Sài Gòn và cà phê sách
- Chúa Nhật, 09 tháng Ba năm 2014 10:36
- Tác Giả: Nguyễn Tấn Cứ
SÀI GÒN (NV) - Quán cà phê Chiêu nhìn ra kênh Nhiêu Lộc. Ði từ quận 1 trên đường Hai Bà Trưng đến đầu cầu Tân Ðịnh quẹo phải xuôi theo đường Hoàng Sa 300, 400 m sẽ đến quán của Chiêu 2 và 3. Phải đánh số vì có một quán 1 nữa ở Bầu Cát, Tân Bình.
Quán do một người phụ nữ tên Chiêu [Anh Nguyễn] làm chủ. Trên Facebook thường xuất hiện hình ảnh của bà chủ vui cười than thở khi tự tay đi mua cát đá gạch ngói, tự chỉ huy điều hành việc xây dựng quán. Và bằng cách đó “cà phê Chiêu” đã hình thành.Quán cà phê Chiêu nhìn ra kênh Nhiêu Lộc. (Hình: Facebook Chiêu Anh Nguyễn)
Khách của quán đa số là dân văn nghệ báo chí doanh nhân, những người mê đọc sách từ bình dân đến thượng lưu.
Tôi là kẻ không mê café nhưng lại mê quán, nhất là quán nhìn ra sông, nơi có thể nhìn bao quát hết cả con kênh uốn lượn như một dải lụa.
Từ Chiêu 3 mới trình làng khách có thể thưởng thức café nghe nhạc đọc sách nhìn dòng xe cộ cuồn cuộn chảy về khi chiều tan sở.
Nghe nói Chiêu đã từng là “tín đồ café” ngồi đồng từ sáng đến chiều ở những quán cóc ven đường Trần Quốc Thảo quận 3. Nghe nói Chiêu có đôi mắt buồn của một nữ thi sĩ. Nghe nói Chiêu chính là Chiêu Anh Nguyễn thường hay làm thơ đăng trên các trang mạng ở hải ngoại.
Và bây giờ là Chiêu Chủ của quán café sách.
Hỏi vì sao lại mở quán? Chiêu nói: Vì đi uống hoài ở ngoài vỉa hè chán nên muốn mở quán. Vì Chiêu đã “ao ước” muốn mở một cái quán ven đường để cho anh em bạn bè văn nghệ ngồi ngó ra đường tụ họp vui bàn chuyện thế sự.
Và Chiêu đã làm thiệt với quán đầu tiên ở vỉa hè Bầu Cát, Tân Bình. Dù đang là một chủ một cửa hiệu thời trang chuyên áo cưới make up chụp ảnh trang điểm cho cô dâu. Nhưng vì “mê” quán quá nên Chiêu đành phải tạm gác giao công việc lại cho người thân trông nom - để chạy theo mùi hương của café đang bốc khói gọi mời.Chủ quán cà phê Chiêu, cô Chiêu Anh Nguyễn. (Hình: Facebook Chiêu Anh Nguyễn)
Chiêu lúc nào cũng bận túi bụi cho việc thiết kế trang trí mỹ thuật từ trong ra ngoài cho quán. Khách thì lúc mưa lúc tạnh, lúc nhiều lúc ít. Nhưng với Chiêu thì lúc nào cũng đầu tắt mặt tối đen thui chịu xấu một chút cho quán đẹp hơn.
Mê quán mê làm việc đến nỗi nhiều khi Chiêu “quên” luôn cả nhan sắc của mình. Nhìn Chiêu lúc nào cũng như một nàng cô nàng “lọ lem” trong chuyện cổ tích.
Nhưng có hề gì khi nhìn thấy Chiêu mê luôn cả “gỗ gạch “ nhiều khi thấy Chiêu post hình lên Facebook nói rằng “sao tui yêu gạch đá quá” là hiểu rồi.
Vậy nên khi khai trương thấy cô chủ vui như tết vì quán tấp nập văn nhân bè bạn.
Phải nói là quán của Chiêu là loại rất “nghệ thuật,” hình như cái đầu của nhà thơ có ảnh hưởng chút chút vào quán. Chính điều này đã hình thành nên style của Chiêu. Không đụng hàng và không giống ai.
Dù có nhân viên nhưng vẫn không đủ cho cái sự tham lam cộng việc vô bờ của mình nên nhiều khi bạn bè thấy Chiêu kiêm luôn cả công việc tạp vụ bưng bê sắp xếp bàn ghế. Cô nàng vừa làm vừa cười vui “việc nhiều mà không có người nên phải làm luôn thôi...”
Ai đã từng mở quán mới biết để có thể tồn tại trong cái đất nước loạn xà bần nầy thì phải chịu nhiều điều phiền toái như công an thuế vụ, trật tự đô thị và cái lòng lề đường luôn luôn là một cuộc rượt đuổi khôn nguôi dành cho những ai chọn vỉa hè làm kế mưu sinh.
Quán Chiêu cũng không thoát khỏi vấn nạn này một khi muốn đặt một vài cái bàn trên vỉa hè để khách ngồi café nhìn ra con kênh Nhiêu Lộc sáng chiều khói bụi mịt mù.
Việc “lấn chiếm thơ mộng” cũng không thoát khỏi những đôi mắt tuần phủ của mấy ông “công an trật tự đô thị.” Chỉ chờ một vi phạm nhỏ thôi - A lê hấp bàn ghế của bạn sẽ bị “thu gom” làm sạch lề đường kèm theo một biên lai phạt. Nhiều khi muốn khóc vì mấy ông hung thần này.
Với Chiêu cũng đã bị vài bận như vậy...
Nhưng nhờ trời thương, Chiêu nói gặp “anh trật tự dễ thương” nên cũng du di không làm khó gì lắm cho mấy bộ bàn bàn ghế giang hồ tội nghiệp này.
Café Sống Chậm
Ngoài Chiêu ra còn có một người phụ nữ cũng đáng yêu không kém đó là Lynh Bacady. Một nữ thi sĩ lừng danh trong những đợt biểu tình đầu tiên ở Sài Gòn chống Tàu xâm lược Hoàng Sa Trường Sa.
Nếu ai có dịp đọc lại những bản tin của BBC, VOA vào những năm 2007 sẽ thấy một cô gái mặc áo pull có dòng chữ in sau lưng “No China No-U...” trong cuộc biểu tình đầu tiên nỗ ra ở Sài Gòn với hình ảnh một cô gái dẫn đầu đoàn biểu tình xuống đường rầm rộ có hai bím tóc quăng ra phía sau như thách thức.Nhà báo Osin Huy Ðức, tác giả “Bên Thắng Cuộc” ký tặng sách cho độc giả tại quán cà phê Chiêu. (Hình: Facebook Chiêu Anh Nguyễn)
Lynh Barcady bây giờ cũng là chủ nhân của Quán Café Sống Chậm. Cũng lưu lạc quăng quật từ quận 10, đến Trần Quốc Thảo quận 3 và bây giờ đồn trú ở 225/17 Nguyễn Ðình Chiểu quận 3 trước trường tiểu học Kiến Thiết.
Hai người hai số phận khác nhau nhưng lại cùng một đam mê kỳ lạ đó là mở Quán Café Sách, mê sáng tác và cũng không ưa gì “Tàu khựa” đang xâm lăng biển Ðông.
Với Lynh Barcady làm thơ với sách và café như quyện lại thành một không tách rời, đến quán Lynh nhiều khi có cảm giác như một ốc đảo nằm giữa biển khơi Sài Gòn.
Cũng một mình không có bóng đàn ông nên Lynh cũng phải cáng đáng hết công việc của một bà chủ - tiếp khách pha café , nấu nướng - một bà mẹ đơn thân bận rộn nuôi con kinh doanh và vui sống.
“Cuộc đời đã buồn quá rồi không có thời gian để buồn nữa phải vui thôi...” Lynh cười khoe mấy cái răng khểnh của một phụ nữ trên 30.
Ở quán Lynh có thể nhậu lai rai với vài món nhắm do chính Lynh đảm trách, có thể ngồi lâu ôm đàn guitar ca hát om sòm, có thể cụng ly với Lynh và khề khà thơ phú nếu bạn đủ đởm lược để yêu và để mơ màng khi chiều đêm xuống.
Ðến quán Lynh bạn sẽ có dịp gặp những tay chơi văn nghệ khắp nơi trong ngoài nước tụ về, tất cả đều có thể gặp nhau không phân biệt sang hèn. Vì suy cho cùng thì văn chương trong thời buổi buồn hiu nầy thì có thằng nào là “ngon” hơn thằng nào đâu khi “chí lớn thiên hạ đong không đầy mắt mỹ nhân.” Một tay nhà thơ cảm thán.
Lynh Barcady là một người đàn bà đẹp trong văn chương, là một trong những cây bút xuất sắc của nhóm “Ngựa Trời” một thời cách tân mới lạ và táo bạo, những người phụ nữa này khiêu khích đến nỗi nhà nước phải ra lệnh thu hồi tập thơ đầu tay của nhóm vì nó quá “dữ dội.”
Khi hỏi mở quán có bị theo dõi không? Lynh trả lời tỉnh queo “Mấy ‘ảnh’ có vô uống café thường xuyên quan tâm hỏi han nhưng riết không thấy gì ngoài mấy tay văn nghệ bàng quan thế sự không ảnh hưởng gì đến an ninh quốc gia nên thôi.”Nhà thơ Lynh Bacady, chủ quán cà phê Sống Chậm. (Hình: Nguyễn Tấn Cứ/Người Việt)
Người ta có đưa ra một điều tra xã hội rằng: Văn hóa của dân Việt đang càng ngày càng xuống cấp trầm trọng. Giới trẻ bây giờ chỉ biết chúi mũi vô tivi lên Internet nghe xem ca nhạc nên không có thì giờ đâu mà đọc sách. Một đất nước gần 90 triệu dân mà số lượng in ra cho một đầu sách chỉ tầm 1.2 ngàn bản thì đủ biết văn hóa của xã hội đó “thê thảm” đến mức độ nào.
Không biết có phải vì những lý do sâu xa như trên hay không mà qua bao nhiêu lần “di dời” quán thì bấy nhiêu lần Chiêu-Lynh đều phải khổ sở vì đống sách “quí vô thiên lủng” kia. Bàn ghế có thể bán đổ bán tháo mua mới lại, con người có thể chia tay nhưng “sách thì quyết không sang nhượng.”
Trả lời câu hỏi này hai người phụ nữ này đều có đáp án giống nhau. Sách mất rồi làm sao mua được, toàn là sách hay sách quí đắt tiền phải khổ sở tích góp lắm mới “để dành” mua được nên bằng mọi giá phải giữ lại cho khách và bạn bè đọc... Với lại quán café “sách” mà không có sách thì quán đó như không có linh hồn và quan trọng hơn nữa họ muốn giữ gìn để tạo nên một thói quen dừng lại và “đọc,” cho những ai đã lãng quên vì cơm áo gạo tiền.
Với Chiêu và Lynh thì sách hay cũng như sắc đẹp của phụ nữ. Vậy nên cuộc đời cũng sẽ nhan sắc giá trị thặng dư hơn nhiều nếu có những người đàn bà biết làm đẹp mình bằng... sách.
Một ông bạn già làm văn chương kết luận: Sài Gòn luôn có những điều mới lạ nhưng lạ như hai cô nữ sĩ này thì chỉ có một, một thân một mình mở quán nuôi con mọn làm cái công việc rất giống những người phụ nữ khác. Nhưng kỳ thực lại “không giống ai.” Họ đang làm một việc quá lương tri chỉ cốt để giữ gìn cái nhân phẩm đang rơi rụng của nhiều người.
Related news items:
Tin mới
- Hải sản ở miền Tây Bắc: Ðắt nhưng độc - 21/03/2014 16:40
- Trung Quốc đang có ý đồ gì ở Việt Nam? - 15/03/2014 23:05
- Tội ác chiến tranh của TQ trong cuộc chiến Gạc Ma - 13/03/2014 19:19
- Những phát minh làm thay đổi cách thức chiến tranh trên thế giới - 12/03/2014 23:17
- Thương lái Trung Quốc phá hoại nông dân Việt - 12/03/2014 14:16
- Thật, giả mật ong rừng ở Sapa - 09/03/2014 16:50
- Ngày thầy thuốc VN và những người lao công bệnh viện - 09/03/2014 01:45
- Chuyện những chiếc cầu xứ Việt - 09/03/2014 01:21
- Đất Quảng Trị tràn ngập người Trung Quốc - 05/03/2014 23:43
- Sống hài hòa hay nhu nhược với TQ? - 05/03/2014 23:34
Các tin khác
- Nhân viên Vietnam Airlines bị tố cáo tiếp tay trộm cắp - 03/03/2014 20:35
- Con buôn Trung Quốc tự do lừa nông dân Việt Nam hám lợi - 03/03/2014 20:29
- Ông Truyền nuôi vịt - 02/03/2014 18:18
- Cựu Tổng Thanh Tra Chính Phủ 'trong sạch' nhưng xây lâu đài - 01/03/2014 00:39
- Ốc nhồi bơ tỏi : Đặc thù ẩm thực vùng Bourgogne - 28/02/2014 18:07
- Ông Mỹ bán thức ăn chay ở Little Saigon - 24/02/2014 00:27
- Sinh viên USC và UCLA đồng tố cáo nạn kỳ thị chủng tộc - 23/02/2014 18:26
- Vì sao du khách Việt bỏ trốn khi du lịch nước ngoài? - 20/02/2014 18:33
- Vui buồn tàu lửa Việt Nam - 20/02/2014 18:21
- Đặng Tiểu Bình trong chiến tranh biên giới Việt Trung 1979 - 16/02/2014 17:34