Báo Nhật tố cáo Trung Quốc thuê ngư dân biểu dương lực lượng ảo Print
Tác Giả: Tú Anh / Đỗ Thông Minh   
Thứ Bảy, 22 Tháng 9 Năm 2012 09:17

Vụ hù dọa cho 1.000 tàu đánh cá ào ạt tiến về quần đảo tranh chấp đã không diễn ra.

  

Dân Tokyo biểu tình bài Hoa, nhưng trong tinh thần ôn hoà (REUTERS)

 

Vào trưa nay 22/09/2012 tại Tokyo, khoảng 800 người Nhật tham gia cuộc biểu tình đầu tiên lên án chế độ Trung Quốc là « phát xít ».

Đoàn biểu tình khẳng định « không bao giờ nhượng bộ trước đe dọa quân sự của Bắc Kinh ».

Trong khi đó thì tại Trung Quốc, phong trào xuống đường đã giảm đi từ 19/09/2012.

Trong khi đó trên biển, gần một tuần lễ sau khi Tân Hoa xã loan báo « một ngàn tàu cá kéo ra Điếu Ngư », tình hình tại chỗ ra sao, thực hư như thế nào ? Không thấy Bắc Kinh bổ sung thông tin. Ngược lại, báo chí Nhật Bản cho biết thêm một số chi tiết và tố cáo Trung Quốc dùng ngư dân như đạo quân « tiên phong » xâm lược biển đảo các quốc gia láng giềng như Việt Nam và Nhật Bản ...

Từ Tokyo, thông tín viên Đỗ Thông Minh tường thuật :

« Theo nhà cầm quyền địa phương Trung Quốc (17/09/2012) thì sẽ có 10.000 tàu cá sẽ đổ ra biển và trong số đó có 1000 chiếc sẽ tiến về quần đảo Điếu Ngư…..nhưng đến hôm nay không hề thấy bóng dáng của các chiếc tàu đó…. »

Tình hình trên biển Hoa Đông

Tổng số tàu hải giám Trung Quốc đưa vào vùng tranh chấp là 13 chiếc. Tuy nhiên vẫn không thấy bóng dáng của đoàn tàu đánh cá Trung Quốc gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Hầu hết tàu đánh cá Trung Quốc tác nghiệp tại khu vực khoảng 200-250 km phía bắc quần đảo tranh chấp, gần nhất là những nhóm đánh cá ở cách Senkaku/ Điếu Ngư khoảng 110 km.

Vụ hù dọa cho 1.000 tàu đánh cá ào ạt tiến về quần đảo tranh chấp đã không diễn ra.

Theo nhật báo đứng đầu Nhật là Yomiuri số ngày 21/09/2012, một số thuyền trưởng tàu đánh cá Trung Quốc tại cảng Thạch Phố tỉnh Chiết Giang đã xác nhận nhà cầm quyền Trung Quốc cho hay sẽ tài trợ đặc biệt 10.000 Nhân Dân Tệ (tương đương với 16.000 đô-la Mỹ) cho tàu nào tới vùng đảo tranh chấp đánh cá.

Nhưng rồi có lẽ các thuyền trưởng e ngại hay nhà cầm quyền quyết định thay đổi vào giờ chót, không thấy tàu đánh cá nào trong vùng tranh chấp mà ở rất xa khoảng 130 cây số. Báo chí Nhật cảnh giác chiến thuật của Trung Quốc sử dụng lực lượng tàu đánh cá, đe dọa Senkaku và đã tiến vào Trường Sa hồi đầu tháng 8 như « tiên binh » xâm lăng các nước láng giềng như thời Nguyên Mông.

Phản ứng của dư luận Nhật

Hôm nay, 22/09/2012, khoảng 800 người Nhật Bản biểu tình tại Tokyo chống Trung Quốc trong việc leo thang tranh chấp quần đảo sau khi các cuộc biểu tình bài Nhật đã biến thành đốt phá cửa hàng và các nhà máy của Nhật Bản ở Trung Quốc.

Họ vẫy cờ quốc gia khi diễn hành qua trung tâm thành phố Tokyo, tố cáoTrung Quốc như là một "nước man rợ" và "phát xít".

 Họ đi qua khu Roppongi, gần Tòa đại sứ Trung Quốc và hét lên: "Chúng tôisẽ không bao giờ khuất phục trước mối đe dọa quân sự của Trung Quốc." và phản đối các cuộc biểu tình chống Nhật tại Trung Quốc đôi khi biến thành bạo lực đốt phá, buộc các công ty phải đóng cửa.

Shuhei Takagi một thanh niên, 21 tuổi, nói : "Chúng tôi đôi khi cũng bị kích động, nhưng chúng tôi không cướp bóc, đốt phá cửa hàng giống như ở Trung Quốc, nơi màcác cuộc biểu tình đã đi trệch khỏi mục tiêu ban đầu của họ."

Một trong những biểu ngữ chỉ trích Trung Quốc lấy “cừu báo ân”, không có Nhật Bản giúp đỡ trong 40 năm qua thì làm gì Trung Quốc có được bộ mặt (phát triển) như ngày hôm nay.