Home Lịch Sử VN Chiến Tranh VN Sau Bức Màn Đỏ: hậu trường chính trị Việt Nam sau 1975 (14)

Sau Bức Màn Đỏ: hậu trường chính trị Việt Nam sau 1975 (14) PDF Print E-mail
Tác Giả: Hoàng Dung   
Thứ Sáu, 22 Tháng 5 Năm 2009 00:44

(Tiếp theo) 

Việc ký kết thỏa ước thương mại song phương đã mở đường cho Tổng Thống Hoa Kỳ Clinton ghé thăm Việt Nam vào tháng 11 năm 2000. Trong phái đoàn, ngoài Bộ Trưởng Thương Mại Minetta còn có Thượng Nghị Sĩ Kerry, Dân Biểu Loretta Sanchez (khu vực quận Cam-Orange County, California). Tuy nhiên, không phải ai cũng hoan nghênh cuộc thăm viếng đó. Trước khi Clinton tới, ngày 27-10-2000, những phần tử bảo thủ trong Bộ Chính Trị gửi một thông tư mật cho đảng viên, do Phạm Thế Duyệt ký tên, chỉ thị cho các cấp không được tỏ ra quá nồng nhiệt khi tiếp đón Clinton. Thông tư viết: “Chúng ta phải luôn nhớ rằng bản chất của Mỹ là chống lại Chủ Nghĩa Cộng Sản. Chúng vẫn chưa từ bỏ mưu toan diễn biến hòa bình...” Chuyến đi thăm của Clinton chỉ được thông báo trước 2 ngày với vài hàng ngắn ngủi: “Tổng Thống Hoa Kỳ W.J.Clinton và phu nhân sẽ chính thức viếng thăm Việt Nam từ 16 đến 19-11-2000. Chuyến viếng thăm là do lời mời của Chủ Tịch Trần Ðức Lương”. Chỉ có báo Thanh Niên là thêm một vài chi tiết.
 
Báo chí được chỉ thị là nếu có đăng hình Clinton, hình đó phải nhỏ hơn hình của Giang Trạch Dân mới đi thăm Việt Nam trước đó. Nguyễn Dy Niên thấy thái độ của Bộ Chính Trị cũng phải hủy bỏ cuộc họp báo trong ngày mà Clinton tới Hà Nội. Dù Trần Ðức Lương, Phan Văn Khải đã tiếp xúc với Clinton một cách ngoại giao và thân thiện, nhưng khi Clinton gặp Lê Khả Phiêu thì đã bị Lê Khả Phiêu lên tiếng thuyết giảng cho Clinton một bài học dài về lịch sử Việt Nam, đồng thời cũng lên án chủ nghĩa đế quốc và khoe là chiến tranh Việt Nam đã có một tác dụng tốt cho phong trào xã hội chủ nghĩa. Clinton, một người tránh nhập ngũ, sợ mang tiếng cũng đã cứng cỏi nói lại rằng việc Hoa Kỳ tham chiến ở Việt Nam là để bênh vực quyền dân tộc tự quyết. Thái độ thiếu ngoại giao của Lê Khả Phiêu sau đó đã bị phê bình trong nội bộ Ðảng. Một điều đáng chú ý là trong dịp này, tại Mạc Tư Khoa, Liên Xô cũng thông báo là Tổng Thống Putin sẽ viếng thăm Ðại Hàn và Việt Nam trong đầu năm tới.
 
Có lẽ trong thâm tâm Lê Khả Phiêu, mục đích chính của việc lên lớp Clinton không trực tiếp liên hệ với vấn đề quan hệ ngoại giao hay kinh tế với Hoa Kỳ mà thực ra là để trấn an Trung Hoa và lấy lòng những thành phần bảo thủ. Bản báo cáo về cuộc nói chuyện riêng với Clinton được công bố ngay trên đài truyền hình hai lần, sau đó được chính thức phân phát cho báo chí. Tân Hoa Xã của Trung Hoa cũng phổ biến ngay lập trường cứng rắn với Hoa Kỳ của Lê Khả Phiêu. Ngoài ra, có dịp lên lớp tổng thống một nước đang đứng đầu các nước tư bản cũng là dịp để giải tỏa những dồn nén. Vì lý lịch từng làm cai phu cho một chủ đồn điền Pháp, Lê Khả Phiêu muốn sang Pháp để được tiếp đón như một quốc khách, vì thế nên đã nhờ đảng Cộng sản Pháp nói với Tổng Thống Chirac mời Lê Khả Phiêu. Giữa năm 2000, Lê Khả Phiêu dẫn một phái đoàn gần 199 người sang viếng thăm nước Pháp.
 
Cả tổng thống và thủ tướng Pháp đều né tránh tiếp đón Lê Khả Phiêu, vì trên danh nghĩa chính thức, Lê Khả Phiêu chỉ là tổng bí thư một đảng chính trị. Cả Bộ Trưởng Ngoại Giao cũng lấy cớ bận việc. Cuối cùng, người thay mặt chính phủ Pháp ra phi trường đón tiếp là Bộ Trưởng Giao Thông, lý do ông này là đảng viên Cộng Sản. Báo chí và truyền hình không hề đả động đến chuyến viếng thăm. Khi rời nước Pháp, chính phủ Pháp cũng không tổ chức tiệc tùng đưa tiễn theo nghi lễ quốc khách. Ðược cử lên làm một người có quyền lực cao nhất một nước, nhưng khi ra nước ngoài bị coi thường khiến cho Lê Khả Phiêu sau khi về nước, chẳng những đã mưu định giữ ghế Tổng Bí Thư thêm một nhiệm kỳ mà còn tìm cách để kiêm nhiệm luôn chức Chủ Tịch Nhà Nước giống như Giang Trạch Dân bên Trung Hoa. Quốc gia duy nhất đón tiếp Lê Khả Phiêu một cách trọng thể là Cuba, khi Phiêu sang viếng thăm vào ngày 7-9-1999. Ðền bù lại, Cuba đã được Lê Khả Phiêu tặng cho 3,000 tấn gạo.
 
Cùng đi với Clinton sang thăm Việt Nam, ngoài vợ con ông cùng những phụ tá, còn có trên 30 đại diện của những công ty lớn như Boeing, Nike, Genetral Motors, Lucent, Motorola... đến để tham quan khả năng kinh tế. Clinton được mời đến nói chuyện tại trường đại học Hà Nội và buổi nói chuyện được trực tiếp truyền hình. Trái với ý muốn của Lê Khả Phiêu, buổi nói chuyện cũng như sự tiếp đón của dân chúng đối với Clinton đã diễn ra khá nồng nhiệt và đối với nhà cầm quyền Việt Nam, chuyến đi đó đã gây ra nhiều phiền phức. Họ đã phải bắt giữ ông Hà Hải, tổng thư ký Giáo Hội Phật Giáo Hòa Hảo ngày 19-11-2000 khi ông này đang định từ Long Xuyên lên Sài Gòn gặp Clinton và trong khi Clinton đang ở Hà Nội thì phi công Lý Tống đã dùng một máy bay từ Thái Lan bay về Sài Gòn rải truyền đơn chống Cộng rồi an toàn trở lại Thái Lan. Lý Tống sau 1975 từng vượt ngục tù Cộng Sản đi bộ sang Tân Gia Ba (12). Năm 1992, ông trở về Việt Nam ép một phi công hàng không Việt Nam bay quanh vùng Sài Gòn để thả truyền đơn.
 
Lần đó ông bị bắt sau khi nhảy dù xuống đất nhưng được chính phủ Hoa Kỳ can thiệp để được thả 6 năm sau. Trở về Mỹ, năm 2000, ông lái một phi cơ nhỏ sang Cuba rải truyền đơn chống Castro ở Havana rồi an toàn trở về Mỹ. Do sơ hở này, phòng không của Việt Nam đã trở nên “quá cảnh giác” cho nên ngay ngày hôm sau, đã bắn nhầm vào một phi cơ dân sự. Sau vụ trở lại Việt Nam lần thứ hai này của Lý Tống, Phạm Văn Trà, Lê Văn Dũng và các cấp chỉ huy không quân và phòng không đều bị khiển trách vì không chu toàn được nhiệm vụ. Khi Lý Tống bay trở về Thái Lan, ông đã bị nhà cầm quyền Thái Lan bắt và bỏ tù nhiều năm.
 
Sau chuyến đi của Clinton, Việt Nam lại đón tiếp Tổng Thống Putin của Nga Xô. Bang giao với Liên Xô được cải thiện rất nhiều từ khi Putin lên cầm quyền và nhất là sau khi Phan Văn Khải sang Nga ký thỏa ước trả món nợ 1.7 tỷ Mỹ kim. Putin đến thăm Việt Nam từ Ðại Hàn và khi gặp Trần Ðức Lương, hai bên tuyên bố là sẽ phát triển một “hợp tác chiến lược”, theo đó, ngoài việc Nga Sô hợp tác với Việt Nam thăm dò và khai thác dầu hỏa, còn giúp xây dựng cho Việt Nam nhà máy điện nguyên tử đầu tiên trị giá khoảng 3.5 tỷ Mỹ kim và một nhà máy thủy điện tại Sơn La, tổn phí khoảng 2.6 tỷ. Việc xây dựng nhà máy thủy điện Sơn La đã gây ra một số chỉ trích, vì Sơn La là vùng có thể có động đất và vì sẽ bắt buộc phải di cư 100 ngàn người đi nơi khác. Tin đồn về việc di cư này mấy năm trước đã là một trong những nguyên nhân gây ra biến loạn ở vùng Tây Nguyên. Ngoài ra, Việt Nam cũng nhờ Nga Xô phóng giúp một vệ tinh truyền tin.
 
Một vấn đề chính trong chuyến viếng thăm của Putin là vấn đề Việt Nam sẽ tiếp tục mua võ khí. Từ 1990, việc sản xuất và bán võ khí đã là một nguồn xuất cảng lớn của Nga Xô (báo chí Ấn Ðộ đã gọi tên Putin là chữ viết tắt của Planes-Uranium-Tanks-Infrastructures-Nuclears). Putin đã khuyến khích Việt Nam mua thêm những chiến đấu cơ Sukhoi 27 (tầm hoạt động 3680 cây số), oanh tạc cơ Su-30MK và có thể cả Mig 29. Hải quân Việt Nam cũng được tân trang. Việt Nam đã mua những tàu phóng hỏa tiễn và hệ thống phóng phi đạn chống chiến hạm Mosquito, với những phi đạn có thể bay thấp và bắn trúng mục tiêu trong vòng 120 cây số. Sau chuyến đi của Putin, Nga Xô bán được cho Việt Nam hai giàn hỏa tiễn phòng không tối tân S300 PMU 1, có thể bắn trúng phi cơ cách xa 150km. Nga Sô đã bán cho Trung Hoa loại võ khí này và còn dự định bán cho Trung Hoa loại S300 PMU 2, tối tân hơn. Do ám ảnh áp lực của Trung Hoa, nhiều khi Việt Nam đã phải lén lút mua võ khí một cách ngoài qui ước.
 
Chẳng hạn, tháng 10 năm 2002, khi nhân viên hải quan tỉnh St Petersburg khám xét một thùng hàng lớn đưa về Việt Nam, ngoài thùng ghi là phụ tùng xe hơi, nhưng bên trong lại thấy có một số hỏa tiễn phòng không tối tân nhất của Nga Xô. Ðể tiết kiệm ngân sách, trong chuyến đi Việt Nam, Putin cũng cho biết là sẽ trả lại hải cảng Cam Ranh vào năm 2002, trước thời hạn giao kèo 2 năm. Tuy Việt Nam rất muốn hải cảng được Hoa Kỳ thuê lại, nhưng vì sợ mất lòng Trung Hoa, Việt Nam mời Trung Hoa là nước đầu tiên để cho chiến hạm ghé thăm Cam Ranh. Hiểu thâm ý của Việt Nam, Trung Hoa cương quyết từ chối. Việt Nam sau đó tuyên bố là sẽ biến Cam Ranh thành một thương cảng. Sau khi Putin về nước, Nông Ðức Mạnh và Trần Ðức Lương cũng đã lần lượt sang Nga đáp lễ.
 
Cùng thời gian chuyến viếng thăm của Clinton và Putin là những cuộc viếng thăm của Bộ Trưởng Quốc Phòng Fernandes, Ngoại Trưởng Singh và Thủ Tướng Vajpayee của Ấn Ðộ. Ðối với Việt Nam, Ấn Ðộ là một nước quan trọng vì đông dân, có thể chế tạo võ khí khá tối tân và nhất là thật tâm muốn bang giao chặt chẽ với Việt Nam.
 
Tuy nhiên, sau chuyến đi của Clinton, càng gần đến ngày Ðại Hội Ðảng lần thứ IX, cuộc đấu tranh nội bộ của đảng Cộng Sản Việt Nam càng trở nên gay gắt và tiến trình cải thiện bang giao với Hoa Kỳ bị ngưng trệ. Do áp lực của phe bảo thủ, chuyến viếng thăm của Ðô Ðốc Blair, tư lệnh các lực lượng Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương, dự trù vào ngày 15-1-01 bất thình lình bị Việt Nam hủy bỏ và không cho biết lý do. Phải chờ đến một năm sau (sau khi Việt Nam đã để cho chiến hạm Yulin của Trung Hoa ghé cảng Sài Gòn ngày 22-11-2001), ngày 2-2-02, Ðô Ðốc Blair mới chính thức đến thăm Việt Nam, và đã gặp Nguyễn Tấn Dũng, Phạm Văn Trà, Nguyễn Dy Niên. Trong những tiếp xúc, Ðô Ðốc Blair ngỏ ý Hoa Kỳ không muốn thuê lại hải cảng này nhưng mong muốn là tàu bè của tất cả các nước có thể ghé lại khi cần thiết, nhưng sợ làm phật lòng Trung Hoa, Việt Nam đã từ chối.
 
Cũng trong Hội Nghị Trung Ương Ðảng lần thứ 10 (khóa VIII) vào tháng 7 năm 2000, những điểm căn bản cho bản báo cáo chính trị của Ðại Hội Ðảng lần thứ IX sẽ được tổ chức vào Tháng Tư năm 2001 được Nguyễn Phú Trọng đưa ra bàn thảo. Nội dung dự thảo báo cáo nói chung vẫn là kêu gọi “phát triển kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Phương châm này chỉ giản dị là sẽ cố gắng để ưu tiên phát triển cho kinh tế quốc doanh vượt trội hơn kinh tế tư nhân. Hội Nghị Trung Ương cũng đánh giá vai trò của Ban Thường Vụ Bộ Chính Trị để tìm cách thay đổi. Tuy công khai tuyên bố theo đuổi đường lối ngoại giao “đa phương”, bản báo cáo chính trị chỉ nhấn mạnh đến sự cải thiện quan hệ với “những nước láng giềng, xã hội chủ nghĩa và bạn bè tuyền thống” là Ai Lao, Căm Pu Chia, Trung Hoa và Liên Xô mà không nhắc nhở gì đến Hoa Kỳ, Tây Âu hay các nước ASEAN.
 
Tuy là một thành viên của những nước ASEAN, Việt Nam đặc biệt quan hệ thân thiết với Ai Lao và Miến Ðiện. Ai Lao là do bản chất thụ động cố hữu vẫn phụ thuộc vào Việt Nam trên nhiều lãnh vực, còn Miến Ðiện, do nền độc tài quân phiệt nên bị cô lập đối với quốc tế nên rất thân cận và được cảm tình với những lãnh tụ Cộng sản Việt Nam. Riêng đối với Căm Pu Chia, do mối hận thù lịch sử và thái độ của cán bộ Việt Nam trong thời gian chiếm đóng sau 1979, nên dù cho chính quyền Hun Sen đã được Việt Nam thiết lập và hỗ trợ, đã không còn có một quan hệ thực sự thân thiết như trước. Trong lúc đó, Trung Hoa đã tiếp tục phát triển ảnh hưởng ở Căm Pu Chia bằng cách giúp xây một xưởng đóng tàu lớn ở Kompong Som với phí tổn trên 500 triệu Mỹ kim.
 
Tuy nhiên, chủ trương nhường nhịn Trung Hoa không phải là có được sự đồng nhất trong đảng. Ðầu năm 2001, địa vị của Lê Khả Phiêu đã có những dấu hiệu lung lay khi Hội Nghị Trung Ương Ðảng thảo luận về vấn đề tuổi tác, đã biểu quyết không để cho những ủy viên trên 65 tuổi được tái cử. Cả hai Lê Khả Phiêu và Phan Văn Khải đều gần 70 nhưng điều này nhắm vào Lê Khả Phiêu nhiều hơn. Hai tuần sau, vào đúng ngày mà Bộ Trưởng Quốc Phòng Trung Hoa Trì Hạo Ðiền sang thăm Hà Nội, tại miền Nam, báo Sài Gòn Giải Phóng đăng bài báo tiết lộ chi tiết về hơn 300 vụ vi phạm của Trung Hoa vào lãnh thổ Việt Nam. Tờ báo cũng đăng thêm về kế hoạch bảo vệ và quản lý hành chánh của Việt Nam trên những hòn đảo.
 
Ðiều này đã gây phản kháng từ phía Bộ Ngoại Giao của Trung Hoa. Có lẽ đó là sự thách thức của phe đổi mới trong miền Nam đối với phe bảo thủ trong Ðảng ngoài Hà Nội trước khi có Ðại Hội Ðảng. Ngoài ra đó cũng là một cách trả đũa Trung Hoa của phe đổi mới đối với sự việc tháng 12 năm 2000, trong ngày mà Trần Ðức Lương sang Trung Hoa để đúc kết thỏa hiệp lãnh hải và thỏa hiệp đánh cá trong vịnh Bắc Việt, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Hoa đã lên tiếng xác nhận chủ quyền của Trung Hoa trên địa phận tranh chấp Trường Sa. Trước sự phản kháng của Bộ Ngoại Giao Trung Hoa, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Việt Nam trả lời là bài báo trên Sài Gòn Giải Phóng chỉ là ý kiến của một “tờ báo địa phương”.
 
Tuy nhiên, mấy ngày sau, báo Lao Ðộng cũng đăng một bài báo trong đó có ghi lại lời của Hà Văn Tấn, viện trưởng Viện Khảo Cổ nói là đã đào được những di chỉ đồ sứ của Việt Nam từ thế kỷ thứ 13 ở những đảo Nam Yết, Song Tử Tây, Sơn Ca, Sinh Tồn Lớn, Phan Vinh, An Bang... chứng minh chủ quyền lâu đời của Việt Nam trong vùng Trường Sa. Cũng trong tháng 2 năm 2001, báo Tiền Phong đăng tin đã bắt giữ Phạm Văn Dũng, phó chủ tịch ủy ban nhân dân phường Hoàng Văn Thụ, Hà Nội về tội làm gián điệp (với ám chỉ là cho Trung Hoa).

(Còn tiếp)