Dân Little Saigon say mê với buổi thuyết trình ‘Tiền Cổ Việt Nam’
- Thứ Sáu, 21 tháng Tư năm 2017 09:00
- Tác Giả: Văn Lan/Người Việt
Diễn giả Lục Ðức Thuận trình bày “Tiền Cổ Việt Nam.” Hình: Văn Lan/Người Việt)
WESTMINSTER, California (NV) – “Tiền Cổ Việt Nam,” một đề tài mới lạ đến với cộng đồng người Việt tại Little Saigon, do nhà biên khảo Lục Ðức Thuận đến từ Virginia trình bày vào chiều tối Thứ Bảy, 15 Tháng Tư, tại Viện Việt Học, thành phố Westminster.
Ðề tài đã thu hút nhiều người đến tham dự, mà ít nhất cũng có lần, hoặc chưa bao giờ nhìn thấy những đồng tiền cổ, qua các triều đại, một vật chứng hùng hồn tính độc lập tự chủ của quốc gia Việt Nam theo những thăng trầm lịch sử.
Trải dài từ những đồng tiền thời Ðinh Bộ Lĩnh cho đến đời nhà Nguyễn, khán thính giả thích thú theo dõi từ đầu đến cuối chương trình với nhiều câu hỏi và giải đáp đầy thú vị.
Qua phần trình bày sâu sắc, nhà biên khảo Lục Ðức Thuận khiến người nghe về một đề tài tưởng chừng như không mấy hấp dẫn nhưng hóa ra thích thú qua các nội dung trình bày: Tiền cổ Việt Nam là gì, thế nào mới được gọi là đồng tiền cổ, do ai đúc, có từ đời nào, tiền xưa của VNCH, tiền xưa của miền Bắc, hoặc tiền Ðông Dương, có được gọi là tiền cổ không?,… đó là những câu hỏi khi muốn hiểu danh từ “Tiền cổ Việt Nam.”
Ðến tiền giấy thời Hồ Quý Ly cũng được diễn giả trình bày tường tận, kích thước, lưu lượng, và hợp kim để đúc tiền cũng nói lên tính cách hưng thịnh, chính thống của một triều đại, kinh tế phát triển thời đó cũng được phân tích sâu sắc.
Tiền cổ Việt Nam đa số có dạng hình tròn lỗ vuông, có bốn chữ Hán chung quanh. Tiền được đúc ra bởi những chế độ quân chủ chuyên chế, do các vua chúa đúc ra mới được gọi là tiền cổ.
Câu hỏi thú vị được nêu ra là trong khoản 1,000 năm Bắc thuộc, Việt Nam có tiền hay không? Câu trả lời là không, chỉ dùng tiền Trung Hoa thôi.
Bộ sưu tập tiền cổ của họa sĩ Văn Mộc. (Hình: Văn Lan/Người Việt)
Nhưng đặc biệt là các nhà khảo cổ cho rằng tiền cổ Trung Hoa tại Việt Nam rất hiếm, vì nền kinh tế thời Bắc thuộc là nền kinh tế trao đổi hàng hóa, vấn đề giao dịch thương mãi chẳng qua là do quân lính Trung Hoa tại Việt Nam lãnh lương, có liên hệ mua bán gần với tầng lớp của họ, nên đồng tiền chỉ lưu thông trong phạm vi đó thôi.
Sau thời Bắc thuộc, cho đến khi Ðinh Tiên Hoàng lên làm vua, mở đầu thời đại độc lập tự chủ, ông cho đúc tiền Thái Bình Hưng Bảo, chính là đồng tiền đầu tiên của Việt Nam, với mặt sau đồng tiền có in chữ Ðinh (niên hiệu của nhà Ðinh).
Diễn giả cũng cho thấy có nhiều nơi đúc tiền khác nhau, sẽ có cách ghi khác nhau ở mặt sau đồng tiền, với các vị trí khác để phân biệt tỉnh nào, hay do bộ nào đúc.
Có 2 cách đọc chéo và đọc vòng trên đồng tiền, bốn chữ đọc chéo là theo thứ tự trên dưới phải trái, còn đọc vòng là theo chiều kim đồng hồ.
Chữ in trên đồng tiền có 4 loại chữ thảo, khải, triện, hành. Ðồng tiền nào cũng có chữ cuối cùng là chữ “Bảo,” thì mới có giá trị.
Diễn giả cũng cho thấy ngoài đồng tiền của vua đúc, cón có những tiền đồng do dân gian đúc như đồng Diên Ninh, đồng An Pháp Nguyên Bảo,…
Ảnh hưởng của tôn giáo trên đồng tiền cũng thể hiện rõ qua tiền “Phật Pháp Tăng Bảo,” mặt sau đồng tiền có câu chú “Án Ma Ni Bát Mi Hồng.” Với đạo Lão thì có đồng Tứ Thìn Ðồng Lạc, mặt sau là hình bát quái, hoặc nhân nghĩa lễ trí tín, ngũ thường của Nho giáo.
Dựa vào tính kim loại để xác đinh niên đại đồng tiền cũng được diễn giả trình bày theo khoa học hiện nay, với kỹ thuật XRF (X Ray Fluorescene Spectroscopy) và SEM (Scanning Electron Microscope). Nhờ đó mà xác định được đồng Vĩnh Ðịnh, Khai Kiến là tiền thế kỷ 18, không phải tiền thời nhà Mạc.
Ðơn vị tiền đồng theo thứ tự căn bản từ nhỏ đến lớn là quan, nguyên, đồng.
Khách tham dự buổi thuyết trình “Tiền Cổ Việt Nam.” (Hình: Văn Lan/Người Việt)
Câu chuyện mổ xẻ đến đỉnh điểm thú vị khi diễn giả nhắc đến bài thơ “Trách Chiêu Hổ” của bà Hồ Xuân Hương và bài thơ họa lại của Phạm Ðình Hổ khi ông nhắc lại đồng tiền Gián An Pháp Nguyên Bảo thời Trịnh Nguyễn: “Rằng Gián thì năm Quý có ba. Bởi người thục nữ tính không ra. Ừ rồi thong thả lên chơi nguyệt. Cho cả cành đa lẫn củ đa.”
Diễn giả cũng nhắc lại câu thơ “Một quan là sáu trăm đồng. Chắt chiu tháng tháng cho chồng đi thi,…” hàm ý hãnh diện với công sức cực nhọc biết bao của người vợ nuôi chồng ăn học đến khi đỗ đạt.
Cô giáo Phượng Nguyễn, cư dân Garden Grove cho biết đề tài thật hay, nhưng quá chuyên môn, phải thích thú lắm mới “chịu đựng” nổi. Dù sao cũng là một đề tài mới lạ, giúp người nghe hiểu nhiều điều quanh một đồng tiền.
Cô cũng ngạc nhiên khi biết Việt Nam xưa cũng có một kỹ thuật đúc tiền khá tinh xảo, giá trị cổ vật của nó ngày nay thật xứng đáng. Hơn nữa, những câu thơ, ca dao về đồng tiền đi sâu vào văn học Việt Nam mang đậm nét trữ tình, chung thủy, hờn trách, thật thú vị, giúp ích cô rất nhiều trong việc giảng dạy.
Một khách dự thính, ông Minh Nguyễn nói hồi còn bé thấy trong nhà có hủ tiền đồng rất nặng, mà ông bà hay lấy một đồng xỏ dây đeo vào cổ con nít để trừ tà, chính ông cũng được đeo một đồng cho tới khi lên tiểu học.
Còn ông Bảo Trần thì cho biết ở miền Nam, hồi nhỏ ông thấy mấy người Tàu đi xe đạp mua đồng nát ve chai, bây giờ mới hiểu họ có thể “trúng đậm” khi mua được những đồng tiền cổ giá trị lớn.
Ông Tom Schoeffler, người Mỹ, cư dân Irvine cho biết rất thích thú khi tham dự hôm nay, được nghe về tiền đồng cổ Việt Nam, một đề tài ông say mê tìm hiểu, được trình bày bằng những hình ảnh và tài liệu thật phong phú.
Diễn giả Lục Ðức Thuận tốt nghiệp Ðại Học Dược Khoa Sài Gòn năm 1972, ông cho biết rất thích về lịch sử. Khi qua Mỹ làm việc thuộc ngành điện toán, ông suy nghĩ nhiều về văn hóa Việt Nam, và chọn ngành khảo cứu về tiền cổ Việt Nam. Ðã xuất bản các tập sách nghiên cứu “Tản Mạn Về Tiền Cổ Việt Nam,” “Tiền Cổ Việt Nam Không Do Triều Ðình Ðúc,” quyển thứ ba ông viết rộng hơn về kinh tế tài chánh, giá trị đồng tiền, thuế má,… hiện nay mới viết được từ năm 1,000 cho đến năm 1,400.
Ông công tác với tạp chí Xưa Và Nay (Sài Gòn), và là biên tập viên của Revue de la Société de Numissmatique Asiatique (France).
Related news items:
Tin mới
- Phái đoàn Giáo phận Vinh sang Châu Âu vận động cho nạn nhân Formosa - 17/05/2017 21:06
- Giáo dục trước và sau năm 1975 - 11/05/2017 02:02
- Nghệ An mở chiến dịch tấn công Linh Mục Đặng Hữu Nam - 08/05/2017 16:31
- Hội thảo vạch rõ sự tệ hại của những trung tâm lọc máu California - 06/05/2017 12:18
- Ngôi mộ Vua Hàm Nghi ở THONAC (Pháp) Một "Nghĩa cử Cần Vương" - 05/05/2017 13:55
- ‘Ðây là Ðài Tiếng Nói Quân Ðội, phát thanh từ thủ đô Sài Gòn…’ - 30/04/2017 22:14
- Hồi tưởng của cựu binh Bắc Việt 42 năm sau chiến tranh - 28/04/2017 01:24
- Kể chuyện Tháng Tư - 26/04/2017 16:41
- Hơn 139,000 người ký kiến nghị thư chống Formosa - 23/04/2017 23:54
- Người dân cùng lúc chống cưỡng chế đất, bị đàn áp từ Bắc đến Nam - 21/04/2017 19:36
Các tin khác
- Hà Nội: Dân bắt giữ 30 cảnh sát cơ động, đòi trao đổi thả người, trả đất - 17/04/2017 19:04
- Chuyện nông dân nhờ sinh viên bán dưa hấu - 13/04/2017 20:15
- Người "sống" ở nghĩa trang - 05/04/2017 19:42
- Giáo dân bao vây, trụ sở huyện Lộc Hà – Hà Tĩnh thất thủ - 03/04/2017 19:00
- Blogger Mẹ Nấm được Đệ Nhất Phu Nhân Melania Trump vinh danh - 29/03/2017 19:52
- Ẩn họa mới: Ðồng bằng sông Cửu Long đang ‘chìm’ dần - 27/03/2017 00:18
- “Không thể tin là sự thật!” - 27/03/2017 00:04
- Đà Nẵng: Quán cơm ‘giá bèo’ của những tấm lòng nhân nghĩa - 19/03/2017 19:39
- Phá sản với cây chanh dây - Vì sao? - 13/03/2017 15:34
- ‘Nghiện’ Facebook, làm sao ‘cai’? - 13/03/2017 00:24