Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 25-09-2012 Print
Tác Giả: Anh Vũ   
Thứ Ba, 25 Tháng 9 Năm 2012 17:19

 Tranh chấp biển đảo Trung Quốc và nguy cơ chiến tranh


Biểu tình chống Nhật tại Thành Đô-Trung Quốc, 16/09/2012. Dòng chữ trên biểu ngữ bên phải: "Hãy khởi chiến với Nhật Bản!"
REUTERS/Jason Lee

 

Căng thẳng trong cuộc tranh chấp chủ quyền biển đảo giữa hai cường quốc hàng đầu châu Á, Trung Quốc và Nhật Bản, vẫn tiếp tục leo thang, đang thu hút nhiều sự chú ý của quốc tế.

Nhật báo Le Monde hôm nay dành hẳn một trang lớn cho chủ đề với bài phân tích của bà Valérie Niquet, chuyên gia quan hệ quốc tế và quan hệ chiến lược ở châu Á, thuộc Quỹ nghiên cứu chiến lược của Pháp.

 Bài viết có tựa đề « Biển Trung Hoa : Chiến tranh đe dọa ».

Căng thẳng Trung-Nhật bùng lên kể từ khi hôm 10/9, Tokyo thông báo quốc hữu hóa một số đảo trong quần đảo Điếu Ngư/Senkaku đang có tranh chấp giữa hai nước. Trên mặt trận ngoại giao, Bắc Kinh đã đáp lại bằng những tuyên bố giọng đầy đe dọa rằng Tokyo phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về « những hậu quả » kéo theo bởi quyết định trên, đồng thời nhắc lại rằng, Trung Quốc sẽ không « khuất phục » và sẽ bảo vệ lãnh thổ « thiêng liêng » của mình.

 Từ đó đến giờ, các sự cố tranh chấp biển đảo trên biển Hoa Đông ngày càng trở nên rối tung rối mù không kiểm soát nổi.

Về những động thái mới đây của Trung Quốc nhằm xác quyết chủ quyền, như điều hàng trăm chiếc tàu ngư chính cùng cả nghìn tàu cá đến vùng biển đang tranh chấp, tác giả Valerie Niquet nhận định, đó là nằm trong chiến lược « chiến tranh không giới hạn » của Trung Quốc, theo đó, khai thác các phương tiện dân sự để phục vụ mục đích dân sự.

Ngay lúc này, tại Trung Quốc, liên tục xuất hiện những đe dọa trả đũa kinh tế và kêu gọi tẩy chay hàng hóa Nhật trên inernet cũng như trên báo chí chính thức. Tác giả nhắc lại, mới đây thôi vào năm 2010, Bắc Kinh cũng đã dùng vũ khí kiểm soát xuất khẩu đất hiếm để gây sức ép với Tokyo, vì những căng thẳng tương tự trên biển Hoa Đông.

Theo tác giả, các cuộc biểu tình dữ dội chống Nhật vừa qua, dù không đứng ra tổ chức, nhưng chính quyền đã cho phép và các cuộc biểu tình này đã gây thiệt hại về vật chất cũng như đe dọa an toàn cho kiều dân Nhật. Nhiều công ty Nhật đã tính chuyện rút khỏi Trung Quốc, vì công việc làm ăn của họ gặp quá nhiều rủi ro.

Hậu quả nhãn tiền đó là thị trường chứng khoán Thượng Hải tụt dốc nhanh chóng. Ở Trung Quốc, người ta đang nghi ngại chiến lược làm căng của chính quyền có thể gây hệ lụy đến tăng trưởng kinh tế của đất nước.

Theo phân tích của chuyên gia Valerie Niquet, hai nước ít nhiều cũng có quan hệ hữu cơ trên mặt kinh tế.

Nếu như Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu của Nhật, thì xứ Phù Tang lại nắm giữ những công nghệ sống còn đối với nền kinh tế Trung Quốc và Nhật Bản còn là một trong những nước đầu tư chính vào Trung Quốc. Trong lĩnh vực này, Nhật còn xếp trên cả Hoa Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu.

Sử dụng con bài tinh thần dân tộc để lái dư luận trong nước

Gây căng thẳng với Nhật, khơi dậy tình cảm dân tộc chủ nghĩa, theo tác giả, cũng là một việc làm có chủ đích của chính quyền Bắc Kinh, nhất là vào lúc này, khi mà lòng tin của dân chúng vào chế độ đang bị suy giảm nghiêm trọng vì những bất công xã hội và cuộc chuyển giao quyền lãnh đạo đang được chuẩn bị cho cuối năm nay.

Chuyên gia Niquet phân tích : « Chủ nghĩa dân tộc góp phần làm nên tính chính đáng của đảng, đang nhằm vào mục tiêu chính là Nhật Bản, kẻ thù trong quá khứ, đối thủ hùng mạnh của ngày hôm nay, đồng minh của Hoa Kỳ, và là một tác nhân cản trở cường quốc Trung Hoa đang tìm cách ngự trị trong vùng ».

Vào thời điểm này, chính quyền Bắc Kinh không còn có thể lấy con bài thành công kinh tế để chứng minh tính chính đáng cho sự lãnh đạo tuyệt đối của đảng. Chế độ cũng đã nhận thấy được sự yếu kém và chia rẽ trong nội bộ đảng.

Những vụ bê bối chính trị, tham nhũng trong nước gần đây là một minh chứng của sự rạn nứt hệ thống chính trị. Vì thế việc bảo vệ « những lợi ích cốt lõi » của Trung Quốc đã được chế độ này đưa ra để đánh lạc hướng dư luận.

Theo bà Valerie Niquet, từ năm 2009, trong bối cảnh như vậy mà những sự cố và khiêu khích liên tiếp xảy ra trên vùng biển xung quanh Trung Quốc, không chỉ đối với Nhật Bản mà còn cả với những nước như Philippines, Việt Nam, indonesia hay thậm chí cả với Hoa Kỳ.

 Các sự cố tranh chấp biển đảo giờ đây làm cho Trung Quốc đang trở thành một mối đe dọa đáng quan ngại của hầu như toàn bộ khu vực, từ châu Á - Thái Bình Dương sang đến Ấn Độ Dương.

Trước mối đe dọa ngày càng gia tăng này thì quyết tâm « trở lại châu Á » của Hoa Kỳ được đánh giá cao trong khu vực.

Tuy nhiên tác giả nhận thấy câu chuyện không kết thúc đơn giản. Châu Á giờ đây đang hình thành một mối tương quan sức mạnh, gần giống những gì diễn ra trong thời chiến tranh lạnh hay ở châu Âu ở vào thời kỳ trước chiến tranh thế giới lần thứ 2.

Bằng chứng là, sự phát triển khả năng quân sự gia tăng trong khu vực. Trung Quốc phô trương tàu sân bay mới, Việt Nam thì sắm tàu ngầm của Nga, Hoa Kỳ thông báo mở rộng hệ thống phòng thủ chống tên lửa tại châu Á.

Trước Bắc Kinh, Washington đang phải đối mặt với một sự lựa chọn nan giải. Chơi lá bài hòa dịu, đứng ngoài thì sẽ để mặc cho Trung Quốc muốn làm gì thì làm và có thể gây ra những hệ quả mất ổn định, thậm chí dẫn đến khủng hoảng nghiêm trọng hơn. Trái lại, chơi con bài liên minh thì lại có thể làm bùng nổ xung đột lớn ở trong vùng.

Cuối cùng, chuyên gia Valerie Niquet kết luận, những quan ngại của các nước châu Á trước Trung Quốc cần phải được quốc tế quan tâm.

Trong một thế giới toàn cầu hóa ở mức độ như hiện nay, những căng thẳng lên cao tại châu Á có thể gây hậu quả đáng kể đến mối cân bằng của thế giới và sự lựa chọn của các nước.

Quan hệ Trung-Nhật nóng lạnh do đâu ?

Cũng trong chủ để tranh chấp chủ quyền biển đảo Trung- Nhật, Le Monde còn có bài viết ôn lại quan hệ hai nước với tựa :

« Tính bất ổn của quan hệ Trung-Nhật ».

Ngày 29/9 này đánh dấu kỷ niệm 40 năm hai nước Trung-Nhật thiết lập quan hệ ngoại giao.

 Le Monde nhận định, mức độ thắm thiết của mối quan hệ này phụ thuộc vào hoàn cảnh địa chính trị và những phân tích tình hình của chính quyền Trung Quốc vào từng thời điểm khác nhau.

Tờ báo nhắc lại, mặc dù cuộc chiến tranh Trung-Nhật và những tội ác của quân đội Nhật trong quá khứ vẫn là nội dung trọng tâm để giáo dục tinh thần dân tộc ở Trung Quốc, nhưng vào thời điểm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao, chính Mao Trạch Đông khi tiếp một phái đoàn nghị sĩ Nhật đã nói rằng Trung Quốc phải cám ơn Nhật vì có cuộc chiến tranh này mà đảng Cộng sản mới lên nắm quyền.

Việc thiết lập ngoại giao với kẻ thủ nằm trong bối cảnh khi đó Bắc Kinh đang coi Liên Xô là mối đe dọa chính. Trung Quốc còn quyết định xích lại với « kẻ thù thứ hai » là Hoa Kỳ. Điều này được đánh dấu bằng chuyến thăm lịch sử của tổng thống Mỹ Richard Nixon đến bắc Kinh hồi tháng Giêng năm 1972.

 Bất ngờ trước tình huống mới này, Tokyo quyết định chủ động xích lại với Bắc Kinh.

Với Bắc Kinh thì việc thiết lập quan hệ ngoại giao với cường quốc Nhật Bản khi đó sẽ giúp cho họ tránh được thế cô lập.

Còn với Tokyo, dù còn kiêng dè, nhanh chóng lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc cũng là cơ hội và là cách để cho Washington thấy một điều : Lợi ích của Nhật mới là quan tâm hàng đầu trong sự lựa chọn ngoại giao.

Theo Le Monde, từ năm 1971, Trung Quốc và Đài Loan lần đầu tiên tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Điếu Ngư/ Senkaku, nhưng Tokyo khi đó không coi đây là thách thức lớn vì cho rằng Trung Quốc vẫn cần đến sự trợ giúp của Nhật.

 Năm 1992, Bắc Kinh đã rất hoan hỷ đón Nhật Hoàng đến thăm, một cử chỉ cho thấy Nhật Bản là cường quốc đầu tiên phá vỡ sự cô lập của Bắc Kinh, sau sự kiện Thiên An Môn năm 1989.

Giờ đây, hoàn cảnh đã khác. Mối đe dọa của Liên Xô không còn nữa, Trung Quốc thì cũng đã vươn lên thành cường quốc thứ 2 thế giới. Lúc này thì chính Hoa Kỳ và các đồng minh châu Á mới là mối quan ngại của Trung Quốc.

Le Monde phân tích, dù cho quan hệ kinh tế giữa Tokyo và Bắc Kinh là quan hệ tương hỗ, thì với chính quyền hiện nay, Nhật Bản cũng là nơi để trút nỗi thất vọng chán chường của người dân.

Vấn đề lãnh thổ trong bối cảnh hiện nay chỉ là cái cớ, hay có thể gọi đây là một biểu hiện về hiện trạng quan hệ giữa hai cường quốc châu Á.

 Bản thân Đặng Tiểu Bình, năm 1978 trước khi tung ra đường lối cải cách mở cửa cho Trung Quốc đã từng tuyên bố xếp sang một bên chuyện tranh chấp Điếu Ngư/ Senkaku để mở đường cho hợp tác kinh tế giữa hai nước. Giờ đây thì Bắc Kinh lại đặt quần đảo này vào khu vực « lợi ích cốt lõi » kiên quyết bảo vệ.

Tờ báo kết luận, như vậy là mức độ căng thẳng giữa Tokyo và Bắc Kinh chính là chiếc hàn thử biểu chính xác đo mức độ mở cửa và hội nhập vào hệ thống thế giới theo mong muốn của Bắc Kinh.

Tổng thống Pháp lần đầu trên diễn đàn Liên Hiệp Quốc

Một thời sự quốc tế khác cũng được các báo Pháp chú ý nhiều, đó là ngày hôm nay, khai mạc Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc.

 Lần đầu tiên tổng thống Pháp Francois Hollande phát biểu trên diễn đàn thế giới giới này cùng với rất nhiều hồ sơ quốc tế nóng bỏng hiện nay.

 Nhật báo Le Figaro chạy tựa lớn trên trang nhất « Chính sách đối ngoại : Hollande tìm kiếm dấu ấn ».

Tờ báo nhấn mạnh, « người đứng đầu Nhà nước Pháp hôm nay phát biểu trên diễn đàn Liên Hiệp Quốc tại New York. Đây là dịp để ông thể làm rõ nét hơn hình ảnh ngoại giao (của Pháp) hiện còn đang rất lu mờ » trên trường quốc tế. Đặc biệt là trên hồ sơ Syria, được tờ báo cho là một hò sơ nóng bóng hiện nay đang rơi vào bế tắc hoàn toàn, trong khi Pháp không thể hiện được vai trò gì mạnh mẽ như đã làm với trường hợp Libya.

Tờ báo kết luận ông « Hollande hãy thôi làm người ''bình thường'' đi để đưa nước Pháp hiện diện trở lại trên bản đồ thế giới ».

Vẫn liên quan đến sự kiện này, nhật báo la Croix cũng có chung nhận xét « Syria, Liên Hiệp Quốc tìm kiếm một lối thoát ».

Theo tờ báo thì cuộc nội chiến tại Syria là chủ đề bao trùm tại khóa họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, khai mạc hôm nay tại New York.

Tuy nhiên, vì thiếu chiến lược chung, nên đến lúc này, không có hy vọng nào cho thấy cộng đồng quốc tế sẽ đưa ra được quyết định giải quyết khủng hoảng Syria trong khóa họp này.

 Trong khi đó, cuộc xung đột tại hiện trường vẫn tiếp tục diễn ra khốc liệt, đẫm máu hơn.