main billboard

 

Việt Dzũng ơi, hãy ra đi thật bình-an, thanh-thản nhé !!

Thái Anh là bút hiệu của Quách Ngọc Ánh, cô đã có bài viết "Hồi ức bên Tượng Đài Thuyền Nhân" Nay Sài Gòn Echo nhận được bài viết thứ hai, "Viết cho một người vừa nằm xuống" viết về Ca Nhac sĩ MC Việt Dzũng, người vừa ra đi vĩnh viễn, ngày 20-12-2013 để lại bao tiếc thương cho những người Việt yêu nước. SaiGon Echo mong nhận thêm những sáng tác mới của Thái Anh.             

01 VietDzung1
      Từ những năm đầu 80, làn sóng vượt biên chợt bùng dậy mạnh mẽ như nước tràn bờ. Ở miền Nam đa số các gia đình đều có người vượt biên; người giàu có thì đi cả gia đình; còn người nghèo thì cố gắng xoay xở vay mượn để lo cho một người trong nhà đi. Dù mỗi người ra đi đều có nguyên nhân khác nhau, nhưng tất cà lý do đều có chung một mẫu số là muốn có được một cuộc sống tự do, thoải mái về tinh thần; không bị bắt bớ trả thù vì không đồng quan điểm chính trị; về điểm nầy thì những người từ miền Bắc di cư vào miền Nam 1954 hiểu rõ chế độ cộng sản hơn ai hết. Gia đình tôi lúc đó cũng nằm trong quỹ đạo vượt biên, ba tôi dù không chấp nhận chế độ mới nhưng ông không muốn bỏ nước mà đi. Gia đình một người chị của tôi có 4 người, anh rể tôi đi thoát được tới Hoa-kỳ; chị tôi và hai con gái đi nhưng số mạng không may cả ba mẹ con đều đã bỏ mình trên biển cả.Sau đó tôi cũng tìm cách ra đi, từ Sài gòn tôi đi xuống miền tây ở tạm gia đình một người bà con chờ ngày đi; cùng ở chung nhà với tôi có vài người nữa cũng trạc tuổi tôi. Chúng tôi ở nhà đó một cách kín đáo vì sợ địa phương biết được tung tích thì chỉ có nước đi vào tù chứ còn đi đâu. Cả ngày chúng tôi quanh quẩn trong căn buồng nhỏ kín đáo chờ chủ nhà nghe ngóng tình hình rồi nói lại cho chúng tôi biết. Dạo đó chúng tôi hay lầm thầm với nhau các bài nhạc Sài gòn vĩnh biệt, Một lần đi, Một chút quà cho quê hương… mà tôi nào có biết tác giả những bài hát đó là ai, chỉ biết là là ở hải ngoại thôi. Lần đó tôi cũng đi không thành, suýt nữa bị du kích địa phương bắt, trong đêm khuya tôi phải lội ruộng nước ngập tới ngang bụng tìm đường ra lộ cái đón xe về Sài gòn…


           Nhiều năm sau tôi đến Mỹ diện H.O, trong năm đầu hưởng trợ cấp tị nạn, mỗi ngày vợ chồng tôi đi học ESL. Một năm sau hết trợ cấp chồng tôi đi tìm việc làm, cuối cùng xin được vào một hãng Mỹ làm cho tới bây giờ. Còn vì bận lo cho con nhỏ nên đi làm ít giờ hơn ở các hãng may của người Việt ở miền Nam Cali, vùng Little Sài gòn, thủ đô của người Việt tị nạn. Tôi có nhiều dịp nghe các đài radio tiếng Việt tại đây, cũng như đọc những tờ báo Việt ngữ. Thế là tôi biết đài Little Sài gòn từ những ngày mới hình thành đầu tiên với bộ ba Phạm Long, Minh Phượng và Việt Dzũng. Và tôi cũng biết được tác giả của những bài hát tôi đã thuộc lòng khi còn ở Việt Nam là ông Nam Lộc và Việt Dzũng.. Rất nhiều lần tôi gọi vào đài tham gia chương trình đố nhạc, nói chuyện với Minh Phượng, Việt Dzũng rất vui. VD với lối pha trò vui vẻ và giọng nói trầm ấm dễ thu hút cảm tình người nghe, MP thì nhí nhảnh luôn cười làm thính giả cũng vui lây khi nghe ’’hai con két MP và VD’’ nói trên đài. Thời gian sau cả hai làm đài Radio Bolsa, tôi cũng tiếp tục nghe cả hai pha trò mỗi ngày trong giờ phát thanh của đài mới nầy. Càng lúc tôi càng biết VD qua những lần VD sát cánh cùng đồng bào hải ngoại biểu tình phản đối sự có mặt trên đất Hoa kỳ của một nhân vật cầm quyền chế độ ở VN sau 75.Tôi còn nhớ hoài vụ 50 ngày đêm phản đối Trần Trường ( chính chồng tôi cũng có mặt trong những buổi cuộc biểu tình nầy). Sau đó là những DVD của trung tâm Asia có sự cộng tác của VD tôi đều xem đủ. Lúc CD ‘’Thắp lữa yêu thương” ra đời có cả cassette, một thời gian dài mỗi ngày lúc lái xe tôi đều nghe CD nầy..

01 VietDzung2

Có một vài lần tôi đi xem “Đại nhạc hội Cám Ơn Anh”, giờ nghỉ giải lao gìữa chương trình, tôi thấy VD đứng một mình ở góc vắng hút thuốc trông dáng người thật cô độc; lúc nầy thì không giống là một MC hoạt bát trong những chương trình của Asia, hay một nhạc sĩ với những bài nhạc xúc động tình người, hay một người luôn ở tuyến đầu đấu tranh cho công bằng, lẽ phải; mà lúc ấy tôi chỉ thấy một VD buồn bã, cô độc với cặp nạng bên người và những hơi thuốc rít liên tục không ngừng. VD đã nghĩ gì trong đầu những lúc đó, có chăng một nỗi buồn tủi vì bệnh tật đã khiến VD không thể sinh hoạt bình thường như một người bình thường khác, phải chăng vẻ linh hoạt bên ngoài để che dấu nỗi buồn sâu kín bên trong ?!...


          Có lẽ tôi chú ý đến VD vì có hai lý do : đứa em trai kế tôi cũng tên Dũng ( Ngọc Dũng ) và đứa cháu gái theo mẹ đi vượt biên bị chết thảm có tật một bên tay và chân trái, hồi nhỏ có một thời gian cháu cũng phải đeo nẹp cho thẳng chân, cháu phải mang loại giày riêng dành cho người có tật chân đi khập khiễng, tôi thương đứa cháu nầy lắm, nhất là sau khi cháu mất tôi thường xuyên nhớ đứa cháu tội nghiệp nầy hoài. Tôi có biết VD bị bệnh tim, có lần tôi nghe qua đài Radio Bolsa, VD đã vắng mặt một thời gian, sau nghe MP nói VD mới nằm bệnh viện vì bệnh tim, tôi biết trên thế giới tỷ lệ người mất vì bệnh tim rất cao, tôi cũng có vài người than quen mất vì bệnh nầy.   Tuần lễ cuối cùng VD mất, sáng thứ 2, thứ 3, rồi thứ tư lúc 9 giờ sáng đài radio Bolsa bắt đầu giờ phát thanh, tôi còn nghe giọng nói trầm ấm chào thính giả buổi sang của VD, rồi lại chọc phá MP. Sáng thứ 5 vắng tiếng VD, Hoàng Trúc thay thế có nói đùa là VD lại cáo bệnh để ở nhà, MP đính chánh là VD nghỉ bệnh thật. Sáng thứ 6 lại vắng VD, Đỗ Tân Khoa đùa : Vd là mặt trời, Khoa là mặt trăng, cả hai không gặp nhau, hôm nào trăng xuất hiện thì mặt trời lặn mất tiêu và ngược lại. Câu nói đùa của ĐTK  thế mà lại thành một sự thật vô cùng đau lòng, mặt trời VD từ nay đã lặn mất luôn; không bao giờ trở lại nữa, để lại bao tiếc thương , nhung nhớ cho những người còn lại ở cõi tạm đời nầy. Lúc 12 giờ trưa hôm ấy, đang lái xe trên đường tôi bỗng giật mình nghe đài Little Sàigòn ông NHC trong phần tin tức đã loan tin VD vừa mất sáng nay (thứ sáu 20-12).

Tôi không tin nổi, cứ tưởng mình nghe lầm, vội tấp xe ngay vào lề đường, lấy phone bấm liên tục vào các số phone của đài radio Bolsa, nhưng chuông reo mãi không có ai trả lời; tôi lại gọi cho cô em hỏi tin thì cô em tôi xác nhận tin trên là đúng sự thật.Tôi thẫn thờ lái xe đi lòng bàng hoàng trước hung tin không ngờ. Với VD tôi chỉ là một khán thính giả vô danh mà VD không bao giờ biết mặt ; nhưng với tôi thì VD là người mà tôi thật sự mến phục vì tài năng, vì những việc làm phục vụ tha nhân, với giọng nói thật trầm ấm dễ thu phục  cảm tình của người nghe.Từ một MC, rồi một nhà báo, một người làm truyền thanh, cuối cùng là một nhà tranh đấu cho lẽ phải, dù ở nhiệm vụ nào VD cũng chu toàn xuất sắc, một người đầy tinh thần phục vụ tha nhân như thế mà sao Chúa lại cất VD đi quá sớm Chúa ơi!!


           Mấy hôm nay tôi xem các báo Việt ngữ, nghe đài radio, xem tin trên internet, khắp nơi đâu đâu cũng nói về VD, mọi người thân quen kể về những kỷ niệm có được với VD, một con người tài ba nhưng bạc mệnh, VD ra đi khi năng lực làm việc cống hiến cho đời còn thật mạnh mẽ. Tôi hay nhớ về kỷ niệm nên cứ nghĩ từ nay mỗi ngày trên đài radio Bolsa chỉ còn một mình ‘’két MP “ lẻ loi buồn bã hót; nghĩ đến người vợ trẻ của VD đêm 24 đi lễ đếm bước một mình rồi khuya tan lễ về nhà trong cô đơn thương nhớ… và nỗi đớn đau mất mát của bà mẹ già “ tre tàn lại khóc măng non”. VD bây giờ ở nơi nào đó bên kia thế giới chắc đã tái ngộ với người bạn tri kỷ già Trầm-Tử-Thiêng, và những khuôn mặt thân quen đã ra đi trước đây. VD ơi, hãy tiếp thêm nghị lực, thêm can đảm, thêm tinh thần vượt khó cho những người thân thương còn ở lại trần gian nầy, để họ có thể tiếp nối hoàn thành tâm nguyện cuối cùng của VD còn bỏ lại dở dang.


               Cuối cùng với tôi, là một khán-thính-giả thầm lặng của VD, tôi xin phép mượn hai câu thơ của cụ Nguyễn-Công-Trứ ( có sửa lại vài chữ cho phù hợp chắc Cụ Nguyễn cũng vui lòng miễn chấp cho đứa hậu bối bạo gan nầy) :
               Nước Trời rộng thênh thang Dũng bước ( nguyên văn là Đường mây rộng thênh thang ta bước)
              Nợ thế trần trang trắng vẫy tay, đi. ( nguyên văn là Nợ tang bồng trang trắng vỗ tay reo ).


             Việt Dũng ơi, hãy ra đi thật bình-an, thanh-thản nhé !!