Tháng Tư ở quán Café đường số 2 Print
Tác Giả: Lê Bình   
Chúa Nhật, 26 Tháng 4 Năm 2009 19:37

Hai ông già ngồi trên chuyến xe bus số 82 đi từ Cửa Tây (West Gate) xuống trung tâm thành phố. Một ông người Nam một ông người Bắc. Cả hai là bạn thân thiết mấy chục năm mới gặp. Nghe qua câu chuyện người ta có thể đoán chừng ông Nam Kỳ ở Mỹ, ông Bắc Kỳ ở Việt Nam mới qua.

Chiếc xe đi qua nhiều con đường ngoằn ngoèo, lắt lèo rợp bóng cây. Ông Hai Bắc Kỳ nói với ông Ba Nam Kỳ. “Đường sá quá đẹp anh nhỉ. Đường nào cũng rợp bóng cây” Anh Ba Nam Kỳ gật đầu “Ở đây người ta chú trọng dến cây xanh lắm anh hai.”

Ông Hai biều đồng tình “Mát thiệt, có đâu như ở bẻn, đốn sạch sành sanh.” Hồi lâu ông chỉ tay ra đường “Mấy con đường nầy trông sao giống đường Tú Xương, Bà Huyện Thanh Quan ở Sài Gòn quá anh Ba” Ông Ba nhìn ra “Ừa, cũng giống thiệt” Ông Ba có bao giờ đi xe bus đâu mà biết. Bây giờ ông nhìn kỷ “Anh nói có lý quá anh Hai. Cũng nhà ngói đỏ, tường vây quanh, cây sứ, cây điệp, cây trắc, cây dừa…

Hai ông nhìn ra cửa sổ, hàng cây bên đường vùn vụt chạy lui, những căn nhà nằm im trong những khoảng sân rộng có vườn cây, có sân cỏ….một loại biệt thự như ở quân 3 Sài Gòn. Chiếc xe chạy qua những con đường Hamilton, Meridian, Willow Glen, Minessota, Nevada, Lincoln, Alma…đưa hai ông xuống phố.

“Đường phố cũng nhỏ như đường Sài Gòn. Nhà cửa vườn cây cũng không khác bao nhiêu.” Ông Hai nói.

“Tui ở đây lâu rồi mà không biết khu nầy.” Ông Ba phân trần ”Tui có bao giờ đi xe bus đâu mà biết”

Chiếc xe chậm chậm ngừng đón khách dọc đường. Ông Hai nhìn ngắm những căn nhà mái ngói đỏ lợp kiểu âm dương. “Đôi chỗ cũng giống ngã năm Bình Hòa lắm anh Ba.”

Và cuối cùng họ gặp bạn bè tại quán café đường số 2 trung tâm thành phố.

Sau màn tay bắt mặt mừng, cả 5 người bạn kéo nhàu vào quán. Những ngôi quán dọc theo đường số 2 nhỏ nhắn nhưng sang trọng nằm trong khu thương mại nằm giữa 2 con đường số 1 và số 2. Ở đó người đi tấp nập, những chuyến xe bus, xe điện đỗ khách liên tục. Nào là sinh viên, khách bộ hành, du khách. Khu vực có nhiều quán ăn, tiệm sách, rạp chiếu phim.

“Sao mấy ông hẹn ở chỗ nầy, không ra quán ăn của người Việt mình ở ngoài Centery, Lion cho tiện mà vui.”

“Tui đâu có rành. Ông Ba dẫn đâu đi đó thôi”

“Nói nào ngay, tôi mới mỗ mắt, chạy xe không được, mà nhằm ngày thường nên con cái đâu có thì giờ mà đưa đón. Tui đi xe bus thì đến chỗ nầy là tiện nhứt.”

“Sao không kêu tụi này đến đón.”

“Thôi chi phiền. Hơn nữa dẫn ổng ra đây cũng tiện, vì ổng muốn đi xem cảnh San Jose. Ở đây đi quanh quanh chỗ nầy chỗ nọ, rồi dẫn ổng đi coi nơi mà người Việt mình lập nghiệp đầu tiên.”

Thế rồi ông Ba chỉ tay “Đó chỗ đó là chỗ người Việt mình lập nghiệp đầu tiên.Góc đó là đường số 3, bước qua đó có con đường hẻm ăn luồng trong đó, chỗ đó là chợ HK, tiệm mì, tiệm phở, tiệm sách, băng nhạc, gửi quà…ở hết chỗ đó đó.”

Mỗi người một tiếng thăm hỏi rộn ràng. “Tôi qua đây du lịch thăm đứa con, tui cũng đi thăm mấy nơi rồi. Mấy ông chắc làm ăn khá quá rồi?”

“Thì lo gì, anh ở chơi bao lâu? Bữa nào cuối tuần tới tui chơi.”

“Khá gì anh ơi, đi cày cực như trâu.”

Tôi thì cũng mới tạm tạm thôi. Trâu chậm uống nước đục, tới 95 mới đi. Hơn 10 năm tù chớ ít ỏi gì.”

Qua câu chuyện người ta có thể biết mỗi ông một cảnh. Họ là “Ô-đi-ghe” “Ô đi pi” “Ô đi hát”, nhưng họ là bạn của nhau, cùng là quân đội VNCH.

Câu chuyện thăm viếng kể lể hàn huyên đến đoạn…Bỗng một ông thở dài “Mới đó mà ba mươi mấy năm rồi. Cứ đến tháng này là tui thấy buồn buồn làm sao ấy.”

Câu chuyện xoay quanh Tháng Tư.

“Ừ, cứ mỗi tháng tư là tui không quên được. Tuần sau là ngày Tưởng Niệm Tháng Tư Đen rồi.”

Tất cả im lặng, dường như mỗi người tự thấy mình trong đó. Họ cố nén tiếng thở dài.

Những ngày tháng họ không thể nào quên.

12/3/75 Ban Mê Thuộc thất thủ, triệt thoái khỏi cao nguyên

16/3/75 Pleiku thất thủ

19/3/75 Phú Bổn thất thủ

23/3/75 Huế thất thủ

24/3/75 Quảng Ngãi thất thủ

25/3/75 Triệt thoái khỏi Thừa Thiên

28/3/75 Triệt thoái khỏi Đà Nẵng

1/4/75 Qui nhơn, rồi đến Nha Trang thất thủ

3/4/75 Cam Ranh thất thủ

17/4/75 Hoa Kỳ di tản khỏi Sài Gòn

20/4/75 Xuân Lộc, Long Khánh phòng tuyến cuối cùng của VNCH di tản

21/4/75 Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu từ chức

26/4/75 Cộng quân tấn công SàiGòn bằng hỏa tiển

27/4/75 Sài gòn bị pháo kích nặng

28/4/75 Cộng quân đã vào ven đô Sài Gòn

29/4/75 Tân Sơn Nhất bị pháo kích…và ngày 30/4/1975

Ông Hai thở dài “Các ông nhớ kỷ lắm. Ở ngoài nầy còn có phương tiện để tìm lại tài liệu; còn tụi tui chỉ còn biết cúi đầu kiếm sống qua ngày.” Giọng ông nghèn nghẹn và có chút gì tủi hổ thẹn thùa.

“Anh đừng buồn. Anh nói vậy chớ đâu phải tất cả mọi người đều nhớ cái ngày oan nghiệt đó. Ở đâu cũng vậy, hể nhớ là nhớ, còn quên là quên thôi. Có biết bao nhiêu người quên tuốt tuồn tuột tại sao mình lại ở đây.”

“Các anh tha lỗi. Tôi không đi chẳng phải là gì cả, nhưng còn mẹ già nên cho các con đi thôi. Bây giờ già rồi đi làm gì nữa? Mấy đứa con mời qua chơi cho biết thôi. Mình chẳng làm được gì nên đành câm miệng hến sống qua ngày.”

Lại có tiếng thở dài. Không khí chừng như ngưng đọng. Những ly café nguội lạnh bỏ dở trên bàn. Những miếng hamburger nhạt nhoè ketchup, những miếng khoai tây chỏng chơ lạc lỏng bơ vơ.

“Ngày 23 tháng 3, Huế rơi vào tay Cộng sản Bắc Việt trong khi ở Đà Nẵng, hàng ngàn, hang vạn dân thường tìm cách chạy thoát bằng đường biển khỏi thành phố đang bị bao vây và pháo kích. Trong 3 sư đoàn bộ binh của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa, 4 liên đoàn Biệt động quân, lữ đoàn thiết giáp, sư đoàn không quân, và hàng ngàn nhân viên quân sự và địa phương quân, chỉ có 16,000 người là rút được. Trong số gần 2 triệu dân thường dồn lại tại Đà Nẵng từ cuối tháng 3, chỉ có hơn 50,000 di tản được bằng đường thủy. 70,000 binh sĩ VNCH còn lại sau bị bắt làm tù binh. 33 máy bay phản lực A-37 còn nguyên vẹn cùng gần 60 máy bay khác tại căn cứ không quân Phú Bài cũng bị bỏ lại. Trong sự rút quân khỏi Đà Nẵng, không có một trận chiến nào. Khi quân Bắc Việt tiến vào thành phố, không mấy binh sĩ VNCH đóng quanh thành phố chống cự. Các trung tâm phòng thủ còn lại dọc theo bờ biển cũng nhanh chóng tan vỡ dây chuyền: Quảng Ngãi mất ngày 24 tháng 3; Qui Nhơn và Nha Trang ngày 1 tháng 4; và Cam Ranh mất ngày 3 tháng 4.

Ngày 9 tháng 4, cộng quân Bắc Việt định đánh chiếm Xuân Lộc tỉnh Long Khánh (một phòng tuyến từ xa cuối cùng của Sài Gòn) nhưng Sư đoàn 18 BB của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã kháng cự mãnh liệt để giữ vững được thị xã.

Ngày 17 tháng 4, Thượng viện Mỹ từ chối khoản viện trợ khẩn cấp trị giá 722 triệu đô la mà chính phủ Mỹ đề nghị. Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger và một số người khác đã hy vọng rằng nó có thể giúp Việt Nam Cộng Hòa lấy lại được đủ vị thế về quân sự để thuyết phục Bắc Việt đàm phán. Hai ngày sau phán quyết này của Thượng viện, giám đốc CIA William Colby nói với tổng thống Ford: "Nam Việt Nam đang đối mặt với thất bại hoàn toàn và nhanh chóng". Các chuyến bay di tản do CIA tổ chức đã bắt đầu đưa các cộng tác viên người Việt ra khỏi Việt Nam, và Sứ quán Mỹ đã bắt đầu đốt tài liệu mật từ trước đó. Ngày 20 tháng 4 các thủ tục pháp luật được đơn giản hóa cho việc di tản người Việt bắt đầu có hiệu lực.

Việc di tản này được thực hiện tại sân bay quân sự Tân Sơn Nhất, do tướng Homer Smith chỉ huy. Các máy bay C-130 và C-140 liên tục lên xuống vào ban ngày; công việc giấy tờ được tiếp tục suốt đêm. Tướng Smith đã phải dùng đến toàn bộ Thủy quân lục chiến số 43 của Mỹ để giữ trật tự tại Tân Sơn Nhất.

Ngày 20 tháng 4 tuyến phòng thủ bỏ Xuân Lộc rút về Vũng Tàu. Việc bỏ Xuân Lộc khiến Sài Gòn không còn phòng thủ từ xa nữa. Ngày 20 tháng 4, Đại sứ Mỹ Martin đến phủ Tổng thống thuyết phục TT Nguyễn Văn Thiệu từ chức, phía Bắc Việt đã liên tục tuyên bố sẽ không đàm phán với tổng thống Thiệu.

Tối ngày 21 tháng 4, TT Nguyễn Văn Thiệu đọc một bài diễn văn từ chức trước Quốc hội, buộc tội Mỹ đã bỏ rơi Việt Nam Cộng hòa. Phó Tổng thống Trần Văn Hương lên thay nhưng phía Bắc Việt không chấp nhận nói chuyện với Phó TT Hương.

Ngày 21 tháng 4, dêm hôm đó, tại sở chỉ huy tiền phương tại Lộc Ninh, cách Sài Gòn 75 dặm, tướng VC Văn Tiến Dũng, người chỉ huy các cánh quân Cộng sản tiến về thành phố Sài Gòn, ra lệnh bắt đầu cuộc tổng tấn công. Lực lượng tấn công Sài Gòn tương đương 20 sư đoàn (5 quân đoàn).

5 giờ chiều ngày 26 tháng 4, cộng quân bắt đầu nổ súng ở 5 hướng tấn công: hướng Bắc với Quân đoàn 1, hướng Tây Bắc với Quân đoàn 3, hướng Tây và Tây Nam với Đoàn 232, hướng Đông với Quân đoàn 4 và hướng đông nam với Quân đoàn 2.

Theo hồi kí của tướng Hoàng Cầm (Bắc Việt), cánh quân của Quân đoàn 4 mà ông chỉ huy gặp rất nhiều kháng cự trên đường tiến về Sài Gòn và chỉ đánh được đến nơi vừa kịp sáng ngày 30 tháng 4.

Ngày 27 tháng 4, Sài Gòn chịu hàng loạt hỏa tiễn pháo kích của quân Bắc Việt, làm nhiều người chết và bị thương và nhà cửa đổ nát.

Tại mặt phía Nam của Sài Gòn, ngay từ ngày 28 tháng 4/1975, Bộ Tư lệnh Biệt khu Thủ Ðô không còn quân trừ bị để phòng thủ, buộc phải rút 1 liên đoàn Biệt Ðộng Quân đang hành quân về quận lỵ Cần Đước và đặt dưới quyền điều động của Bộ tư lệnh Biệt Khu Thủ Ðô. Liên tỉnh lộ nối liền Chợ Lớn và Cần Đước cũng bị cắt nhiều đoạn nên các lực lượng VNCH không thể phá vỡ được các chốt chận của cộng quân tại cầu Nhị Thiên Đường đã bị chiếm từ sáng ngày 29 tháng 4/1975.

Các đơn vị Nhảy Dù phòng ngự tại phòng tuyến khu vực từ ngã tư Quân Vận (gần Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung) đến cầu Tham Lương Bà Quẹo, khu Bình Thới-Ngã ba Bà Quẹo, khu Bảy Hiền-Lăng Cha Cả đã cố gắng ngăn chận đối phương. Một chiến đoàn thuộc Liên Ðoàn 81 Biệt Cách Nhảy Dù tại vòng đai Bộ Tổng Tham Mưu do Thiếu Tá Phạm Châu Tài đã dàn quân và từ 8 giờ sáng đến 10 giờ sáng, chiến đoàn này đã bắn cháy 6 chiến xa và đánh bật địch ra khỏi trận địa. Đến cuối ngày 28 tháng 4 tất cả các tuyến phòng thủ đã bị chọc thủng tại tất cả các hướng, cộng quân có thể đi ngay vào thành phố. Các lực lượng chính trị thứ ba dàn xếp để đưa Đại tướng Dương Văn Minh lên làm tổng thống trong ngày 28 tháng 4 năm 1975. Ngay khi nhậm chức để đàm phán. Tổng thống Dương Văn Minh yêu cầu người Mỹ ra đi.

4 giờ sáng ngày 29/4 tức 16 giờ theo giờ Washington, hỏa tiễn và pháo binh cộng quân đã tới tấp pháo kích vào phi trường Tân Sơn Nhứt, phá hủy nhiều phi cơ trên mặt đất, vô hiệu hóa phi trường này và gây cho số người Việt đang tập trung ở đấy chờ di tản hổn loạn, người chết.

Tổng thống Ford triệu tập Hội đồng An ninh Quốc gia họp khẩn cấp lúc 7:30 PM, ông đã yêu cầu Đại sứ Martin phải di tản ngay những người Mỹ còn lại và cả những người Việt Nam càng nhiều càng tốt.

Nhiều sĩ quan quân đội VNCH đã tự vẫn vì danh dự bị hoen ố trước thất bại.

Ở Sài Gòn hàng triệu người dân Việt Nam bắt đầu tự đặt cho mình 1 câu hỏi: “Có thể sống sót dưới chế độ cộng sản hay tốt hơn là chạy bằng đường biển mà không có 1 sự trợ giúp nào.” Sau đó hàng vạn người đã ra đi.

Trong các ngày 28, 29 tháng 4 từ các hàng không mẫu hạm ngoài khơi Thuỷ quân lục chiến Mỹ dùng trực thăng di tản những người đã từng cộng tác với họ. Cuộc di tản đã diễn ra trong lộn xộn vì rất nhiều người muốn ra đi nhưng không thể đáp ứng hết được. Các điểm đón người bằng trực thăng trở nên hỗn loạn. TQLC Mỹ đã phải rất vất vả mới duy trì được trật tự, họ dùng sức mạnh thô bạo gạt phăng các bạn đồng minh cũ đang trong cơn hoạn nạn. Người Mỹ đã phải bỏ lại nhiều người bạn lâu năm của mình. Hình ảnh di tản đã in đậm trong trí óc nhiều người Mỹ và Việt như một kỷ niệm rất buồn. Đại sứ Graham Martin là một trong những người Mỹ cuối cùng ra đi. Trong số 120,000 người Việt và 20,000 người Mỹ được di tản trong đợt này.

Ngày 30 tháng 4

9 giờ sáng ngày 30/4, sau khi chiếc trực thăng cuối cùng của Mỹ rời nóc tòa Đại Sứ quán, tướng VC Trần Văn Trà tiến vào Sài Gòn từ năm hướng. 10 giờ 45 phút ngày 30 tháng 4, xe tăng mang số hiệu 843 húc nghiêng cổng phụ và bị kẹt tại đó. Bùi Quang Thận - cấp bậc Trung úy-Đại đội trưởng, chỉ huy xe 843 - nhảy xuống xe, cầm cờ chạy bộ vào. Xe tăng 390 húc tung cánh cửa chính của dinh.

11 giờ 30 phút, Bùi Quang Thận đã hạ lá cờ Việt Nam Cộng hòa trên nóc dinh xuống, kéo lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (hai màu xanh đỏ) lên nóc Dinh Độc Lập.

Cùng lúc, đại úy trung đoàn phó Trung đoàn 66 là Phạm Xuân Thệ cùng lực lượng đột kích của Quân đoàn 2 và biệt động thành Sài Gòn tiến vào dinh Độc Lập bắt Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Dương Văn Minh cùng toàn bộ những nhân vật chủ chốt của nội các VNCH. Tổng thống Dương Văn Minh cùng toàn bộ nội các của chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã tuyên bố đầu hàng vô điều kiện (quân Bắc Việt).

Khoảng 12 giờ trưa, đại úy Phạm Xuân Thệ đưa tổng thống Dương Văn Minh, thủ tướng Vũ Văn Mẫu lên xe Jeep để đến đài phát thanh. Chiếc xe thứ hai chở trung tá chính ủy lữ đoàn xe tăng 203 Bùi Văn Tùng cùng hai nhà báo Borries Gallasch (người Đức, báo Der Spiegel) và Hà Huy Đỉnh. Tại đài phát thanh, tổng thống Dương Văn Minh đã đọc tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Thay mặt các đơn vị Quân Bắc Việt đánh chiếm dinh Độc Lập, trung tá Bùi Văn Tùng đọc lời tiếp nhận đầu hàng.

Sau khi Sài Gòn thất thủ, theo Jean Louis Margolin, "Những ước tính nghiêm chỉnh nói từ 500 ngàn đến một triệu tù nhân (quân,cán, chính VNCH) trong tổng số dân là 20 triệu” đã bị cho đi tù dưới danh xưng “cải tạo”. (Theo http://vi.wikipedia.org)

Ông Hai bỏ rơi tờ giấy in chi chít những chữ mà ông Ba đưa cho. Ông ngồi thừ trên ghế. Những người bạn ngồi quanh im lặng.

“Tui in ra giấy để anh coi cho biết. Lát nữa tui gửi tặng mấy anh một cái dĩa DVD do một người bạn họ gom lại những hình ảnh ngày đó để mấy anh giữ làm kỷ niệm, có dịp cho con cháu nó coi cho biết cũng tốt.”

Căn nhà nhỏ nhưng khang trang, ông Hai nhìn quanh những người bạn: “Nhà thằng con tôi đây. Vợ chồng con cái nó cũng tạm tạm sống được. Mỗi năm chúng nó cho chút ít tiền làm quà nên vợ chồng già cũng đắp đổi qua ngày. Gặp lại mấy anh lúc tuổi xế chiều, âu cũng là điều may mắn. Đám bạn của tụi mình giờ đứa còn đứa mất, đứa lưu lạc ở đâu đâu cũng chẳng biết chẳng hay. Còn sống là nhờ ơn trên. Tôi nghĩ mình sống là sống trộm vậy thôi. Biết làm sao bây giờ.”