50 ngày cuối cùng Print
Tác Giả: Nguyễn Phương Hùng   
Thứ Bảy, 01 Tháng 1 Năm 2011 10:58

Cách đây đúng 30 năm, chúng ta đã sống ra sao trong 50 ngày cuối cùng của miền Nam Việt Nam.

 Tại sao lại nhắc đến 50 ngày. Ðúng như vậy. Cuộc tổng tấn công của miền Bắc đánh Ban Mê Thuột vào ngày 10 tháng 3-1975. Ðây là thành phố quan trọng nhất của Cao nguyên. Ban Mê Thuột là địa điểm chiến lược, nơi mà Tổng thống Thiệu ra lệnh Quân đoàn II rút cả Pleiku và Komtum để đem quân cứu Ban Mê Thuột.

Ðại tá Vũ Thế Quang, tức Quang Dù, thanh niên Hà Nội khóa Cương Quyết Ðà Lạt 1954 đã gọi Không quân đánh bom vào bản doanh Sư đoàn 23 của ông. Ông bị bắt tại trận cùng với người hùng thiết giáp là Ðại tá Nguyễn Trọng Luật. Ba mươi năm qua, ngày tháng đối với bạn Quang Dù dài hơn anh em vì phải cộng thêm hơn 13 năm lao tù và hơn 13 năm lao động ở Mỹ. Ðại tá Vũ Thế Quang không bao giờ quên được ngày 10 tháng 3 năm 1975, Bắc quân đánh Ban Mê Thuột, và 50 ngày sau là 30 tháng 4 cả miền Nam sụp đổ.

Từ lúc bị bắt giải ra Hà Nội, anh vẫn theo dõi tin tức. Là tù binh tại mặt trận, chiến binh Việt Nam Cộng Hòa luôn luôn hy vọng sẽ có ngày trở về đoàn tụ với gia đình. Nếu Sài Gòn còn đứng vững. Nhưng cuộc diện đã không xảy ra như vậy. Trong suốt 50 ngày, Vũ Thế Quang, người thanh niên trưởng thành ở Hà Nội, đi qua thành phố thân yêu của thời niên thiếu, nhưng mắt vẫn hướng vào Sài Gòn mà như dao cắt trong lòng. Các thành phố, các đơn vị của Việt Nam Cộng Hòa lần lượt tơi tả thành từng mảnh vụn.

Và cũng là thanh niên Hà Nội, từ giã Sài Gòn để mang danh hiệu Biệt Kích Nhảy Bắc từ năm 1966 bạn Nguyễn Hữu Luyện vào ngày 30 tháng 4-1975 đang cùm giam ở trại Thanh Phong, Bắc Việt.

Anh cũng theo dõi tin tức qua các mẩu chuyện mơ hồ của các cán binh coi tù. Lúc đó Nguyễn Hữu Luyện đã bị giam hơn 9 năm. Hình ảnh Sài Gòn thân yêu tắt dần trong tim anh 50 ngày sau cùng.

Khi anh ra tù thì trước sau đã đi cải tạo 21 năm. Thời gian ở tù dài bằng cuộc đời binh nghiệp của anh em cùng khóa vào trường 1954 và tan hàng 1975.

Vì vậy nên phải nhắc đến 50 ngày bi thảm cuối cùng của chúng ta. 50 ngày kéo dài như cơn ác mông.

Năm 2004 ở đất Mỹ, anh em họp mặt các ông già Sài Gòn trên 70 tuổi nhưng đôi khi hồn nhiên như thời trai trẻ tuổi 20 Hà Nội. Khi có bạn vô tình ngớ ngẩn hỏi rằng năm 75 lúc đứt phim ông đang ở đâu, Quang Dù và Biệt kích Nguyễn Hữu Luyện đều quay mặt đi, không trả lời.

Hoàng Hải Thủy, bạn văn nghệ của Quang Dù đã viết ra những lời thơ phiền muộn cho ngày thứ 50 như sau:

Mỗi năm cứ đến ngày oan trái
Thắp nén hương lòng thương nhớ thương...

Và một bạn văn nghệ khác của chúng tôi là nhà thơ Thanh Nam khi ra đi đã để lại lời thơ não nùng:

... Ta như người lính vừa thua trận
Nằm giữa sa trường nát gió mưa
Khép mắt cố quên đời chiến sĩ
Làm thân cây cỏ gục ven bờ
Chợt nghe từ đáy hồn thương tích
Vẳng tiếng kèn, truy điệu mộng xưa.

Năm 1999, anh em thương phế binh Biệt Khu Thủ Ðô công tác tại Nghĩa Trang Quân Ðội Biên Hòa đã viết lời sau cùng cho bản báo cáo:Bây giờ ai cũng đi cả rồi, tướng, tá, HO, ODP, con lai, sở Mỹ, vượt biên, cải tạo. Ai cũng đi nước ngoài. Chỉ còn lại những thương phế binh, cô nhi quả phụ và sau cùng là tử sĩ. Xin đừng quên chúng tôi, đã 25 năm rồi...

Cũng bởi vì sợ anh em đã quên, nên vào ngày Hội Ngộ 30 Năm tại Thủ Ðô, trong số các chiến binh về họp mặt với trại Trần Hưng Ðạo đã có sự hiện diện của Chiến Sĩ Vô Danh hiển linh qua một mộ bia nguyên thủy từ Nghĩa Trang Quân Ðội Biên Hòa. Người lính vô danh chết ngày 7 tháng 6-1968 được mai táng ngày 16 tháng 6-1968 đã đến đoàn tụ với chúng tôi tại Bảo Tàng Viện San Jose vào tháng 4 năm 2004.

Như vậy là trong số trăm ngàn chiến binh Việt Nam Cộng Hòa lưu vong nơi đất khách quê người đã có sự hiện diện của một tử sĩ anh hùng.

Chúng ta đã không quên anh em.

May mắn hơn các bạn, chúng tôi là người đã di tản kịp thời trong đợt 75. Lại thêm một chút may mắn được làm trong cơ quan dịch vụ. Hoàn cảnh thuận tiện để lo việc tiếp đón định cư dân tỵ nạn hết đợt này qua đợt khác. Vì công việc nên chúng tôi có dịp làm nhân chứng cho biết bao nhiêu biến đổi thời sự. Chúng tôi sưu tầm và ghi nhận tin tức của cuộc sống bên này và bên kia Thái Bình Dương. Chúng tôi đã có dịp gặp gỡ và nói chuyện với hàng ngàn đồng hương và bằng hữu. Sau cùng đã quyết định lập một lịch trình công tác cho 50 ngày trước 30 tháng 4-2005, vào dịp ghi dấu 30 năm lưu vong tỵ nạn.

Trong suốt gần 2 tháng qua, chúng tôi đã có cơ hội triển lãm một phần của Viện Bảo Tàng tại Thủ Ðô Hoa Thịnh Ðốn, đã mời họp mặt các niên trưởng của trại Trần Hưng Ðạo, Tổng Tham Mưu gặp nhau gần như là lần duy nhất.

Riêng phần cá nhân chúng tôi lại có cơ hội gặp hầu hết các niên trưởng tướng lãnh tại thủ đô kể cả buổi trùng phùng riêng với Ðại tướng Cao Văn Viên sau 30 năm cùng rời xa trại Trần Hưng Ðạo.

Hơn 20 năm ở lính, quân đội như một trường đời đã uốn nắn và dạy dỗ anh sĩ quan trẻ thành người. Ai làm chỉ huy mà chẳng hãnh diện về thành tích của đơn vị.

Mỗi khi có cấp trên thăm viếng, đơn vị thuyết trình nào là thành quả hành quân, huấn luyện, thi đua, gia binh, quân số, tiếp vận, tài chánh.

Suốt 30 năm qua, đôi khi đơn vị IRCC của chúng tôi có chút thành tích chẳng biết khoe ai, chợt thấy cuộc đời trống trải và nhớ binh đoàn và quân ngũ biết chừng nào.

Hồn lính còn vương trên tóc bạc,
Anh nhớ sa trường, em có hay.

Ðó là lý do chúng tôi đã tìm về với nhau. Qua hình ảnh của các niên trưởng và chiến hữu, chúng tôi nhìn thấy lại binh đoàn. Nghe được tiếng nhạc quân hành, tiếng kèn trận, tiếng kèn tử sĩ.

Suốt bao nhiêu năm qua, chưa bao giờ có được một tập họp của nhiều sĩ quan cao cấp và cao niên như thế. Có nhiều cựu tù cải tạo mà con số năm tù đày cộng lại đến cả trăm năm.

Và khi chúng tôi chia tay, vì biết rằng không thể có ngày gặp lại đông đảo như thế nên đã cùng nhau đứng dưới lá đại kỳ mà cất cao tiếng hát. Một lá đại kỳ thật vĩ đại với ánh vàng tràn ngập hội trường.

Tất cả mọi cấp bậc, mọi hoàn cảnh và mọi gia đình của Bộ Tổng Tham Mưu và thân hữu chúng tôi đã cùng phủ lên người lá cờ vàng thân yêu ngay khi chúng tôi còn sống. Trong 50 ngày cuối của tháng 4-1975 chúng tôi đã ở các phương trời khác nhau và đã chịu các oan nghiệt khác nhau. Nhưng trong 50 ngày qua chúng tôi đã tìm về với nhau cho ngày hội ngộ đoàn viên thêm ý nghĩa.

Có người đã quên và có người còn nhớ. Có người rũ bỏ đau thương, có người đeo nặng oán thù. Nhưng anh em đã chấp nhận gặp nhau và đã tìm về một cái bắt tay.

Sau ngày hội ngộ Tổng Tham Mưu, anh em chia tay ra về. Người chiến binh già bỗng thấy niềm u uất vơi đi trong lồng ngực. Nhìn thấy đám con trai trưởng thành nhi nhô, nhớn nhác, ông già đã lấy lại phong độ mà nói rằng: “Chúng mày bây giờ to đầu mà chẳng ý thức được trách nhiệm, ngày xưa lúc tao 20 tuổi đã nắm quyền đại đội, chỉ huy cả trăm binh sĩ hành quân băng rừng lội núi. Tao đã từng nắm biết bao sinh mạng trong tay.”

Ðàn con đã chọc quê ông già mà nói rằng: Sao bố ngon như vậy mà mình lại chạy sang đây?

Câu trả lời hợp lý nhất luôn luôn là tại Mỹ bỏ rơi miền Nam.

Thực vậy, chúng ta đã trở thành công dân của Hoa Kỳ là cái quốc gia mà 30 năm trước đã bỏ rơi đồng minh là quê hương Việt Nam nguồn gốc của mình.

Vào dịp ghi dấu 30 năm mất miền Nam, trang sử cũ mở ra trên báo chí tất cả đều phơi bày cùng một dữ kiện. Trong cuộc chiến tranh ủy nhiệm Nam Bắc Việt Nam, Hoa Kỳ đã rũ bỏ cam kết, bỏ rơi đồng minh. Câu chuyện đã được viết thành những cuốn sách. Nhà ngoại giao Nguyễn Phú Ðức viết bằng Anh ngữ.

The Vietnam Peace Negotiations.

Cuốn sách này giãi bày về hòa đàm nhìn từ quan điểm của Sài Gòn.

Cuốn thứ hai viết bằng Việt ngữ của giáo sư Nguyễn Tiến Hưng có tựa đề trực tiếp hơn: Khi đồng minh tháo chạy.

Cũng trong những ngày qua, chúng tôi có cơ hội nói chuyện tâm tình với hai vị khách thân hữu tao ngộ sau 30 năm lịch sử. Thiếu tướng Nguyễn Khắc Bình là người đã được Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu ủy thác và tin cậy về phương diện an ninh tình báo cá nhân cho đến giờ phút chót.

Và người thứ hai là giáo sư Nguyễn Tiến Hưng là người đã được ông Thiệu tin cậy giao cho toàn bộ hồ sơ mật Dinh Ðộc Lập vào những ngày cuối cùng. Chúng tôi đã nhắc đến những chuyện gì.

Nếu nói rằng, đây là cuộc chiến tranh ủy nhiệm thì miền Nam khi đứng trong hàng ngũ thế giới tự do để kết nghĩa đá vàng với Hoa Kỳ thì chúng ta đã trao duyên lầm tướng cướp. Ðó là bài học mà người Việt phải trả giá bằng biết bao nhiêu xương máu của hơn hai triệu người của cả hai miền Nam Bắc.

Sau đây là những giả thuyết đã được ghi nhận với lịch sử Việt Nam bằng đầu nhiều chữ nếu.

Nếu hai miền Nam Bắc cùng rũ bỏ được ảnh hưởng của hai phe hậu thuẫn, rũ bỏ được tham vọng chiến thắng để nói chuyện thẳng với nhau trong tinh thần hòa giải thực sự từ đầu thập niên 60 thì đã tránh được biết bao nhiêu đau thương cho dân tộc. Ðược như vậy thì con rồng Ðông Nam Á cất cánh bay lên sẽ phải là Việt Nam chứ không phải Ðài Loan, Ðại Hàn, Hồng Kông hay Mãi Lai. Nhưng chuyện đó đã không xảy ra.

Nếu miền Nam không sụp đổ mau lẹ trong tuần lễ cuối cùng mà quân đội Cộng Hòa trực tiếp chống lại cuộc tháo chạy của Hoa Kỳ. Sau đó Thủy Quân Lục Chiến Mỹ từ hạm đội bay vào tiếp cứu Tòa Ðại Sứ và cơ quan DAO thì cuộc chiến cuối cùng không phải giữa Quốc Cộng mà là súng nổ giữa các phe đồng minh.

Lúc đó Hà Nội sẽ gọi là cuộc nổi dậy của miền Nam chống Mỹ và binh đoàn Bắc Việt vào Sài Gòn sẽ cứu nguy cho Hoa Kỳ ra đi vào giờ phút thứ 25 của cuộc chiến.

Nhưng chuyện đó đã không xảy ra.

Bởi vì nếu chuyện đó xảy ra thì sẽ không có 130,000 người di tản và sau đó sẽ không có 30 năm, vượt biển, HO, ODP và không có hàng triệu người Việt lưu vong và cũng sẽ không có hàng tỷ Mỹ kim gửi về cho quê hương ngày nay.

Xem ra như vậy thì định mệnh của đất nước và của con người khôn lường.

Suy nghĩ như trên bởi vì tác giả Nguyễn Tiến Hưng đã bỏ riêng ra một chương 15 của tác phẩm để viết về việc tháo chạy của Ðồng Minh.

Ðại ý chương này tác giả đề cập đến các bí ẩn trong việc ra đi của người Mỹ vào thời điểm cuối tháng 4-1975. Gồm cả các kế hoạch giải quyết nếu có đụng độ giữa Hoa Kỳ và Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.

Chương thứ 15 gồm có 25 trang viết về các biến chuyển ghê gớm đã không xảy ra vì sau cùng quân đội miền Nam không có các hành động chống lại cuộc di tản của Mỹ. Thử tưởng tượng nếu quân đội Cộng Hòa tổ chức chống Mỹ. Hoa Kỳ phải đưa hàng sư đoàn Thủy Quân Lục Chiến vào Sài Gòn để cứu Tòa Ðại Sứ và cơ quan DAO, thì chuyện gì sẽ xảy ra.

Sau cùng qua tác phẩm viết về việc đồng minh bỏ chạy, chúng tôi ghi nhận được bộ mặt của hai người Mỹ. Một là tay ngoại giao cơ hội chủ nghĩa, chỉ đi tìm sự thành công cá nhân bằng mọi giá, lừa đồng minh, che dấu quốc hội và qua mặt cả tổng thống Mỹ. Con người xấu xa đó lại được cả nước Mỹ và thế giới vinh danh.

Con người thứ hai là nhà ngoại giao tận tụy với công vụ, hy sinh tất cả cho vai trò đại sứ, hết lòng với người Việt, giữ phẩm giá đạo đức qua vai trò đồng minh của Hoa Kỳ cho tới phút chót, cứu được biết bao nhiêu người tỵ nạn.

Chính con người đó lại bị nước Mỹ hành hạ phải sống buồn tủi cho đến ngày cuối cùng. Vậy thì trên trường chính trị và trong cuộc đời, đâu là chân lý.

Ðọc tác phẩm quý vị sẽ ghi nhận được những người Mỹ đó là ai. Và sau hết, hãy đọc để mà xót thương cho thân phận của một quốc gia làm đồng minh cho Mỹ, và nước Mỹ vĩ đại đó, bây giờ lại là đất nước của chúng ta.

Trong cuộc đổi đời bi thảm 30 năm qua, chỉ những người đã chết dù ở bên này hay bên kia phòng tuyến là những người thiệt thòi.

Ðiều quan trọng là những người còn sống phải ăn cho ở cho tử tế. Ðặc biệt người Việt ở hải ngoại. Chúng ta được sống trong bầu không khí tự do vốn là nhiên liệu để làm cho con người hoàn thiện. Sống trong chiến tranh, con người dễ trở thành ác độc. Ngày nay sống trong hòa bình, phải suy nghĩ tử tế, viết lách tử tế, ăn nói tử tế để xứng đáng với những người đã chết 30 tháng 4 để chúng ta được sống. Chính sự tử tế sẽ là phương thức lương thiện hữu hiệu nhất để xây dựng cuộc sống tha hương và xây dựng cả tương lai tốt đẹp cho quê nhà.

San Jose

Nguyễn Phương Hùng