Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Lễ Giỗ Nguyễn Trung Trực lần thứ 146 tại Kiên Giang


KIÊN GIANG, Việt Nam (NV) - Hàng năm, vào những ngày 26, 27 và 28 Tháng Tám Âm Lịch, người dân khắp nơi tề tựu về đình thờ anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực tại thành phố biển Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang, để tham dự lễ hội truyền thống kỷ niệm ngày giỗ lần thứ 146 của ông, được tổ chức rất trang trọng, tôn kính, của toàn dân Kiên Giang nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung.

legio nguyenttruc 1Bàn thờ thần Nguyễn Trung Trực tại chánh điện trong đình. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Theo Ban Bảo Vệ Di Tích Lịch Sử Văn Hóa Ðình Thờ Nguyễn Trung Trực, ban tổ chức đã vận động các tổ chức xã hội và mạnh thường quân đóng góp ẩm thực gồm 100 tấn gạo, 10 tấn đậu nành, 400 tấn thực phẩm, 900 mét khối củi, 400 bao trấu, khoảng 4,500 tình nguyện viên để phục vụ khoảng 4,000 bàn ăn cho khách mời tại địa phương và từ những tỉnh thành khác đến tham dự.

Ngoài ra, ban tổ chức còn chuẩn bị trên 1 triệu phần ăn cho những người phương xa đến tham dự, tất cả đều hoàn toàn miễn phí trong suốt ba ngày lễ hội.

Tuy lễ hội được kéo dài trong ba ngày, nhưng hàng ngàn người đã đến trước đó khoảng một tuần lễ, phần đông là những cư dân thuộc các tỉnh thành của đồng bằng sông Cửu Long.

Có khoảng trên 300 gian về tham dự hội chợ phiên từ các tỉnh thành khác về đây bày biện hàng hóa trước đó một tuần lễ và sẽ kéo dài cho đến gần một tháng mới chấm dứt.

Do lượng khách đến tham quan lễ hội khá đông và sớm hơn hàng năm, các trại cơm miễn phí xung quanh đình cũng được dựng lên từ ngày 13 Tháng Chín nhằm ngày 20 Tháng Tám Âm Lịch.

legio nguyenttruc dinhthanÐình thần Nguyễn Trung Trực tại Rạch Giá trong ngày lễ hội. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Hội Hồng Thập Tự thành phố Rạch Giá cũng túc trực xung quanh đình thần Nguyễn Trung Trực để phát thuốc miễn phí cho bà con đến dự lễ hội.

Lễ hội mang tính cách cộng đồng từ lòng tôn kính vị thần của đất Kiên Giang. Những người đến tình nguyện giúp cho ban tổ chức cũng như đến tham dự lễ hội không phân biệt giàu, nghèo, địa vị xã hội. Họ làm những công việc như rửa rau, nấu cơm, làm thức ăn, làm vệ sinh, phục vụ trà nước, bảo vệ...

Khách đến thăm viếng, sau khi đi chiêm bái, còn được thết đãi ăn, uống miễn phí. Nhiều người không đủ phương tiện chỗ nghỉ ngơi thì có những lều võng miễn phí để tạm dừng chân qua đêm. Tất cả những dịch vụ này có được là do hàng ngàn tấm lòng hảo tâm của các mạnh thường quân khắp nơi đóng công đức để cho những ngày lễ hội được hoàn hảo.

Khoảng trước ngày mở hội một tuần, người dân khắp nơi tự nguyện tề tựu về đình làm những việc công quả. Người ta đến đây như trở về chung một mái ấm gia đình để cùng làm đám giỗ tổ tiên hay của ông bà mình nên họ rất có nhiều sự gắn bó và vui vẻ, không câu nệ việc làm, dù có cực nhọc đến đâu. Có những người cũng vừa đóng góp công sức vừa đóng góp hiện kim, người có nhiều thì góp nhiều, người có ít thì góp ít. Tất cả chung sức tạo nên lễ giỗ rất đặc biệt mà ít có nơi nào thực hiện được.

Theo ban tổ chức cho biết, sau khi lễ hội hoàn tất, những đồ vật được bá tánh cúng hỉ, ban quản trị đình thần sẽ dùng vào việc cứu tế dân nghèo, viện dưỡng lão và bếp ăn từ thiện của bệnh viện Rạch Giá.

legio nguyenttruc moPhần mộ của cụ Nguyễn Trung Trực trong khuôn viên đình thần tại Rạch Giá. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Lễ Hội Kỷ Niệm 146 Năm Ngày Mất Anh Hùng Dân Tộc Nguyễn Trung Trực năm nay được tổ chức vào ba ngày 19, 20 và 21 Tháng Chín Dương Lịch, rơi vào những ngày cuối tuần, nên dân chúng cũng có thời gian rảnh rỗi để đi dự lễ hội.

Phần lễ khai mạc sẽ diễn ra tại công viên Bãi Dương-Lạc Hồng. Phần hội với các hoạt động hội chợ công thương vùng kinh tế trọng điểm khu vực đồng bằng sông Cửu Long, từ ngày 17 đến ngày 22 Tháng Chín, hoạt động chợ phiên và gian hàng ẩm thực, không gian đờn ca tài tử Nam Bộ và chương trình văn nghệ của các đoàn nghệ thuật quần chúng, liên hoan Lân Sư Rồng các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, thi cộ hoa, trò chơi dân gian, thi đấu cờ tướng, trình diễn thư pháp, biểu diễn võ thuật...

Ðặc biệt trong năm nay, lễ thỉnh sắc thần và dâng hương được kết hợp với việc trải chiếu hoa rước sắc thần vào bàn hương án. Ngoài ra, do đờn ca tài tử đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, nên lễ giỗ cụ Nguyễn Trung Trực năm nay có chương trình này, với sự tham dự của ít nhất 15 câu lạc bộ đến từ 15 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.

Ðược biết, các chi tộc con cháu cụ Nguyễn Trung Trực ở Long An, Cái Bè, đều giỗ vào ngày 12 Tháng Chín Âm Lịch. Hầu hết các đình, đền thờ cụ Nguyễn Trung Trực cũng đều làm lễ giỗ, kỷ niệm theo ngày này.

Switch mode views: