Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Dừa Bến Tre

dua bentre
Dừa Bến Tre bán dạo tại Sài Gòn. (Hình: Duy Thức)

Dừa Tam Quan ở Bình Định rất nổi tiếng nhưng miền Trung không cần xuống phương Nam để cạnh tranh. Dừa sáp Trà Vinh quá ít đến nỗi còn không đủ để bán ngay địa phương. Nhiều nhất là dừa miền Tây, trong đó dừa xiêm Bến Tre trồng như rừng quanh tỉnh.

Ở Sài Gòn, chắc chắn ngôi chợ to nhỏ nào cũng có sạp dừa khô chuyên bán dừa nạo và trên khắp đường phố, bao giờ cũng có những xe chuyên bán dừa xiêm uống nước đẩy rong khắp nơi.

Thoạt tiên là những xe ba gác nhỏ đẩy tay hay đạp chầm chậm. Nhưng nay, phần nhiều người ta ràng một chiếc sọt sau xe gắn máy để chạy xa hơn, đi lâu hơn và có thể len vào tận các con hẻm nhỏ bình dân.

Hiện giờ đã cuối năm, sáng sớm, Sài Gòn bắt đầu có gió Đông Bắc mát dịu nhưng chiều đến, vẫn còn những cơn mưa rớt cuối mùa. Trận mưa rào làm vơi bớt cái nóng cằn khô cả da thịt từ trưa. Thời tiết thay thế bằng cái ẩm ướt, nhờ thế mà bớt bức bối. Đôi khi cơn mưa giông lốc xoáy qua nhanh đe dọa làm gẫy cây, gục cành khiến xe cộ sợ hãi.

Những lúc như thế, hàng hiên và trong các ngáng hẹp, người ta thấy xuất hiện nhiều loại xe rong tạt vào tránh lốc. Xe rau quả như hành tỏi và cả dưa hấu, đậu bắp, bí rợ bán chung với hành, hẹ, củ sắn... Đôi khi cả ổi xá lị và cá nục hấp trong giỏ cũng đi cùng với nhau. Ở các chợ bày bán món gì, hàng rong đủ cả không thiếu món đó. Từ cà tím, cà chua, hành tím, khoai tây, khoai sọ... các loại xe ba gác máy, xe đạp, gánh rong đều chở đủ. Cả chuối già, chuối sứ, chuối tiêu... mít Thái, mây Cambodia...

Đảo vòng nhiều nhất suốt ngày chính là xe bán dừa, thức uống quen thuộc của người miền Nam. Nước dừa vốn tính mát. Lại thêm ngày nay người ta sợ nước ngọt, các loại giải khát ngoài đường có trời mới biết trong đó pha chế thứ gì, trong khi dừa bổ quả, dốc nước ra ngay trước mắt hoàn toàn vệ sinh sạch sẽ.

Lâu nay tôi chú ý tìm một loại dừa không có nước, chỉ có cái dừa thơm ngon mát cả miệng mà lâu ngày quên mất tên. Cũng như Mỹ Tho trồng một loại chuối chín ăn rất dẻo, rất thơm mà mãi gần đây tôi mới nhớ là chuối Nàng Tiên.

Chiếc xe nổ máy chầm chậm trờ tới rồi ngừng lại. Anh bán dừa đứng trú mưa ngay dưới mái hiên trước nhà. Cùng lúc anh ta rao lớn:

- Dừa rẻ đây, năm ngàn một trái.

Thật vừa đúng lúc tôi muốn mua mấy trái vì quá khát nước. Trong chiếc sọt đan thép mắt lớn ràng chắc chắn sau xe gắn máy chất đầy dừa. Trước yên xe rách tươm là một giỏ nhựa to, rồi bao, rồi bọc... Có đến gần trăm trái chứ chẳng ít. Tất cả đều vạc mỏng sẵn trên đầu trái. Khi muốn ăn, chỉ cần dùng dao gõ nhẹ là ụp nước ra ngay. Xe ba gác rộng rãi nên mới có chỗ đựng vỏ dừa chứ xe gắn máy thường phải bán dừa gọt sẵn. Khi có khách mua mới vạc thì biết ném đống rác vỏ đi đâu. Tuy nhiên dừa gọt một lúc để gió thường thâm màu mà đống dừa bày hàng này vẫn trắng tinh thì ngàn phần trăm đã ngâm qua hóa chất! Tôi hỏi:

- Dừa ngày thường rao đã tám ngàn một trái mà tại sao anh bán có năm ngàn. Chẳng lẽ là dừa... Trung Quốc?

Đùa thôi vì lê, nho, táo, lựu... có mặt khắp nơi là hàng Trung Quốc thật nhưng xứ ôn đới đó không trồng được dừa tới mức tràn xuống cạnh tranh với thị trường nhiệt đới phương Nam được.

Anh bán dừa tỏ vẻ phật ý:

- Một phần trời mưa mát mẻ nên dừa hạ giá so với lúc mùa khô nắng nóng, người ta khát nước mua dừa nhiều nên một trái bán mười ngàn, thậm chí mười hai, mười ba ngàn. Phần khác tôi lấy dừa thẳng từ Bến Tre thay vì mua sỉ tại Sài Gòn.

Đúng là Sài Gòn có nhiều vựa dừa thường đóng ở các cảng nhỏ bờ sông, nơi ghe thuyền theo sông rạch chở hoa quả hàng hóa ngược xuôi từ tỉnh lên thành phố và ngược lại. Dừa bán rong và sạp ngoài chợ thường lấy mối từ đấy, từ cảng nào gần nhất, chứ hầu như không có xe tải chở lên, mà từ lâu bị coi là đội giá thành do xăng dầu chuyên chở cao hơn ghe thuyền.

Anh ta nhăn nhó:

- Thời buổi hàng giả nhiều quá nên ngay cả bán rẻ cũng bị nghi ngờ.

Tại nhiều hàng bị làm giả. Cam miền Bắc, khoai tây Lâm Đồng... bị hàng Trung Quốc đóng giả chứ dừa miền Nam trồng mênh mông, dư thừa cung cấp thị trường nên riêng loại trái cây này vẫn thuần túy Việt Nam.

Anh ta giải thích rành mạch:

- Tôi có một vườn dừa nhỏ bên ngoại cho, để vợ con ở nhà chăm sóc. Cứ hai ngày tôi chở dừa từ quê lên thành phố, bán hết lại quay về lấy hàng. Chủ yếu lấy công làm lời. Nếu hút hàng thì gia đình tôi sẽ gom dừa thêm quanh đấy. Vì quen biết với nhau cả nên hàng xóm ưu tiên để lại cho tôi bán lẻ. Nhờ thế mà bao giờ giá cũng rẻ hơn người khác vì không qua trung gian.

Đúng là mấy năm gần đây, buôn bán khó khăn nên một số nhà vườn tự chở hoa quả của mình lên thành phố trực tiếp bán lẻ. Bởi vậy ở những con đường vắng hoặc gần khu trường học, công sở... đông khách vãng lai, người ta hay thấy các xe tải nhỏ dừng bên vệ đường. Họ cũng chẳng cần tìm chỗ vắng đổ hàng xuống mà chỉ mở rộng cửa sau để mọi người nhìn thấy thùng xe đầy ắp trái cây. Khách thường thích mua bán ở những nơi hàng hóa bày ra phong phú hơn là loe hoe. Một số người khác lại đổ xuống nhiều cần xé trái cây ở đầu hay cuối các ngôi chợ. Dĩ nhiên loại bán hàng lưu động này dễ dàng câu khách vì buôn tận gốc bán tận ngọn.

Trời tạnh mưa, vài người đi ngang dừng lại. Biết xe dừa bán rẻ nên mọi người xúm lại, người hai trái, người mua ba bốn trái... Có người mua một lúc sáu trái bỏ tủ lạnh ăn từ từ. Một phụ nữ cầm lên bỏ xuống chọn lựa một hồi rồi nhận xét:

- Trái hơi nhỏ. Chắc là dừa dạt? Không có dừa lửa à?

Anh ta nói :

- Dừa lửa có vỏ màu vàng đỏ nên nhiều người trông cứ tưởng ngọt hơn chứ thực ra vị cũng như nhau. Dừa xiêm xanh này thông dụng nhất.

Anh ta nghĩ một chút rồi nói :

- Với lại nếu tôi có bán dừa dứa, dừa dâu... thì giá cao, ít người mua và cũng ít người phân biệt đúng các loại dừa. Có khi lại tưởng tôi nói láo ăn tiền. Cứ bán một loại dừa xiêm này ai cũng biết.

Không thấy anh ta trả lời có phải hàng dạt hay không. Khách hàng hầu hết đều dễ tính và quan trọng nhất, miễn rẻ là tốt rồi. Trái dừa to hay nhỏ một chút, ngọt hay nhạt một chút cũng chẳng sao vì tiền nào của đó. Ai khó tính hơn vào mua ở sạp dừa cố định trong chợ thì giá cả và chất lượng rõ ràng. Còn hàng rong có khi nào đều đặn. Nay khu này, mai đi hướng khác. Hàng hóa có kém cũng khó gặp lại để mắng vốn. Hoặc gặp lại thì cũng đã quá lâu để nhắc một việc cũ mèm.

Anh ta rỡ dừa từ các bao nhỏ trước mặt, dốc vào sọt to để khách dễ thấy. Tôi hỏi :

- Anh có đổi bán các loại trái cây khác theo mùa không ? Cuối năm trời sẽ hơi lành lạnh, chẳng mấy ai uống dừa nhiều. Làm sao đủ sống ?

Anh ta trầm ngâm một lát rồi đốt điếu thuốc lá:

- Lắm khi tôi cũng muốn thay đổi thời vận xem có khá không chứ nghèo hoài chán quá. Nhưng có lẽ phải gắn bó với chiếc xe dừa rong này đến hết đời. Cây nhà lá vườn đem kiếm ăn chứ vốn liếng ở đâu mà dám liều mạng. Mai mốt tôi lớn tuổi, không còn rong ruổi nổi thì nhường chiếc xe này cho con trai, tôi lui về coi vườn. Còn bây giờ cứ lai rai qua ngày thôi. Chỉ cầu mong đừng bệnh hoạn là mừng lắm rồi. Anh ta vừa ràng lại sọt dừa sửa soạn đi vừa quay sang tôi nói nốt:

- Tôi mới tìm được quán giải khát mỗi lần lấy vài chục trái. Nếu bỏ độ một thiên dừa thì may mắn quá, chỉ có điều hơi xa.

Tôi trả tiền bốn trái dừa rồi nói với anh ta:

- Thôi ráng nghe anh bạn. Dù sao anh còn có dừa để bán chứ hầu hết 50% dân nghèo lam lũ không có việc làm. Họ tỏa đi tứ tán khắp các nẻo đường mưu sinh tìm mọi cách mua bán lặt vặt, bán vé số, cả lượm rác nữa vẫn không đủ ăn. Trước sau gì trời sẽ ngó lại. Chớ nản lòng.

Anh bán dừa gật đầu rồ máy cho chiếc xe nổ lớn rồi chạy đi. Tối trời mà dừa chưa bán hết, anh vội vã giao hàng mối cuối ngày. Trời vẫn chuyển báo tin một trận mưa to sắp đổ xuống.

Switch mode views: