Philippines phải nhượng bộ về Trường Sa Print
Tác Giả: BBC   
Thứ Hai, 16 Tháng 2 Năm 2009 02:59

  Sáu quốc gia cùng tuyên bố chủ quyền đối với Trường Sa
 Chính phủ Philippines đã phải nhượng bộ về tuyên bố chủ quyền đối với Trường Sa dưới áp lực của Trung Quốc.
Báo Hong Kong South China Morning Post đưa tin các dân biểu Philippines tuần trước (9/2) đã thống nhất bỏ câu định nghĩa rằng Trường Sa nằm hoàn toàn bên trong cái gọi là 'đường cơ sở' thuộc lãnh thổ Philippines trong một dự luật về chủ quyền biển.
Thay vào đó, quần đảo Trường Sa nay được gọi là "một số đảo thuộc Cộng hòa Philippines."
Báo Hong Kong cho rằng, định nghĩa mới tuy vẫn nói Philippines giữ chủ quyền đối với Trường Sa, nhưng đã là bước lùi lại khá lớn từ định nghĩa mà Hạ viện nước này thông qua một tuần trước đó, và đã bị phản ứng dữ dội từ phía Trung Quốc.
Theo định nghĩa bị Bắc Kinh phản đối, 'đường cơ sở' của Philippines bao vòng nhóm đảo Kalayaan (tên Philippines đặt cho Trường Sa) gồm 53 hòn đảo, và cả bãi Scarborough, nơi Philippines và Trung Quốc có tranh chấp.
Bãi này, Scarborough Shoal, Philippines gọi là Panatag, còn Trung Quốc gọi là Hoàng Nham.
Phản đối của Trung Quốc
Hạ viện Philippnes thông qua dự luật có quy định 'đường cơ sở' nói trên hôm 2/2.
Chỉ chưa đầy 24 tiếng đồng hồ sau, Trung Qốc lên tiếng phản đối.
Người phát ngôn Trung Quốc Khương Du tuyên bố: "Trung Quốc có chủ quyền không thể chối cãi tại đảo Hoàng Nham, quần đảo Nam Sa (Trường Sa) và các vùng biển phụ cận".
Bà cũng nhấn mạnh rằng Trung Quốc hy vọng Philippines sẽ có hành động 'làm phức tạp thêm tình hình".
Phản ứng của Trung Quốc đã khiến chủ tịch Thượng viện Philippines, Juan Ponce Enrile, phải kêu gọi tìm cách tiếp cận mới "thực tiễn hơn" cho văn bản cuối cùng của dự luật, vì nước này không có tàu chiến và quân lực đủ để đương đầu.
Vấn đề hoạch định 'đường cơ sở' lâu nay đã là chủ đề gây tranh cãi giữa Manila và Bắc Kinh.

  Trong khi tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài cho các tranh chấp đối với hai quần đảo này, các bên liên quan cần tuân thủ Công ước của Liên Hợp Quốc, không có hành động làm phức tạp thêm tình hình.

Người phát ngôn BNG Việt Nam Lê Dũng 
Tháng 12/2007, Ủy ban đối ngoại của Hạ viện Philippines thông qua văn bản nói Trường Sa nằm trong đường cơ sở của nước này. Trung Quốc lập tức gửi công văn tới sứ quán Philippines tại Bắc Kinh với tuyên bố "Trung Quốc sửng sốt và quan ngại sâu sắc trước diễn biến tiêu cực này".
Bắc Kinh đe dọa điều này ảnh hưởng tới quan hệ hợp tác giữa hai nước.
Lời lẽ đanh thép của Trung Quốc khiến Hạ viện Philippines sau đó đã phải ngừng mang dự luật về đường cơ sở ra bàn trong suốt hai năm.
Tuy nhiên, chủ đề gai góc này lại nổi lên vì thời hạn 13/5/2009 theo Công ước LHQ về Luật biển đòi hỏi Manila phải xác định lại chủ quyền lãnh thổ thềm lục địa của mình.
Việt Nam đã lên tiếng phản đối dự luật hôm 2/2 và kêu gọi "trong khi tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài cho các tranh chấp đối với hai quần đảo này, các bên liên quan cần tuân thủ Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 và "Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông" (DOC), không có hành động làm phức tạp thêm tình hình, góp phần duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực".
Tuy nhiên chưa thấy phản ứng về dự luật sửa đổi mà lưỡng viện Philippines thông qua hôm 9/2.

--------------------------------------------------------------------------------

Vinh, Sài Gòn
Các bạn Philippines đừng đàm phán song phương với người to xác và cái lòng nó tham, chúng ta có Asean và cố gắng cùng nhau trở thành một cộng đồng chung có sức mạnh chính trị và kinh tế, xóm giềng nhà ta sẽ nói chuyện phải trái bằng những luật lệ quốc tế thì tốt hơn,chúng ta cũng còn những anh bạn to con khác có lòng tốt nữa.
Chúng tôi ngán chiến tranh tận cổ rồi, thù hằn nhau làm khổ cả hai, Hãy dùng sức của công lý và tập thể anh em trong vùng và bè bạn quốc tế.Tại Indonesia, Hillary dự định thông báo về việc nâng cấp quan hệ giữa Mỹ với ASEAN, hãy tranh thủ thời cơ.
Giấu tên
Tại sao các quần đảo HS và TS là của VN mà Philippines và TQ lại tranh giành nhau "chí chóe"? Thật không hiểu! Quốc hội người ta đã họp để ra tuyên bố chủ quyền về TS. Chuyện trọng đại như vậy sao quốc hội nước CHXHCNVN không có buổi họp nào để mạnh mẽ tuyên bố chủ quyền cho thế giới thấy các quần đảo đó thuộc mình?