main billboard

Người đàn bà Đông Phương cũng có những nét đẹp đặc biệt, nếu có đôi mắt sâu vào chút xíu và sống mũi cao hơn thì ăn đứt đàn bà Tây Phương...

roi cung xa nhauThiếp đi từ hồi nào cũng không hay. Người đàn bà nửa Pháp nửa Việt, xinh như một bức tượng, hai tay buông xuống, bờ vai đầy sức sống lắc lư mỗi lần con tàu đụng phải làn mây loãng ở cao độ. Ghế bên phải, một người đàn ông lực lưỡng, thỉnh thoảng sờ tay lên trán nàng, vuốt lại những sợi tóc cho ngay ngắn, cúi sát xuống để nghe từng hơi thở, hắn thì thầm vào tai nàng:

— Em mệt lắm phải không?

Không thấy nàng trả lời, chỉ nghe được tiếng thở dài một cách chán nản. Mắt nàng vẫn nhắm, đôi bờ mi dài, cong và đẹp. Người đàn bà vóc dáng một nửa Tây Phương đẹp thật, phải công nhận họ đẹp ở đôi mắt và sống mũi. Người đàn bà Đông Phương cũng có những nét đẹp đặc biệt, nếu có đôi mắt sâu vào chút xíu và sống mũi cao hơn thì ăn đứt đàn bà Tây Phương. Vì thế mà ngày nay, mấy ông bác sĩ giải phẫu thẩm mỹ hốt tiền các cô, các bà đến đừ cả người. Thiên hạ đua nhau đi làm đẹp như đi mua nhu yếu phẩm. Có người sửa lại đôi chút coi đẹp hẳn ra vì họ đã đẹp sẵn, có người thì cố làm cho đẹp, nên khi mới nhìn thấy thật trơ trẽn như là đeo cái mặt nạ giả vào đấy, trông buồn cười!

Các cụ thì chống đối một cách tích cực: nào làm như thế khó coi, đổi tướng trên khuôn mặt là điều cấm kỵ, nâng mũi lên cao là trái với thiên tạo. Sửa riết rồi trông mặt người nào người nấy cũng hao hao giống nhau. Ấy thế mà các bà, các cô đâu có chịu nghe, miễn thấy đẹp là được. Có người thì cho rằng: ngày nay khoa thẩm mỹ đã đạt tới mức tinh vi, làm cho con người đẹp ra theo nhân tạo là một nghệ thuật và tạo hạnh phúc cho rất nhiều người.

Người đàn ông ngồi bên cạnh chính là chồng nàng, hắn tên là Don D’Amours, làm ở công ty Điện Thoại Viễn Liên Quốc Tế tại Vũng Tàu. Hắn đã sống ở Việt Nam hơn 20 năm, là một người Pháp nhưng rành Việt ngữ lẫn Anh ngữ. Don hiền lành, chất phác, ưa sống một cuộc đời an phận và giản dị hơn là se sua, tranh giành, bởi hắn muốn được sống thật yên vui bên vợ con với một mái ấm gia đình. Việt Nam là quê hương thứ hai nơi mà Don đã sống với nhiều kỷ niệm, đã gặp người đàn bà mà Don say đắm yêu thương. Mặc dù chính nàng đã mang lại cho hắn quá nhiều cay đắng, khổ đau. Thế nhưng Don vẫn một lòng chung thủy, bởi ở nàng, hắn đã tìm thấy quyến rũ như một thứ nam châm cuốn hút, một hấp lực khó diễn tả. Vì thế mà hắn đã kiên nhẫn chờ đợi đến ngày nay, mặc dù họ đã ly dị hơn 3 năm qua.

Don đã sống thật cô đơn trên quê hương khói lửa này cùng với sự bạc bẽo của một người vợ mà hắn thừa biết là nàng không bao giờ yêu hắn. Đã nhiều lần Don định đi tìm tình yêu ở một người đàn bà khác, nhưng hắn không thể quên được nàng, không ai có thể thay thế nàng trong tâm hồn hắn. Hơn nữa, giữa Don và nàng đã có hai con, đứa lên năm, đứa lên sáu là những liên hệ máu thịt ràng buộc khó dứt. Don vẫn thầm mơ rồi một ngày nào đó khi chim trời mỏi cánh, nàng sẽ quay về.

Rồi thì giấc mơ đó đã thành. Sau hơn một tuần gặp lại nàng trong dịp thăm con, Don dự định mang con ra khỏi Việt Nam vì hắn biết chắc vùng đất thân yêu này sẽ lọt vào tay Cộng Sản.

Một sự tranh chấp đã xảy ra mãnh liệt giữa Don và nàng, bởi nàng không muốn rời bỏ quê hương, nhưng Don thì nhất quyết mang con ra đi. Cuối cùng, nàng đã quyết định ra đi theo Don chỉ vì con.

Nghĩ tới những ngày sắp tới được sống bên nhau, Don sung sướng nói vào tai nàng:

— Anh sẽ bỏ qua tất cả, chỉ muốn sống với hiện tại, mình sẽ làm lại từ đầu ở một phương trời xa lạ, nơi đó chúng mình sẽ dựng lại một đời sống mới.

Nàng chợt giật mình, cắt ngang những lời ngọt ngào của Don:

— Mình đang ở đâu đây?

— Sắp đến Hồng Kông.

Thế là hết, nàng đã lìa xa nơi chôn nhau cắt rốn, giã từ đất mẹ với ngút ngàn nhớ thương! Những giọt nước mắt lăn dài xuống má, nàng muốn la thật lớn: “Không, tôi muốn trở lại quê hương tôi. Vũng Tàu với biển xanh nắng ấm, Sài Gòn với phố xá thân thương, Nha Trang với dừa xanh, cát trắng, Đà Lạt với gió lạnh cao nguyên, Đà Nẵng với Non Nước, Hải Vân Sơn. Huế, cố đô với đền đài lăng tẩm, hồn thiêng sông núi… Những thành phố thân thương mà tôi đã sống, đã yêu thương như tình yêu của mẹ cho tôi. Thôi rồi! Tôi đã mất hết: mẹ tôi, anh em tôi, bà con tôi, người yêu tôi, xóm làng tôi… Người yêu tôi, Tân, đang ở trong vùng lửa đạn, một mất một còn với quê hương, sống chết trong đường tơ kẽ tóc. Thế mà tôi đã bỏ chàng ra đi! Tại sao tôi phải theo người mà tôi không yêu? Tân sẽ đau khổ biết chừng nào nếu chàng biết tôi đã ra đi, tham sống, sợ chết, để mặc chàng chiến đấu trong cô đơn, thoi thóp của những ngày sau cùng. Một cuộc chiến mà anh em Tân, bạn bè Tân không được quyền thắng, phi lý, phi lý!”

Đưa mắt nhìn Don, nàng nghẹn ngào:

— Em không thể trở về với anh được. Em đã nói với anh nhiều lần rồi, xác thân em đây nhưng hồn đã rời khỏi em! Tình yêu đã chết và tại sao em phải ra đi theo anh?

Don tha thiết:

— Vì anh vẫn yêu em, tình yêu đó đã được chứng minh qua sự đợi chờ của anh trong suốt thời gian qua.

Nàng nói như van xin:

— Hãy để em trở lại quê hương em?

Don quả quyết:

— Nơi đó rồi sẽ trở thành một xứ Cộng Sản và mình sẽ không còn đất dung thân.

Nàng thở dài, nước mắt tiếp tục lăn dài trên đôi má trắng hồng. Lấy khăn tay lau nước mắt cho nàng, Don an ủi và chia xẻ những nỗi xót xa của một người phải rời bỏ quê hương trong buồn đau.

Tháng trước mất Ban Mê Thuột, mất Huế, Đà Nẵng, Pleiku, Qui Nhơn, Nha Trang rồi Đà Lạt, Phan Rang, Phan Thiết, giờ chỉ còn thủ đô Sài Gòn đang chờ chết một cách tức tưởi. Những ngày vừa qua, Sài Gòn thật khó thở, dân tản cư kéo về từ miền Trung lên tới mấy triệu người, sống chen chúc đầu đường xó chợ. Nàng đã nghe đầy tai những đớn đau chia lìa: nào cha mất con, nào vợ mất chồng, nào con mất mẹ, gào thét, điên cuồng ở những nơi công cộng, công viên, sân trường. Nghe đứt ruột, xe gan! Ở đâu cũng nghẹt người, người người hơ hãi tìm nhau trong lo âu căng thẳng, một sự rối loạn khủng khiếp sẽ phải xảy ra!

Nàng còn nhớ rõ cách đây hai hôm khi xuống chợ Bến Thành, nàng đã gặp một bé gái khoảng chừng mười một, mười hai tuổi, một tay bồng bé gái chưa đầy một tuổi, tay dắt một bé trai lên ba đứng ở góc đường khóc sướt mướt. Động lòng, nàng đến hỏi thì mới biết là cha của bé đi trận mãi ngoài Trung, mất tích, mẹ chết hôm qua vì tai nạn.

Dúi vào tay đứa bé hai tờ giấy 500 đồng, an ủi vỗ về: “Cầm đi em! Mua sữa, mua thức ăn! Nín đi em! Rán lên!”

Khi từ giã ba đứa bé lạc lõng, bơ vơ, nàng cảm thấy quặn thắt ở đáy tâm hồn. Nghe đâu còn nhiều hoàn cảnh bi đát hơn ở các trung tâm tạm cư…

Máy bay dường như đang từ từ xuống ở một độ thấp, lại có tiếng xè xè, có lẽ là tiếng hạ bánh xe từ bụng phi cơ. Nàng giật mình ôm chầm lấy hai đứa con đang ở bên cạnh, đầu óc rối loạn, người như đang lên cơn sốt. Nàng hỏi một cách cộc lốc:

— Mấy giờ rồi?

— Mười một giờ Hồng Kông.

Don đưa tay chỉ vào cửa kiếng:

— Em thấy không? Vùng ánh sáng đằng kia là Hồng Kông.

Vùng ánh sáng càng lúc càng rõ dần, thứ ánh sáng hoa đăng ấy đã làm nàng chói mắt. Những cao ốc, building chi chít như những hộp đồ chơi sắp ngay ngắn. Tiếng nói nghẹt mũi của viên phi công vọng ra từ buồng lái đã làm mọi người chú ý:

— Bây giờ là 11:05 phút p.m. Chào mừng quí khách đến Hồng Kông, trời trong, 78 độ F. Chúc quí vị ngủ ngon sau chuyến bay an toàn.

Nàng thì thầm: “Thế là hết, mình sẽ phải theo Don về quê hương của hắn. Nơi đó, con người giống tôi nhưng tâm hồn họ có giống tôi không? Chắc chắn là không. Tôi vẫn hãnh diện là người Việt Nam, nước Việt yêu dấu ngàn đời của tôi, nơi mẹ tôi đã cho tôi ra đời. Dù mắt tôi là màu nâu nhạt, tóc tôi cũng màu ấy, nhưng tâm hồn tôi, tư tưởng tôi không phải màu ấy. Tôi đã sinh ra và lớn lên trên mảnh đất quê hương ly loạn, nhưng nó đã nuôi dưỡng tôi trưởng thành, đã gắn liền tôi với sông núi ruộng đồng … khổ đau chồng chất theo năm tháng đã làm tôi chín mùi so với tuổi đời còn non dại. Tôi đã lỡ bước, bỏ lại những người thân thương nhất đời …”

Trọn đêm, nàng đã không chợp mắt, hình ảnh của những người thân yêu, bạn bè, lối xóm cứ chập chờn trước mắt nàng. Ngoài kia mặt trời đã lên cao, nắng mai nhẹ nhàng chiếu nghiêng nghiêng vào phòng.

Nàng vùng dậy, kéo tấm màn cửa sổ, bên kia đường là phố xá tấp nập, người với người. Buồn quá, nàng quay lại quăng mình xuống giường, khóc. Bên kia Don đang ngon giấc với hai đứa con. Nàng có cảm tưởng như đang sống trong một giấc mơ, bối rối, chập chờn, tâm tư hỗn loạn như một người đang đánh mất ngày tháng. Don cựa mình đưa mắt nhìn nàng:

— Em ngủ ngon?

— Không ngủ được!

Don an ủi:

— Anh biết em nhớ mẹ…nhớ…

— Ừ!

— Anh cũng nhớ quá!

Nàng mỉa mai:

— Cho nên ngủ ngon?

Don ngáp dài chống chế:

— Đêm qua mệt quá!

Cristal và Alice đã thức dậy, chúng bắt đầu trò chuyện líu lo, vui mừng nhìn xuống thành phố đông người.

Mười năm rồi cũng qua mau. Những ngày trên đất lạ là những chuỗi ngày dài và buồn thảm nhất trong cuộc đời còn lại của nàng. Sống bên Don là vì con, nhưng nàng vẫn cảm thấy cô đơn, ray rứt như đang thiếu mất một cái gì quí báu mà có lẽ nàng sẽ không bao giờ tìm lại được nữa. Nhiều lúc nàng cảm thấy giận mình, giận đời. Tại sao phải sống mãi trong ký ức? Một quá khứ đã dẫy chết từ hơn mười năm qua. Tại sao nàng lại không thể hội nhập với nơi chốn, với xã hội, với hoàn cảnh mà nàng đang sống? Lắm lúc nàng cảm thấy mâu thuẫn từ chính trong tâm hồn mình.

Thì ra, quê mẹ với bà con lối xóm, với tất cả những gì đã tạo nên con người nàng, cái ràng buộc vô hình với mảnh đất quê hương mãnh liệt đến thế sao! Rồi cuộc tình giữa nàng và Tân, một cuộc tình đầy khổ đau, ngang trái sao mà vĩ đại đến thế. Quá khứ là một cuốn phim dài không bao giờ có đoạn cuối, nó đã hành hạ và đày đọa nàng như một người tù khổ sai.

Thế rồi gặp lại Tân trên đất người lưu lạc, nàng đã không cầm được nước mắt. Những kỷ niệm của cuộc tình dang dở lại sống dậy như một cơn lốc xoáy. Nàng muốn quên tất cả, quên hiện tại để được sống với quá khứ, sống với những ngày thật thơ mộng bên nhau, sống với kỷ niệm và sống với quê hương của mười mấy năm trước: hẹn họ, chờ đợi, yêu đương và biệt ly…

Đối với Tân, chàng vẫn không tìm ra một đổi thay nào cả cho dù thời gian đã làm nàng già dặn hơn:

— Anh nghĩ rằng mình không thể xa nhau nữa. Định mệnh đã sắp đặt cho chúng ta như thế.

Nàng rung động, sung sướng nép vào lòng Tân để nghe thật rõ những lời tình tự mà suốt thời gian qua nàng vẫn mong đợi, vẫn ao ước được nghe những lời yêu thương chân thật bằng ngôn ngữ mẹ. Nàng muốn la lên:

“Nói đi anh! Nói cho ngây ngất!”

“Nói đi anh! Nói để bù lại những gì em đã hụt hẫng trong suốt thời gian qua.”

Tiếng chàng nghe như một âm thanh kỳ ảo, cuốn hút đến run người. Thật sự chính lúc này là lúc mà nàng muốn quên phứt tất cả để được sống với hiện tại. Nhưng rồi từng cơn cay đắng, xót xa cũng đang dâng ngập tâm hồn nàng, bởi hoàn cảnh trái ngang vẫn vây hãm cuộc tình. Làm sao để được sống trọn vẹn bên nhau cho đến cuối đời! Làm sao để những ngày sống trên quê hương này hết thừa thải! Nàng nói với Tân:

— Anh và em đã thành hai tượng đá, xin để chúng nằm yên chịu đựng với thời gian, không gian. Khổ đau, dằn vật rồi cũng sẽ qua. Chúng ta cũng đừng nên ích kỷ để rồi tìm kiếm giải pháp. Em thiết nghĩ giải pháp nào cũng tối tăm và đau khổ cả. Thôi thì chúng ta nên hy sinh tình yêu của mình cho những người liên hệ để họ được an vui.

Tân nhìn nàng như muốn nói chính chàng cũng cùng có chung một một ý nghĩ, một lối giải quyết hợp tình. Nhưng làm sao quên được khi nàng đã đến, đã làm chấn động mặt nước hồ mà từ lâu cơn gió nhẹ không đủ sức làm dậy sóng lăn tăn. Giờ thì cơn lốc đã tới, sóng triều đã lớn, vỗ vào bờ, kéo theo vùng đất cát, ngập lụt vùng đất khô cằn …

Nàng đặt tay vào vai Tân:

— Hồi nhỏ, em có nhờ thầy tướng số chấm Tử Vi, và đã biết là đường tình duyên trắc trở, khổ đau suốt đời. Bởi em là một loài hoa dại mọc ở bìa rừng thật cô đơn, buồn tủi.

— Phải không, anh không tin!

Nàng thở dài rồi tiếp:

— Với anh, bây giờ là một người chồng, người cha gương mẫu. Dù gì đi nữa thì anh cũng phải sống cho những người chung quanh, cho xã hội và cho danh dự của anh. Bởi vậy, em cũng phải thế, dù không tìm được một tình yêu bên người mà em chung sống. Biết rất khó ổn, nhưng em sẽ cố gắng đi hết đoạn đường còn lại, cuối cuộc đời rồi! Còn gì đâu anh!

Nàng đã khóc!

Ngoài kia nắng chiều đã tắt. Từng bầy chim bồ câu đang đùa giỡn trên sân gạch, dường như đang sửa soạn rủ nhau về chuồng. Bên kia đường là Café Dumon, hai người bước vào quán, ngồi ở một góc để nhìn người qua lại bên hè phố.

Đêm ở một quán trọ gần bờ biển thật buồn. Tân và nàng ngồi trên một mõm đá yên lặng nhìn trăng lên, ánh sáng lờ mờ yếu ớt nhưng cũng có thể nhìn thấy những con sóng rào rạt thi nhau vỗ vào bờ. Nàng thòng đôi chân xuống nước và nói với Tân:

— Anh thử bỏ chân xuống đi, nước mát lạnh như nước đá.

Tân lại đưa nàng về quê nhà với kỷ niệm của những ngày bên nhau:

— Em có cảm tưởng là mình đang ở bãi biển Nha Trang không?

— Ừ, Nha Trang còn đẹp hơn ở đây nhiều, bởi ở đó là quê hương… là tất cả…

— Em biết không? Đất không nối liền với nhau bởi nó bị biển ngăn cách, nhưng nước thì nối liền thành một khối. Em bỏ chân xuống nước bên này bờ đại dương thì cũng có nghĩa là em đang bỏ chân ở bên kia Thái Bình Dương. Hãy nhắm mắt lại! Em sẽ cảm thấy mình đang ở quê nhà.

Nàng reo lên:

— Một lý luận, một ý tưởng hay. Đúng, em đang ở quê nhà đây. Nhưng quê nhà bây giờ là địa ngục trần gian, là cái thiên đường quái đản mà người dân phải nhận chịu.

Tân thở dài: “Rồi một ngày nào đó Cộng sản cũng sẽ biến mất theo dòng lịch sử.”


Những ngày ở bãi biển Mississippi thật ngắn ngủi, nhưng có lẽ họ đã tìm thấy thật sự hạnh phúc bên nhau. Cái hạnh phúc tuyệt vời của lý trí mà trong đó sự hy sinh cho tha nhân đã là lý do chính đáng. Biệt ly và không hẹn ngày tái ngộ, nhưng chắc chắn họ vẫn hiện hữu bên nhau trong mỗi tâm hồn. Cái hiện hữu ấy mới đáng quí, mới đáng được gọi là tình yêu chân thật.

Buổi chiều thật buồn, con đường dẫn tới Phi Trường New Orleans dường như ngắn lại, bởi Tân không muốn xa nàng. Chàng muốn thời gian chậm lại và chuyến bay đưa nàng ra đi sẽ vì một lý do nào đó bị hủy bỏ. Nhưng không, biệt ly vẫn phải biệt ly. Chàng muốn chết cứng khi nhìn người yêu bước lên phi cơ. Chiếc phản lực tiến ra phi đạo, gầm gừ mấy tiếng rồi cất cánh. Trên đó, nàng vói cổ nhìn xuống, rơi nước mắt!

Tân lững thững rời khỏi phi trường như một người mất trí. Ra đến bãi đậu xe mà chàng vẫn ngẩn ngơ. Những động tác: lấy chìa khóa, mở cửa xe, cho xe nổ máy và chạy đã không còn là chuyện bình thường nữa.

Em đến rồi đi tựa áng mây

Không mang theo gió, không đong đầy

Không mang bão tuyết, không nắng cháy

Mà lòng anh đã thấy ngất say.

Em đến rồi em sẽ phải đi

Để lại nơi đây được những gì

Nhớ người ngàn dặm xa xôi ấy

Như chàng họ Phạm nhớ Tây Thi!