Tiễn tác giả Màu tím hoa sim về miền cực lạc Print
Tác Giả: Hội Nhà Văn Việt nam   
Thứ Tư, 24 Tháng 3 Năm 2010 16:29

Cái tin nhà thơ Hữu Loan từ biệt dương gian như một luồng gió mạnh,

ngay trong đêm 18/3/2010 bằng điện thoại đã tràn đi khắp nơi trong nước và cả nước ngoài. Và sáng hôm sau nhiều trang mạng đã tiếp ứng truyền tới hàng triệu độc giả. Không có nhiều nhà thơ mà cuộc ra đi cuối cùng lại được nhiều người quan tâm với sự tiếc thương, yêu mến và cả tò mò sốt sắng đến vậy.

Những con đường thôn Vân Hoàn vốn lặng lẽ như mọi con đường nông thôn bỗng rộn rịp người đổ về từ khắp nơi. Không kể con cháu đầy dàn, khăn tang trắng xóa.

Cũng chưa kể người làng, người xã, người huyện, có cả mấy lớp những học sinh đồng phục, đã chật ních cả khoảnh vườn. Xe máy, ô tô rầm rập từ các nơi đổ về. Hăng hái nhất là các nhà báo trẻ, từ Hà Nội, từ Thanh Hóa. Lại có cả người cưỡi máy bay từ thành phố Hồ Chí Minh ra. Và rất nhiều là các anh em văn nghệ Thanh Hóa, những người vốn coi Hữu Loan như người cha, như niềm tự hào của riêng mình. Đám tang nhà thơ không thể thiếu món thơ. Văn Đắc ngồi trên sân nhà văn hóa thôn, ngay sau nhà Hữu Loan viết một bài thơ viếng cụ. Huy Trụ mang đến một bài chép nắn nót, mới viết lúc sáng. Lại nhiều bài thơ khác của những bạn yêu thơ, kính trọng Hữu Loan treo trên tường nhà, lối ngõ.

Nhà thơ Hữu Thỉnh vĩnh biệt Hữu Loan. 

Một đám tang to nhất từ trước đến nay, và chắc chắn rất lâu sau thôn Vân Hoàn, xã Nga Lĩnh, huyện Nga Sơn không có đám nào to đến thế.

Đoàn Hội Nhà văn Việt Nam do nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội dẫn đầu kính cẩn cúi đầu tiễn biệt.

Cái quan định luận. Thực ra mọi người đã hiểu Hữu Loan, đã biết giá trị thơ và đời ông từ lâu. Nhưng trong giờ khắc tiễn biệt, trước cái nhìn thăm thẳm hư vô từ tấm ảnh thờ của thi sĩ đàn anh, nhà thơ Hữu Thỉnh đã đọc bài điếu văn “định luận” một cách sơ bộ, vắn tắt, nhưng cơ bản nhất về Hữu Loan:

Hữu Loan là bậc lão thành cách mạng, là nhà thơ đặc sắc ở hồn quê và đặc sắc trong khí phách, ông đã quyết liệt vinh danh đất nước quê hương. Những gì mà ông đã để lại sẽ còn mãi mãi với quê hương và đất nước và sẽ được các thế hệ đời sau nhớ mãi. Đó là những đánh giá chính thức, đúng đắn, đầy tính nhân văn.

Quan tài Thi sĩ đi vào núi, nơi xưa kia ông đục đá kiếm sống.

Đúng giờ thầy cúng đã định, giờ Mùi - 3 giờ chiều, quan tài được con cháu và dân làng đưa ra khỏi căn nhà mà lão thi sĩ đã sống gần 20 năm cuối cùng của cuộc đời đầy mệt nhọc, trăn trở mà vinh quang của mình.

Đám rước chậm chậm đi trên đường làng, nhằm hướng núi mà đi tới. Bóng chiếc quan tài đỏ và đoàn người cứ lặng lẽ trôi mãi vào hướng núi trong trời chiều hoe nắng, cái cảnh cứ lâng lâng ngọt lịm dẫn dắt tâm tưởng người vào chốn vô định mênh mang.

 Đây là quả núi mà một thời Hữu Loan đẽo từng tảng đá chất lên xe thồ làm kế sinh nhai. Giờ đây quả núi lại đón nhận ông, làm chỗ mãi mãi cho linh hồn ông yên nghỉ. Chợt nhớ một câu thơ Hữu Loan viết về tướng quân huyền thoại Nguyễn Sơn: “Một đám tang đi không bao giờ tới huyệt.”
P.V