Đường biên giới trong ký ức Print
Tác Giả: Thiện Giao, phóng viên RFA   
Thứ Sáu, 06 Tháng 2 Năm 2009 00:19

2009-02-04
"Cả Dân Tộc Đã Ngộ Nhận Sao?" Đó là tựa đề một bài viết trên blog của tác giả Lê Tuấn Huy, được viết vào những ngày đầu tháng Giêng năm 2009 này.

 RFA graphic
Bản đồ Hiệp ước Biên giới Đất liền Việt Nam - Trung Quốc.


Và nếu đối chiếu thời điểm, có thể nhận ra, "Cả Dân Tộc Đã Ngộ Nhận Sao?" được viết chỉ vài ngày sau khi thứ trưởng Bộ Ngoại Giao Việt Nam, Vũ Dũng, trả lời trên báo điện tử VietNamNet, rằng không có chuyện Việt Nam mất đất, cắt đất cho nước này, nước kia, như một số mạng nước ngoài đưa tin.

Ải Nam Quan chưa bao giờ là của VN?
Và cũng trong không khí đón Tết truyền thống Kỷ Sửu, sau lời khẳng định "không mất đất" của thứ trưởng Vũ Dũng, sau câu hỏi có phải cả dân tộc đã "ngộ nhân" hay chăng, thì một giai phẩm Xuân của một tờ báo trong nước đã dành nhiều bài vở mạnh bạo về ngôn từ, nói về chủ quyền đất nước.
Xin tuần tự trình bày sau đây.
Hãy bắt đầu với blogger Lê Tuấn Huy. Tác giả đề cập đến những địa danh mà anh tin rằng, với chứng nhận của lịch sử, những nơi chốn ấy từng thuộc chủ quyền Việt Nam. Và nay, đã trở thành lịch sử, qua phát biểu chính thức từ quan chức hữu trách của chính quyền, những nơi chốn ấy chính thức thuộc về Trung Quốc.
Đây, thác Bản Giốc trong ký ức tác giả:
"Thác Bản Giốc, tôi chưa từng đến, nhưng gắn với một kỷ niệm thời niên thiếu.
Đã lâu, vào một ngày kia, tôi quyết định để cho những kỷ vật tuổi thơ thoát khỏi cái tâm trí đã hoàn toàn không còn những mộng mơ và mộng mị bé con. Trong số này, có một cuốn tập 200 trang, dày cộm lên vì đã dán vào những bức ảnh phong cảnh đất nước được cắt ra từ báo hay bưu ảnh, bên cạnh là những dòng "hoa văn" và những con chữ nắn nót bằng bút bi hai màu xanh, đỏ.


 Những cuộc biểu tình chống Trung Quốc Những bức ảnh nhỏ, trên giấy báo đen nhẻm của thời khốn khó, theo thời gian, nay đã nhòa hẳn trong trí nhớ. Nhưng có hai tấm mà tôi không hề quên, vì là ảnh màu, khổ lớn hơn hai trang vở, lấy được từ lịch, mà khi có được tôi đã rất thỏa chí. Một là chiếc cầu Xóm Bóng ở Nha Trang, và hai, chính là thác Bản Giốc.
Tình yêu quê hương khắc vào tôi đơn giản vậy, chỉ là thích thú với những bức ảnh màu hiếm hoi, để rồi không phai trong ký ức."

"Tuổi thơ, từ sớm tôi đã thuộc câu "Non sông ta liền một dải, từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau"…"

Nơi Bản Giốc, tình quê hương đã khắc vào tác giả đơn giản như vậy, để rồi chẳng bao giờ phai mờ trong ký ức. Một địa danh khác, đã bao đời hiện diện trong tâm khảm, ngôn ngữ, và tâm tình Việt Nam, gắn liền với cuộc chia ly phụ tử bi hùng, Nguyễn Phi Khanh và Nguyễn Trãi, đi vào ký ức tác giả ở mức độ phức tạp hơn, mang hơi hướng của lòng tự hào dân tộc: "Tuổi thơ, từ sớm tôi đã thuộc câu "Non sông ta liền một dải, từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau"…"
Lòng tự hào, sự hiểu biết của tác giả, đơn giản và tự nhiên như một sự mặc định, giờ đây đang bị thách đố.
"Vậy mà giờ đây tôi "được" biết rằng cái ải mà nhiều thế hệ người Việt vẫn nằm lòng đó, trong lịch sử và trên thực tế lại vốn không thuộc về đất nước này! Vậy cả dân tộc ta (chữ "dân tộc" dùng ở đây không ngoa chút nào), liên tục từ nhiều đời nay, đã hoàn toàn ngộ nhận về ải Nam Quan, hay trong chuyện này, chính những người có trách nhiệm bảo toàn cương thổ đã không biết đến lịch sử nào khác của nước nhà, ngoài cái sử liệu tập trung vào Pháp – Thanh?"

Vậy cả dân tộc ta (chữ "dân tộc" dùng ở đây không ngoa chút nào), liên tục từ nhiều đời nay, đã hoàn toàn ngộ nhận về ải Nam Quan?

Có cái gì đó như một sự tước đoạt. Lòng tự hào, sự hiểu biết lịch sử, đơn giản và tự nhiên như lời mặc định, đã bị tước đoạt, khi người chịu trách nhiệm đàm phán cấp chính phủ về biên giới Việt Nam – Trung Quốc, khẳng định: Ải Nam Quan chưa bao giờ là của Việt Nam!
Xin trích một đoạn từ lời khẳng định của thứ trưởng Ngoại Giao Vũ Dũng, trưởng đoàn đàm phán cấp chính phủ về biên giới Việt Nam – Trung Quốc, đăng trên VietNamNet ngày 02 tháng Giêng, năm 2009: "Về khu vực Hữu nghị quan: Theo các tài liệu lịch sử đang được lưu giữ, Trấn Nam Quan hay còn gọi là Ải Nam Quan đều nằm bên phía Trung Quốc, đường biên giới nằm phía nam Trấn Nam Quan. Theo "Đại Nam Nhất thống chí," Trấn Nam Quan được xây dựng từ thời nhà Minh; sau đó, đời Nhà Thanh cho tu bổ lại vào năm 1726…"
Vị tiền nhiệm của ông Vũ Dũng, nay là đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ, cũng từng khẳng định điều này trong một lần trả lời phỏng vấn với nhà báo Lý Kiến Trúc, chủ nhiệm tạp chí Văn Hoá tại miền Nam California. Đại sứ Lê Công Phụng khẳng định:

"Về khu vực Hữu nghị quan: Theo các tài liệu lịch sử đang được lưu giữ, Trấn Nam Quan hay còn gọi là Ải Nam Quan đều nằm bên phía Trung Quốc, đường biên giới nằm phía nam Trấn Nam Quan.

T.T. Ngoại Giao Vũ Dũng
 
"Mục Nam Quan không phải là của Việt Nam. Việt Nam không xây. Hiệp Định Biên Giới Pháp – Thanh ghi rất rõ, rằng đường biên giới của quãng này chạy phía Nam mục Nam Quan, bao nhiêu mét, bao nhiêu cây số đó. Nếu là của Việt Nam xây, mình phải gọi là mục Bắc Quan. Mục Nam Quan là cái ải để quan sát phía Nam. Trung Quốc xây Mục Nam Quan là để quan sát phía Nam đường biên giới."

Mâu thuẫn với sử sách
Nếu lòng tự hào và sự hiểu biết mang tính mặc định của blogger Lê Tuấn Huy chỉ là những sai lầm được học từ lịch sử, thì liệu, lòng tự hào của tác giả, và của dân tộc Việt Nam về một địa danh lịch sử, từ lâu nay chỉ là ngộ nhận? Lê Tuấn Huy tham chiếu vào một nguồn tài liệu khác, đã được in trong các chương 13 và 14 tác phẩm "Những Biến Cố Mất Lãnh Thổ - Lãnh Hải của Việt Nam từ năm 939 – 2002," do luật sư Trịnh Quốc Thiên biên soạn.

 
Công An ngăn chặn bắt bớ những người biểu tình Theo tác giả này, thì ngày 21 tháng Chạp năm Giáp Thân, 1284, Thoát Hoan đã từng dừng cương nơi Cửa Nam Quan, mang thư sang đất Việt, xin "mượn đường Nam Quốc qua đánh Chiêm Thành." Một trích đoạn từ Việt Sử Toàn Thư do tác giả Trịnh Quốc Thiên giới thiệu:
"Quân bản bộ của Thoát Hoan đến Cửa Nam Quan thì ngừng lại. Thoát Hoan phái Bá Tổng A Lý mang thư qua nói: "Bản súy chỉ nhờ đường Nam Quốc qua đánh Chiêm Thành, chứ không có bụng gì đâu mà ngại. Nên mở cửa cho bản súy đi và đến đâu chỉ nhờ giúp ít nhiều lương thảo, khi phá xong Chiêm Thành sẽ có trọng tạ…"
Hơn 500 năm sau, thi hào Nguyễn Du cũng từng cảm tác "Trấn Nam Quan," nói về tâm sự của mình khi tiến qua Ải Nam Quan vào đất Trung Hoa. Đây, cảm xúc của Tiên Điền tiên sinh, gần 2 thế kỷ trước, nơi Ải Nam Quan.
"Lý-Trần việc cũ dấu phai mờ
Năm đã ba trăm kể đến giờ
Muôn núi ải quan nằm chính giữa
Một thành Hoa-Việt vạch đôi bờ
Trời đất mới biết ơn sao nặng
Đất hẹp xui nên chuyện hóa ngờ
Mây biếc quay nhìn nơi cửa khuyết
Nhạc Thiều văng vẳng tiếng xa đưa"

(Bản dịch của Đỗ Văn Hỷ-tr.279-sách Địa Chí Lạng Sơn)

Tổng Cục Du Lịch ca ngợi biểu tình chống TQ?
Trong một sự kiện liên hệ đến vấn đề biên giới, chỉ mới gần đây, vào giai đoạn trước Tết Âm Lịch, một tờ báo có tên "Du Lịch," trực thuộc Tổng Cục Du Lịch, thuộc Bộ Văn Hoá – Thể Thao – Du Lịch Việt Nam, đã cho xuất bản giai phẩm Xuân với nhiều bài viết liên quan vấn đề biên giới Việt Nam – Trung Quốc.

Số báo Xuân này có bài viết ca ngợi những sinh viên, thanh niên xuống đường biểu tình chống Trung Quốc hồi năm 2007. Ấn phẩm này còn có cả bài viết nói về Ải Nam Quan, trong đó có trích đoạn từ kịch-thơ "Hận Nam Quan" của thi sĩ Hoàng Cầm.
Bài viết "Tản Mạn Cho Đảo Xa," ký tên Trung Bảo, in trong giai phẩm Xuân Du Lịch có đoạn nói về các cuộc biểu tình chống Trung Quốc tại Việt Nam:

"…Dẫu rằng vì nhiều lý do, những lần xuống đường đó không được báo chí trong nước thông tin rộng rãi. Dẫu rằng những tấm lòng yêu nước trong sáng, sự hiên ngang khí phách kia không được ngợi ca công khai… nhưng người ta sẽ phải nhớ rằng tấm lòng nhiệt tình với đất nước của thanh niên trí thức trẻ sẽ không bao giờ thay đổi."

Báo "Du Lịch," trực thuộc Tổng Cục Du Lịch
 
"…Dẫu rằng vì nhiều lý do, những lần xuống đường đó không được báo chí trong nước thông tin rộng rãi. Dẫu rằng những tấm lòng yêu nước trong sáng, sự hiên ngang khí phách kia không được ngợi ca công khai… nhưng người ta sẽ phải nhớ rằng tấm lòng nhiệt tình với đất nước của thanh niên trí thức trẻ sẽ không bao giờ thay đổi."
Tác giả cũng viết rằng, "Nếu có "kẻ xấu" nào đó "kích động" người ta đi biểu tình vì yêu nước, ta nên tôn trọng những "kẻ xấu" này. Ngược lại, khi "người tốt" tìm cách ngăn cản sự biểu lộ đầy phẫn uất một cách chính đáng của người dân vì chứng kiến đất mẹ bị xâm phạm, thì hẳn những kẻ vẫn mạo xưng "người tốt" này cần phải được xem lại…"
Xin kết thúc bài viết bằng một trích đoạn trong tác phẩm kịch-thơ "Hận Nam Quan" của thi sĩ Hoàng Cầm. Lời của Nguyễn Phi Khanh nói với con trai, Nguyễn Trãi, trước giờ rời cửa Nam Quan, vào đất Trung Quốc, và chẳng bao giờ trở lại cố hương.
Đây biên giới hai nước thù đẫm máu;
Đây Nam Quan ... con mắt khép tình thâm
Lối qua lại của một loài cuồng khấu
Là Nam Quan ... chua xót bóng nghìn năm.
Đây Nam Quan, bốn bề sương lạnh lẽo,
Hồn thuở xưa lay động bóng tinh kỳ
Ai đi sứ nơi quê người lẽo đẽo
Cỏ hoa rừng dâng lệ khóc phân ly ?!