Đi mua quần áo xổ ngày cận tết
- Chúa Nhật, 26 tháng Giêng năm 2014 09:04
- Tác Giả: Duy Thức
SÀI GÒN (NV) - Sáng sớm trời Sài Gòn lành lạnh và có lớp sương mù giáng khắp nơi. Tuy nhiên đây là cái lạnh vừa đủ cho người thành phố cảm thấy mùa Xuân đang đến.Quần áo bán thật rẻ tại một tiệm bán quần áo, vải vóc ở Sài Gòn trước tết Giáp Ngọ. (Hình: Duy Thức/Người Việt)
Mấy người ngoại quốc thuê nhà trong xóm dưới vừa đi qua với gương mặt tươi tắn mát mẻ, khác với sự hốc hác và khô héo ở mùa nắng gay gắt. Vài bà hàng xóm bu quanh hàng phở ăn tô phở bốc khói cho ấm, vừa ẵm mấy đứa bé mặc áo ấm và đội mũ đầy đủ. Năm nay trên cao nguyên lạnh nhiều, Sapa có tuyết, trẻ em những nơi ấy vẫn quần áo phong phanh, chân trần đi trên đất giá.
Một người đàn ông bế đứa con nhỏ đi qua khoe bộ quần áo mới mua ngoài lề đường. Ai không nhiều tiền mà muốn sắm mới thì cứ ra vỉa hè đủ thượng vàng hạ cám. Đám phụ nữ đồng tình, nhưng nhao nhao nói đồ ở tiệm tốt hơn.
Năm nào cũng vậy, cứ gần tết, người ta đổ ra bán hàng xuất khẩu ế của các xí nghiệp, tổ hợp gia công, xưởng tư nhân… và dĩ nhiên không thiếu hàng Trung Quốc. Toàn hàng mới đàng hoàng chứ không phải hàng sida thường được gọi để ám chỉ hàng thùng tức đồ cũ.
Theo thói quen người mình, Tết nhất, ai nấy lo sắm sửa đồ đạc, sơn phết dọn dẹp nhà cửa mọi thứ sạch sẽ tinh tươm để đón chào năm mới, nhất là làm mới mình bằng bộ đồ mới toanh. Bây giờ rất ít người đi may. Quần áo may sẵn cứ ướm vừa thì mua ngay thật tiện lợi.
Tháng Chạp, ở một số lề đường rộng bắt đầu mọc ra hàng quần áo bày trên sạp, treo trên dây hoặc xổ dưới đất thành từng đống cao có ngọn. Một năm có hai đợt lề đường được chính thức chiếm dụng để bán hàng là Tết và Trung Thu.
Nhìn vào sạp hàng hoa cả mắt vì xếp như núi là quần áo, đầm, giầy dép, khăn quàng, quần jean, dây lưng… Quần jean có đủ giá, mắc nhất là 170 ngàn. Trời lạnh nên xuất hiện nhiều áo gió vốn tiện lợi hơn áo len vì dễ giặt, dễ mặc.
Áo gió không những là áo ấm chống lạnh mà còn là áo khoác tránh gió, kể luôn cả trời nắng cũng trùm lên người cho đỡ rát da. Vừa tiện vừa đẹp mà cũng chỉ vài chục đến một, hai trăm ngàn. Khăn quàng cổ quấn đầu, xanh xanh đỏ đỏ đúng theo kiểu Âu Châu, Hàn Quốc hoa lá tua rua… cũng chỉ vài chục ngàn không hơn.
Đại đại hạ giá. Cái quần thách một trăm ngàn trả năm mươi cũng bán đổ bán tháo, rẻ mạt ngang đồ cũ. Vì thế hàng bán rất chạy, người nghèo, nhất là công nhân ở các khu công nghiệp, khu chế xuất sắm mặc tết hoặc mang về quê làm quà vừa túi tiền.Quảng cáo bán đại hạ giá quần áo nhân dịp tết sắp đến. (Hình: Duy Thức/Người Việt)
Mấy bà rảnh việc sớm, rảo qua chợ mua thức ăn xong, xề qua bên kia đường nghía sạp bán vun đống đồ xổ. Cô bán café trong hẻm khoe ông chồng vừa tậu hai chiếc quần soọc, một cái sơ mi. Hàng bình dân mặc cũng được chứ không đến nỗi chưa về đến nhà đã sứt chỉ, tụt khuy như trước kia.
Tôi ngắm nghía mấy chiếc sạp kê liền nhau, mỗi sạp một thứ hàng khác nhau và ngạc nhiên vì giá rẻ không tưởng:
-Chưa tới một trăm ngàn đôi giày tây à?
Thằng cháu đứng bên cạnh nói nhỏ sợ người bán hàng nghe được:
-Giầy chắc làm bằng giấy bồi chứ không phải da đâu, đi vài ngày thì hư hỏng hết. Nhất là gặp trời mưa thì đế đi đằng đế, mũ đi đằng mũ.
Người ta cũng chỉ cần thắng bộ mấy ngày tết thôi. Thời trang thay đổi liền liền. Hư thì mua mới, kiểu mới hơn dùng mãi một thứ cũ xì. Buổi trưa nắng lên, các hàng cây điệp vàng xấu xí đầy cát bụi như khô hạn chẳng thấy bông hoa hay lộc non gì cả.
Đường phố nếu không có dãy hàng đại hạ giá này, sẽ không thấy Tết nhất gì hết. Chỉ toàn bụi là bụi! Một bà già cũng trờ tới chắp tay đứng nhìn:
-Họ bán rẻ, có bảng giá đàng hoàng, nhưng cầm lên trả giá thì giá nào cũng bán.
Tôi chỉ tay thắc mắc:
-Còn mấy đụn đồ kia, có mười ngàn một món.
Bà già nói:
-Đám đồ cũ đó không phải của xí nghiệp đâu. Hàng Sida đó.
Hàng Sida là quần áo cũ do Thụy Điển từng có thời gian viện trợ cho VN. Hàng không đến tay người nghèo mà nhảy ra chợ trời. Mùa đông, trên cao nguyên phía Bắc rét cóng, quần áo cứu trợ đâu có leo núi phát cho người dân mà quẹo ngang, bán cho garage làm nùi giẻ nữa là.
Sau này Thụy Điển không còn viện trợ cho VN nữa nhưng hàng Sida vẫn tuồn vào VN qua ngả Cambodia. Hàng Sida được phân loại kỹ để những hàng đẹp, hàng hiệu và còn mới thì bày trong shop, trong tiệm nhỏ rồi hàng xấu từ từ đi dần ra chợ, xuống vỉa hè…
Chỗ nào cũng thấy quần áo xổ. Một cái chợ chồm hổm họp trong hẻm cũng cả chục hàng quần áo. Ngoài những người bán chuyên nghiệp thì tháng Chạp này, hàng rong bổ sung thêm nhiều tay ngang. Đó là công nhân, người buôn bán… nhân thể tết đến kiếm công việc làm thêm. Chiều tối, ngoài giờ hành chánh, có vẻ đường xá bớt bị kiểm tra, hàng xổ tấp nập đổ ra đường.
Hàng xổ sở dĩ phát triển mau chóng nhờ nhu cầu của một thành phố lớn tập trung quá đông dân nhập cư. Phần nữa việc mua bán linh hoạt. Người bán hàng lấy thẳng quần áo ở ngay các cơ sở may gia đình tư nhân hoặc mối sỉ tại các chợ đầu mối theo kiểu gối đầu. Lấy hàng mới trả tiền hàng cũ. Hàng ế trả lại, chủ hàng lại thay đổi, giao vòng sang nơi khác.
Giữa trưa, nhìn lại chỉ thấy lèo tèo mấy mống đứng lựa, coi rồi bỏ xuống lại cầm lên cái khác. Một anh trông dáng lam lũ như xe ôm hỏi:
-Bộ đồ jean này bao nhiêu?
-Ba trăm ngàn.
Anh ta ngớ người ra hỏi vặn:
-Sao lại bảo hạ giá. Thứ này ở siêu thị nhiều lắm là một trăm.
Chị bán hàng đang cầm điện thoại di động than ế ẩm với người nhà, chợt bỏ xuống đanh đá:
-Đồ jean mà một trăm. Vậy vô siêu thị mà mua.
Anh xe ôm nói:
-Đồ xổ đâu mà chẳng có. Người ta bán có trăm rưởi.
Chị bán hàng chỉ về phía sạp đồ cũ bên cạnh:
-Loại đó có bảy chục thôi.
Một bà săm soi mấy bộ quần áo. Chị bán hàng mời ngay:
-Bộ đồ carô này cho con nít bảy tám tuổi mặc coi ngộ lắm. Nửa ký tôm khô thôi!
Người đàn bà bán khô hỏi lại:
-Nửa ký tôm khô nhỏ 100 ngàn. Hàng xổ mà mắc dữ vậy sao?
Chị bán quần áo mau mắn:
-Thôi đưa tôi tám chục cũng được. Hàng ngoại nhập khẩu từ Hà Lan đó, còn một bộ duy nhất hết hàng, không có bộ thứ hai.
Hàng quần áo xổ chong đèn suốt đêm sáng rực. Càng về tối, cơm nước xong xuôi, người ta rủ nhau đi chơi, bu vào đấy lựa hàng đông nghẹt như cái hội chợ nho nhỏ. Người buôn bán nhờ một dịp tết mà sống khỏe được tới vài tháng ra giêng. Và người nghèo cững nhờ hàng xổ mà có manh áo Tết mới cho cả nhà, cho con trẻ chút niềm vui.
Related news items:
Tin mới
- Chợ nổi ngày cuối năm - 25/01/2014 18:31
- Đổi tiền lẻ cúng Tết - 25/01/2014 18:18
- Năm Ngọ: Ngó Chuyện Ngựa Dựa Theo Kinh Thánh - 24/01/2014 22:05
- Hình tượng Ngựa thờ qua một số công trình kiến trúc cổ ở Hà Tĩnh - 24/01/2014 21:55
- Ngựa trong khoa học và đời sống - 24/01/2014 21:41
- Tìm lại tuổi thơ theo tiếng trống lân mừng Tết - 24/01/2014 16:01
- Tết về, với những người nghèo xa quê - 24/01/2014 12:09
- Human Rights Watch công bố phúc trình nhân quyền Việt Nam - 23/01/2014 01:21
- Bánh cổ truyền trên mâm cỗ Tết miền Trung - 22/01/2014 21:19
- Thưởng Tết và lo Tết - 22/01/2014 18:37
Các tin khác
- Việt Nam đón Tết trong thiếu, đói - 15/01/2014 00:13
- Sóng gió Biển Đông phép thử sự chính trực - 14/01/2014 16:42
- Sài Gòn, mùa Tết đã về - 13/01/2014 20:09
- Các nhà tranh đấu gặp gỡ đại diện 7 đại sứ quán ở Hà Nội - 13/01/2014 15:14
- Đả kích triển lãm Hoàng Sa thiếu hải chiến - 13/01/2014 14:59
- Người Việt trong và ngoài nước hưởng ứng Quỹ Nhịp Cầu Hoàng Sa - 12/01/2014 22:27
- Quán ăn 10 ngàn đồng ở Sài Gòn - 11/01/2014 18:09
- Phải làm sao để nông dân hiểu về dân chủ? - 10/01/2014 15:36
- Người lính Bắc Việt nghĩ gì về trận hải chiến 1974 - 08/01/2014 17:03
- Lịch của Nhựt Thanh bị tẩy chay vì in tiểu sử lãnh đạo CSVN - 08/01/2014 16:38