Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Tưởng niệm thuyền nhân không may mắn Tháng Tư Ðen

WESTMINSTER - Hàng năm vào Tháng Tư, hầu hết người Việt tị nạn cộng sản khắp nơi trên thế giới lại có những buổi tưởng niệm đến ngày đau buồn 39 năm trước. Ủy Ban thực Hiện Ðài tưởng Niệm Thuyền Nhân Việt Nam cũng đã hoàn tất một công trình xây dựng được Ðài Tưởng Niệm Thuyền Nhân không may mắn đến được bến bờ Tự Do tại Nghĩa Trang Peek Family, Westminster.

tuongdai thuyennhan namcali 1Chư tăng chùa Ðiều Ngự cùng Hội Ðồng Liên Tôn cùng đồng hương làm lễ cầu siêu trước Tượng Ðài Thuyền Nhân năm 2012. (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)

Ðã từ bốn năm nay, sau ngày khánh thành tượng đài và được thành phố Westminster chấp thuận Ngày Thuyền Nhân vào tuần lễ cuối Tháng Tư hàng năm, Ủy ban Thực Hiện Ðài Tưởng Niệm đã tổ chức những buổi lễ được hàng trăm đồng hương khắp nơi đến để cùng nhắc nhớ đến nỗi đau thương của cả dân tộc sau ngày 30 Tháng Tư, 1975.

Nỗi đau thương ấy cũng đã làm lương tâm thế giới xúc động và đã giang tay đón nhận hàng triệu người Việt trốn chạy khỏi chế độ cộng sản. Trong số hàng triệu người ấy đã có hơn nửa triệu thuyền nhân, theo ước lượng của cơ quan Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc HCR, không may mắn đến được bến bờ tự do đã phải hy sinh trong lòng biển cả hay phải chịu nhục nhằn trước bọn hải tặc.

Năm nay, buổi tưởng niệm sẽ diễn ra vào lúc 2 giờ chiều ngày Chủ Nhật, 28 Tháng Tư trong khuôn viên nghĩa trang Westminster Memorial Park (Peek Family Funeral) trên đường Beach, Westminster.

Theo bà Ái Cầm, một thành viên trong Ủy Ban Xây Dựng Tượng Ðài, cho biết thì năm nay buổi lễ tưởng niệm cũng sẽ như mọi năm. Mọi người đến tham dự sẽ cùng các vị lãnh đạo tinh thần các tôn giáo trong Hội Ðồng Liên Tôn cùng Chư Tăng chùa Ðiều Ngự và chùa Diệu Pháp cử hành một buổi Lễ Cầu Siêu theo hình thức của các tôn giáo lớn của người Việt.

Bà Ái Cầm nói: “Buổi lễ tưởng niệm này đã được tổ chức từ 4 năm nay để tưởng niệm và cầu nguyện đến hàng trăm ngàn thuyền nhân, bộ nhân Việt Nam đã tử nạn trên đường tìm Tự Do, Nhân Phẩm và Nhân Quyền. Ðồng thời buổi lễ cũng là để nhắc nhở và lưu truyền chứng tích Lịch Sử và Tâm Linh đến thế hệ mai sau về nguyên nhân sự hiện hữu của người Việt tại Hoa Kỳ cũng như tại các quốc gia tự do trên khắp thế giới.”

Theo ban tổ chức gồm nhà thơ Thái Tú Hạp, nhạc sĩ Việt Dzũng, Bác Sĩ Lê Hồng Sơn, nhà thơ Ái cầm, MC Minh Phượng, Giáo Sư Vân Bằng và Thu Thủy, cho biết thì “buổi lễ tưởng niệm sẽ được yểm trợ bởi hầu hết các hội đoàn tổ chức tranh đấu trong cộng đồng người Việt tại Nam California hỗ trợ. Phía cựu quân nhân có Liên Hội Cựu Chiến Sĩ VNCH, Tập Thể Chiến Sĩ VNCH Trung Tâm Tây Nam, Hội Ái Hữu Cựu SVSQ Thủ Ðức Nam Cali. Phía các hội đoàn có Hội Cựu Tù Quảng Nam Ðà Nẵng, Hội Cựu Học Sinh Phan Thanh Giản Ðà Nẵng. Tuổi trẻ có Tổng Hội Sinh Viên VN Nam California, Ðoàn Thanh Niên Cờ Vàng. Giới nghệ sĩ có Ban Tù Ca Xuân Ðiềm, Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ. Bên tôn giáo có Hội Ðồng Liên Tôn, có Tăng Ðoàn chùa Ðiều Ngự và chùa Diệu Pháp, có mời Ðức Giám Mục Mai Thanh Lương, Linh Mục Mai Khải Hoàn, có các giáo hữu Cao Ðài và Phật Giáo Hòa Hảo...

tuongdai thuyennhan namcali 2Tưởng niệm tại Tượng Ðài Thuyền Nhân. (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)

Kể về những nỗ lực của Ủy Ban Xây Dựng Tượng Ðài Thuyền Nhân, nhà thơ Thái Tú Hạp và bà Ái Cầm có lần cho biết: “Ðây là tâm nguyện của hai vợ chồng chúng tôi khi vượt thoát được chuyến vượt biển trong đó 13 người đồng hành của chúng tôi trên chiếc thuyền mong manh mang hơn 240 người giữa biển khơi gió bão đã phải hy sinh vì lòng khao khát tự do mà không đến được bến bờ như chúng tôi. Ngay khi tạt được vào khu vực đảo Hải Nam, chúng tôi đã nguyện phải làm một lễ Cầu Siêu lớn để chia sẻ sự đau thương mất mát của những người vượt biển tìm tự do. Mãi cho đến năm 1997 chúng tôi mới làm được điều này thì được đồng hương lại thúc đẩy 'Hãy cố gắng xây dựng một Tượng Ðài để tưởng niệm chung.' Ðược sự hỗ trợ của bạn bè thân hữu trong đó có các nghệ sĩ Minh Phượng, Việt Dzũng, Chí Thiện, Khúc Minh của Radio Bolsa, rồi sau đó là Bác Sĩ Lê Hồng Sơn và phu nhân Thu Thủy và Giáo Sư Vân Bằng... chúng tôi đã nỗ lực vận động để thực hiện một Tượng Ðài Thuyền Nhân tại nơi thủ đô của người Việt tị nạn. Sau rất nhiều nỗ lực không thiếu những gian lao, chúng tôi đã được Ban Giám Ðốc Nghĩa Trang Westminster thuận cho dựng tượng đài trong khuôn viên của nghĩa trang, chiếm một khu đất khá lớn ngay góc hai con đường Bolsa và Hoover thuộc thành phố Westminster.”

“Ðiều khiến chúng tôi rất cảm động là Ban Giám Ðốc Nghĩa Trang đã chịu hầu hết phí tổn xây cất tượng đài trong một hồ nước khá rộng tượng trưng biển khơi với những bia đá lớn xung quanh ghi khắc danh tánh những thuyền nhân không đến được bến bờ tự do. Danh sách này mới được khoảng trên 5,000 do các gia đình nạn nhân gửi đến cho chúng tôi thực hiện trên những bia đá này, cùng tượng đài bằng vật liệu vĩnh cửu. Ban Giám Ðốc Nghĩa Trang cũng hứa sẽ bảo quản khu tượng đài mãi mãi, cho đến khi nào nghĩa trang này không còn nữa,” nhà thơ Thái Tú Hạp và bà Ái Cầm nói tiếp.

Qua bốn lần tổ chức tưởng niệm tại đây, nay thì cộng đồng người Việt khắp nơi hầu như đều biết đến khu vực tượng đài này. Bên những bóng cây palm, hình ảnh những rặng dừa trên những bến bãi tự do mà thuyền nhân thường tấp vào được tại các nước Ðông Nam Á, là một tượng đài gồm bốn thuyền nhân, một cụ già, hai vợ chồng trẻ và một em bé tượng trưng cho các thế hệ thuyền nhân đã đi tìm tự do trong suốt hơn 10 năm trời. Cả bốn hình tượng này như rất mong manh trên sóng nước nhưng lại rất vững mạnh trong những cử chỉ níu giữ được vào một tương lai tự do.

Tượng Ðài đã gây xúc động không ít cho những ai đến thăm và cũng không thể bỏ qua những hàng danh sách thuyền nhân kém may mắn. Nhiều người khi đã dò tìm được tên tuổi thân hữu của mình, không khỏi bàng hoàng nhớ lại cảnh xưa người cũ mà trong lòng niềm xúc động dâng tràn.

Mỗi cuối Tháng Tư hàng năm, một lần đến dự lễ tưởng niệm tại Tượng Ðài Thuyền Nhân là lại thêm một lần nghĩ đến tội ác của những kẻ được cho thắng cuộc.
––

Switch mode views: