Vua Duy Tân và Bài Thơ Còn Lại (Kỳ 1) Print
Tác Giả: Ngự Thuyết   
Thứ Hai, 12 Tháng 3 Năm 2012 10:48

Những chàng sính thơ còn bảo rằng thơ phải chép vào sổ tay, xong cho vào túi quần để khi nào thích lấy ra đọc, lấy ra ngâm, là có ngay.

Hồi đó, cuối mùa Hè 1948, sau một kỳ thi tuyển khá gay go, được vào lớp "cụ thể đệ nhất niên" (sau đổi thành đệ thất, nay là lớp 6) Trường Trung Học Khải Định, Huế, là một vinh dự lớn cho chúng tôi, một lũ học trò con nít nghèo khổ, ngơ ngác. Y phục thì quần sọt bày cặp giò khẳng kheo, áo sơ mi cụt tay bỏ trong quần lộ hai cánh tay gầy gò, do đói cơm lâu ngày, chân thường chỉ mang đôi guốc gỗ quai da. Giày xăng đan phải để dành cho những dịp long trọng hơn chứ. Đứa nào con nhà giàu mới được mang giày xăng đan thường xuyên.

Nghèo khổ và ngơ ngác là vì mới chạy giặc trở về thành phố; có nhiều gia đình bị mất mát, tài sản cũng như nhân mạng, một số ít người đi theo bên kia; thành quách, lăng miếu nhiều nơi bị sụp đổ; nhà cửa dân chúng có nơi bị cháy rụi, hoặc cháy sém; những hào rãnh cùng những ụ đất chắn ngang con đường từ cửa Thuận An lên thành phố vẫn còn nguyên -- ụ đất chưa được san bằng, hào rảnh chưa được lấp đầy. Ụ và hào nhằm để ngăn chặn quân Pháp đổ bộ từ cửa Thuận An rồi dùng chiến xa tiến lên thành phố. Nhưng sau đó quân Pháp đã vào thành phố theo lộ trình khác!

Trong tình thế đó, Chính Quyền Quốc Gia lâm thời đã cố gắng ổn định nhanh chóng chừng nào hay chừng ấy cho đời sống hằng ngày của dân chúng về nhiều mặt trong đó có vấn đề giáo dục. Các trường tiểu học, trung học ở Huế dần dần được mở lại. Tài liệu giáo khoa rất khan hiếm: tài liệu cũ thời Pháp thuộc không thể sử dụng được, tài liệu mới chưa biên soạn kịp.

Một vài tờ nhật báo hoặc tạp chí văn học ra đời một cách vội vàng để đáp ứng nhu cầu cấp thiết của người đọc, cho nên chất lượng còn non kém.

Về phương diện văn học, những người lớp trước chúng tôi, và cả Thầy Cô ở nhà trường, đều cho rằng văn chương, chữ nghĩa thời tiền chiến mới có giá trị, nhất là những gì thuộc Tự Lực Văn Đoàn. Từ đó, đứa nào trong chúng tôi tìm được những tờ báo, những tạp chí cũ rách nát hoặc bị mọt ăn lỗ chỗ -- rất hiếm khi thấy sách báo nào còn nguyên vẹn -- xuất bản trước năm 1945 (thường là lấy lén từ tủ sách gia đình may mắn còn giữ lại), mang đến lớp để khoe, thế là cả bọn xúm tới ngắm nghía, trầm trồ, rờ rịn. Và mượn đọc. Hoặc thuê đọc, thuê bằng giá rẻ mạt. Hồi đó không có những môn giải trí, đọc sách là cái thú độc nhất của học trò. Con nhà nghèo ngoài giờ học còn phải giúp cha mẹ kiếm cho đủ bữa ăn hàng ngày, nói gì đến chuyện giải trí.

Ngay từ đầu năm học, không biết từ tên nào dấy lên phong trào chép thơ. Thơ ngắn hơn truyện ngắn, truyện dài, nên có thể chép lại dễ dàng, thế là đua nhau chép vào cuốn sổ tay tự đóng lấy gồm đủ loại giấy -- giấy bổi sù sì dễ bị rách, giấy ca-rô xé ra từ tập vở, giấy in một mặt đã có chữ v.v... Những chàng sính thơ còn bảo rằng thơ phải chép vào sổ tay, xong cho vào túi quần để khi nào thích lấy ra đọc, lấy ra ngâm, là có ngay. Một cậu học sinh vừa qua bậc tiểu học mà lại bắt chước người lớn ngâm thơ nghe thật chướng lỗ tai. Hơn nữa thơ tiền chiến hầu hết là thơ tình, thơ buồn, buồn thật hoặc buồn giả tạo. Không chừng cái thích của chúng tôi cũng giả tạo hơn là thật. Và khi nghe giọng ngâm i ỉ bắt chước âm điệu, kiểu cọ đã có sẵn, bài thơ nào cũng được ngâm lên giống với những bài khác, tôi đâm chán ngán. Từ đó tôi chỉ thích đọc thơ thôi, không ngâm, đọc thì thầm một mình càng tốt.

Thấy người ta chép thơ, mình sốt ruột cũng kiếm giấy đóng sổ tay chép theo. Tôi chép lại khá nhiều thơ kể cả những bài tôi không thích. Nhưng tôi nghĩ rằng những bài tôi không thích mà thuộc loại thơ tiền chiến, thì theo “quy luật”, lẽ dĩ nhiên phải hay, mình không thích là vì trình độ mình còn thấp chưa nhận ra giá trị của chúng. Ngoài thơ ra, tôi cũng cố nhớ và chép lại mấy bài hát của những năm còn bé, chỉ chép lời, chẳng qua là vì tôi lo sợ, một cách trẻ con, rằng nếu không chép lại, một ngày nào đó mình sẽ quên những bài thơ, những bài hát quý giá ấy. Có lẽ sau những lần chạy giặc bị mất mát nhiều thứ khiến tôi sợ mất thêm những gì tôi đang có hay vừa tìm thấy. Thơ và nhạc được chép trong một cuốn sổ tay méo mó, xộc xệch vì đóng vụng, nhưng mỗi khi thay đổi chỗ ở tôi đều nhớ mang nó theo. Khi đã lớn, tôi cũng mang theo như mang một kỷ niệm của thời bé dại.

Tôi còn nhớ tên một số báo, tạp chí tiền chiến, tức là trước năm 1945, như Tiểu Thuyết Thứ Bảy, Sông Hương, Hà Nội Báo, Phong Hóa, Ngày Nay, báo Loa, Ngọ Báo, v.v... và mượn được một ít mang về nhà đọc. Có nhiều bài thơ hay sau này tôi mới hiểu ra, còn hồi đó tôi là một tên học đòi chỉ thưởng thức nổi những bài thơ dễ dãi, hời hợt, khuôn sáo, rỗng tuếch, vụng về. Chẳng hạn tôi chép lại những bài sau đây xuất hiện trong khoảng 1937, 1938:

Chờ

Ta chờ nàng trong viên,
Gió chiều nhẹ bước giẫm trên lá vàng.
Giật mình quay lại ngỡ nàng,
À ra chân gió chân nàng giống nhau.
Ta chờ mình trong dâu,
Gió chiều bỗng hát qua đầu lá xanh.
Giật mình quay lại ngỡ mình
À ra tiếng gió tiếng mình giống nhau.
Nghoai

Đừng khóc

Em ơi, đừng khóc.
Vì trông những ngọc
Đọng trên mi em
Anh nát con tim!

Nghoai

Bao Tết Nữa

Năm ngoái tết rồi ...
Năm nay lại tết!
Ai đi biền biệt
Hai tết rồi đây!

Buồng hương lẳng lặng ...
Then chẳng thiết cài.
Còn đợi chờ ai
Biết bao tết nữa?
Cô Em-Oanh

Mơ Màng
(Bài thơ này rất dài, khoảng 120 câu, hồi đó tôi chỉ hiểu lơ mơ, tự cho rằng chưa đủ sức hiểu nổi, nhưng cũng cứ hì hục chép lại, thơ tiền chiến mà! Xin chép lại đây, đúng từ dấu chấm, dấu phẩy, dấu gạch ngang đến những chữ viết sai, 18 câu đầu tiên để vị nào tò mò đọc chơi cho biết)
Tiếng hát xa đưa--
Bao êm-đềm, chiều vàng, hoa rủ cánh,
Hương ái-ân man-mác bên hồ thu.
Ánh tà lướt trong dịu-dàng hiu-quạnh,
Chân mây hồng ... phảng-phất sương hồng sa...
Sương hồng sa ... mơ hồ làn nước thắm,
Quyến, bâng-khuâng lá úa hững-hờ trôi.
Kìa vòng lửa vừng ô rơi yên-lặng,
Sau núi chàm ... nhạt sóa muôn mầu tươi ...
Văn Sinh --
Từ dừng gót, và đắm - say cảnh mộng,
Tim dạn-dầy bỗng vỡ nhịp yêu-đương
Bao chiều thu, lả hồn theo lớp sóng,
Ta âm-thầm luyến-tiếc bóng Nga-nương!
Mây huyền vươn ngang nền trời xanh ngắt,
Liễu buông mình, vờn nước, dáng say-sưa.
Ta bồi-hồi lặng nhìn ngoài bát-ngát,
Trông tìm nàng trong bóng sương chiều sa...
Mùa Thu năm 1937
Lê Thanh-Xuyên

Ngoài ba tác giả Nghoai, Cô Em-Oanh và Lê Thanh-Xuyên nói trên, tôi chép thơ của những tác giả khác như Chu Ngọc, Ngày-Xanh, Mai Thanh Hồng, Huy Vân, Tishonn, Lê Sinh, Tường Khanh, Thao Thao v.v..., và Tô Hoài.

Thế ra nhà văn nổi tiếng Tô Hoài lúc mới bước chân vào trường văn trận bút có làm thơ. Thơ không hay. Xin chép lại bài Tiếng Reo:

Nàng ngừng tay dệt vải,
Mơ màng lắng tai nghe:
Hình như bên cửa sổ,
Văng vẳng tiếng ai reo.

Từ mùa thu năm ngoái
Chàng ra đi không lại.
Ồn - ào tiếng gì đây?
Ồ lạ! hay là phải ...?

Hay là phải chàng về?
Chàng về tiếng quân reo ...
Chàng về tiếng ngựa hí ...
Chàng về ngựa quân theo ...

Vội -vàng ra mở cửa:
Ngoài hiên vẳng tiếng reo
Gió lùa từng cơn lạnh,
Thì ra tiếng lá reo!

Những bài thơ khác của Thế Lữ, Xuân Diệu, Huy Cận... đăng nhiều trên báo Ngày Nay tôi cho là lôi thôi, rắc rối quá, nên không chép lại. Chẳng hạn bài Xa Cách của Xuân Diệu trên một số báo Ngày Nay rất xưa, khoảng trước 1937, được đăng bằng thứ chữ to và đậm nổi bật hơn tất cả các bài văn bài thơ khác cùng số, kèm theo lời giới thiệu thật rôm rả, nào là một thi sĩ thiếu niên có chân tài vừa xuất hiện trên văn đàn An Nam, nào là lời lẫn ý đều vô cùng táo bạo, vô cùng mới mẻ v.v... Tôi tò mò đọc và chép mấy hàng:
Có một bận em ngồi xa anh quá,
Anh bảo em ngồi xích lại gần hơn.
Em xích gần thêm một chút; anh hờn
Em ngoan ngoãn xích gần thêm chút nữa.
Anh sắp giận. Em mỉm cười, vội vã
Đến kề anh, và mơn trớn: “Em đây!”
Anh vui liền, nhưng bỗng lại buồn ngay.
Vì anh nghĩ: thế vẫn còn xa lắm.
...
Đoạn này tôi cho là lèm bèm quá, chỉ có việc ngồi gần ngồi xa không thôi mà cứ thụt lui thụt tới lạng quạng hoài, nhưng thấy cũng lạ lạ, vui vui. Chép. Những đoạn kế tiếp xin thua, sao nó tối tăm mù mịt đến thế, chẳng hiểu gì cả. Không chép tiếp. Lật qua những trang khác, hoặc tìm trong những tờ báo khác, tìm chép những bài mình nghĩ hay, hay bạn bè bảo là hay.

Chép xong vào sổ tay, cho nó vào một góc tủ chứ không bỏ vào túi quần như mấy thằng bạn khác. Và quên. Chỉ nhớ được một bài duy nhất.

Vâng, quên. Là vì bọn học đòi như tôi, ngoài việc học hành, lại bắt đầu đi học đòi chuyện khác vui hơn khi cuộc sống hàng ngày cũng bắt đầu dễ thở hơn.

Số là vào thời gian chúng tôi học lớp đệ nhất niên (lớp 6),ông hiệu trưởng của trường là một người rất năng động, đưa vào trường một luồng không khí trẻ trung, tạo nên một phong trào thể thao, thể dục, văn nghệ sôi nổi. Đó là thầy Nguyễn Hữu Thứ. Hồi đó chúng tôi chỉ biết đến thế về thầy hiệu trưởng vốn có công lớn trong việc xây dựng trường Khải Định thành một trường nổi tiếng. Ngoài ra, học sinh nghèo, học giỏi được học bổng toàn phần đủ cho việc chi tiêu ăn học. Học bổng mà được như vậy thì quả là lớn lao. Học sinh nghèo, học khá thì được học bổng bán phần.

Do ở phong trào sôi nổi nói trên, bọn nhóc con chúng tôi có được những chọn lựa mới, đứa thì tham gia vào những đội bóng chuyền, hoặc bóng tròn, hoặc bóng bàn, hoặc cả ba, đứa thì tập ca hát, đờn địch. Bơi lội khỏi lo, cứ nhảy ùm xuống một con hói con lạch nào đó, hay ngon hơn thì sông Hương, cửa Thuận, không cần bắt chuồn chuồn ớt cắn rún, sau năm bảy lần uống nước đầy bụng là bơi được. Chả có tên nào bị chết trôi cả.

Về văn nghệ, văn học, nghe nói những lớp đàn anh chuyên khoa, tức là đệ nhị cấp, nay gọi là cấp ba, đã thành lập “Nhóm Thứ Năm” bàn thảo những vấn đề lớn lao, thuyết trình những đề tài nặng ký như “Nghệ Thuật Vị Nhân Sinh”, “Nghệ Thuật Vị Nghệ Thuật”, “Triết Lý Truyện Kiều”, “Chinh Phụ Ngâm và Tâm Thức Lãng Mạn của Kẻ Lưu Đày” v.v... mà chúng tôi chẳng hề quan tâm đến.

Năm chúng tôi học lớp 6, sau ngày tựu trường vài tháng, thầy hiệu trưởng đưa vị giáo sư môn Âm Nhạc vào từng lớp để giới thiệu với chúng tôi, thầy Nguyễn Hữu Ba, tác giả nhiều bài hát nổi tiếng như Quãng Đường Mai, Lửa Rừng Đêm, Xuân Xuân, Thu Khói Lửa v.v... Giữa niên khoá, một danh ca hàng đầu từ Hà Nội vào đến tăng cường dạy nhạc (danh ca Từ Ngọc Toản, tức Anh Ngọc). Môn Vẽ, thầy dạy vẽ thích dùng chữ Hội Họa hơn, lại được dạy bởi thầy Tôn Thất Đào, tốt nghiệp trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Hà Nội. Hơn nữa, khác hẳn thời Tiểu Học suốt niên khóa chỉ có một thầy hay một cô quá khắc khổ cùng với lũ học trò lôi thôi lếch thếch, bước vào Trung Học, cứ sau mỗi giờ học một môn là có một thầy mới cho môn mới. Nào Toán, Lý, Hóa, nào Vạn Vật, nào Văn, nào Sử Địa, nào Công Dân Giáo Dục, nào tiếng Pháp. Lại có cả môn tiếng Anh tôi không ngờ được học, nên tò mò về nó lắm. Ghê gớm quá. Về môn Hán Tự do cụ Tùng đậu cử nhân chữ Hán đời Thành Thái đứng lớp. Ghê gớm thật, chúng tôi bảo nhau.

Chúng tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, lòng luôn luôn náo nức trước những chuyện đang xẩy ra, trông chờ những chuyện sắp xẩy ra, và quên hẳn thời kỳ "hè nhau" chép những bài thơ tình gượng gạo. Những chàng chép thơ ngày càng vắng dần, về sau biến đi đâu mất. Hay là các chàng ấy vẫn còn chép tiếp, nhưng chép âm thầm, không kèn không trống. Huống là những thứ chép thơ học đòi như tôi.

Trong các môn học, có môn Quốc Văn như đã nói. Theo chương trình lớp 6, chúng tôi chỉ học thơ "cổ" như Trinh Thử, Lục Súc Tranh Công, Gia Huấn Ca, Lục Vân Tiên v.v... là những tác phẩm chúng tôi không thích. Có lẽ vì giặc giã, tài liệu thiếu thốn, nên chỉ học thơ cổ mà thôi chăng, không thấy văn xuôi?
Qua năm sau, một cuốn sách được đón nhận nồng nhiệt, cuốn Việt Nam Tân Văn Hợp Tuyển của hai giáo sư Huỳnh Hòa và Phan Ngô. Năm ấy, giáo sư Huỳnh Hòa làm hiệu trưởng thay thầy Nguyễn Hữu Thứ. Cuốn sách dày trên 200 trang, bìa vàng, chữ đỏ ngoài bìa, gồm những bài bình giảng và những đoạn trích từ những tiểu thuyết tiền chiến của Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo, Thạch Lam, Thế Lữ, Đổ Đức Thu, Nguyễn Tuân, Lan Khai, Xuân Diệu (văn chứ không phải thơ, từ cuốn Phấn Thông Vàng), Thanh Tịnh, Tô Hoài, v.v... Như nhan đề cuốn sách, chỉ có văn xuôi chứ không có thơ. Mở đầu là một đoạn văn ngắn chừng nửa trang, Làng Từ Lâm, rút từ cuốn truyện rất xưa của Nhất Linh, Người Quay Tơ. Tôi còn nhớ lõm bõm vài câu đầu của đoạn trích ấy, nhớ là vì lần đầu được học văn xuôi, mê, đọc lui đọc tới hoài, thuộc lúc nào không hay:
"Tôi đến một nơi gọi là Từ Lâm, xa xa toàn là núi, ngọn nọ ngọn kia không dứt. Núi mầu lam, buổi sáng buổi chiều, mây bay sương phủ... Từ Lâm là một làng nhỏ ở chân đồi, vẻ đặc sắc là rất tĩnh, có con sông con nước trong xanh chảy từ từ trong lòng cát trắng..."

Đoạn văn nói tên đã được hai thầy Huỳnh Hòa, Phan Ngô dành đến hơn ba bốn trang bình giảng và phân tích rất kỹ càng, làm bài mẫu cho học sinh. Tất cả những đoạn trích dẫn khác cũng đều có phần giảng giải, phân tích, gợi ý. Phải thừa nhận rằng cuốn hợp tuyển ấy đã giúp đỡ cho chúng tôi rất nhiều và đã gieo vào lòng đám học sinh rất thiếu thốn sách vở hồi đó một thứ tình yêu tiếng Việt đằm thắm. Rất tiếc, tuyển tập ấy không có thơ. Bù lại, thỉnh thoảng các vị giáo sư môn Quốc Văn cho chép và giảng giải một số thơ mới của Đoàn Văn Cừ, Tế Hanh, Thế Lữ, Vũ Hoàng Chương, Xuân Diệu, Huy Cận, Hàn Mạc Tử v.v... và khen nức nở.

Khi nghe thầy giảng thơ, tôi dần dần thấy rằng những bài thơ trước kia tôi cho là lôi thôi rắc rối quả có cái gì đáng kể. Và không bao giờ tôi được học một bài nào trong những bài thơ tôi đã chép đầy cuốn sổ tay, vì quả thật nó dở. Ngay cả bài thơ độc nhất tôi yêu thích cũng không thấy ai nhắc đến. Tôi muốn xé bỏ tất cả những bài thơ kia, trừ bài thơ độc nhất ấy ra. Nhưng nghĩ lại, dù sao đó cũng là kỷ niệm của một thời thơ dại của những năm "cụ thể đệ nhất niên, cụ thể đệ nhị niên" (lớp 6, lớp 7), thì cứ giữ lại tất cả đi, giữ lại những dòng chữ viết tay nắn nót bằng mực tím, ngòi bút lá tre, cán bút gỗ, trong cuốn sổ tay tự đóng lấy thô tháp, vụng về. Hồi đó chưa có loại viết bi vừa tiện lợi, vừa lâu hao mực, vừa khó phai, như bây giờ.

Bài thơ độc nhất mà tôi nhắc đi nhắc lại mấy lần, đó là bài Quốc Hận, bên dưới có dòng chữ "Kính tặng vua Duy Tân thi sĩ", và dưới cùng là tên tác giả viết tắt N.V.T.

Tất cả những bài thơ chép tay khác toàn là chuyện anh anh, em em, yêu đương da diết, trong khi người chép chỉ là mấy thằng nhóc ngu ngơ, chưa biết yêu là gì, thấy gái là lỗ tai lùng bùng như bị đỉa trâu chui vào, trống ngực đập liên hồi, nghẹt thở, líu lưỡi, nói năng cà lăm cà cặp, mắt lấm lét như vừa "ăn chùng" bị bắt gặp, không dám nhìn thẳng, mồ hôi rịn ra ướt lưng. Có chàng xương sống như bị đập dập, đứng không vững, uốn éo. Cộng thêm bao nhiêu tưởng tượng cũng không thể tìm thấy nét tương quan nào giữa những vần thơ ấy với mấy chú bé học đòi yêu. Cho nên, về sau, chúng tôi nhìn những bài thơ ấy như nhìn “bàn ghế không bày.” Trừ bài thơ Quốc Hận.

(Còn một kỳ)