main billboard

 

Thuở thập niên 60 của thế kỷ trước, Sài Gòn đã có nhiều tiệm thuốc Tây khắp nơi không như trước đó hai, ba thập niên chỉ lèo tèo năm, ba hiệu thuốc. Đây là thời gian Đông dược (còn gọi thuốc Bắc) đối mặt với sự cạnh tranh từ thuốc Tây. Người dân bắt đầu quen với thuốc Tây trị bệnh hữu hiệu ngay, nhất là các loại kháng sinh. Đông dược đơn thuần là các loại cao đơn hoàn tán chữa các loại bệnh thông thường, giải độc, bổ tạng, cảm ho, sình bụng, khó tiêu, lãi đũa lãi kim cho con nít.

dong duoc 1

Ảnh minh họa quầy hốt thuốc Bắc ngày xưa (Ảnh: Internet)

Hồi nhỏ tôi thường ốm đau, mỗi lần bị cảm mạo là má tôi tất bật chạy ra tiệm bà già người Hoa ở đầu ngõ mua vài ba gói thuốc tán hiệu Ông Già. Xé gói thuốc ra pha với nước ấm trong cái chén nhỏ lan tỏa mùi thơm cam thảo. Thế nhưng thuốc này có vị đắng kinh khủng uống vào rất dễ nhợn ra. Mỗi lần nhắm mắt ực chén thuốc xong, má tôi lấy đâu ra viên trần bì hay xí muội đưa cho tôi, ngậm cho đỡ lạt miệng. Tôi vẫn thích thuốc viên nhỏ gọi là đan (đơn) dược, không nhớ tên là gì, dễ uống hơn nhưng hiệu quả cũng chậm hơn. Có một điều phải công nhận, thuốc Nam không phải không có hiệu quả tức thời. Thuốc tán Ông Già uống vào năm ba tiếng đồng hồ sau, giảm sốt, ăn vào một tô cháo hành nóng hổi, mồ hôi xuất ra, cảm giác cơ thể nhẹ nhàng hơn.

Thuốc tán cảm mạo hiệu Ông Già từ đó đã ăn sâu trong tâm thức của tôi, mặc dù sau này, mỗi lần cảm cúm tôi hay dùng thuốc Tây cho nhanh gọn mà hiệu quả cũng như nhau. Ngày nay tôi ít còn thấy gói thuốc Ông Già nữa. Tuy vậy, hình ảnh ông già Nam bộ với chòm râu trắng dài trông rất hiền từ, tôi vừa được thấy lại qua ảnh tư liệu trong bài viết “Sài Gòn từng có thuốc Ông Tiên” của tác giả Phạm Công Luận. Nhà thuốc Ông Tiên thuở đó như thế này: “Năm 1936, trên báo Công Luận số Xuân quảng cáo Nhà thuốc Ông Tiên ghi rõ địa chỉ là số 82 đến 92 đường Paul Blanchy nối dài (Rue Paul Blanchy prolongée) ở Phú Nhuận, sau là Phan Đình Phùng. Hình nhà thuốc chiếm hết bề ngang trang báo, đó là một dãy nhà dài, gồm tất cả 6 gian. Nếu tính trung bình một gian là 3m thì mặt tiền nhà thuốc là 18m, rất bề thế”.

Chẳng lẽ, thuốc cảm mạo hiệu Ông Già thuở thập niên 60 chính là thuốc Ông Tiên quảng cáo trên các báo chí vào thập niên 30 chăng? Tôi nghĩ có thể thuốc Ông Già được bào chế từ thế hệ đời sau của chủ nhân nhà thuốc Ông Tiên. Vì thuở tôi còn nhỏ, nhà thuốc Ông Tiên đã không còn ở vị trí trên đường Phan Đình Phùng nữa mà ở khu vực này chỉ nhà thuốc Nhân Phong Đường bán thuốc Cam Hàng Bạc dưới dốc cầu Kiệu do một Đông y sĩ miền Bắc di cư vào lập nên. Tiệm thuốc này bán các loại thuốc Đông dược bào chế sẵn chuyên trị cảm mạo thương hàn, sài đẹn cho con nít, thuốc tê thấp, thuốc bổ huyết dưỡng kinh. Bên trong tiệm trên quầy gỗ có trang trí một con nai bằng gỗ đen bóng. Bây giờ, tôi không thấy ở đâu còn bán thuốc tán hiệu Ông Già hay Ông Tiên nữa.

dong duoc 2

Trang quảng cáo nhà thuốc Ông Tiên hồi năm 1930 (Tư liệu: PCL)

Ngay cả đầu những năm thập niên 70, má tôi vẫn trung thành với các loại thuốc Đông y. Theo Đại Nam Quốc Âm Tự Vị của Huỳnh Tịnh Của in từ năm 1896 đã phân biệt:

– Thuốc Bắc: thuốc Trung Quốc chở qua, quen hiểu cây cỏ, vị thuốc ở về phía bắc, đất nước cao ráo, khí vị hậu hơn, mạnh hơn thuốc bên Nam.

– Thuốc Nam: Thuốc dùng cây cỏ bên Nam hay là bên nước An Nam (nước Việt) mà làm ra, đối với thuốc Bắc là thuốc bên Trung Quốc”.

Nam hay Bắc cũng chỉ là loại thuốc chế biến từ cây cỏ thực vật có các hoạt chất làm thuốc mà ra, gọi là Đông dược cho dễ hiểu. Mỗi lần má tôi ốm đau, là nhờ tôi chở bà bằng xe đạp ra phòng thuốc Ông Ba Lượm ở khu vực Chí Hoà hốt thuốc.

Phòng thuốc Ông Ba Lượm, tôi đến vài lần, còn nhớ như in cây da sà to lớn phủ bóng mát cả một khuôn viên sân rộng lớn. Không biết cây da sà có từ lúc nào, hình thù cổ quái, buông rễ lòng thòng. Bên cạnh phòng thuốc là một ngôi mộ cổ, phía trước có tấm bình phong bằng ô dước, đắp nổi hình con hổ sơn màu đỏ. Phòng mạch là ngôi nhà gạch mái ngói cất kiểu xưa, tường quét vôi vàng trông giống như một cái đình hơn là ngôi nhà làm thành phòng thuốc.

dong duoc 3

Bên trong nhà thuốc Ông Tiên (Ảnh: TVQGVN)

Bên trong phòng thuốc coi vậy mà rộng rãi. Bệnh nhân phần đông là người lớn tuổi, ngồi trên băng ghế chờ tới lượt đến bàn ông thầy chẩn mạch, hỏi han bệnh tình, rồi kê toa sang quầy thuốc bên cạnh, đưa cho người bốc thuốc. Tôi không biết trong miếng giấy nhỏ ghi tiếng Hoa hay tiếng Việt nhưng dãy tủ kệ đựng thuốc đều ghi chữ ký tự Hán hay Nôm gì đó trước mỗi hộc tủ. Người bốc thuốc trải 3 miếng giấy vuông to màu vàng nhạt trên quầy, xem lướt qua toa dường như thuộc lòng tên các vị thuốc và phân lượng bao nhiêu, cứ thế mà kéo hộc tủ bốc lấy, có khi một nhúm lá khô chia đều cho 3 thang thuốc, có lúc lại lấy cân nhỏ cân từng li thuốc khô xắt mỏng. Xong rồi người bốc thuốc căn dặn bệnh nhân, mang về sắc cạn 7 phần trong siêu, uống 3 ngày liên tục.

Thuốc uống có 3 thang không hết thì sao, đương nhiên phải trở lại chẩn đoán, bốc thuốc uống tiếp. Có thể khi đó thầy thuốc thay đổi các vị thuốc hoặc bổ sung thêm thuốc dẫn dược. Dẫn dược nôm na là một hoạt chất đặc biệt bắt buộc phải uống trước khi uống thang thuốc chính với mục đích làm chất xúc tác tạo cho các vị thuốc tác dụng vào máu hiệu quả hơn. Việc dùng thuốc Đông dược phải lâu dài thì mới khỏi bệnh. Do đó, nhiều khi bệnh nhân không dùng thuốc đúng cách, bệnh tình cứ rề rề không khoẻ. Bởi thế cho nên, nhiều người chưa đặt niềm tin vào cách chữa Đông y, cho rằng: “Chủ có phước, thầy được may, đâu phải thầy giỏi thuốc hay”.

Ở khu vực Hoà Hưng nơi tôi ở, đi xuống chừng cây số trên đường Lê Văn Duyệt (Cách Mạng Tháng 8 ngày nay) là đến Ngã ba Ông Tạ, rẽ vào đường Thoại Ngọc Hầu gặp ngay chợ Ông Tạ bán thịt cầy thui đầy hai bên phố. Đây là khu người Bắc di cư vào Sài Gòn sinh sống hồi năm 54, nên mang theo tập quán đặc sản thịt cầy, riềng mẻ, người ta mua bán tấp nập. Phía trước cổng vào nhà thuốc Đông y Thủ Tạ, có hàng bán ốc nhồi luộc kiểu miền Bắc, nồi luộc ốc nghi ngút khói toả mùi hương sả thơm ngon đáo để dễ làm người ta thèm thuồng.

dong duoc 4

Di ảnh ông Tạ, một thầy thuốc Đông dược nhiều người Sài Gòn còn nhớ (Ảnh: Internet)

Ông Tạ tên thật là Trần Văn Bỉ người quê Mỹ Tho, nhiều tài liệu ghi rằng thuở thiếu thời ông lên núi Bà Đen ở Tây Ninh tu đạo và học nghề hốt thuốc. Sau năm 1945, ông xuống núi về Sài Gòn tìm mảnh đất trống lập nên nhà thuốc giúp người. Hồi đó, ở ngã ba này có một tháp canh của lính Pháp xét hỏi những người từ Củ Chi, Hóc Môn đi vào Sài Gòn, nên trạm bót này gọi là Ngã Ba Tháp. Từ khi Ông Tạ đến đây mở nhà thuốc, bà con gần xa kéo đến xin chẩn bệnh hốt thuốc nên sau khi Pháp rút khỏi Sài Gòn, được người đời gọi là Ngã ba Ông Tạ.

Đông y Thủ Tạ chữa được nhiều bệnh ngặt nghèo, có khi không nhận tiền công cho những người lao động nghèo khó quanh vùng, tiếng lành đồn xa gần, nên tiệm thuốc ngày càng đông. Một lần má tôi bệnh nặng nằm liệt giường, không thể đi đến Ông Tạ chẩn bệnh mua thuốc. Tôi lội bộ đến chờ tới phiên để vào nói bệnh của má tôi, nhờ ông kê toa bốc thuốc. Ông hỏi han gia cảnh, bệnh tình nhưng không thấy bệnh nhân thì làm sao biết được bệnh gì ở mức độ nào. Cuối cùng ông vẫn kê cho tôi vài ba thang thuốc, nhưng là thuốc bổ mang về sắc cho má tôi uống. Tiền thuốc ông không nhận, lại còn dặn dò, uống thuốc xong vài ngày cho khoẻ rồi đưa má tôi tới khám để biết căn nguyên thì mới trị được bệnh tình.

Năm 1986, Ông Tạ mất, đám tang của ông lớn lắm, bà con khắp nơi xa gần, bệnh nhân của ông đến đưa tang, đoàn người đưa đám kéo dài ra đến đầu ngã ba chưa dứt.

Đông dược ngày nay vẫn còn hữu dụng, nhiều nghiên cứu bào chế cho ra nhiều loại cao đơn hoàn tán trị các loại bệnh nhất thời. Thuốc Đông y có thế mạnh của Đông y. Trong một bài viết bàn về thuốc Tây thuốc Ta, nhà văn Sơn Nam ghi nhận: “Thuốc Tây, thầy Tây và thuốc Ta, thầy Ta có mâu thuẫn nhau không? Theo ý tôi, lần hồi sẽ có sự bổ sung. Đồng bào phân biệt rõ: Cái gì dính líu tới vi trùng, cấp cứu thì thuốc Tây hay hơn, cái gì thuộc về bịnh lâu dài thì đừng nôn nóng, dùng thuốc Ta vẫn là có công hiệu bền lâu”.

TN