main billboard

mo y pha nho

Biển Tiên sa nhìn lên núi Hải Vân – Hình chụp năm 2019

1.

Nhiều năm trước, lần đầu tiên đến Đà Nẵng, tôi cùng người bạn đồng nghiệp thuê một chiếc xe Honda khám phá thành phố. Bạn tôi dù đã có 5 năm học ở đây, nhưng chị vẫn khá bỡ ngỡ khi nhiều năm rồi mới ra lại Đà Nẵng vì sự thay đổi của thành phố này. Chúng tôi qua bán đảo Sơn Trà đi về hướng cảng Tiên Sa. Con đường khi ấy chưa được mở rộng, chật chội bởi các xe chở hàng xoay trở ngược xuôi vào ra cảng.

Chị bạn bảo: “Ở đây có một di tích khá thú vị, nhưng lên hơi khó phải qua từ trạm kiểm soát. Mình đã đến một lần, cây cối um tùm rậm rạp khó đi lắm”. Và tôi được biết đó là nghĩa địa chôn những binh lính Pháp và Tây Ban Nha tử nạn trong các trận đánh vào Đà Nẵng những năm 1858 – 1860. Người Pháp gọi nơi này là OSSUAIRE (đồi Hài Cốt), người dân địa phương gọi nơi này là mả Tây Ban Nha hay Y Pha Nho. Trước kia vì nằm trong khu quân sự, lại ở khuất trên cao, cỏ hoang rậm rạp, dây thép gai chằng chịt nên ít người biết. Đây là một di tích đặc biệt của Đà Nẵng.

Mãi đến năm 2004, tôi có dịp đi trên con đường dẫn xuống cảng Tiên Sa lúc này đã mở rộng gấp 3 lần đường cũ, những gì khuất bên trong giờ lộ ra ngoài. Hai bên đường, một bên là biển, một bên là vách đá ôm chân núi, phía trên cỏ vetiver lên cao xanh um. Tất cả được làm mới!

 mo y pha nho1

Đồi Hài Cốt, hình chụp năm 2023

Và vô tình, từ dưới đường ngay ngã ba rẽ xuống bãi tắm Tiên Sa tôi ngước nhìn lên gò đất cao thấy thấp thoáng 1 cây Thánh giá màu trắng ẩn hiện trong những tán lá. Linh tính mách bảo cho tôi rằng đây là di tích mà chị bạn đã nói năm nào.

Chỉ vài bước chân tôi đã thấy bức tường đá thấp, có một ngôi nhà nguyện nhỏ nhô lên. Trên cây Thánh giá của ngôi nhà nguyện có khắc chữ “SPES UNICA”, bên dưới có những dòng chữ La-tinh uốn lượn theo hoa văn hình vòm và cuối cùng phía trên đường viền của cửa chính có chạm nổi chữ “OSSUAIRE”, như tên gọi của di tích có nghĩa là: Đồi hài cốt – nhiều lớp hài cốt chồng lên nhau. Xung quanh nhà nguyện là những ngôi mộ xây bằng xi măng thật đơn sơ.

Bước qua cổng sắt nhỏ cao khoảng 5 tấc, đến cổng sắt nhỏ của nhà nguyện giống hệt cổng bên ngoài. Ngôi nhà nguyện nhỏ, bên trong chỉ có một bàn thờ theo nghi thức Công giáo, phía trên có dòng chữ La – tinh được khắc theo hình vòm đối xứng, cân đối với bàn thờ. Trên bức tường bên trái có một bảng đá khắc những dòng chữ tiếng Pháp: “A la mémoire des combattants Francais et Espagnols de l’Expédition Rigault de Genouilly. Mort en 1858 – 59 – 60 et ensevelissement en lieux”. Tạm dịch: “Để tưởng niệm những chiến binh Pháp và Tây Ban Nha của cuộc viễn chinh Rigault de Genuoilly. Chết những năm 1858 – 59 – 60 và được an táng ở đây”.mo y pha nho2

 

                                     Nhà nguyện – Hình chụp năm 2019

Bảng đá bên phải cho biết đài tưởng niệm được thuyền trưởng Treille và các nghệ nhân xây dựng vào năm 1898 và tên của Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer đứng đầu danh sách những người đồng lập.

Có tài liệu nói rằng nhà nguyện này là mộ chung của nhiều binh lính mà người ta đã khai quật và tập trung về đây. Tường và trần nhà nguyện đã có những vết nứt khá lớn, in đậm dấu thời gian dù đã có bàn tay người tu sửa, quét vôi. Hai bên hông có hai cửa sổ có chấn song sắt nhìn ra bên ngoài. Hai ô cửa sổ này đã làm cho bên trong ngôi nhà nguyện sáng sủa, thông thoáng.

Xung quanh nhà nguyện là 32 ngôi mộ bằng xi măng nằm ngang dọc, khó đoán thứ tự sắp xếp theo thời gian chôn cất hay chức vị của người nằm bên dưới. Có những tấm bia rất lớn so với mộ, nhưng cũng có những tấm bia nhỏ. Tò mò tôi đọc những dòng chữ ghi trên những tấm bia, những người chết từ năm 1858 – 1860.

 mo y pha nho3

Bàn thờ trong nhà nguyện – Hình chụp năm 2023

Tôi đứng ở một góc đồi hài cốt và nhìn bao quát chung quanh. Đây không phải là một nghĩa trang bình thường. Trong không gian thật êm ả của buổi chiều tôi chợt thấy mình như một kẻ nhàn rỗi đi tìm dấu xưa để hoài cổ. Những gì thuộc về quá khứ đã vĩnh viễn nằm sâu dưới lòng đất, hiện tại không mang dáng vẻ u ám của một nghĩa trang mà ngược lại như gợi sự tò mò nhiều hơn. Màu vôi trắng còn mới của ngôi nhà nguyện lấp lóa trong nắng chiều, cỏ được xén tỉa, những vạt hoa vàng rỡ tươi. Sự yên tĩnh khác thường bởi chỉ vài bước chân thôi, bên dưới kia là một cảng biển xe cộ ồn ã hoạt động không ngơi nghỉ, và phía thật xa bên trong là một thành phố đang thay da đổi thịt từng giờ.

Trên đường về, người xe ôm nói với tôi: “Hàng năm vào ngày 25 tháng 12, những người khách phương Tây lại đến. Họ đi đông lắm, thăm và cầu nguyện cho những người nằm bên dưới”. Tất cả mọi điều đã đến và đã đi cho dù là rất ồn ào hay lặng lẽ, chỉ có mặt đất là bình thản, vững chãi và bao dung. Trên bán đảo này, người ta đã đến và cầu nguyện vì sự hòa bình; chắc chắn họ sẽ cám ơn vùng đất đã giữ gìn cho họ một nơi chốn tìm về.

Lần thứ hai tôi trở lại nơi này vào tháng 7 năm 2008. Thêm một câu chuyện vui. Hôm đó tôi lần theo một cây Thánh Giá nhô cao trên bầu trời, cách đồi Hài Cốt một đoạn ngắn. Con đường đất hẹp dẫn vào một nhà thờ nhỏ nằm trên đồi. Từ đây có thể nhìn xuống biển Tiên Sa. Có những tảng đá thật lớn trên đồi như những vùng biển tôi đã từng đi qua nhưng vẻ hoang vắng của nhà thờ khiến nó thêm phần bí ẩn, gợi sự tò mò. Tôi đi lần vào bên trong nhà thờ từ một vòm cửa nhỏ. Tôi chưa kịp chụp tấm hình nào thì một giọng nói (xứ Nghệ) “ồm ồm” từ phía sau vang lên nghe thật to: “Chị tìm cái chi ở đây?”. Lần đầu tiên trong đời tôi biết thế nào là nỗi sợ, “hết hồn”, “đứng tim”… Lúc vào đây tôi đã quan sát rất kỹ, chỉ có mình tôi trên ngọn đồi thấp này. Ai ở đâu mà bất thình lình hiện ra? May quá, là người trực trông coi khu vực này mà không phải là … ma!

Năm 2019, một dịp xuống chơi ở biển Tiên Sa, tiện đường tôi có ghé lại đồi Hài Cốt. Cũng nhìn chung quanh, chụp vài tấm hình rồi rời đi. Quen thuộc quá nên không suy nghĩ gì!

 mo y pha nho4

Tấm bảng bên phải trong nhà nguyện – Hình chụp năm 2023

2.

Tháng 9 vừa rồi trở lại Đà Nẵng. Hôm đó, xong việc bên Sơn Trà, tôi bắt Grab về khách sạn, bỗng dưng muốn ghé qua đồi Hài Cốt. Anh tài xế hơi bị bất ngờ với địa danh tôi vừa nói. Anh ta lắc đầu không biết đó là đâu và hỏi đi hỏi lại tôi có nhầm một nơi nào khác không. Tôi trả lời: “Anh chở tôi đi, tôi chỉ đường cho”.

Vẫn cảnh cũ, chiếc cổng sắt nhỏ sơn xanh, những nấm mộ xưa không theo thứ tự, màu tường vôi trắng ngả vàng… Và có vẻ người ta đã dần quên lãng, chẳng ai chú ý khi cỏ mọc cao và chung quanh rác khá nhiều dù đã có tấm bảng “Khu vực tâm linh. Yêu cầu giữ gìn vệ sinh chung”.

Dòng chảy bên dưới vẫn nhộn nhịp xe ra vào, hàng hóa lên xuống.

 mo y pha nho5

Tấm bảng bên phải trong nhà nguyện – Hình chụp năm 2023

Tôi đi bộ lên đồi nhà thờ nhưng lần này, một barrie chắn ngang và người đứng gác bảo với tôi rằng, không phận sự miễn vào. Bất giác, tôi nhớ lại cái lần “hết hồn” ở nơi đây.

Tôi quay xuống. Những người xe ôm vẻ uể oải nằm, ngồi trên xe máy chờ khách. Những chiếc taxi đưa khách đến khu vui chơi ở biển Tiên Sa, chắc không ai chú ý một chốn không buồn, không vui gọi là đồi Hài Cốt này.

Có ai như tôi đã đến đây những 4 lần và giữ lại đầy đủ hình ảnh không?

 mo y pha nho6

Nhà thờ bỏ hoang – Hình chụp năm 2019

ĐTTT