main billboard

 

Bài hát kỷ niệm và những nỗi nhớ ngậm ngùi có theo tôi chăng đến suốt cuộc đời nầy ?!....

Thai anh 1

Thái Anh là bút hiệu của Quách Ngọc Ánh, cô đã có 3 bài viết. Saigon Echo nhận được bài viết thứ 4, nói về kỷ niệm và những nỗi nhớ ngậm ngùi về những văn nghệ sĩ, vừa mới qua đời cuối năm 2013 này... SaiGon Echo mong nhận thêm những sáng tác mới của Thái Anh.

           Những ngày đầu năm tây, buổi sáng trời sương mù dày đặc, tôi lái xe đi làm trong màn sương trắng toát, mênh mông như đi vào một cảnh giới xa lạ nào, quanh quất trước sau chỉ có một chiếc xe mình dong ruổi trên đường. Tôi hay tức cảnh sinh tình, vừa lái xe vừa miên man suy nghĩ, hồi tưởng chuyện xưa chuyện nay. Trong một thời gian ngắn vừa qua, giới văn nghệ hải ngoại đã có nhiều cái tang lớn: giữa tháng 12 nhạc sĩ Huỳnh-Anh từ trần; chỉ hai ngày sau là Việt-Dzũng mất, tiếp theo đó nhà báo Cao Sơn ra đi, và ngay ngày đầu năm khi mọi người còn đang chào đón New Year thì ở thành phố lạnh giá Boston, nữ ca sĩ Hà Thanh cũng lặng lẽ vĩnh biệt thế gian đầy phiền muộn. Trong bốn sự mất mát nầy, tôi tiếc là tôi đã biết về ký giả Cao Sơn quá ít, chỉ biết tôi có nghe trước đây về tên Ông, nên tôi đã không nói nhiều về Ông trong bài viết nầy, thật vô cùng tạ lỗi với hương hồn người quá cố.


          Với nhạc sĩ Huỳnh-Anh, tuy tôi chưa lần nào tiếp xúc chuyện trò với Ông, nhưng tôi nghe tên Ông từ lúc nhỏ. Chuyện là tôi có ông cậu ,em ruột của bà ngoại, ông biết chơi đàn kìm bên cổ nhạc; lúc tôi còn nhỏ khoảng 6,7 tuổi hay qua nhà ông chơi vào những dịp lễ, Tết. Ông cậu ở chung với mấy người con tôi gọi là Cậu,Dì, nhà ở gần chợ Nancy thuộc quận 5. Ông cậu thích đàn cổ nhạc lắm, thỉnh thoảng buổi tối ông rủ thêm mấy người bạn cùng sở thích đến nhà, mỗi ông một loại đàn, thế là tôi được nghe một bữa hòa đàn cổ nhạc của các nhạc sĩ tài tử; cũng từ đó tôi đâm ra mê cải lương, và tôi cũng biết lỏm bỏm một vài điệu hát như Lý con sáo, Nam ai, Nam xuân, hay xuống sáu câu vọng cổ. Ông cậu tôi có quen với ông nhạc sĩ Văn Khánh làm trong đoàn hát Thanh minh Thanh Nga, nên nhiều lần ông cậu có vé coi cải lương đoàn trình diễn hằng đêm ở rạp hát Hưng Đạo và tất nhiên lúc nào tôi cũng được ông cậu dắt theo xem hát. Tôi biết rất nhiều tuồng cải lương có cô Thanh Nga đóng vai chánh vì là sân khấu nhà của cô mà. Tôi mê coi cô Thanh Nga lắm, cô đẹp quá lại hát hay diễn tuồng giỏi, vai nào cô đóng cũng xuất sắc hết. Trong tuồng cải lương Mưa rừng, cô Thanh Nga đóng vai sơn nữ Klay thật dễ thương, nhạc sĩ Huỳnh Anh đã sáng tác bài hát Mưa rừng cùng tên cho Thanh Nga hát, cô hát bài nầy giọng không điêu luyện như các ca sĩ tân nhạc chuyên nghiệp, nhưng giọng cô rất mộc mạc dễ thương. Hồi đó tôi có dịp xem cả hai loại : tuồng cải lương Mưa Rừng và phim Mưa Rừng , cả hai đều do cô Thanh Nga đóng vai sơn nữ Klay; tôi nhớ hoài cảnh chót lúc Klay buồn hiu đứng nhìn theo thầy cai Hữu Phước lên ngựa về miền Kinh thì Klay ngâm bốn câu thơ :
             “ Thầy cai lên ngựa đi rồi, sao Klay còn đứng ngậm ngùi ngó theo. Mưa rừng xứ thượng đìu hiu, em mang gùi nhỏ đựng nhiều nhớ thương.”


           Còn trong phim Mưa Rừng thì cảnh chót Klay đứng ngó theo thầy cai, có tiếng hát của Thanh Nga bài Mưa Rừng vẳng lên đoạn cuối bài “Mưa rừng ơi mưa rừng, tìm đâu hỡi ơi bóng người xưa. Mỗi khi mưa rừng về muộn màng, bóng chiều tàn dần tàn lòng thương nhớ nào nguôi.”
            Người viết còn có dịp xem phim “Loan mắt nhung“ là truyện của nhà văn Nguyễn Thuỵ Long được đạo diễn Lê Dân dựng thành phim tựa cùng tên, truyện cũng do Thanh Nga vai nữ chánh bên cạnh Huỳnh Thanh Trà vai nam chánh. Tôi còn nhớ hoài phút cuối của phim đã chiếu gần gương mặt của Huỳnh Thanh Trà với ánh mắt thật buồn thật tuyệt vọng, lúc đó tôi “mê” ánh mắt buồn sâu thẳm của vai nam nầy lắm, giống hệt như đôi mắt đẹp nỗi tiếng của tài tử Pháp Alain Delon. Nhạc sĩ Huỳnh Anh cũng đã viết nhạc cho phim Loan mắt nhung, đoạn cuối của bài nhạc nghe thật buồn, thật thắm thiết cho một kiếp người, lỡ sa chân muốn hoàn lương cũng không có cơ hội, cuối cùng phải sống hết kiếp người trong cảnh lao tù không lối thoát, giống như Alain Delon vì một hoàn cảnh trớ trêu đã phạm tội giết người rồi kết cuộc bị kết án tử hình. Bài hát “Loan mắt nhung“ với đoạn kết thật buồn :
       “Tình dở dang ước mơ vàng phai tàn. Nghìn thương trăm nhớ vẫn là mơ. Tiếng nhạc sầu đã tan dần giữa đêm dài không trăng sao, buông vòng tay sầu mang nuối tiếc, chờ đợi duyên kiếp mai sau.”
          

Nhạc sĩ Huỳnh Anh còn có nhiều bài nhạc khác rất hay như Kiếp cầm ca, Rừng chưa thay lá, Em gắng chờ , Điệu ru nước mắt… nhưng tôi thích nhất hai bài Mưa rừng và Loan mắt nhung của Ông vì nó liên hệ với Thanh Nga vốn là ‘thần tượng” của tôi từ nhỏ. Một lần tôi có xem trong một DVD của trung tâm Thuý Nga chủ đề nói về các nhạc sĩ có phỏng vấn nhạc sĩ Huỳnh Anh, Ông đã trổ tài đánh trống thật hay, dù lúc đó tuổi Ông đã ngoài 70 .

Thai Anh 3
           Giới văn nghệ hải ngoại chưa nguôi nỗi mất mát lớn lao vì sự ra đi của nhạc sĩ Huỳnh Anh, thì chỉ hai ngày sau tới lượt Việt Dzũng cũng lặng lẽ rũ sạch nợ trần khi tuổi đời so với nhạc sĩ Huỳnh Anh thì còn quá trẻ. Sự ra đi của Việt Dzũng đã để lại bao tiếc thương mất mát cho gia đình và cho cả người Việt Nam trên thế giới. Cá nhân người viết cũng rất thương tiếc Việt Dzũng. Tính tôi thích sự yên tĩnh nên đã không có mặt trong dám tang Việt Dzũng, tôi chỉ theo dõi tin tức diễn tiến trên báo, trên đài phát thanh. Một buổi quá trưa, sau ngày tang lễ, tôi vào nghĩa trang viếng mộ Việt Dzũng. Nghĩa trang ngày thường rât vắng người, không gian thật tĩnh mịch, yên lặng đến buồn chết được; thỉnh thoảng một vài người cũng im lặng vào viếng mộ như tôi. Việt Dzũng nằm đây mới vài ngày nên mộ còn mới chưa có bia khắc tên; trên mộ còn những vòng hoa ghi hàng chữ thương tiếc. Tôi đặt một bó hoa cẩm chướng trắng lên mộ, tôi vẫn có thói quen thích hoa cẩm chướng trắng, loài hoa mà mẹ tôi hồi còn sống rất thích. Tôi đọc một bài kinh cho người dưới mộ. Một lúc có ba người tới bên mộ, có lẽ hai vợ chồng và đứa con gái nhỏ; tôi thấy người đàn bà làm dấu thánh rồi mở cuốn sách nhỏ, chắc là quyển kinh thánh; chị nhìn trong sách hát nho nhỏ với thái độ thật thành kính, hát xong cả ba người lại lâm râm đọc kinh, làm dấu rồi lặng lẽ rời mộ, có lẽ họ muốn giữ sự trang nghiêm vì thấy tôi còn ngồi bên mộ. Chắc họ cũng như tôi, là những khán thính giả thầm lặng của Việt Dzũng , một lần tới viếng mộ người  ca-nhạc-sĩ tài hoa nhưng bạc mệnh , họ chào từ biệt một người con của mẹ Việt-Nam vừa trở về với lòng đất lạnh, cát bụi lại trở về cát bụi.

     Bất giác tôi nhớ lại trong những lần đi lễ tro bên đạo, lúc lên rước lễ khi các tín hữu sắp hàng đi lên ngang chỗ cha xứ, thì cha nhúm chút tro tượng trưng rắc nhẹ trên đầu mỗi người, trong lúc ca đoàn hát những lời kinh ngụ ý cát bụi rồi cũng trở về cát bụi, lần nào đi lễ tro tôi cũng thấy trong lòng buồn buồn, ra về mà thấy thật thắm thía, rồi cứ tự nhủ cuộc đời là “sắc sắc không không“, khi buông tay nằm xuống thì rủ sạch hết mọi thứ trên đời, có mang theo được chút nào đâu, tiền tài danh vọng cũng là hư không, thân xác rồi cũng thành đất thành tro, còn chăng là cái tiếng tốt hay tiếng xấu sẽ theo mình ngàn đời mỗi khi người thế gian có dịp nào nhắc đến tên mình, khen hay chê từ đấy. Như Việt Dzũng đã sống một kiếp người thật đáng sống, một cuộc đời đầy cống hiến, phục vụ, có lý tưởng để theo: từ đây mỗi lần nhắc đến tên “Việt Dzũng “, người đời sẽ nhắc đến bằng một sự nể phục, ngưỡng mộ một tấm gương tốt xứng đáng cho hậu thế ngày sau ghi nhớ và noi theo, thật đúng là “Hùm chết để da, người ta chết để tiếng“.


              Môt sự ra đi khác tôi muốn nhắc đến nữa là sự ra đi của nữ ca sĩ Hà Thanh. Với tôi cô Hà Thanh là một ca sĩ mà tôi rất thích về giọng hát thật nhẹ nhàng êm ái và thanh thoát vô cùng. Hơn nữa nhìn dáng dấp của Cô, ta thấy có một vẻ gì như thoát tục, dù Cô vẫn sống giữa thế gian trần tục. Tôi cũng được biết Cô ăn chay trường từ rất nhiều năm nay, Cô cũng tham gia nhiều công tác từ thiện. Nhìn gương mặt hiền lành phúc hậu, gịong nói con gái Huế líu lo như chim, cách nói chuyện lại khiêm tốn dịu dàng, khiến ai tiếp xúc qua một lần cũng rất dễ có thiện cảm với người ca sĩ đất thần kinh nầy. Tôi chưa có được cái hân hạnh nói chuyện với Cô, nhưng tôi biết Cô từ hồi còn nhỏ lúc ở Việt Nam trước năm 1975, hồi đó chưa CD, chỉ mới có cassette, Mẹ tôi có mua mấy cuốn băng của Cô hát những bài của ngạc sĩ Nguyễn Văn Đông, như Mấy dặm sơn khê, Hàng hàng lớp lớp, Chiều mưa biên giới, Hải ngoại thương ca…; khó có ai hát những bài nầy hơn Cô được. Sẽ là một thiếu sót không nhỏ nếu nhắc đến những bài nữ ca sĩ Hà Thanh đã trình diễn qua mà không kể đến bài Xuân muộn của Hoài Linh. Với tôi lời lẽ của bài hát nầy qua giọng ca đầy truyền cảm của Cô Hà Thanh, thì kẻ tha hương như chúng ta nghe qua ai mà không thấy ngậm ngùi xót xa nhớ nhà nhớ nước “Chiều 30 Tết ta còn gì cho nhau. Lại thêm xuân nữa rơi nhẹ vào mái đầu. Chân bước trong đêm tàn ngõ tối. Giao thừa xuân muộn và không vui. Có người đón xuân quên cười.” Đấy, bạn có thấy thắm thía lời lẽ của bài hát chưa, nếu chưa nghe qua bài nầy thì bạn hãy tìm nghe thử xem tôi nói có đúng không?!


Tôi có cái sở thích kỳ cục lắm, ai có chê thì tôi cũng chịu, nhưng không bao giờ tôi bỏ cái tật nầy đâu. Chuyện là chiếc xe tôi đang sử dụng thuộc loại cũ kỹ, con tôi bao nhiêu tuổi thì tôi lái nó bấy nhiêu năm, trong xe chỉ có cassette chứ không có CD, vậy mà tôi lại thích như thế mới gọi là kỳ cục, vì khi tôi thích một bài hát nào thì tôi cứ thu duy nhất một bài hát đó trong cả một băng cassette 60 hay 90 phút, rồi mỗi lần lái xe trên đường đi tôi mở máy ra, thế là bài hát tôi thích được hát đi hát lại không biết bao nhiêu lần, vậy mà tôi nghe hoài vẫn không hề thấy chán. Tôi cũng biết lựa bài theo thời điểm mà nghe, thí dự ngày lễ Mẹ thì tôi có bài “ Mẹ hiền yêu dấu”, ngày lễ Cha thì tôi có bài “Ơn Cha”, ngày 30/4 thì tôi có băng “ Thắp lửa yêu thương” của Nguyệt Ánh và Việt Dzũng; và bây giờ sắp Tết tôi có bài Xuân muộn do cô Hà Thanh hát, bài hát nầy dù ở Việt Nam hay ở hải ngoại đều nghe thật thắm thía, tùy tâm trạng của người nghe; phần tôi, tôi đã biết bài nầy từ lúc còn ở VN trước 75; nhưng từ sau 30/4 thì nghe bài nầy dễ xúc động hơn, ít nhất là đối với tôi. Theo tôi biết thì bài hát Xuân muộn từ trước đến giờ chỉ có mình cô Hà Thanh hát thôi, mà Cô hát thì quá hay, tôi chưa nghe ai hát qua bài nầy. Thời gian mấy năm gần đây trong một bộ DVD Xuân của trung tâm Asia, ca sĩ Mỹ Huyền có trình bày lại nhạc phẩm nầy, rất tiếc tôi không dám phê bình MH, nhưng tôi đã lỡ nhập tâm bài nầy bằng giọng hát của Cô Hà Thanh rồi ! Những năm sau khi đến Hoa kỳ, tôi đã đi tìm bài hát Xuân muộn ở các trung tâm băng nhạc trong khu Phước-Lộc-Thọ, cuối cùng thì tôi tìm thấy bài hát trong CD “Lời đầu năm cho con” do của Trường Sơn Duy Khánh 11 do trung tâm Làng Văn phát hành năm 1992, tôi còn giữ CD đó cho đến ngày hôm nay, vì có bài Xuân muộn do Cô Hà Thanh hát, và cũng từ lúc đó tôi đã thu duy nhất một bài Xuân muộn trong cassette 60 phút để mỗi dịp xuân về tôi lại đem ra nghe lại trên đường lái xe. Tôi cũng được biết lúc còn sinh tiền, nhiều năm sau nầy ca sĩ Hà Thanh đã sống một đời đạo hạnh, Cô ăn chay trường, tập Thiền, rồi năng tụng kinh, niệm Phật. Cô cũng hát nhiều bài Đạo ca và phát hành CD về đạo Phật; cũng như Cô đã phổ nhạc bài thơ “Sám hối “, thật là:
”Đời phiêu bồng vô định, có rồi lại không !
Đã sinh ra giữa chốn hồng trần,
mấy ai thoát khỏi luân hồi tử sinh.
Hoàng hôn giờ phủ bình minh.
Xa lìa thật rồi bóng hình than thương…
Ai về tiễn bước người đi.
Gục đầu nghe gió thầm thì khóc than.
Âm dương cách biệt đôi đàng!
Từ nay vĩnh biệt trần gian u sầu… “. 


Dù tôi không cùng tôn giáo như Cô Hà Thanh, nhưng tôi rất ngưỡng mộ và kính phục đời sống tâm linh đạo hạnh của Cô, vì thiển nghĩ muốn sống được như thế cũng không phải là một điều dễ làm !


***

Thai Anh 2
       Năm ngoái cũng do một sự hoài niệm đưa đẩy, tôi đã tới thăm “Tượng Đài Thuyền Nhân” ngày giáp Tết Việt Nam rồi đưa đẩy đến bài viết “Hồi ức bên Tượng Đài Thuyền Nhân”. Năm nay, cũng vào ngày cuối năm ( 25 tháng chạp) tôi lại ghé qua Tượng Đài Thuyền Nhân. Buổi trưa cuối năm trời nắng nhưng không gay gắt vì thời tiết đang là mùa đông, có chút gió hơi lành lạnh khiến chạnh nhớ đến ngọn gió xuân ở Việt Nam những ngày giáp Tết. Theo thói quen như mọi lần ghé qua, tôi đốt nhang, cắm một nhúm vào cái lư đồng thật to ở trong khu Tượng Đài, còn lại tôi đi vòng cắm trước từng bia đá nổi và cả những bia nằm sát vòng tròn quanh bờ hồ. Cắm nhang xong một lần tôi ngồi nghĩ, đưa mắt nhìn quanh khu nghĩa trang, sao hôm vắng vẻ quá, chỉ thỉnh thoảng mới thấy vài người ghé vào những ngôi mộ xa xa. Chờ cho nhang tàn gần nửa, tôi lại đi vòng cắm nốt mớ nhang còn lại cho hết bó, tôi chụp vài tấm hình kỷ niệm rồi từ giã khu Tượng Đài tôi quay bước đi với nỗi buồn bùi ngùi trong lòng.

Lần nầy tôi đến đây viếng Tượng Đài Thuyền Nhân với thêm một niềm thương cảm mới, thêm một kỷ niệm mới, đó là một trong các vị có tâm huyết sáng lập nên Tượng Đài Thuyền Nhân là Việt-Dzũng vừa qua đời mới tháng trước đây. Với sự tương quan đó nên sau khi từ giã khu Tượng Đài, tôi đến thăm Việt Dzũng. Nghĩa trang buổi trưa thật yên vắng, lặng lẽ, tôi thích cái không khí yên lặng nầy; hồi đó lúc mới qua ở khu apartment cũ gần nghĩa trang, có vài lần tôi ghé vào đấy buổi xế trưa, nghĩa trang ngày thường vắng vẻ lắm, tôi ngồi hồi lâu thấy lòng thật lắng dịu bình yên, tôi mới rời bước. Tôi vẫn như thường lệ, mang bó hoa cẩm chướng trắng chậm bước đến bên mộ Việt Dzũng, ngôi mộ bình thường như các mộ chung quanh, vẫn chưa có cái bia đá khắc tên người nằm dưới mộ, chỉ là một bảng tên tạm, đầu mộ có vài nén hương còn cháy dở dang, có ly cà phê sữa kế bên, chắc có người nào mới đến thăm Việt Dzũng và mời người đã khuất. cùng uống ly cà phê là món điểm tâm buổi sáng, chắc đây cũng là một thói quen của VD lúc sinh tiền.Tôi thương VD như đứa em, vì em trai tôi cũng trạc tuổi VD; ngoài ra tôi còn cảm phục tài ba đức độ và cả lý tưởng mà VD đang theo đuổi, nhưng cuối cùng rồi VD đành nữa chừng nhắm mắt xuôi tay buông bõ. Tôi đọc cho VD một bài kinh, ngồi trò chuyện với VD giây lát, rồi tôi ngậm ngùi từ giả VD bước đi.


                  Tôi có đọc trong một đoạn Suy Ngẫm không biết của ai đăng trên Saigon  Echo rằng thì là “Cái gì phải quên là quên, có nhớ nhung mãi cũng chỉ là hoài niệm,một trong ba điều không nên nuối tiếc là ngày hôm qua “. Những điều nầy hình như đối với tôi thì khó có tác dụng, vì tôi rất khó quên “cái gì phải quên”, tôi hay nhớ về kỷ niệm dù vui hay buồn, và tôi cũng thường dùng hai chữ “phải chi, phải chi…”; như tôi hay ghé  vào thăm khu Tượng Đài Thuyền Nhân, và bây giờ tôi có thêm một nơi để ghé thăm  nữa là nơi VD an nghỉ, cũng như từ nay tôi cũng có thêm một nỗi nhớ nữa là mỗi lần  xuân đến, nghe lại bài Xuân muộn tôi lại chạnh nhớ người ca sĩ khả ái hát bản nhạc  nầy vừa phủi sạch nợ trần ra đi.


               Trời đã xế chiều, nắng nhẹ yếu ớt, có chút gió lành lạnh, gió mùa đông ở Mỹ hay gió sang xuân ở quê hương Việt Nam ngày xưa?! Tôi bước chầm chậm về chỗ đậu xe, vào xe nổ máy, tiếng hát ca sĩ Hà Thanh lại vang lên “Chiều ba mươi tết ta còn gì cho nhau. Lại thêm xuân nữa rơi nhẹ vào mái đầu. Chân bước trong đêm tàn ngõ tối. Giao thừa xuân muộn và không vui. Có người đón xuân quên cười…”

                Bài hát kỷ niệm và những nỗi nhớ ngậm ngùi có theo tôi chăng đến suốt cuộc đời nầy ?!....

 Ngày 30 Tết Giáp-Ngọ