main billboard


Tôi cứ nghĩ: liệu mình có thể vui được khi nghĩ đến thân nhân của các em học sinh và những người bị sát hại, nhứt là trong Mùa Giáng Sinh này không?

Xmas1
Năm nào ông bạn chí cốt của tôi bên Mỹ cũng đều nhớ đến tôi nhân dịp Lễ Giáng Sinh và sinh nhựt của tôi. Năm nay, kèm với công thức cầu chúc thông thường, bạn tôi thòng thêm một câu: “Đến tuổi này rồi bây giờ mới thấy ngày giờ nó bay qua mau quá”. Tôi hiểu bạn tôi muốn nói gì. Khi người ta bước vào cái tuổi 6 bó rưỡi, “thời gian qua mau” cũng có nghĩa là chuyện xảy ra xa lơ xa lắc mà tưởng như mới hôm qua thôi.

Tôi gặp lại bạn tôi lần cuối cùng cách đây 4 năm, nhân dịp đám cưới của cô con gái rượu của bạn tôi. Thời gian ở bên nhau một tuần lễ chẳng tham vào đâu cả. Chúng tôi ôn lại đủ chuyện mà phần lớn là chuyện tuổi thơ. Trời cho tuổi già một sự may mắn là chỉ nhớ toàn chuyện tuổi thơ. Mà chuyện tuổi thơ nào cũng đẹp cả.

Là bạn nối khố, nhưng chúng tôi không sinh ra trong cùng một làng với nhau. Làng tôi ở về hướng Tây, bên ngoài và sát với Thành Diên Khánh. Bạn tôi ở cách Thành khoảng ba cây số về hướng nam và cách Suối Đổ chừng một cây số. Đi trên quốc lộ 1, vừa qua khỏi Cầu Lùng, có lẽ ít có ai mà không ngoái cổ nhìn lên ngọn thác với nước chảy trắng xóa này. Tính linh thiêng của Suối Đổ gắn liền với Tháp Bà ở Nha Trang.

Lúc nhỏ, tôi thường nghe truyền tụng về nữ thần Poh Nagar của người Chàm, được người Việt nam “rửa tội” lại thành Bà Thiên Y A Na. Người Chàm tin rằng nữ thần Poh Nagar do bọt nước biển và áng mây trời sinh ra ngoài biển khơi. Là nữ thần cho nên dĩ nhiên bà có đủ mọi quyền phép. Bà hóa phép cho có cung điện nguy nga và cưới đến gần cả trăm ông chồng. 38 người con của bà cũng có đủ phép tắc vô song.

Khi đất của người Chàm thuộc về người Việt, thì nữ thần Poh Nagar biến thành Thánh mẫu Thiên Y A Na. Người dân địa phương giải thích rằng ở núi Đại An, nay là Đại Điền, phía Tây Bắc Diên Khánh, có hai vợ chồng tiều phu già không con. Hai ông bà có trồng một rẫy dưa. Dưa bị mất trộm, ông bà rình bắt được một cô gái nhỏ xinh đẹp và nhận về làm con nuôi. Ông bà không ngờ rằng đây là một tiên nữ bị đày xuống trần gian. Tên của tiên nữ là Thiên Y A Na. Chán cuộc sống với vợ chồng người tiều phu, tiên nữ bám vào một khúc gỗ kỳ nam và lưu lạc mãi sang Trung Hoa và gặp một thái tử. Họ lấy nhau và có được hai người con. Nhưng một hôm, nhớ cảnh cũ người xưa, tiên nữ dắt hai con trở về Đại An. Nhưng cha mẹ nuôi đã qua đời. Tiên nữ liền xây cất mồ mả cho hai ông bà và dạy dỗ dân chúng biết cách cày cấy, kéo sợi, dệt vải. Một thời gian sau, tiên nữ và hai con trở về cõi tiên. Nhớ ơn đức, người dân địa phương cùng nhau xây tháp tạc tượng để phụng thờ.

Về phần mình, Thái Tử cũng tìm đến Đại An. Không tin Thiên Y A Na đã rời bỏ cõi tục, ông sai bộ hạ tra khảo người dân, vì cho rằng họ đang che dấu mẹ con bà. Bị oan ức, nhiều người đã thắp hương cúng vái bà. Liền đó cuồng phong nổi dậy và toàn bộ đoàn tùy tùng của thái tử từ Phương Bắc đều bị cát vùi (x.Wikipedia, Thiên Y A Na). Dù cho truyền thuyết của người Chàm có khác với truyền thuyết của người Việt, nữ thần Poh Nagar hay Bà Thiên Y A Na hiện vẫn đang được thờ ở Tháp Bà, Nha Trang. Thỉnh thoảng, những đêm trời trong, có một luồng ánh sáng chạy dài từ Nha Trang vào Suối Đổ, kèm theo một tiếng nổ. Người dân địa phương của tôi giải thích rằng đây là điềm báo hiệu chính nữ thần Poh Nagar hay Bà Thiên Y A Na từ Tháp Bà ngự giá vào thăm Suối Đổ. Trước năm 1975, có một dạo, người ta đồn về linh dược kỳ diệu của nước Suối Đổ và lá cây mọc xung quanh vùng đó. Dân chúng từ các nơi đổ xô đến như trẩy hội.Người ta lội qua mấy cánh đồng mới đến chân Suối Đổ. Kẻ lấy nước, người hái lá. Có người còn leo lên tận nguồn ngọn Suối. Một người giáo dân của giáo xứ tôi, không biết do hiếu kỳ hay dị đoan, cũng bon chen leo lên đỉnh Suối, nhưng chẳng may trợt chân té xuống chết tại chỗ. Người “lương” thì bảo anh bị Bà Thiên Y A Na phạt. Người “có đạo” như tôi thì lại nghĩ rằng anh “chết tươi ăn năn tội chẳng kịp”, bị Chúa phạt vì cái tội dị đoan.

Nhà bạn tôi ở cách Suối Đổ không quá một cây số bằng đường chim bay. Vì ở địa phương không có trường đạo cho nên bạn tôi được gởi đi “du học” trong giáo xứ của tôi. Cứ mỗi ngày thứ Năm, sau một giờ giáo lý hay đúng hơn “kinh bổn” mà chúng tôi phải “tụng” cho thuộc lòng, lũ nhóc chúng tôi theo bạn làm một cuộc “dã ngoại” bỏ túi về đến nhà bạn. Chúng tôi không trang bị bằng một thứ gì khác ngoài chiếc ná thun. Phải nói ngay rằng khung cảnh nhà bạn tôi là chốn thần tiên. Bao bọc xung quanh nhà là ruộng, dừa, cau và hai cái ao, được đào dọc theo một con sông nhỏ bắt nguồn từ Sông Dinh. Con Sông có nước trong nhìn thấy đáy này lại uốn khúc dọc theo quốc lộ 1, chạy thẳng lên đồn điền cao su Suối Dầu, nơi có mộ của bác sĩ Yersin và dừng lại ở Suối Tiên, một thắng cảnh nổi tiếng của Khánh Hòa.

Đoạn đường dài khoảng ba cây số, nhưng với sự háo hức của tuổi thơ, chúng tôi vừa đi vừa chạy cho nên không mất quá một tiếng đồng hồ. Thỉnh thoảng, chúng tôi dừng lại nhìn lên Suối Đổ huyền hoặc, tưởng tượng ra khuôn mặt của Thánh mẫu Thiên Y A Na cũng có, mà lo sợ vì bóng dáng của mấy ông du kích Việt cộng thì nhiều hơn.

Đến nơi, chúng tôi được bạn hướng dẫn vào vườn xoài nhà ở Ga Cây Cày. Tại đây chúng tôi tha hồ tảo thanh. Chim chóc, trái cây...thứ gì cũng có. Trưa đến chúng tôi kéo nhau về nhà bạn. Tôi không bao giờ quên được những bữa cơm thanh đạm, ngon với gạo lúa mới gặt, cá bắt lên từ dưới ao, môn bạc hà muối chua và nhứt là tình thương đầy ắp của ông bà Sáu Sình, thân phụ mẫu của bạn tôi.

Có lẽ vì sợ phạm húy cho nên chúng tôi chỉ gọi ông thân của bạn tôi là ông Sáu Sình. “Sình” không phải là tên của ông mà là một địa danh mà có lẽ chỉ có dân nhà đạo chúng tôi mới xử dụng. Phía sau nhà bạn tôi là núi rừng. Sát bìa rừng có một khu đất sinh lầy. Nhìn ở bề mặt là cỏ, nhưng bên dưới là cả một khối bùn. Lỡ chân bước lên đó coi như bị trời trồng, không thể nào thoát ra được. Chính vì là người tiên phong đi lập nghiệp ở vùng này cho nên ông Sáu, cha của bạn tôi, được tặng cho biệt danh “Sáu Sình”. Ông Sáu Sình cũng lãnh đạo một cộng đồng giáo dân gồm đâu 5, 10 gia đình sống rải rác trong vùng đất mới này, cho nên cũng được nhiều người kính cẩn gọi là ông Câu.

Tôi vẫn giữ mãi hình ảnh của một ông cụ khỏe mạnh, quắc thước, da dẻ lúc nào cũng hồng hào và lúc nào cũng có sẵn nụ cười trên môi. Không biết bí quyết sống khỏe của ông có phải là cái vò rượu đế lúc nào cũng có sẵn trong nhà không. Lên tới trung học, tôi mới được ông cho thưởng thức thứ rượu “nước một”, tức nước rượu đầu tiên do chính tay ông cất lấy. Nhưng khi biết suy nghĩ sâu xa hơn một chút, tôi mới nghiệm ra rằng sở dĩ ông Sáu Sình lúc nào cũng khỏe mạnh là bởi lúc nào ông cũng vui vẻ và sống cho người khác. Khách đến nhà, dù là khách con nít như tụi tôi, ông cũng trân trọng đón tiếp như khách quý. Ngoài cá nuôi dưới ao hoặc do ông đi lưới về và rộng trong ao, ông Sáu Sình còn đi đánh bẫy heo rừng, nai, cheo hay nhử cuốc. Cái món chả giò độn thịt cuốc băm là món độc đáo của ông Sáu.

Bàn ăn là nơi thực khách, nhứt là trẻ con, học được nhiều bài học. Bài học nhớ đời mà ông Sáu Sình đã dạy cho tôi trên bàn ăn chính là cung cách tiếp khách của ông. Ngồi vào bàn ăn, ông ít khi cầm đũa, mà chỉ nhìn người khác ăn. Có ai thắc mắc, ông liền giải thích: “Nhìn tụi con ăn ngon là ông Sáu ăn rồi” hoặc “thấy tụi con vui là ông vui”.

Trong đám bạn bè tiểu học, còn gắn bó với nhau mãi cho đến năm 1974 chỉ còn lại tôi và bạn tôi. Chúng tôi chơi với nhau như bóng với hình. Bạn tôi xem nhà tôi như nhà bạn. Tôi thì ăn dầm nằm dề ở nhà bạn suốt mùa hè. Có những đêm chúng tôi bắt ghế bố nằm giữa sân, ngắm trăng sao xuyên qua mấy hàng cau. Sáng vừa mới mở mắt đã được ông Sáu mời vào ăn cơm với cá ông vừa mới thả lưới bắt được. Lại nhìn nụ cười nhân hậu của ông Sáu và nghe ông lập lại cái triết lý sống đơn giản, nhưng thâm sâu của ông: “Thấy tụi con vui là ông vui rồi”. Sẽ không bao giờ tôi có lại được những bữa ăn sáng ngon và ý vị như thế!

Năm 1974, bạn tôi xuất ngoại. Sau khi lưu lạc vài năm ở Phi luật tân và Âu châu, bạn tôi chọn Mỹ làm quê hương thứ hai. Trước khi đi vượt biên, thỉnh thoảng tôi có ghé lại thăm ông bà Sáu. Thời mà cánh cửa nhà tù nhỏ lúc nào cũng mở ra chờ sẵn, tôi đến thăm và an ủi ông bà thì ít, mà được ông bà nâng đỡ thì nhiều hơn.

Mãi cho đến năm 1989, tôi mới gặp lại ông bạn vàng của tôi lần đầu tiên sau 15 năm xa cách. Tuy chưa biết “già ơi, chào mi”, suốt cả tháng, chúng tôi ôn lại không biết bao nhiêu chuyện cũ để nhắc nhớ đến cái triết lý sống đơn sơ của ông Sáu Sình. Những lúc như thế, tôi thấy ông bạn tôi thật giống ông Sáu. Trong những thứ mà bạn tôi thừa hưởng được từ thân phụ, tôi nghĩ nổi trội nhứt có lẽ là tính hiếu khách và niềm vui vì thấy và làm cho người khác vui.

Mùa Giáng Sinh năm nay, khi cố gắng sống một mùa lễ cho có ý nghĩa, tôi không thể không nghĩ đến ông Sáu Sình và bạn tôi. Mùa Giáng Sinh là Mùa vui nhứt trong năm. Có tin Thiên Chúa nhập thể làm người không, khó có ai mà không hòa nhập vào niềm vui chung này. Dĩ nhiên, vui cũng có trăm vạn niềm vui khác nhau.

Người tín hữu kitô, tôi luôn được nhắc nhở để đi tìm niềm vui đích thực. Chúa Nhựt vừa rồi, mà vị linh mục chủ tế thánh lễ gọi bằng tiếng Latinh là “Gaudete” ( Hãy vui lên), đã được cố giáo sư Nguyễn Ngọc Lan đặt tên là “Chúa nhựt hồng giữa màu tím”. Thông thường mầu tím gợi lên sự mất mát, nỗi buồn hơn là niềm vui. Chen vào giữa màu tím một chút sơn hồng, Kitô giáo có lẽ muốn chỉ ra niềm vui đích thực mà người tín hữu phải tìm kiếm. Trong suốt buổi lễ hôm đó, tôi miên man nghĩ đến 20 trẻ em và một số nạn nhân của vụ thảm sát tại một trường tiểu học ở Newtown, tiểu bang Connecticut, Hoa kỳ. Tôi cứ nghĩ: liệu mình có thể vui được khi nghĩ đến thân nhân của các em học sinh và những người bị sát hại, nhứt là trong Mùa Giáng Sinh này không? Không đưa tay quẹt nước mắt như tổng thống Barack Obama, nhưng có lúc trong nội tâm sâu kín, tôi chợt nhận ra mình cũng đã thổn thức.

Vui như người ta đang vui chơi trong lúc này thì có lẽ tôi chưa có. Nhưng “vui” vì biết mình vẫn còn có một trái tim biết thổn thức, biết xót xa, biết cảm thông, biết đau trước nỗi đau của người khác, biết tưởng nghĩ và chia sẻ nỗi đau và niềm vui của người khác, đó là “niềm vui” mà tôi vẫn cầu mong cho mình luôn có được. Bởi lẽ xét cho cùng, chỉ có một niềm vui như thế mới thực sự thánh thiện, bởi vì chỉ có một niềm vui như thế mới làm cho tôi đến gần với Thiên Chúa, Đấng mà chẳng có danh hiệu nào xứng đáng và đúng đắn hơn là Tình Yêu.

Có cả một bản Kinh Tin Kính để tôi phải tuyên xưng mỗi ngày Chúa Nhựt. Nhưng tôi sẽ chỉ là một con vẹt nếu như bản Kinh ấy không được dịch ra thành những hành động yêu thương đối với người khác, mà cụ thể như ông Sáu Sình và bạn tôi luôn thể hiện, là vui vì làm cho người khác vui. Nghĩ như thế mà thấy Mùa Giáng Sinh năm nay có lẽ có ý nghĩa hơn đối với tôi.