Bắc Kinh cắt viện trợ để phạt Manila về tội tiếp cận với Nhật Print
Tác Giả: Thụy My   
Thứ Năm, 27 Tháng 9 Năm 2012 15:16

 Trung Quốc là một trong những đối tác kinh tế chủ yếu của Philippines

 

Chuối xuất khẩu của Philippines thường được bày bán tại các siêu thị Trung Quốc, nhưng đã từng là nạn nhân của căng thẳng ngoại giao giữa Manila và Bắc Kinh.
Reuters

 

Từ khi quan hệ giữa Trung Quốc và Nhật Bản trở nên căng thẳng xung quanh vấn đề chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, Manila bắt đầu tìm cách thu hút đầu tư Nhật. Hôm qua 26/09/2012, Philippines đã tuyên bố sẽ ưu đãi về thuế cho các công ty Nhật chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc sang Philippines.

Theo thông tín viên Gabriel Kahn tại Manila, hành động của Philippines đã làm cho Bắc Kinh cay cú :

« Trong bối cảnh xung đột tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông, Trung Quốc đã quyết định cắt một phần viện trợ phát triển cho Philippines, và đòi Manila phải trả món nợ 593 triệu đô la cho vay để xây dựng một tuyến đường xe lửa. Tuyến tàu cao tốc này sẽ nối liền thủ đô Manila với Clark, nơi có sân bay lớn thứ hai ở Philippines, cách đó khoảng năm chục cây số.

Trong khuôn khổ chương trình viện trợ phát triển, Trung Quốc đã chấp nhận tài trợ cho dự án này khoảng 600 triệu đô la. Nhưng cuộc xung đột về chủ quyền trên biển giữa Trung Quốc và Philippines tại quần đảo Trường Sa và bãi cạn Scarborough đã thổi bùng lên sự căng thẳng trong quan hệ đôi bên.

Sau khi gặp gỡ Phó chủ tịch Trung Quốc vào tuần rồi, Bộ trưởng Bộ Giao thông và Thông tin Philippines đã loan báo, kế hoạch tín dụng trên đây đã bị hủy, và phải hoàn trả trong vòng hai năm tới.

Trung Quốc là một trong những đối tác kinh tế chủ yếu của Philippines, và đây không phải là lần đầu tiên mà Bắc Kinh sử dụng « cây gậy và củ cà rốt » để gây ảnh hưởng lên ngoại giao.

 Trong những tháng gần đây, có lúc Bắc Kinh đã cấm nhập khẩu chuối và khuyến cáo các công ty du lịch Trung Quốc không tổ chức tour đi Philippines. Đây là một biện pháp rất hiệu quả.

Bộ trưởng Thông tin Philippines nhấn mạnh, việc trả nợ đi kèm với sự thiếu minh bạch trong thủ tục gọi thầu, đòi hỏi phải tăng cường đối thoại với Trung Quốc ».