Home Giải Trí Thắng Cảnh Thế Giới Vài Kỳ Quan Của Miền Tây Hoa-Kỳ

Vài Kỳ Quan Của Miền Tây Hoa-Kỳ PDF Print E-mail
Tác Giả: Nguyễn Đức Trọng & Thanh Đan   
Thứ Tư, 14 Tháng 1 Năm 2009 12:07

Mọi việc trên đời đều có cái duyên của nó! Chúng tôi sắp đặt đã lâu cho chuyến về thăm Việt Nam, nhưng cuối cùng lại phải hủy bỏ, vì sở thiếu nhân viên và yêu cầu chúng tôi rút ngắn chuyến du hành. Chuyến về thăm VN nếu thực hiện được, có lẻ cũng buồn với hình anh lụt lội ở Hà Nội và Sàigòn, mà mình lại không làm được gì để giúp đỡ.

Tôi dự tính đi thử một chuyến qua Nam Mỹ thăm dân cho biết sự đời, và để nhìn tận mắt nét đẹp của thành phố Rio De Janeiro của Brasil với thắng tích Christ The Redeemer (Chúa Cứu Rỗi), rồi thành phố Buenos Aires của Argentina, và cuối cùng là vùng thác Iguazu nằm ở ngã ba biên giới của Brasil, Argentina và Uruguay. Nhưng sau khi hỏi thăm giá cả, trung bình là từ $3000-$4000, tôi thật ngạc nhiên như tư trên Trời rơi xuống. Thật không ngờ tí nào, là cùng chung một lục địa Mỹ châu mà giá cả sinh hoạt ở các nước phía Nam lại cao như vậy. Thôi thế là đành phải dời chuyện đi ra ngọai quốc vào lúc khác.

Tôi ghé vào thư viện mượn được quyển "Blue List, the best in travel 2008" do Lonely Planet ấn hành để xem thử là nên đi đâu trong vòng hai tuần. Quyển sách này liệt kê và giải thích về nhiều thắng cảnh trên thế giới mà chúng ta nên thăm viếng theo nhiều tiêu chuẩn khác nhau như về địa lý, tôn giáo, lễ lạc, v.v. Đại khái như Matsuyama ở Nhật, Vienna ở Áo, Bologna ở Ý, Marseille ở Pháp, Cát Tiên ở Việt Nam, Colorado ở Mỹ, v.v. Và thật là bất ngờ khi chúng tôi bắt gặp bức ảnh chụp địa điểm có tên là "Horseshoe Bend of The Colorado River". Bức hình như đã tạo một chấn động trong lòng tôi, khiến tôi nhìn hoài mà không chán! Tôi nhứt định phải thuyết phục cô hàng xóm đi cùng với tôi đến nơi đây. Ác một điều là địa điểm này nằm không xa nơi chúng tôi đã ghé thăm hồi năm 2007, Lake Powell , mà lại không biết. Nói chính xác là phía Nam của thành phố Page của Arizona chừng 4.5 dậm. Một điều lạ nữa là trong sách cẩm nang du lịch của AAA, Fodor, Grommer, ... đều không thấy đề cập. Khi nhìn thấy bức hình và vài lời tả cảnh của tôi, cô hàng xóm đồng ý ngay chuyến đi thăm vùng núi non và thung lủng của Utah, Arizona, và Nevada ngay. Thế là chúng tôi lên chương trình ngay cho chuyến đi!

Tôi đã vào Website của Orbitz.com để tìm tin tức về máy bay, thuê xe, đặt phòng khách sạn, cùng những Review của khách hàng. Những tin tức của các bạn trên diễn đàn du lịch của Đặc Trưng và TVVN đã giúp đở chúng tôi rất nhiều. Dĩ nhiên với những bạn tiền bạc rủng rĩnh thì chẳng để ý đến chuyện tiền nong, nhưng riêng chúng tôi ngân sách có giới hạn nên tiết kiệm được chổ nào thì cứ tiết kiệm.

Kết quả là chúng tôi chọn JetBlue để bay đến Long Beach ở Nam Cali, rồi từ đây thuê xe lái đi St George ở Utah để thăm Horseshoe Bend of Colorado River, các thắng tích và công viên quốc gia gần đó như Zion, Bryce, Grand Canyon-North Rim, Valley of Fire, Lake Mead, v.v. Ở St George, chúng tôi chọn khách sạn Ambassador Inn giá $59.95 một đêm và rất vừa ý với phòng ốc, vị trí, cũng như sự tiếp đãi của nhân viên. Họ lại bao luôn ăn sáng, và bao luôn Wireless Internet nữa mới hay chứ! Tôi đã vào Priceline.com để thuê khách sạn lọai 4 sao là Stratosphere Tower ở Las Vegas và Hilton Hotel đối diện phi trường John Wayne ở Nam Cali. Tôi đã "bid" giá và chỉ phải trã có $60 một đêm. Khách sạn thì ngon lành, nhưng không có mục bao ăn sáng, bao Wireless Internet như các khách sạn nhỏ hơn (Inn). Phần ăn sáng trung bình là $20 một người và $14 cho Wireless Internet dùng trong một ngày.

Sau đây chúng tôi xin chia xẻ kinh nghiệm của chuyến đi và những thắng cảnh xung quanh khu vực giao nhau của ba tiểu bang Utah, Arizona, và Nevada. Các bạn lần sau nếu có dịp đi chơi ở Las Vegas, Lake Powell, hay Nam Cali thì cố gắng kéo dài thêm vài ngày để thăm viếng các nơi sắp kể thì hay lắm.

1. Chọn Hậu Cứ

Chúng tôi đã chọn thành phố St George, Utah để làm hậu cứ thay vì Las vegas, vì có thể cắt giảm 2 giờ lái xe khi đi thăm các thắng cảnh, bù lại phải lái xa hơn 2 tiếng trong ngày đầu từ Nam Cali. Riêng đối với ai thích thiên nhiên, chụp hình thì nên chọn hậu cứ là thành phố Springdale, Utah nằm ngay đầu Zion National Park. Ngoài ra, để tiết kiệm tiền thuê xe, các bạn nên xem qua trang nhà BJs.com vì thường tôi tiết kiệm trung bình là từ 10% đến 20% so với Orbitz.com, hoặc ngay cả liên lạc thẳng với hãng xe.

Từ Nam Cali đi St George, Utah mất 6 tiếng. Nếu đi ngay sau khi đáp xuống Long Beach lúc 10am thi chúng tôi đã có mặt tại St George lúc 4pm. Nhưng vì mê món bánh cuốn của tiệm Phở Tàu Bay Lý Thái Tổ, và mua vài món để ăn dọc đường của quán Uyên Thy nên lục đục mãi gần 2pm, chúng tôi mới bắt đầu hành trình. Mùa Thu va Đông trời mau tối, nên lúc đi ngang Las Vegas thì mặt trời cũng vừa ngấp nghé chân trời. Cô hàng xóm thấy trời tối thì lo sợ vì đường còn xa, nhưng tôi lại khoái chí vì có dịp nhìn buổi hoàng hôn qua kính chiếu hậu, bên trái của tay lái, từ lúc bắt đầu đến khi dứt hẳn ánh sáng. Qua khỏi Las Vegas, tốc độ giới hạn đã tăng lên 75mi/hour. Tôi giữ tốc độ quy định và bà con thì cứ qua mặt ào ào. Nhìn qua con đường ngược chiếu, xa xa các bóng đèn xe như nằm yên một chổ, mặc dù cả hai bên đều chạy nhanh. Vì đây là khu đồng trống, quá rộng lớn nên mới tạo cho chúng ta một ảo giác như vậy.

Trước khi đến thành phố St George, chúng tôi đi ngang Virgin River Gorge. Đây là đọan đường đèo rất đẹp nếu đi vào ban ngày. Khi chúng tôi đến nơi đây thì trời đã tối đen, chung quanh không còn một chút ánh sáng ngọai trừ ánh đèn xe. Đoạn đường chỉ có 20 miles mà sao thấy dài lê thê. Lúc vừa thấy ánh đèn của thành phố St George tôi và cô hành xóm đều thở phào!

Bữa cơm tối với món cơm đỏ, gà nấu đậu, và khoai chiên của quán Uyên Thy sao mà ngon quá chừng. Có lẻ vừa do đói bụng, vừa mừng vì đã đi xong một đọan đường dài, vừa háo hức cho chuyến đi ngày mai thăm Horseshoe Bend of Colorado River, mục đích chính của chuyến du hành lần này. Hai đứa chúng tôi quyết định chuyến trở về Nam Cali, sẽ trở lại quán Uyên Thy để ăn thử các món khác, ai ngờ lại là một quyết định đầy sai lầm.

2. Horseshoe Bend Of The Colorado River

Con sông Colorado phát nguyên từ tiểu bang Colorado (Color là màu, Rado là đỏ). Đây là nói về màu của núi đá đỏ nằm dọc theo lưu vực con sông Colorado, và gần đó. Khi vào hình hợp với màu xanh lục của cây cỏ, và thêm màu xanh của bầu trời thì bức ảnh đúng là quá nổi. Do đó dân mê thiên nhiên và chụp hình khó mà bỏ qua một chuyến đi săn hình trong đời về vùng Colorado, Utah, Arizona, và Nevada.

Đoạn đường từ St George đi đến thành phố Page của Utah, làm điểm tựa mà định hướng đi tìm Horseshoe Bend of Colorado River theo Yahoo Mapping chỉ mất 2 giờ 45 phút. Nhưng cái tật thấy cảnh đẹp là ngừng chụp hình, phải mất hơn 4 tiếng, tôi mới đến nơi.

Đậu xe vào bãi xong, chúng tôi vẫn nghi ngờ là không biết mình có đi đúng nơi không, vì ngoài chiếc xe của mình, chỉ có thêm một hai chiếc khác. Nếu là cảnh đẹp, lạ và hấp dẫn, sao lại không có một bóng xe búyt du khách nảo! Tấm biển chỉ dẫn cho biết là cần đi bộ 3/4 mile thì sẽ đến nơi ngắm cảnh (scenic view). Đây là tấm biển mới, ngày trước còn có thêm hàng chữ "Take only pictures, leave nothing behind" hay “Take nothing but pictures, leave nothing but footprints” gì đó, nghe cứ như thơ!

Chúng tôi leo lên một con dốc vừa cát vừa đá nhỏ thoai thoải chừng 150 thước. Trời vào trưa nhưng không nắng lắm. Vừa qua khỏi con dốc, cô hàng xóm của tôi đã lên tiếng đầu hàng vì đá vào dép, đau chân quá! Nhìn xuống con đường sẽ đến thì không thấy gì. Tôi đành bảo cô hàng xóm ngồi chờ bên bờ đá ven đường, còn tôi thì đi ngược lại bãi đậu xe tìm đôi giày đi bộ cho nàng thay. Khi vòng trở lên mới thấy thấm cái mệt vì nắng và con dốc. Dù không nhìn thấy chi, tụi tôi vẫn quyết đi tới, mặc dù biết rằng sẽ mệt vì đường dốc lên xuống với đá và cát. Chúng tôi không nhìn thấy gì hết hình ảnh như đã xem cho đến những bước cuối cùng của đoạn đường. Chúng tôi chỉ biết đứng lặng mà nhìn! Trước mặt, xa bên dưới, dòng sông Colorado phản chiếu ánh nắng và bầu trời cộng thêm núi đá đỏ vây quanh ... trời ơi sao mà đẹp quá vầy nè! Chỉ có bàn tay Thượng Đế mới có thể tạo ra cảnh tượng như vầy, vừa quái đản, vừa kỳ dị, vừa hấp dẫn!

Hai đứa cứ đứng súyt xoa và tìm vị trí để chụp hình, mỗi đứa một máy cho chắc ăn! Vì không có rào cản, và mặt đá lại bằng phẳng nên chẳng ai dám đến gần miệng vực mà nhìn xuống để thấy cho trọn đường cong của chiếc "Horseshoe Bend of Colorado River". Cuối cùng tôi thấy chỉ có cách duy nhất là leo lên một tảng đá nằm sát bờ vực, nhưng nhờ có dốc ngược, chúng tôi có thể bò ra đó mà thò đầu ra nhìn xuống dưới. Cồ hàng xóm thấy tôi bò ra xem la quá chừng, vì độ sâu từ bờ xuống mặt nước bên dưới cũng khoảng 500-600 bộ. Chẳng thấy con đường nào đi xuống, trừ Nhẩy Dù và có ước muốn về thăm Chúa. Các bạn có đến nơi nầy làm ơn đừng dẫn con nít đi theo, chúng đùa giởn mà lao xuống vực thì đúng là rồi đời! Ngay cả người lớn cũng không nên xô đẩy giởn chơi nơi đây.

Tôi lui cui trường mình bò lên phiến đá, tiến dần về phía trước và thò đầu nhìn xuống. Đúng là hết xẩy, có một trong đời! Vì quá hào hứng với hình ảnh trước mắt, tôi quên cả cơn đau ở hai cùi chỏ vì lết trên đá mà lại mặc áo thun ngắn tay. Chúng tôi chỉ đem theo máy hình loại Point and Shoots nên không có cách cho lấy hết cảnh Horseshoe Bend này vào một tấm hình. Các bạn có đi nhớ mang theo ống kính Wide Angle loại rộnh nhất, hay Fish Eye thì càng tốt. Thời gian tốt nhất là khi mặt trời đứng bóng, không còn bóng râm trên mô đá và vách núi.
Thấy tôi mò ra bờ vực và trở lại an toàn, cô hàng xóm của tôi cũng tò mò và làm gan bò ra xem, cũng phải công nhận là "rất đáng đồng tiền"!

Vị trí này thuộc Glen Canyon, nằm dưới dòng của Glen Canyon Dam, và trên máy GPS là N 36-52-34.1, W 111-30-38.25. Dễ nhớ nhất là phía Nam thành phố Page, cách chừng 4.5 miles trên SR-89.

Chúng tôi lẩn quẩn nơi đây cả tiếng mới chịu rời. Đường vào còn háo hức nên không thấy mệt, đường ra đúng là oải! Các bạn có đi không nên quá gắng sức, cứ mệt thì nhớ dừng lại nghỉ, cố quá mà thành quá cố thì buồn lắm! Quí vị nào cao áp huyếthay không quen leo dốc, đi bộ trời nắng thì chớ nên đi làm chi, đê" em út nó đi về báo cáo và cho xem hình/video cũng đủ hay rồi. Gặp trời mưa hay trời tuyết, các bạn chớ có đi nơi này nghe!

3. Grand Canyon-North Rim

Sau khi ghé nhìn một cái cho biết Horseshoe Bend of Colorado River, chúng tôi đồng ý cùng đi thăm Grand Canyon-North Rim trước khi quay về St George. Mặc dù khỏang cách đi đến Grand Canyon-South Rim cũng bằng khoảng thời gian như vậy, nhưng muốn quay về khách sạn trước 9pm chắc chắn là không xong. Đó là chưa kể, trời mùa thu mau tối, muốn nhìn vực thẳm sau 4giờ30 tối thì thực là khó.

Đường đi thật dễ, chúng tôi chỉ quẹo hai lần là đến nơi, từ Horseshoe Bend of Colorado River trên SR-89 quẹo phải vào SR-89A đi chừng 1 giờ rồi quẹo trái vào Grand Canyon Hiway 67 thêm một giờ là đến nơi.

Đường đi rất vắng gần như chỉ có hai chúng tôi trên suốt đoạn đường dài. Con đuờng SR-89 có lẻ mới làm không lâu nên trong nhựa đường còn đen bóng và đường xẻ các vách núi trong còn mới lắm. Vì mong đi cho mau đến, chúng tôi đều bỏ qua không dám ngừng lại thăm viếng các thắng cảnh dọc đường như Vernilion Cliffs National Monument, Glen Canyon Ferry Center, Navajo Tribal Village, các hang động mà người da đỏ hiện vẫn dùng làm nhà ở, v.v.
Tháng 10/2008, chúng tôi đi xem mùa thu ở Virginia và West Virginia, cây lá ngập tràn khắp nơi. Qua đến nơi đây đúng là một trời một vực, đồi núi chỉ toàn là đất với đá, thật hiếm mới thấy bóng dáng một vài ngọn cây. Và thật bất ngờ khi thấy thông xanh tràn ngập núi đồi trên con đường dẫn vào Grand Canyon-North Rim, cùng lúc hơi mát tăng dần.

Lúc vào đến bãi đậu xe thì thấy trống trơn, không một du khách lai vãng, mặc dù chỉ mới hơn 4 giờ. Đi một vòng xem xét thì mới hay là nhân viên đều ra về lúc 4 giờ. Để thu hút du khách, tiểu bang Arizona đã tổ chức cho thuê phòng ốc tại Grand Canyon-North Rim Lodge, nhà hàng, quán rượu, cũng như hàng trăm căn chòi (log cabin) để du khách có thể ở lại mà thăm viếng cho đây đủ. Chỉ riêng có phòng bán quà lưu niệm là mở cửa quanh năm, còn mọi thứ đều đóng cửa vào mùa đông, từ tháng 11 đến hết tháng 3 hàng năm. Chúng tôi đi thăm thật không đúng lúc, nhưng thôi mình chỉ cần xem cảnh tại chổ chứ có cần ở lại đâu mà đòi hỏi. Thế là chúng tôi kéo nhau đi quan sát các nơi.

Có rất nhiều đường đi bộ (hiking trail) đưa du khách viếng thăm toàn thể khu vực của Grand Canyon, từ dễ đến khó, ngắn dài đủ hết, ngay cả con đường đi từ North Rim đến South Rim. Du khách thông thường bỏ ra từ cả tuần đến cả tháng để thăm viếng, tìm hiểu về Grand Canyon. Bây giờ chúng tôi chỉ có 1 giờ để thăm viếng, nên chúng tôi chọn con đường ngắn nhất để đi thăm điể quan sát Angel Points. Con đường vừa đi vừa về chỉ có 1 mile. Đoạn đường đẹp quá, cứ vài bước là tôi phải dừng lại chụp hình. Mỗi góc cạnh - bên phải, bên trái, trước mặt, đều là những hình ảnh lạ thường, khó gặp trong đời mà tôi thì tham quá, muốn ghi lại cho bằng hết vì không biết đến bao giờ mới có cơ hội quay lại.

Đường đi một bên là vách núi đá trắng, một bên là vực thẳm, cứ quẹo một cái là cảnh sắc lại đổi khác. Trời chiều càng lúc càng lạnh, nên chúng tôi vội vàng cuốn gói ra về sau khi đi đến điểm cuối của Angel Point Trail. Trên đường trở ra, chúng tôi mới thấy thiên hạ lục tục vác máy hình đi vào. Có lẻ họ hy vọng sẽ chụp được cảnh hoàng hôn nơi đại vực chăng?! Hỏi thăm thì ra họ cũng giông chúng tôi là cố gắng thăm viếng một vài nơi trước khi đến nơi này.
Ngày hôm qua tôi đã được dịp ngắm hoàng hôn qua kiếng lái xe bên trái, hôm nay đoạn đường đèo SR-89A đã cho chúng tôi cùng nhìn hoàng hôn. Bên trái, mặt trời từ từ xuống thấp nơi chân trời, ánh sáng cuối ngày như vấn vương, như níu kéo trước khi chịu rời bỏ trần thế. Mỗi khi thấy cảnh sắc lạ trên bầu trời, đôi khi tôi ngừng luôn giữa đường mà chụp hình, dĩ nhiên là phải trông chứng ánh đèn xe phía sau.

Một mình lái xe con đường đèo ban đêm có cái thú của nó, vì chỉ mình mình với bóng đêm. Nhưng mỗi lần đổ đèo tim cô hàng xóm của tôi cứ muốn trật nhịp. Đó là do cô ấy thú nhận với tôi lúc về đến khách sạn.

4. Zion National Park

Công viên này cách thành phố St George độ 35 phút lái xe, và như vậy chỉ cách Las Vegas có 2 giờ 30 phụt Nếu vì thời giờ eo hẹp, các bạn có thể bao gồm cả hai công viên quốc gia Zion và Bryce Canyon vào trong một ngày. Mặc dù hơi có vẻ gấp rút và ôm đồm, nhưng nhu thế cũng tạm đủ cho lần sơ khởi. Sau khi đi qua một lần, lần sau nếu có dịp trở lại, chắc chắn các bạn sẽ dành cho nó nhiều thơi giờ hơn.

Thành phố Springdale ngay đầu ngỏ vào của Zion National Park đã từng được chọn là 1 trong 10 thành phố có môi sinh lý tưởng nhất Hoa Kỳ. Các bạn nếu có thời giờ, nên thuê khách sạn tại đây ở thử cho biết bầu không khí trong lành và cảnh núi đá đỏ đẹp ra làm sao. Cổng vào tại đây mở cửa suốt năm từ 8am đến 5pm, từ tháng tư đến tháng 10 giờ mở cửa sẽ dài hơn.

Vực thẳm tại công viên Zion được kết thành do núi đá tảng và sự xâm thực của con sông Virgin. Một chuyến lội bộ đi xem cho hết các vực thẳm, thác, suối trong công viên Zion sẽ vài ngày là ít. Để tiết kiệm thời giờ, các bạn có thể ghé Visitor Center để xem những phim tài liệu, và chớ bỏ qua dịp thưởng thức màn ảnh cao 6 tầng lầu về sự hình thành, cái đẹp, cũng như những huyền thọai và sự diệu kỳ của công viên Zion.

5. Bryce Canyon National Park

Từ công viên Zion đến Bryce Canyon chỉ mất chừng 1 giờ 30 phút, nhưng nếu đi từ thành phố St George, các bạn phải dự trù ít nhất là 2 giờ. Từ thành phố St George, có hai đường đe6? đi đến Bryce Canyon. Hoặc là đi ngang qua công viên Zion bằng SR-9, rồi SR-89 North, rồi SR-12 East; hoặc I-15 North, rồi SR-14 East, rồi SR-89 North, rồi SR-12 East là đến. Theo tôi hay nhất là các bạn nên đi theo cách thứ nhất cho đường đi, đọan đường về thì dùng SR-14 thì các bạn sẽ có dịp thưởng thức cảnh đẹp của mọi con đường liên hệ. Đường đèo SR-14 thật đẹp khi hoàng hôn buông xuống, nhứt là tại địa điểm có hồ Navajo. Tôi đi quá dọan đường này khi màn đêm đã buông từ lâu, nhưng vẫn phải ráng nhảy xuống bấm vài pô hình khi nhìn thấy hình ảnh hồ Navajo soi mình dưới ánh trăng.

Khi gọi tên là Bryce Canyon thật ra cũng hơi miễn cưỏng vì nó không phải là vực thẳm được tạo ra do sự xâm thực liên tục của một con sông nào, ví dụ như Grand Canyon, Glen Canyon, Zion Canyon nằm gần đó. Bryce Canyon được tạo từ đá qua sự xâm thực của nước mưa, không khí và gió sau thời gian hàng nhiều triệu năm. Hơn nữa Bryce canyon na9`m ở vị trí cao hơn nhiều so với Grand Canyon, trung bình từ 6900 bộ đến 9100 bộ. Qua thời gian các loai đá để lại hình ảnh như những tòa lâu đài của một thế giới giả tưởng nào đó. Đôi khi lại làm cho tôi có cảm tưởng như đã đến một hành tinh nào khác không bằng.

Có khoảng 50 miles đường đi bộ thiên nhiên xuyên qua Bryce Canyon. Lối dễ nhất là đoạn đường dài 800m nối liền hai địa điểm nổi tiếng Sunset va Sunrise Points. Một đọan hấp dẫn khác có tên là Navajo Loop, đường đi hơi khó một chút, bắt đầu từ Sunset Point xuống một độ sâu chừng 520 bộ đến một nơi có tên là Wall Street.

Chúng tôi không có nhiều thời giờ nên chỉ dám ngắm cảnh bằng xe, đường vào và ra tổng cộng 32miles. Vì Bryce Canyon hướng về phía Đông nên các bạn nên đi thẳng đến Rainbow Point điểm cao nhất trước, rồi trên đường trở ra ngừng lại ngắm cảnh tại 13 điểm quan sát ngay bên tay phải của đường đi. Như vậy sẽ dễ dàng cho bạn đậu lại, thưởng thức và chụp hình.

Bryce Canyon mở cửa suốt năm từ 8am đến 4:30pm, mùa hè mở cửa lâu hơn. Du khách đến đông nhất trong khoảng thời gian từ tháng 5 đến tháng 10. Vào mùa đông thời tiết trên cao độ 8000-9000 bộ lạnh vồ cùng. Tôi mặc 3, 4 lớp áo mà vẫn còn run. Có lúc lạnh quá, khi quay ra, tôi ba chớp ba nháng chung vào chiếc xe của người khác đậu bên cạnh có cùng màu như xe của tôi. Làm cô hàng xóm và mọi người đi xe kia được một trận cười thỏa thích.

6. Lake Powell

Vài con số liên hệ đến hồ nhân tạo Lake Powell thấy cũng mất hồn! Lake Powell lớn hàng thứ nhì nước Mỹ, chiều dài của hồ là 186 miles. Cộng chung toàn thể bờ của hồ là 1960 miles, còn dài hơn tòan thể bờ biền của miền Tây Hoa Kỳ! Có tất cả 96 vực thẳm (canyon) để thám hiểm và thưởng thức. Thường là phải dùng thuyền mà đi vì đường xá trong khu vực rất giới hạn. Người ta đã mất 17 năm để đổ nước vào cho đầy hồ nhân tạo Lake Powell này theo dự tính, từ tháng 3/1963 đến tháng 6/1980.

Nhiệt độ trên hồ rất lạnh vào mùa đông. Tăng dần lên vào mùa hè - 70 độ F vào tháng sáu và kéo dài như thế cho đến tháng 10. Lake Powell ở cao độ 3700ft, độ ẩm thông thường dưới 40, cho nên đã được liệt kê vào loại "cao nguyên sa mạc" (high desert). Cho nên du khách kéo đến vùng này thật đông vào những tháng hè. Đi du ngoạn trên dòng nước xanh thẳm của Lake Powell, bao bọc với các núi đá hai màu trắng và đỏ, cộng với bầu trời xanh và mây trắng, chắc chắn các bạn sẽ có những chụp được nhiều bức ảnh, cùng những kỷ niệm khó quên.

Bạn có thể bỏ ra 30 năm để thám hiểm Lake Powell, nhưng vẫn không biết hết về nó. Vậy bạn còn chờ gì nữa mà chưa đi thăm Lake Powell từ bây giờ ?! Từ thành phố St George đến Lake Powell chỉ mất 2 giờ 40 phút. Hầu hết mọi dịch vụ du ngoạn trên Lake Powell đều có thể thu xếp qua các văn phòng dịch vụ du lịch tại thành phố Page gần đó. Các chuyến đi du ngoạn trên Lake Powell có thể kéo dài từ 1 giờ cho đến 7 giờ. Nếu muốn, bạn có thể đi xem toàn vùng quanh Lake Powell, Glen Canyon, và Grand Canyon bằng trực thăng luôn. Nghe nói ở Little Saigon có công ty du lịch VN cũng tổ chức đi Tour 3 ngày 2 đêm bao gồm Las Vegas, Zion NP, Bryce Canyon NP và Lake Powell mà chỉ có đâu $US180 thì phải. Rẻ phát sợ luôn!

7. Cedar Breaks National Monument

Nếu cùng lúc muốn kết hợp hình ảnh sự soi mòn của đá như ở Bryce Canyon nhưng ít hơn, đồng cỏ, rừng cây, và cùng lúc không muốn có quá đông người, các bạn nên thử một chuyến viếng thăm Cedar Breaks National Monument. Thắng tích này chỉ cách thành phố St George lối chừng 1 giờ 15 phút. Vào tháng 7 và 8 là mùa nở rộ của loài hoa dại (wild flowers); cuối tháng 9 đầu tháng 10 là bắt đầu sự rực rỡ của mùa Thu. Với một đôi giầy ngon lành và cặp chân cứng cáp là bạn có thể chinh phục dễ dàng hai con đường đi bộ nổi tiếng là Alpine Pond Trail đễ ngắm nhìn hoa dại và lộ trình Spectra Point/ Ramparts Trail dẫn đến Spectra Overlook Point và Ramparts Overlook. Gần đây báo USA Today chấm Cedar Break là 1 trong 5 địa điểm hay nhất để thưởng thức mùa Thu.

Lệ phí vào cửa nơi đây tính theo đầu người là $4, thay vi tính theo xe như Zion và Bryce Canyon. Cedar Break nằm ở cao độ 10000 đến 14000ft nên thường hay có sương mù, tuyết rơi sớm. Dĩ nhiên là lạnh hơn nhiều so với St George hay Las Vegas, bạn nhớ mang theo áo khoát nha. Con đường SR-14 là một đường đèo với cảnh đẹp (scenic route), bảo đảm là bạn lái xe rất thú vị. Bắt đầu từ tháng 11 là xe bắt buộc phải có bánh tuyết hoặc dây xích. Từ tháng 12 đến tháng 3 thì đóng cửa vì quá nguy hiểm.

Vì chưa đi Cedar Breaks lần nào, cũng như muốn nhìn lại hình ảnh hồ Navajo, cách ngã rẻ vào Cedar Breaks chừng 5 miles, nên chúng tôi quyết định đi thăm một lần cho biết, mặc dù chiếc xe thuê của mình không có bánh tuyết hay giây xích chi hết.

Lúc đến Cedar City, thành phố nằm trên I-15, nơi khởi điểm của đường đèo SR-14, trời nắng ấm, trong xanh hứa hẹn một ngày lý tưởng để thả bộ lang thang và chụp hình.

Trước khi lên đèo, nhìn thấy tấm bảng đòi hỏi bánh tuyết và giây xích, chúng tôi làm lơ đi luôn. Vách núi và thung lũng hai bên nhìn rất bắt mắt, nhưng đường hẹp nên muốn ngừng xe chụp hình cũng không dễ. Đường đi cao dần và khí lạnh như muốn thấm vào xương, tụi tôi phải ngừng xe mặc thêm áo mặc dù Cedar City cách đó 10 miles còn nắng ấm. Sương mù thổi đến mỗi lúc mỗi dày hơn, tầm nhìn rút lại chỉ còn chừng 30-50m. Chúng tôi chỉ còn cách ngó đèn xe trước mà đi. Qua lối rẻ vào Cedar Breaks, sương mù càng dày đặc, không thấy bóng một chiếc xe nào chạy trươc hay chạy sau. Đi thêm được vài trăm thước thì không còn thấy gì nữa hết, cô hàng xóm hoảng quá đề nghị là quay về vì thấy bầu trời đã kéo mây đen bao phủ khắp vùng đồi núi, không có cơ may sáng sủa trở lại trong vòng một vài giờ. Cho dù chỉ cách cổng vào Cedar Breaks có 4 miles, tôi cũng phải đau khổ mà quày xe trở ra đi về lại St George.
Chỉ cần đổ đèo chừng vài cây số đã thấy bớt sương mù và dễ chạy, nhưng nhìn ngược lại thì chỉ thấy một màu trắng xóa của màn sương. Lúc xuống đến Cedar City thì trời nắng và ấm, nhưng về phía đèo SR-14 mây đen và sương mù vẫn vây kín.

Đây là lần thứ ba trong năm 2008 mà chúng tôi phải quay ngược xe đi về không thăm được các nơi dự tính. Lần thứ nhất là lúc đi thăm Crater Lake ở tiểu bang Oregon, một hồ có đáy sâu nhất nước Mỹ, gần 2000ft, dám gần đến địa ngục?! Lúc đến đầu ngỏ vào thì cổng rào đã đóng, tuyết trên đường đi còn cao cả thước. Lần thứ hai là lúc đi thăm Paradise Point của Mt Rainier ở tiểu bang Washington. Dù chỉ còn 2 miles là chúng tôi đến thiên đàng (Paradise Point), nhưng lúc đó đường thì đóng băng, sương mù giăng mắc nơi nơi, trời thì tối, xe lại không dây xích, tôi lái xe thấy cứ trượt mỗi khi thắng nên có tiếc cách mấy cũng đành quay xe về trần. Và lần thứ ba là tại Cedar Breaks này đây. Các bạn thấy không, đã đến tận chổ, chỉ còn có vài cây số nữa là đến nơi vậy mà vẫn không đến được, có lẻ DUYÊN chúng tôi chưa đủ. Thôi đành hẹn dịp khác vậy!

8. Valley of Fire

Mặc dù không đi thăm được Cedar Breaks National Monument như dự tính, chúng tôi cũng không quay trở lại ngày hôm sau. Chủ trương của tôi là đi thăm nơi nào được thì tốt, còn không thì bỏ qua, cứ tiếp tục với chương trình dự trù. Như vậy tôi lại có cớ mà trở lại vào một ngày nào đó trong tương lai.

Trên đường trở lại Las Vegas, chúng tôi có dịp quan sát và thưởng thức cảnh hùng vỉ của Virgin River Canyon. Khác với hôm đến chúng tôi chạy lên dốc vào ban đêm nên không thấy chi đặc biệt, hôm nay trời sáng trong, hương vị thưởng thức quả có khác. Chỉ kẹt một điều là đường đổ dốc, đôi lúc muốn tấp vào lề chụp hình nhưng thấy nguy hiểm quá, nên lại thôi.

Như đã dự tính, lần này chúng tôi ghé thăm thắng cảnh Valley of Fire trước khi về Las Vegas. Thắng cảnh này chỉ cách Las Vegas chừng hơn 50 dặm (miles), nên các bạn từ Las Vegas có thể đi và về trong một buổi.

Cảnh tượng trong Valley of Fire thật lạ lùng, chung quanh toàn là núi đá đen xám, nhưng tại đây lá chỉ toàn một màu nâu đỏ. Nghe nói vào lúc hoàng hôn, từ xa nhìn vào làm cho người ta có cảm tưởng như cả vùng đang bị cháy. Ngay đối diện với Visitor Center là một động đá đỏ mà ngày trước người ta dùng làm nhà ở. Thung lủng có tổ chức khu vực cắm trại bằng lều, xe RV cho du khách để ở lại qua đêm, hay có nhiều thời giờ hơn thám hiểm tòan khu vực. Valley of Fire rất xứng đáng để các bạn thay đổi không khí sau khi trãi qua những giây phút căng thẳng, hay tù túng trong thành phố.

Chúng tôi lái xe đi một vòng thăm mọi nơi trong thung lủng, rồi sau đó tiếp tục trực chỉ đến Lake Mead, nơi đầu hồ so với cuối hồ là tại Hoover Dam. Tìm ra đến nơi, chúng tôi hết hồn, vì trước mặt không có một giọt nước. Một nơi mà ngày trước thiên hạ dùng làm nơi hạ thủy thuyền bè, cạnh đó là bãi tắm. Ngày nay không một bóng người, nhà cửa cơ sở thương mại không một bóng người, gần như bỏ hoang. Nhìn vào vách đá chung quanh hồ, thấy rõ vết hằn của mực nước ngày xa xưa, cách nhau mấy thước so với đáy hồ. Đúng là cảnh "thương hải vi tang điền", thật là xót xa! Có lẻ đây là cảnh trời đất trừng phạt chúng ta khi đã phung phí tài nguyên thiên nhiên, thải ra hơi nóng quá nhiều vào môi trường đang sống chăng?! Ở vùng Lake Powell tôi ghé thăm hai hôm trước, nước trong hồ cũng bị cạn cả mấy thước.

9. Thành phố Las Vegas

Khi nhắc đến Paris, người ta đêu gọi là "Kinh đô ánh sáng". Không hiểu người ta muốn ám chỉ là ánh sáng về văn hóa nghệ thuật hay chỉ là ánh sáng các ngọn đèn của thế giới ăn chơi. Nếu chỉ là ánh sáng các ngọn đèn của thế giới ăn chơi, Paris thật đã bị Las Vegas vượt qua mặt từ lâu lắm rồi.

Có thể nói Las Vegas họat động suốt 24 giờ, về đêm lại càng sống động hơn. Ban đêm ra ngòai đường, đèn đóm sáng trưng mọi ngỏ ngách, con mắt các bạn sẽ chói lòa bởi các bảng quảng cáo điện tử (billboard). Dưới đường lộ xe nối đuôi khắp lối, trên lề đường người qua lại tấp nập, cười nói hớn hở. Đấy là hình ảnh ngòai đường, vào trong các sòng bài, ngày thường còn thưa thớt, cuối tuần đen kịt người ơi là người! Báo chí và bà con than là kinh tế khó khăn, thất nghiệp nhiều, nhưng thiên hạ xem ra cũng không chịu tiết kiệm chút nào. Tôi nhận thấy số người hành nghề "thầy cúng" ở Las Vegas gia tăng một cách kinh khủng so với thời điểm 20, 30 năm về trước. Bằng cớ là sòng bài mọc lên như nấm. Xưa chỉ tập trung ở khu vực Downtown, bây giờ kéo dài trên con đường Las Vegas Boulevard (Strip) như bất tận. Hay là càng nghèo càng khó khăn thiên hạ lại thích thử thời vận nhiều hơn?! Từ trước đến nay, 100 người đến Las Vegas, hết 99 người là từ chết đến bị thương. Có lẻ người ta đã lấy câu "thà sống huy hòang rồi chợt tắt, còn hơn là đếm bạc cắc quanh năm" làm kinh nhật tụng chăng?!
Vì muốn thu hút du khách đến với sòng bài của mình, các sòng bài đều tăng cường sự trang hoàng và phục vụ đến mức tối đa. Mỗi sòng bài mỗi vẻ, đẹp vô cùng. Người ta đã thu gọn những đặc trưng của Paris, Monte Carlo, Venice, New York, hay các đền đài La Mã, Ả Rập mà lồng vào sự trang hòang các sòng bài.

Nếu chúng ta chỉ đến Las Vegas để thưởng thức cái đẹp, cái hay của nghệ thuật kiến trúc và trang hòang, cũng như thưởng thức cung cách phục vụ thì đúng là tuyệt vời. Nhưng chúng ta mà đến với tâm trạng ăn thua với họ thì chỉ ôm đầu máu mà về thôi.

Về phần ăn uống thì các bạn có thể thưởng thức tại đây mọi món ăn trên thế giới và giá cả rất phải chăng. Còn muốn di xem các Show văn nghệ thì đủ mọi chương trình thích hợp cho mọi lứa tuổi, mọi túi tiền. Trung bình giá vé đi coi một Show là $100.

Mỗi khi có dịp đến Las Vegas, tôi đều dự trù một số tiền hạn định cho việc vui chơi tại các sòng bài, chừng vài trăm thôi. Thắng cũng tốt, mà thua cũng không sao, vì mục đích của tôi là mua vui trong giây phút thôi. Nếu buồn buồn mà không đánh tôi lại có dư tiền mà đi mua quà, ăn uống với bạn bè.

Về sau này, tôi không ngồi lâu được trong các sòng bài vì chịu không nổi mùi thuốc lá, và không khí trong đó. Lâu lắm rồi tôi có đọc một báo cáo cho biết là các sòng bài ở Las Vegas không bị ràng buộc phải thổi không khí trong lành (fresh air) vào khu vực đánh bài như quy định. Ví dụ quy định là mỗi giờ phải thổi không khí trong lành là 25% thể tích của một tòa nhà bình thường, các sòng bài được phép chỉ thổi vào 20% mà vẫn không bị phạt. Do đó khi ngồi lâu trong các sòng bài, chúng ta thường bị váng vất lơ tơ mơ, như tình trạng thiếu oxigen (dizzy) là vậy.

Ngoài ra, theo tôi biết ít ai làm việc cho các sòng bài mà không bị bịnh Allergy khiến khó thở. Người quen của tôi làm việc như chia bài, pha rượu, đổi tiền, nhà bếp, mới đầu còn uống thuốc, sau đổi qua chích. Công việc nhàn hạ lương lại khá, nên dù biết có hại cho sức khỏe mà họ vẫn không muốn thay đổi. Xem ra công việc làm trên đất Mỹ vẫn đứng vào hàng quan trọng nhất, trên cả sức khỏe?!

Trong chuyến đi về miền viễn tây lần này, chúng tôi lái xe, đi bộ, ngắm cảnh cùng chụp hình trung bình mỗi ngày từ 8 đến 12 tiếng. Lần này hơi lạ vì không thấy buồn ngủ, mặc dù nhiều lúc lái xe trên đường vắng liên tục 2, 3 tiếng. Có lẻ nhờ tôi nhai kẹo cao su, thở bụng, tôi còn được cô hàng xóm cho nghe bộ dĩa "70 năm tình ca Việt Nam". Bộ dĩa này đã gây cho tôi sự chú ý, thích thú, cũng như học hỏi thêm về các nhạc sĩ lừng danh thuỡ trước, khung cảnh lịch sử của những bài ca mà trước giờ tôi nghe và thích nhưng chẳng biết tác giả là ai, ra đời trong trường hợp nào. Chương trình âm nhạc dẫn giải của ông Hoài Nam đúng là quá hay và quá ích lợi cho người yêu nhạc, hay muốn tìm hiểu thêm về sự phát triển của nền âm nhạc VN. Thành thức có lời cảm ơn ông Hoài Nam và đài phát thanh ở Úc đã cho thực hiện chương trình này. Không biết đã hết chưa ?! Chắc chắn bộ dĩa này sẽ chiếm phần ưu tiên những gì cần mang theo trong các chuyến du hành sắp đến. Đi xa mà được nghe những lời giải thích về xuất xứ, rồi nghe lại bài nhạc yêu thích, đúng là phê kể gì! Cảm ơn bạn Vũ Khắc Thiện, chị Mộng Hương cùng bạn bè đã giới thiệu cho chúng tôi biết về chương trình nhạc dễ thương này.

10. Grand Canyon Skywalk (còn gọi là Grand Canyon West)

Thành phố Las Vegas không những chỉ có sòng bài, các Show ca nhạc, nhà hàng ăn, hay cửa hàng thượng thặng mà còn có những thắng tích rất đáng để thăm viếng. Những thắng tích rất gần với Las Vegas như Lake Mead, Hoover Dam, Red Rocks Canyon, Spring Mountains, Valley of Fire, v.v. Nay lại có thêm một địa điểm để thêm vào danh sách các "tour" ngắn hạn từ Las Vegas, đó là thăm viếng Grand Canyon Skywalk nằm ở phía Tây của Grand Canyon, mất 2 giờ lái xe. Muốn đi đến Grand Canyon Skywalk thì phải đi ngang Lake Mead và Hoover Dam, do đó nhiều văn phòng du lịch đã cố gắng nhét cả ba nơi này vào chung một chương trình trọn ngày. Phần lạ đường và cũng không muốn ôm đồm nhiều nơi cùng lúc, chúng tôi đồng ý tà tà đi ăn sáng ở nhà hàng VN gần khu phố Tàu, rồi hẳn lên đường.

Từ trước đến nay, khi nói đến Grand Canyon (GC) là người ta chỉ nghĩ đến hai cổng để bắt đầu chương trình thăm viếng của mình - đó là North Rim hoặc South Rim, do chính phủ điều hành. GC South Rim thì ấm áp tương đối nhiều cảnh để xem hơn nên du khách tập trung nhiều hơn. Còn North Rim thì quá lạnh vào mùa Đông, khi có tuyết lại càng nguy hiểm hơn, nên số người đi ít hơn nhiều so với South Rim. Grand Canyon Skywalk được thành lập và khai thác bởi bộ lạc Hualapai, chương trình xây cất tốn hơn 30 triệu, kéo dài từ năm 2004 đến 2007.
Nhìn những tấm hình qua mạng ảo, chúng tôi ai nấy đều háo hức muốn thử cái cảm giác đi bộ trên không, xem nó ra làm sao. Mặc dù biết là mình chỉ đi trên một chiếu cầu bằng kính dầy ra ngoài vực sâu Grand Canyon, nhưng cái cảm giác đó chắc chắn phải khác với lần chúng tôi ở trên các tòa nhà như Empire State Building ở New York, hay CNN Tower ở Toronto. Cao độ của chiếc cầu Skywalk này là 1454m, còn mặt nước của con sông Colorado dưới chân là 354m. Có nghĩa là khoảng cách từ cầu xuống mặt nước bên dưới là 1100m, cao hơn 3 lần tháp Eiffel, hơn 2 lần tháp CNN. Cũng dễ nể phải không các bạn?!

Sau vài lần lạc đường, như thường lệ, tôi cũng tìm đến ngã rẽ để vào GC Skywalk. Hai mươi (20) dặm cuối cùng chưa được tráng nhựa, xốc như cưỡi ngựa, và bụi thì mù trời mù đất. Tốc độ đề nghị chỉ từ 5-10 dậm giờ. Chỉ có 20 dặm, nhưng tôi có cảm tưởng như còn dài hơn đoạn đường từ Las Vegas đến đây. Tay lái cứ run bần bật, người cứ phải nhảy bật lên vì quá nhiều ổ gà. Mỗi lần có xe qua mặt, là mỗi lần rầu, vì bụi tung mù lên, không thấy đường mà lái. Khi đến bãi đậu xe, chiếc xe thuê trước đó còn láng coóng, giờ thì phủ kín bụi đất, không ai dám đến gần. Bạn chớ có dại dột mà lái chiếc xe yêu quý của bạn mà đi thăm GC Skywalk nha!

Lệ phí để được đi bộ lên Skywalk, dù chỉ 15 phút thôi, là $29.95. Cộng vào đó là $59.90 bao gồm tiền đậu xe, lệ phí di chuyển từ bãi đậu xe đến GC Skywalk độ 10 phút, một bữa ăn nhẹ. Đã đến nơi thì giá nào cũng phải vào xem, do đó ai cũng sẳn sàng móc túi.

Sau khi ghé qua hai điểm quan sát, chúng tôi đến GC Skywalk. Trong hình và thực tế thật khác nhau xa, không quá ghê gớm như tưởng tượng. Quá nhỏ so với Grand Canyon trước mắt. Điều làm du khách buồn 5 phút là họ không cho chụp hình trên Skywalk, ai nấy đều phải gởi lại máy hình và lại tốn thêm vài đồng nữa. Vì đường đi của Skywalk bằng kính nên họ cho mỗi người túi để bọc giầy trước khi qua cổng.

Cầu Skywalk có hình móng ngựa, bề ngang chừng 2.5m chung quanh có tay cầm. Thay vì lát gạch dưới chân, họ dùng kính ghép lại với nhau. Mỗi khối bề dài chừng 2.5m, ngang 30cm, và dày 15cm. Các khối kính ghép lại sát khít với nhau làm đường đi. Khối kính này chính giữa thì trong, phần đục ở hai bên mép độ 70cm. Tôi để ý thấy ai nấy đều nắm lan can và đi sát thành cầu trên phần đục của tấm kính, chẳng ai chịu đi nơi phần trong suốt ở chính giữa. Ngay cả tôi cũng thế! Không phải họ cấm, nhưng hầu như mọi người đều né không dám đi bên trên phần trong, có cảm giác hụt hẫng thế nào. Nhin xuống dưới chân, xuyên qua kính, những con chim ó bay lượn và kêu vang rền. Phải công nhận sâu thiệt, cô hàng xóm tui nhìn xuống một lần là hết muốn ngó lần thứ hai. Trên Skywalk, họ đặt vài máy hình để chụp hình cho du khách, mỗi tấm hình như đâu $25 thì phải. Đi một vòng Skywalk và xem đủ góc cạnh, là cũng vừa đủ thời lượng 15 phút.

Chúng tôi ra ngoài và kéo nhau đi ăn, và chưa có bữa ăn nào tệ như vậy trong suốt chuyến đi lần này. Chúng tôi kéo nhau ra các bàn ăn ngoài trời, vừa ngắm cảnh sắc của Grand Canyon, vừa tìm góc cạnh để lát nữa đi chụp hình. Riêng tôi cứ nghĩ đến đoạn đường 20 dặm mà lát nữa phải vượt qua, tôi thật là ngán quá sức tưởng tượng!

Các bạn muốn đi thăm Grand Canyon Skywalk thì nên đi sớm và về sớm để tránh kẹt xe tại khu vực Hoover Dam, nhứt là vào lúc trời tối khi mọi người đều muốn quay về Las Vegas để ăn tối và thử thời vận.

11. Hoover Dam

Đập thủy điện Hoover Dam, cũng còn có tên là Boulder Dam, là một thắng tích du lịch, mỗi năm thu hút cả triệu người đến thăm. Vì chỉ cách thành phố ăn chơi Las Vegas có 30 miles, nên hầu như ai đã từng đi Las Vegas đều tìm dịp viếng một lần cho biết. Cho dù có ghiền cơ bạc cách mấy, ít ai ngồi đánh suốt ngày suốt đêm cho nổi. Cho nên việc đi ghé qua thăm Hoover Dam được xem như một cuộc giải trí bên lề, nhằm gây thêm hào hứng cho những canh bạc thâu đêm. Tôi đã từng ghé Hoover Dam hai lần, lần cuối năm 1987, nhưng lần nầy vẫn lấy làm thích thú khi đưa cô hàng xóm đi thăm làm quen lần đầu.

Cảnh sắc chung quanh thay đổi thật nhiều so với 20 năm về trước. Người ta đã bỏ ra cả 100 triệu để xây Visitor Center, tòa nhà đậu xe cho du khách, và dĩ nhiên là chúng ta phải trã lệ phí đậu xe, vào thăm Visitor Center, hay tham dự các cuộc hướng dẫn thăm viếng nhà máy thủy điện này. Bãi đậu xe năm tầng được đục sâu vào vách núi, thêm quán ăn, cửa hàng quà kỷ niệm, và đường đi ngầm dưới xa lộ I-93 từ lầu đậu xe qua Visitor Center. Cái chi cũng mới và sạch sẽ rất mực! Quên một chuyện là sau ngày 9-11-2001, mọi xe cộ đều phải qua một trạm kiểm soát an ninh trước khi vào khu vực Hoover Dam.

Hoover Dam được xây cất từ năm 1930 và hoàn tất năm 1935, gần 2 năm sớm hơn dự trù. Vào thời điểm 1935, Hoover Dam là một công trình thủy điện to lớn bậc nhất thế giới, công suất là 2080MW cũng cao nhất luôn. Đến nay Hoover Dam chỉ còn đứng vào hạng ba mươi mấy trên thế giới, nhưng công trình và hình dáng của nó vẫn là một kỳ tích đáng nễ, nên số du khách ghé thăm hàng năm vẫn gia tăng đều đặn. Và xa lộ I-93 đi ngang qua đập lúc nào cũng kẹt là vậy, một phần là mỗi bên chỉ có một đường xe và tốc độ lại bị hạn chế từ 10-30 dặm/giờ. Nhằm giải quyết tình trạng kẹt xe, chính phủ đang cho xây cất I-93 By-Pass để cho bà con nào đi ngang mà không muốn vào thăm Hoover Dam. May ra thì con đường này sẽ hoàn tất vào năm 2010.

Nếu bạn muốn tiết kiệm tiền đậu xe, hình như $5, bạn có thể đậu xe nơi các bãi miễn phí trên cao nhưng lại phải mất công đi bộ xuống để vào thăm Visitor Center, hoặc đi ngang qua đập, chụp hình bờ đập, mua thức ăn hay mua quà. Đọc mấy quyển sách trong tiệm thấy có vài chi tiết, xin chia xẻ cùng các bạn:

- Hoover Dam nằm trên hai múi giờ khác biệt là Pacific Time và Mountain Time. Nhưng vì tiểu bang Arizona không theo Daylight Saving Time, nên hai chiếc đồng hồ nằm ở hai Water Tower lại có giờ giống nhau vài tháng trong một năm.

- Thành phố Boulder bên Nevada cửa ngỏ trước khi vào đến Hoover Dam là thành phố duy nhất ở Nevada cấm cờ bạc. Hóa ra vào thời gian xây đập, để kiểm soát an ninh, ngăn ngừa đình công, phá hoại, v.v. hội đồng thành phố đã biểu quyết cấm tất cả các hình thức cờ bạc, rượu chè, đĩ điếm, hút sách. Và giữ luôn việc cấm cờ bạc đến ngày nay.

- Số lượng bê-tông để xây đập có thể xây một xa lộ hai đường xe từ San Franciso qua đến New York.

- Chiều dài của đập là 1244 bộ (379m), bề cao là 726 bộ (218m).

- Công suất Hoover Dam là 2080 MW, có nghĩa là có thể cung cấp cho khoảng 2 triệu gia cư (household).

12. Lake Mead

Lake Mead nằm ngay trước Hoover Dam, do đó các bạn nên gộp chung hai nơi lại với nhau cho đở mất thời giờ. Các bạn nhớ đi xem Hoover Dam trước, rồi trên đường về lại Las Vegas, ghé vào Scenic View để có thể nhìn hồ này từ trên cao. Sau đó nếu thích thì đi một vòng hồ, nơi cảnh đẹp mà thôi bên địa phận Nevada cũng đủ rồi.

Lake Mead là hồ chứa nước của đập thủy điện Hoover. Là một hồ nhân tạo được xem là lớn nhất nước Mỹ, được xây dựng khi đập Hoover hoàn thành. Diện tích mặt hồ của Lake Mead chừng 247 dặm vuông, và sức chứa của nó vào khoảng 9 trillion gallons, so với Lake Powell trong các bài trước là 7 trillion gallons.

Vì sự tiêu thụ quá cở thợ mộc của ngành nông nghiệp ở California, thêm vào đó là dân số gia tăng, sự hạn hán và hâm nóng của quả địa cầu, chúng tôi thấy mực nước hiện tại so với ngày trước mà đau lòng. Theo các nhà chuyên môn, nếu muốn Lake Mead và Lake Powell (hiện giờ ở mức 50%) trở lại mực nước lúc ban đầu thì phải cần từ 10 đến 15 năm. Ngoài chuyện mưa thuận gió hòa, nông nghiệp và người dân đều phải giảm bớt mức tiêu thụ. Chuyện này thật khó mà xảy ra ... trừ khi ... trừ khi ...

Chúng tôi ghé vào xem cầu tàu (marina) của hồ thì thấy nước cạn quá sức. So với mực ngấn của nước lúc đây hồ thì sự sai biết cũng ít ra là từ 3 đến 4 thước. Khi đến các bãI tắm, và các nơi Picnic thì càng thấy rõ hơn khi đi bộ từ nơi đậu xe xuống đến bờ nước.

13. Red Rock Canyon và Spring Mountains Park

Hôm nay là ngày chúng tôi rời Las Vegas để về lại Nam Cali. Ngại về sớm quá khách sạn không cho "check-in" sớm thì cũng phiền chúng tôi quyết định đi thăm dãy núi Spring Mountains và khu vực Red Rock Canyon, nằm về phía Tây của thành phố Las Vegas độ 10 dặm, mà ai cũng đều thấy rõ khi chạy trên xa lộ I-15, hoặc khi đứng ở những vị trí quang đãng như trên các tầng lầu cao của khách sạn hay ngay cả tại các cây cầu đi bộ băng ngang đường. Và cái hay là chỉ cách trung tâm Las Vegas có vài dặm đường.

Trước giờ mỗi lần ghé Las Vegas tôi đều thấy dãy núi này, nhưng chẳng bao giờ để ý. Con đường đi thăm Spring Mountains không thôi, SR-159, bắt đầu từ cuối đường Charleston, North Las Vegas và sau đó sẽ bắt trở lại vào I-15 ở phía Nam. Riêng đoạn đường đi xem Red Rock Canyon, dài chừng 10 dặm, bắt đầu và chấm dứt trên cùng con đường SR-159.
Spring Mountains Park nổi tiếng với trang trại (Spring Mountain Ranch) của nhà tỷ phú kỳ bí Howard Hughes. Nghe đồn rằng ông mua lại nơi này, nhưng chưa bao giờ ghé ở. Nếu muốn tránh cái nóng của Las Vegas vào mùa hè, các bạn nên viếng nơi đây vì nhiệt độ trung bình bao giờ cũng thấp hơn Las Vegas từ 10 đến 15 độ F.

Còn Red Rock Canyon là những dãy núi đá nâu đỏ có cùng cấu trúc như đá đỏ ở Zion National Park, Valley of Fire. Nhìn dãy núi đá nâu đỏ, đôi khi xen vào màu trắng càng làm chúng nổi bật hơn. Đứng trước các vách núi thẳng đứng, nhìn các con đường đi bộ (hiking trail) tôi thầm tiếc là mình biết trễ quá. Phải chi biết sớm, tôi đỡ phí thời giờ cho các sòng bài ở Las Vegas, đỡ tốn tiền và lại được dịp sống với thiên nhiên lạ kỳ. Vách núi của Red Rock Canyon đúng là thiên đàng của dân leo núi, vì vách chỉ hơi nghiêng từ 5 đến 20 độ. Từ xa tôi đã trầm trồ với cô hàng xóm " ... biết thế này mình đã ghé đây từ mấy năm trước ...". Khi cầm máy hình, chúng tôi mới để ý các điểm nhỏ tí teo trên các vách đá xa xa chính là những người leo núi. Con đường chạy vòng Red Rock Canyon là con đường một chiều, nên không sợ xe cộ đâm nhau vì tài xế mãi ngắm cảnh đẹp. Con đường thật tuyệt vời và không thiếu các tay chạy bộ lác đác chạy ngược chiều. Quả là một địa điểm lý tưởng cho các lực sĩ giải Marathon, như anh bạn Tô Minh Toàn của tôi ở San Jose chẳng hạn!

14. Getty Center

Trong chuyến trở về Nam Cali nghỉ ngơi trước khi về lại Virginia, chúng tôi không dự tính đi đâu xa trong thời gian này. Chỉ rong chơi, ghé các hiệu sách mua vài quyển chọn lọc, và nhất là thăm vài người bạn. Nhưng duyên chưa đủ nên hai người định gặp lại bận đi VN, hai tiệm sách khá lớn đã đóng cửa, nên đâm ra thời giờ rảnh nhiều quá. Đang tính đi thăm lại các nơi cũ như San Diego, Balboa Park thì tôi sực nhớ đến lời anh bạn Tiến Kèn. Hồi mới quen, cách đây 7, 8 năm về trước, khi biết tôi thích đi ngắm cảnh anh có dặn là nên tìm dịp ghé thăm hai nơi là Getty Center và Huntington Library. Ngày ấy tôi cứ đinh ninh Getty Center là một bảo tàng viện thì làm sao mà so sánh được với các bảo tàng viện ở thủ đô Washington DC, hay các viện bảo tàng ở Âu Châu mà tôi đã đi qua. Vả lại tôi cũng đâu có thích nhìn và tìm hiểu về các món đồ cổ đâu. Còn Huntington Library, tôi vốn dân nhà quê cứ nghĩ đó là Huntington Beach Library, một thư viện ở thành phố biển Huntington Beach mà anh Tiến nói tắt. Viết đến đây vẫn còn mắc cỡ về sự hồ đồ và kém hiểu biết của mình. Cũng may là nhờ hai người quen đi vắng, tôi mới có dịp mở mắt và biết thêm về hai thắng tích của miền Tây Hoa Kỳ - Getty Center và Huntington Library. Cả hai nơi đều đem đến cho chúng tôi nhiều thích thú không ngờ được!

Getty Center là một quần thể kiến trúc độc đáo rộng 24 mẩu (acres), nằm trên miếng đất 110 mẫu, thuộc thành phố Los Angeles, miền Nam California. Trung tâm này năm trên vùng núi Santa Monica Mountain, bên trên xa lộ I-405, bao bọc bởi vùng đất rộng 600 mẩu được thành phố giử ở trạng thái thiên nhiên. Getty Center nằm ở độ cao 270m (900 feet) so với xa lộ I-405 bên dưới, nên từ đây không những nhìn thấy thành phố Los Angeles, mà còn có thể nhìn mãi đến vùng núi đồi San Bernadino về hướng đông và mãi đến bờ biển Thái Bình Dương về hướng tây.

Tôi ở khách sạn nằm ngay trên xa lộ I-405 đối diện với John Wayne Airport, nên chỉ nhắm hướng bắc chạy một lèo 45 phút là đến. Cũng may là vào ngày chúa nhật nên không bị kẹt xe chi hết. Từ dưới xa lộ nhìn lên Getty Center, tôi mới nhớ ra là mình đã từng chạy ngang đây rất nhiều lần, và đã phải khen thầm là tay nhà giàu nào mua được miếng đất quá đẹp, cất ngôi biệt thự quá sang trọng thế này. Bây giờ mới vỡ lẽ đó là Getty Center, được thành lập theo ước muốn của nhà tỷ phú J.P.Getty. Vào năm 1990, ước tính chi phí xây cất là $350 triệu, nghe nói khi hoàn tất vào năm 1997 con số đã phải chi ra là 1.3 tỷ, gấp 4 lần con số dự trù ban đầu. Có lẻ Getty Center là cơ sở duy nhất trên thế giới được hiến tặng số tiền lớn, chừng 10 tỷ, để hoạt động nhằm hổ trợ cho phát triển văn hóa, khoa học, nghệ thuật.

Như đã nói, Getty Center là một quần thể kiến trúc bao gồm Getty Museum, Getty Research Institute, Getty Conservation Institute, văn phòng Getty Foundation, và văn phòng điều hành của Getty Trust vốn sở hữu và điều khiển mọi sinh hoạt của Getty Center.

Đây có lẻ là viện bảo tàng duy nhất ở Cali mà không tốn tiền vào cửa, nhưng đậu xe phải mất $10 trong một bãi đậu cao 7 tầng đục sâu trong núi đá. Du khách được đi miễn phí xe Tram từ mặt đất lên khu vực kiến trúc ở trên. Vì chỉ có hai xe lên xuống đối nhau, nên lúc về ai không muốn chờ đợi có thể đi bộ mà xuống, đoạn đường chỉ có 3/4 dặm và khá dốc.

Chúng tôi đã đi vòng quanh và chụp hình gần hết các kiến trúc của Getty Center. Trong lòng cứ tiếc hùi hụi là không biết sớm hơn để đi thăm, khi đi cùng với những người thân, nhất là khi được biết Getty Center đã mở cửa từ 10 năm về trước. Thôi bây giờ mời các bạn đi xem Getty Center với chúng tôi luôn nha. Ai đi rồi thì thôi, nếu chưa thì cũng nên đi cho biết, bảo đảm không uổng công các bạn. Hơn nữa lại chỉ cách Little Saigon có 40 phút lái xe chứ đâu có xa gì!

15. Huntington Library

Thừa thắng xông lên, ngày hôm sau chúng tôi kéo nhau đi thăm Huntington Library. Dù đường đi có khó hơn một chút, nhưng chúng tôi cũng đến nơi sau 50 phút lái xe. Huntington Library không phải nằm ở phố biển Huntington Beach ngay kế bên Little Saigon như tôi đã hiểu lầm. Nguyên tên của nó là Huntington Library, Art Collections and Botanical Gardens, đôi khi còn được gọi tắt là "The Huntington". Huntington Library nằm ở thành phố San Marino, California, là một cơ sở giáo dục và nghiên cứu được thành lập và bảo trợ bởi ông bà Henry E. Huntington, ngay trên cơ ngơi của ông bà. Huntington Art Gallery được mở cửa cho công chúng vào xem lần đầu là vào năm 1928.

Riêng phần sách vở, thư viện đang có chừng 1 triệu sách quý hiếm và khỏang 6.5 triệu bút tích cũ của những nhân vật nổi tiếng. Các tài liệu này thường được trừng bày và thay đổi cho công chúng thưởng lãm. Muốn mượn các tài liệu này, thường chỉ dành cho sinh viên bậc tiến sĩ, kèm theo thư giới thiệu của những học giả quen thuộc và nổi tiếng.

Các tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng là của các họa sĩ Anh Pháp của thế kỷ 18, 19, họa sĩ Mỹ của thế kỷ 20.

Phần chúng tôi chú ý nhất trong chuyến đi lần này là Huntington Botanical Gardens. Phải gọi là "super botanical gardens" thì mới xứng cho ngôi vườn này. Quá sức tưởng tượng của tôi sau khi đã đi qua nhiều Botanical Gardens ở các nơi khác. Chúng tôi đã bỏ ra 4 tiếng để đi khắp nơi trong vườn, nhưng chẳng ăn thua gì. Nơi đây đã được dùng làm bối cảnh trong nhiều phim như Memoirs of a Geisha, The Wedding Planner, Beverly Hills Cop 2, Starsky & Hutch, v.v. Cả 20 phim chứ không ít.

Hungtington Botanical Garden trãi rộng trên một diện tích rộng 120 mẫu (hay 485,624 m2), được chia ra hơn chục khu vườn nhỏ khác nhau với chủ đích trồng các loài cây cỏ hiếm lạ. Nói là nhỏ nhưng nếu không có bản đồ cũng khó mà đi cho hết từng nơi. Botanical Gardens bao gồm Australian Garden, Camelia Collection, Children's Garden, Desert Garden, Desert Garden Conservatory, Japanese Garden, Lily Pond, Palm Garden, Rose Garden, Shakepeare Garden, SubTropical and Jungle Garden, và mới nhất là Chinese Garden.

Khu vườn nhỏ mà chúng tôi thích nhất là Desert Garden, với hơn 5000 loại cây cỏ vùng sa mạc khác nhau. Đi một hồi, chúng tôi hết biết đường ra luôn! Các bạn có thể tìm thấy nơi đây những hàng trúc nằm giao nhau, chẳng khác chi khung cảnh bên VN. Chỉ cần một tà áo dài, một chiếc áo bà-ba quảy gánh kẻo kẹt nữa là xong.

Mặc dù Huntington Library mở cửa từ 12:00 trưa đến 4:30 chiều hàng ngày, cuối tuần từ 10 giờ sáng, tôi đề nghị các bạn nên đi sớm vì thành phố San Marino đẹp lắm. Tại Downtown cây cỏ được cắt xén cẩn thận, các ngôi nhà chung quanh Huntington Library đều là những tác phẩm nghệ thuật đáng thưởng thức. Đó là chưa kể các bạn đi ngang qua khu vực El Monte và Rosemead là hai khu vực tập trung khá nhiều hàng quán VN và Trung Hoa, chỉ thua Little Saigon mà thôi. Tôi nghe nói ở Rosemead có quán hủ tiếu cá và quán bán nem nướng Ninh Hòa thật ngon. Thế nào lần sau trở lại, chúng tôi cũng tìm đến thưởng thức và báo cáo với các bạn.

Viết Thêm

Vài bạn bè hỏi thăm về sinh hoạt miền Nam Cali, cũng như các nhà hàng tại vùng Little Saigon để dự trù cho các chuyến đi trong tương lai.

Về phần các nơi chốn đi thăm, tôi đã viết lại phần nào. Dĩ nhiên là còn nhiều nơi để các bạn đi thăm như vùng San Diego, vùng biển Laguna, Long Beach, khu vực Los Angeles, Disneyland, các "shopping center" v.v.

Nói về nhà hàng, có quá nhiều nhà hàng để các bạn thưởng thức nơi đây. Đặc sản miền Nam, miền Trung, miền Bắc, món ăn chay, món Tây, món Tàu, ôi lu xà bù. Mỗi ngày bạn đi ăn 3 nơi, cũng phải mất vài tháng may ra mới hết. Mỗi người có một gu khác nhau, nên mỗi người có một cái nhìn khác nhau về chuyện ăn uống. Tuy nhiên, riêng cá nhân tôi cũng chấm vài nơi. Nếu không hợp ý với các bạn mong bỏ qua cho.

Ba nhà hàng mà chúng tôi thích nhất tại Little Saigon là nhà hàng Phở Tàu Bay Lý Thái Tổ, nhà hàng Song Long và nhà hàng Brodard (cũ). Ở Phở Tàu Bay LTT, tôi chấm món bánh cuốn và phở. Ở nhà hàng Song Long, tôi chấm về sự trang hoàng, cung cách tiếp đãi lịch sự, tất cả các món ăn đều trên trung bình. Điều hay nhất là trong khi chờ đợi, khách hàng được mời ăn "free" bánh mì Tây với bơ. Dù chỉ một ổ, nhưng cũng nói lên sự chăm sóc của chủ nhân dành cho thực khách. Giá lại rất phải chăng! Tại quán Brodard, tôi thích nhất là món nem nướng Ninh Hòa, các món khác có món ngon món kém, nhưng trung bình là khá. Có nhiều hàng quán lại đem cả con cái nheo nhóc đến, làm thực khách đôi lúc cũng muốn điên đầu về chuyện gia đình của chủ quán. Đôi lúc lại đem cả chó mèo đến chơi vui mới là hết xẩy chư!
Nếu có tình cờ bật Radio trên xe, tôi hy vọng các bạn sẽ không nhức đầu về các chương trình quảng cáo của họ. Mặc dù biết là phải nhờ có quảng cáo để nuôi sống đài phát thanh, nhưng nếu bắt mọi người phải nghe từ 80% đến 90% thì tôi nghĩ là quá nhiều. Nhiều nhất là các màn quảng cáo về các loại thuốc trị bá bệnh như "sữa ong chúa, trị cao đường, cao mỡ, cao máu, đau nhức, thuốc nghệ", v.v. Có lẻ họ nghĩ là nói riết sẽ thấm vào đầu người nghe chăng?! Cũng mong là quý vị khán thính giả nhớ đó chỉ là quảng cáo, chớ không phải là sự thật. Cho dù thuốc có thích hợp và hiệu quả cho một số người nào đó, nó vẫn không chứng minh được là sẽ tốt cho mọi người. Nguy hiểm nhất là các bạn không biết nó chứa thứ gì ở trong, và nếu có chuyện gì xảy ra bạn cũng chẳng thể kiện cáo gì ai.

Riêng các tiệm bán đồ dùng điện tử, bàn ghế trong nhà, nữ trang, v.v. lại hay sính dùng câu " ... rẻ không ngờ ..." và trước khi chấm dứt phần quảng cáo thường sẽ là câu nói thật nhanh " ... chương trình đại hạ giá có thể đuợc chấm dứt bất cứ lúc nào ...", thay vì báo cho thính giả biết ngày hết hạn.

Ở Cali việc ăn uống rất rẻ so với nhiều thành phố khác, nhưng chi phí về nhà cửa thì khá cao. Với số lương của tôi và cô hàng xóm ở Virginia, cho dù có cộng lại cũng chỉ đủ trả tiền nhà, tiền xe, bảo hiểm, xăng, vài phí tổn khác là hết. Sau đó chỉ có thể uống nước để sống mà thôi. Vì thế, tôi rất thán phục các bạn, đồng bào ta ở miền Nam Cali đã sống vững sống hùng sống mạnh trong thời gian qua, cầu mong tiếp tục trong tương lai.