumran không có nhà dân, nằm trên một vùng đất cao cách Biển Chết (Dead Sea) khoảng 1 mile (1.6 km) về phía Tây của bờ vịnh phía Bắc Biển Chết, đây là nơi người Do Thái đã sinh sống dưới thờ Vua John Hyrcanus (134-104 TCN) cho đến khi bị đế quốc La Mã xâm chiếm và tàn phá năm 70 SCN cùng thời với thành Jerusalem.

Các hang động ở Qumran.

Chúng tôi vào công viên quốc gia Qumran xây dựng ở giữa sa mạc và núi đá. Vào phòng tối xem một đoạn video chiếu về phong cảnh là lịch sử Qumran với những tranh vẽ cảnh nhà cửa thời xưa.

 Sau đó vào các phòng triển lãm xem các hình chụp các toán khảo cổ của nhiều quốc gia khai quật các di tích.

Cuối cùng theo người hướng dẫn viên của công viên ra ngoài đến những hiện trường các khu đất được đào xới và khai quật. Một cách tổng quát khu di tích khảo cổ Qumran được mô tả như sau:

Trước đây người ta không biết rằng xưa kia đã có một làng bị chôn ở phía dưới, cho đến năm 1947 một đứa bé chăn dê tình cờ ném một hòn đá vào hang động, bỗng nghe một tiếng vang như chạm vào một chiếc bình nào đó. Từ đó các nhà khảo cổ mới đến xem xét các hang động gần đó và từ 1947 đến 1956 đã tìm thấy gần 900 cuộn giấy có viết chữ làm bằng da thú như dê, lừa. Ðồng thời họ cũng đào và khám phá ra khu định cư thời xưa với hồ chứa nước, nhà tắm của người Do Thái, những nghĩa địa với hàng ngàn bộ xương, những phòng họp, thư phòng nơi viết chữ trên da thú, lò gốm làm bình chứa nước, nồi niêu dùng để nấu ăn. Nhiều sử gia, học giả tin rằng đây là tu viện của người Do Thái có thể là của giáo phái Essenes, có giả thuyết cho là đồn binh của người Hasmonean và sau đó chuyển thành một làng của những gia đình giàu có chuyên sản xuất đồ gốm thời ấy. Người ta không biết rõ số người sinh sống tại nơi đây nhưng ước lượng khoảng vài trăm đến 2,000.

Trạm xe cáp treo trên thành trì Massada.

Một nghĩa địa lớn được tìm thấy ở phía Ðông mà hầu hết các ngôi mộ chôn những xác đàn ông, một ít mộ phụ nữ cũng tìm thấy, các nhà khảo cổ xác định là chôn vào thời Trung Cổ.

 Vì luật của Do Thái giáo không cho phép quật mồ người chết nên người ta chỉ khám nghiệm một số bộ xương trong số trên một ngàn ngôi mộ ở đây.

Một giả thuyết cho là đó là những mộ của các tu sĩ tu, giả thuyết khác cho là mộ của dân Jerusalem được mang đến chôn ở đây vì đây là vùng đất cát dễ đào hơn là vùng Jerusalem toàn đá phải đặt xác trong hầm đá như chúng ta đã biết như thời Chúa Jesus.

Gần 900 cuộn da thú viết chữ được tìm thấy trong 11 hang động, nhiều học giả cho các động là thư viện của tu viện vì còn dấu vết như những kệ lưu trữ những cuộn da. Những cuộn da này viết vào thời Ngôi Ðền Thứ Hai bằng chữ cổ phải đem về Jerusalem đến nhờ các nhà cổ ngữ dịch lại.

 Nhiều đoạn văn đọc được cho thấy họ tin những tín điều của Do Thái Giáo và thờ phượng, cầu nguyện theo cung cách của tôn giáo này. Có những đoạn văn chứng tỏ họ là người Essenes hoặc giáo phái Zadokites chống lại vua chúa và các thầy tu dưới triều Hasmonean.

Hầu hết những cuộn da đều viết về thánh kinh Cựu Ước, không có cuộn nào ghi về Tân Ước mà Cựu Ước chính là nền tảng của Do Thái Giáo trong khi Tân Ước do các thánh ghi chép lại những lời Chúa Jesus dạy là nền tảng của Thiên Chúa Giáo (Công Giáo, Chính Thống, Tin Lành v.v...)

Thành trì Massada trên núi

Chúng tôi lên xe tiếp tục đi về hướng Nam để đến thành trì Massada xây trên núi cạnh bờ Tây của Biển Chết.

Thành Massada nằm trên vùng bằng phẳng của ngọn núi rất cao, muốn lên phải đi bằng con đường mòn uốn lược quanh co theo triền núi hoặc bằng xe dây cáp treo.

Chúng tôi lên bằng xe dây cáp hình như mới xây dựng cách đây vài năm nên kiểu xe cũng như trạm đi và đến còn rất mới.

Giàn giá ở trạm trên núi làm bằng thép đục vào đá núi trông rất vững chắc. Có một số vị trong đoàn hành hương lớn tuổi hay vì sợ độ cao nên không lên núi, ngồi lại trong xe buýt chờ. Sau khi lên tới trạm một cách êm ái cũng như có dịp ngắm cảnh Biển Chết mù hơi nước ở hướng Ðông, chúng tôi theo những con đường đi bộ lót bằng ván gỗ ôm theo vách đá, sườn sắt gắn vào trong đá, phía dưới là hố sâu ghê rợn để đến thành trì và cung điện Massada.

Thành trì Massada.

Câu chuyện thành trì Massada hấp dẫn và cảm động nói lên lòng can đảm và khí phách của dân tộc Do Thái ngày xưa chống giặc ngoại xâm La Mã.

 Thành Massada được Vua Herod (âm tiếng Việt là Hêrôđê) xây năm 30 TCN. Khi quân đế quốc hùng mạnh La Mã xâm chiếm Do Thái một số tu sĩ Do Thái Giáo từ Jerusalem di tản về đây và tử thủ trên thành trì trên núi này và Massada trở thành điểm cuối cùng chống lại La Mã.

 Năm 72 SCN quân La Mã vây thành Massada dưới chân núi suốt cả năm. Tu sĩ Do Thái trên núi đánh lại quân La Mã bằng đá và tên gắn lửa nhiều tháng trời mặc dù lương thực và nước uống đã cạn kiệt. Năm 73 quân La Mã xây xong một con đường lên núi bên ngoài thành và đem quân đông đảo lên tấn công căn cứ Massada.

Thấy sức yếu không chống chọi được lâu dài, 960 tu sĩ Do Thái trên núi đã chọn cái chết bằng cách tự tử hơn là sa vào tay giặc La Mã. Câu chuyện lịch sử đã để lại hậu thế tấm gương can đảm, anh hùng và tử vì đạo.

Những gì còn lại của thành quách Massada được bảo tồn rất kỹ cũng như xây dựng thêm nhằm vinh danh những anh hùng dân tộc đã từng hy sinh chống giặc ngoại xâm tại di tích lịch sử này.

Kiến trúc đáng nhớ nhất là cung điện của Vua Herod ở phía Bắc khu di tích được xây trên đỉnh của 3 ngọn núi nhìn xuống vực sâu phía dưới. Gần cung điện có nhà tắm theo kiểu La Mã với sàn cẩn đá màu mosaic và tường trang hoàng bằng những hoa văn.

Nhiều kiến trúc khác như cung điện xa hoa ở phía Tây có phòng tắm kiểu Do Thái, kho chứa đồ đạc, tháp canh và ngôi đền thờ Do Thái (Synagogue) gắn liền với lịch sử của Massada, đặc biệt là các món cổ vật như những thùng chứa, đồ gốm trang trí hoa mỹ, những cuộn da thánh kinh và những đồng tiền kim loại.

Massada là điểm du lịch mà chính phủ Israel muốn du khách tới thăm nên Tour du lịch nào cũng có chuyến lên thành trì Massada. Trong ngôi nhà “Tourist Center” dưới chân núi luôn trình chiếu đoạn phim về lịch sử Massada, mô hình của thành trì ngày trước và trưng bày hình ảnh những gì các nhà khảo cổ khai quật được. Năm 2001 di tích thành trì Massada được tổ chức Unesco liệt kê là di sản thế giới.

Biển Chết (Dead Sea)

Xuống núi chúng tôi lên xe ra Biển Chết cách đó chừng 1 km. Nơi bờ biển này có nhà thay quần áo, phòng vệ sinh cũng như các vòi nước ngọt tắm lại sau khi dưới biển lên.

 Xe đậu hơi xa nhà thay quần áo nên các bà, các cô ra phía sau xe buýt mà thay. Bọn đàn ông chúng tôi bị ngồi lại hết trong xe và nhìn ra biển mơ màng. Trời chiều mây đen kéo tới, gió lạnh nên nhiều bà cũng không muốn xuống biển tắm. Những người tắm đều là những người tò mò muốn xuống nước để thân mình nổi bềnh bồng, giả bộ cầm tờ báo chụp hình đem về khoe với bạn bè. Các bà kéo nhau rón rén xuống nước cho biết nước khá lạnh và dưới đáy toàn là những hòn đá đóng muối tua tủa góc cạnh nhọn như san hô đâm vào bàn chân rất đau!

Ðược biết Biển Chết nằm ở vị trí thấp nhất trên lục địa, mặt nước có độ cao (phải gọi là độ sâu mới đúng) 422 mét (1,385 ft) dưới mực nước biển. Nơi sâu nhất ở Biển Chết là 378 mét (1,240 ft) là hồ nước mặn sâu nhất trên thế giới. Ðộ muối ở Biển Chết gấp 8.6 lần độ muối của nước biển, nước mặn đến nỗi không có một sinh động vật nào sống được cho nên người ta mới gọi là Biển Chết.

Chiều dài của Biển Chết là 67 km (42 miles) và chiều ngang nơi dài nhất là 18 km (11 miles). Phía bờ Tây Biển Chết giáp với West Bank và Israel, bờ Ðông phía bên kia là nước Jordan và đường biên giới ở giữa biển. Biển Chết nhận nước từ sông Jordan và tới đây nước được giữ lại không còn thoát đi đâu được.

Biển Chết thu hút du khách trong vùng Ðịa Trung Hải thăm viếng từ hàng ngàn năm trước, theo Thánh Kinh là nơi ẩn náu của Vua David và là nơi nghỉ dưỡng “health resort” đầu tiên trong lịch sử (Vua Herod dùng nơi đây để nghỉ ngơi). Ngày xưa Biển Chết từng cung cấp nhiều khoáng sản như hương liệu để ướp xác và chất potash để làm phân bón. Hiện nay một phần phía Nam của Biển Chết người ta ngăn bằng đất, tách rời với phía Bắc và đấp những con đê để nước bốc hơi làm ruộng muối, năm 2001 Israel đã sản xuất được 1.77 triệu tấn potash, 206 ngàn tấn bromine, 44,900 tấn caustic soda, 25 ngàn tấn magnesium và sodium chloride. Phía bên Jordan cũng khai thác khoáng sản không kém gì phía Israel.

Chúng tôi lên xe để trở về Jerusalem lúc trời đã hoàng hôn, bầu trời một màu xám như sắp mưa với từng cơn gió lạnh tràn về.