main billboard

“Dùng một cái tên bình thường để sử dụng trong một trường hợp bất bình thường nên nó đặc biệt, vì vậy được bảo vệ. Còn lấy chữ 'Water' để nói về chai nước thì chính phủ không bảo vệ được, vì đây là điều bình thường,”



ORANGE, California (NV) - Trưa Thứ Bảy, 2 Tháng Tư, công ty thực phẩm Quốc Việt Foods, Inc. tổ chức họp báo tại trụ sở công ty ở Orange để thông báo Quốc Việt Foods, Inc. thắng kiện công ty VV Foods, LLC trong vụ “vi phạm thương hiệu” liên quan đến chữ “cốt” trong các sản phẩm “Cốt Phở Bò,” “Cốt Phở Gà”...

quocviet 11
Ông Tuấn Nguyễn, Luật Sư John Trần, và Luật Sư William L. Buus (từ trái) trong buổi họp báo. (Hình: Quốc Dũng/Người Việt)

Ông Tuấn Nguyễn, chủ tịch kiêm tổng giám đốc Quốc Việt Foods, Inc. (gọi tắt là Quốc Việt), cho biết: “Khoảng năm 2012, lúc đó Quốc Việt thấy công ty VV Foods, LLC (gọi tắt là VV Foods) sử dụng nhãn hiệu của mình, chúng tôi đã gửi thư yêu cầu VV Foods không sử dụng nhãn hiệu đã được đăng ký của Quốc Việt nhưng họ không đồng ý, và cho rằng nhãn hiệu của chúng tôi chỉ là một tên bình thường, không có sự bảo vệ của chính phủ.”

“Trước thái độ đó của họ, chúng tôi không có cách chọn nào khác ngoài việc buộc phải đâm đơn kiện kể từ Tháng Mười Hai, 2012. Phiên tòa này kéo dài gần bốn năm, cuối cùng Tháng Ba vừa qua chúng tôi thắng kiện về nhãn hiệu này,” ông Tuấn Nguyễn nói.

Ông tổng giám đốc cho hay: “Quốc Việt là công ty đầu tiên tại Hoa Kỳ sản xuất các sản phẩm súp Việt Nam cô đặc, bán dưới nhãn hiệu ‘cốt’ với hơn 20 nhãn hiệu đã đăng ký độc quyền và bị công ty khác xâm phạm như Cốt Phở Bò, Cốt Phở Gà, Cốt Bún Bò Huế, Cốt Hủ Tíu, Cốt Súp Chay, Cốt Lẩu Thái Lan...”

Giải thích về sự đặc biệt của chữ “cốt”, ông Tuấn Nguyễn nói: “Nếu nói 'Water' thì rất bình thường cho nhãn hiệu một chai nước. Nhưng nếu lấy chữ 'Water' để làm nhãn hiệu cho cái 'Microphone' thì trường hợp này rất đặc biệt. Bởi vì bình thường không ai gọi cái 'Microphone' là 'Water' nhưng khi nói 'Water' thì người ta biết là nói đến nhãn hiệu của 'Microphone.' Cũng như hãng Apple dùng chữ 'Apple' để đặt tên cho sản phẩm của họ vậy.”

“Dùng một cái tên bình thường để sử dụng trong một trường hợp bất bình thường nên nó đặc biệt, vì vậy được bảo vệ. Còn lấy chữ 'Water' để nói về chai nước thì chính phủ không bảo vệ được, vì đây là điều bình thường,” ông nói.

Theo ông Tuấn Nguyễn, sau khi yêu cầu VV Foods không được, Quốc Việt đã tìm luật sư để giúp cho vụ kiện này. “Chữ ‘Cốt Phở Bò,’ hay ‘Cốt Phở Gà’... là một danh từ của Việt Nam, nếu chúng tôi tìm một luật sư Mỹ thì có thể người đó không hiểu tầm quan trọng danh từ của Việt Nam, còn tìm một luật sư Việt Nam giỏi tiếng Anh để cãi thì hiện nay trong cộng đồng chúng ta rất hiếm,” ông cho biết.

quocviet 12
Quốc Việt thắng trong vụ kiện nhờ chữ “cốt.” (Hình: Quốc Dũng/Người Việt)

“Tình cờ qua người quen chúng tôi biết Luật Sư John Trần và vợ ông là Luật Sư Rosalind Ong, cả hai người đều là luật sư chuyên về các vấn đề liên quan đến bằng sáng chế, nhãn hiệu, bản quyền... thuộc tổ hợp luật Rhema Law Group ở Irvine. Vụ kiện này luật sư phải hiểu tiếng Việt một chút và hiểu phong tục của người Việt Nam nữa thì mới thắng được, vì vậy chúng tôi đã chọn tổ hợp luật Rhema Law Group của hai luật sư này để đại diện cho chúng tôi,” ông tổng giám đốc cho hay.

Ông tổng giám đốc cũng cho biết: “Ngoài ra, chúng tôi còn mời Giáo Sư Trần Ngọc Dụng, giảng dạy tại trường đại học Orange Coast College và UCLA, đóng góp phần lớn trong vụ kiện này.”

“Vai trò của Giáo Sư Trần Ngọc Dụng là phân tích cho bồi thẩm đoàn biết trong ngôn ngữ và từ điển của người Việt Nam chữ 'cốt' không phải là 'soup base.' Chữ 'cốt' thường người ta nói đến hài cốt, xương cốt, hương vị cốt... Còn nếu dùng trong thực phẩm thì phải có chữ đi đầu là 'nước cốt,'” ông nói.

Ông nói tiếp: “Chẳng hạn trong trường hợp của Quốc Việt, nếu dùng một cách bình thường phải là ‘Nước cốt phở bò cô đặc’ thì mới đủ cái nghĩa của tên sản phẩm. Nhưng cách của Quốc Việt dùng rất ‘ngang xương,’ có nghĩa là cắt khúc đầu, cắt khúc cuối, chưa đủ nghĩa để tả sản phẩm, để gây điều bất ngờ. Giáo Sư Trần Ngọc Dụng đã chứng minh điều bất bình thường đó cho bồi thẩm đoàn.”

Theo ông Tuấn Nguyễn, việc lấy trùng nhãn hiệu đã gây thiệt hại rất lớn cho Quốc Việt, “Và hơn hết là Quốc Việt muốn bảo vệ quyền lợi cho khách hàng của mình, để người tiêu dùng không bị lầm lẫn khi sử dụng sản phẩm,” ông nhấn mạnh.

Ông cho hay: “Quốc Việt đã bỏ ra hơn $2.5 triệu để quảng bá nhãn hiệu của mình trong gần chục năm qua, thì bây giờ một công ty nào đó không mất tiền quảng cáo, chỉ cần lấy cái tên có chữ 'cốt' thì họ đã có lời. Chưa kể sản phẩm của công ty kia có ngon, có tốt bằng sản phẩm của Quốc Việt không? Nếu người ta dùng sản phẩm kia nhưng không thích, người ta sẽ cho rằng đồ của Quốc Việt cũng như vậy và không dùng nữa thì điều này rất tai hại.”

“Vì vậy Quốc Việt phải kiện và đã thắng kiện. Đây là một vụ thắng kiện về thương hiệu rất hiếm hoi, thường chỉ có 2% được bồi thẩm đoàn xét xử. Trường hợp của Quốc Việt thì tòa đã đồng ý vì chúng tôi dùng chữ 'cốt' không có nghĩa là 'soup base.' Nhưng người tiêu dùng cứ nghĩ 'cốt' là 'soup base' nên Quốc Việt thắng,” ông nói.

Tuy thắng kiện, nhưng ông Tuấn Nguyễn cho biết: “Ngày hôm đó bồi thẩm đoàn không quyết định được số tiền phải bồi thường là bao nhiêu. Lý do là luật sư của Quốc Việt đưa ra con số thiệt hại là trên $5 triệu, nhưng VV Foods không đưa ra con số cụ thể nào.”

“Đúng ra VV Foods phải đưa ra một con số, là trong số $5 triệu này thì tiền vốn của họ là bao nhiêu phần trăm, ngoài ra thì còn tiền nọ, tiền kia là bao nhiêu phần trăm... Tổng chung lại thì trong $5 triệu này thì có khoảng 20% đến 25% tiền lời thôi, thì họ chỉ bồi thường tiền lời thôi chứ không bồi thường tiền vốn. Tính nôm na là như vậy,” ông tổng giám đốc nói.

Ông nói tiếp: “Nhưng họ không đưa ra được con số chính xác, vì vậy bồi thẩm đoàn không quyết định được. Do đó, tòa ra lệnh cho hai bên ngồi lại với nhau để thương lượng số tiền. Nếu hai bên không thương lượng được số tiền thì sẽ có một tòa khác sẽ xử về số tiền này.”