main billboard

Cụ bà Maria Đào Thị Ngọ, mà anh em chúng tôi gọi là Bác Phương gái, đã được Chúa gọi về lúc 9 giờ 45 phút tối ngày 20/9/2015 tại San Jose, California, hưởng thọ 96 tuổi.

Cụ bà Maria Đào Thị Ngọ, mà anh em chúng tôi gọi là Bác Phương gái, đã được Chúa gọi về lúc 9 giờ 45 phút tối ngày 20/9/2015 tại San Jose, California, hưởng thọ 96 tuổi. Hai năm trước bác trai Giuse Trần Ruy Dương đã ra đi, nay bác gái cũng đã theo bác trai về cõi vĩnh phúc.

BuiVanPhu 20151001 BacGai H01

Cụ bà Maria Đào Thị Ngọ

Những năm đầu thập niên 1960, là con lớn nhất nhà nên tôi hay được thày u đưa đi thăm hai bác ở nhiều nơi vì bác trai di chuyển theo công vụ, từ Phước Tuy, Vũng Tầu, rồi Đà Lạt, Tây Ninh trước khi gia đình bác về Sài Gòn.

Lúc bác trai làm trưởng ty hiến binh Phước Tuy, một lần đi thăm, có đám tang một người có chức lớn, tổ chức rất long trọng và tôi được bác gái và u dẫn ra trước nhà thờ đứng xem đoàn xe tang chạy qua như xem duyệt binh. Trên đường về lại Sài Gòn không biết có biến cố gì xảy ra khiến cầu Bình Lợi bị sập, xe đò không di chuyển được nên u dắt tôi đi bộ qua sông trên một con cầu tạm bằng phao nổi. Sau nghe u nói năm đó có đảo chính hụt.

Nhưng hình ảnh đầu tiên về bác gái còn in đậm trong tâm trí tôi là những ngày gia đình bác ở Vũng Tầu, trong một biệt thự gần biển, quanh sân có nhiều cây hoa đại. Những buổi chiều bác ra sân quét hoa, tôi theo các anh chị giúp bác vun hoa vào từng đống phơi khô, còn hoa đã khô được dồn vào bao để bán. Ở Vũng Tầu, chiều chiều bác dẫn tôi và các anh chị thả bộ theo con đường dọc bờ biển đến nhà thờ đi lễ, đọc kinh.

BuiVanPhu 20151001 BacGai H02 GiaDinhBac

Gia đình hai bác những năm đầu thập niên 1960

Khi gia đình bác dọn về Sài Gòn, ở đường Thánh Mẫu gần nhà thờ Chí Hòa, khu Ngã ba Ông Tạ, thì thày u tôi đã có bảy người con, tôi lớn nhất nhà, chưa lên bậc trung học. Hai bác lúc đó cũng có bảy người con là các anh chị Trần An Bài, Trần Kim Bảng, Trần Đức Ban, Trần Thị Thanh Diệp, Trần Thị Bích Du, Trần Đình Bá và Trần Thái Bạch và anh lớn đã ra đời làm thẩm phán, anh kế là bác sĩ nên cuộc sống gia đình bác đầy đủ.

Thấy gia đình tôi có nhiều khó khăn, vì thày tôi là lính, u may chiếu, buôn bán ngoài chợ cũng không đủ ăn, nên hai bác nhận nuôi một người em trai và một người em gái được một người cô nhận nuôi.

Tháng 4/1975, tình hình đất nước có nhiều biến chuyển, tôi theo gia đình bác ra Phước Tỉnh để tránh bom đạn nếu cộng sản tấn công vào thủ đô, như đã xảy ra năm Mậu Thân 1968, còn nếu phải ra đi thì đường biển là phương tiện khả thi. Vài hôm sau gia đình bác về lại Sài Gòn.

Đêm 28/4 nhiều đạn pháo rơi quanh khu vực ngã tư Bảy Hiền. Sáng ngày 29/4 tình hình chiến sự trở nên nguy ngập. Bà con từ Biên Hòa đổ về Sài Gòn lánh nạn, có người vào tá túc ở nhà bác. Các anh chị chạy vào thành phố, tìm đường đi. Hai bác quyết định ở lại nhà.

Đó cũng là lần cuối tôi và các anh chị nhìn thấy hai bác, trước khi xe tăng cộng sản tiến vào thủ đô Sài Gòn.

Ở lại quê nhà, bác trai đi học tập cải tạo. Em trai tôi ở bên trông coi bác gái. U tôi và các em thay nhau đi thăm bác trai trong trại học tập vì bác gái không quen ngồi xe đò, xe hơi từ bao năm rồi. Đi đường xa về bác sợ đổ bệnh. Với bác gái, tuy là chị dâu em chồng nhưng bác thương u tôi còn hơn cả tình chị em ruột trong lúc no đầy cũng như khi khốn khó qua suốt quãng đời gần 80 năm qua từ ngày bác lập gia đình, lúc còn ở Việt Nam cũng như khi chị em đã qua Mỹ định cư.

Sau năm 1975, biết bác gái phải sống cô quạnh nên khi có làn sóng vượt biển các anh chị từ Mỹ tìm cách liên lạc cho người đến nhà đưa bác gái ra đi, nhưng bác từ chối, phần vì bác trai chưa về, phần vì bác sợ đi tầu vì đã trải qua chuyến hải hành nhiều sóng gió khi di cư vào nam năm 1954.

Tám năm sau, mùa xuân 1983, hai bác rời Việt Nam qua chương trình ODP để đoàn tụ cùng các anh chị ở San Jose.

Căn nhà trên đường Locke Dr., được biết đến là khu xóm rác, nơi tôi thường về với các anh chị trong những dịp lễ nghỉ, nay có hai bác sinh sống ở đó. Hàng ngày hai bác đi bộ ra Đền Các Thánh Tử Đạo Việt Nam đọc kinh sáng chiều và tham dự thánh lễ Chúa Nhật.

Sau này anh cả dọn về gần downtown, hai bác đi lễ mỗi ngày ở nhà thờ St. Patrick cho đến khi sức khỏe không còn cho phép.

Đời bác gái nhiều thăng trầm như cuộc đời của biết bao phụ nữ Việt, vui có mà chịu đựng buồn đau cũng không thiếu. Ở Việt Nam, tuy bác trai có lúc là cấp chỉ huy, anh cả có lúc làm quan, nhưng đã nhiều năm bác gái sống trong cô đơn với con dại khi bác trai sang Pháp gần một thập niên. Rồi những năm sau ngày 30/4/1975, bác trai đi học tập cải tạo, con cháu đã rời bỏ quê hương ra đi, một lần nữa bác gái lại sống trong cảnh xa chồng, xa con cháu. Nhưng bác luôn tin vào sự quan phòng của Thiên Chúa như từ bao năm, qua lời kinh và thánh lễ.

Sang đến Hoa Kỳ được gần với con cháu, ba mươi hai năm ở Mỹ bác vẫn luôn đến nhà thờ đọc kinh, dâng lễ hàng ngày.

Truyền thống sống đạo đó có từ những ngày ở quê quán tổ tiên là làng Chiền, xã Hiệp Luật, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định. Một ngôi làng mà bác trai và u tôi hay kể cho con cháu nghe về gương của 14 vị Thánh Tử Đạo là người làng bị giết chết trong thời kỳ đạo công giáo bị bách hại trên quê hương Việt Nam. Hài cốt của những vị thánh này nay vẫn còn trong đền thánh nơi sân nhà thờ họ.

Thày u và các con, cháu, chắt xin vĩnh biệt bác. Hẹn gặp lại nhau trên Nước Trời.