main billboard

Sự hiện diện của lính Nga tại Ukraina ngày càng nhiều

RUSSIA-GRAVES-Ukrana

Mộ của hai người lính nhảy dù Nga tại nghĩa trang Vybouty, gần thành phố Pskov (Nga). Hai người này được cho là tử trận tại Ukraina vào tháng 08/2014.Reuters/Dmitry Markov



 Trong thời gian qua, nhiều thông tin đã được tiết lộ trong công luận Nga về sự hiện diện của quân đội Nga ở miền Đông Ukraina.

Các tiết lộ trên đã khiến cho chính quyền Nga lúng túng vì Matxcơva luôn luôn phủ nhận điều này.

Guồng máy tuyên truyền Nga đã được huy động để xử lý vụ "giấu đầu lòi đuôi" này, đặc biệt là đối với dư luận trong nước.
Lập luận chính thức được đưa ra là lính Nga tại Ukraina đều là những người "tình nguyện", tự ý sang nước láng giềng chiến đấu để giúp đỡ "anh em" trong cơn hoạn nạn.

Từ khi chiến sự bùng lên tại miền Đông Ukraina giữa quân đội chính phủ với lực lượng ly khai thân Nga, bằng chứng không thể chối cãi được về sự hiện diện của lính Nga tại Ukraina ngày càng nhiều, từ việc các quân nhân bị bắt làm tù binh bị chính quyền Kiev công khai đưa lên đài truyền hình, cho đến vụ các quan tài chở xác lính Nga tử trận được bí mật hồi hương, nhưng bị báo chí vạch trần.

Đó là chưa kể đến vô số lời chứng rất xác thực được công bố trên các mạng xã hội.

Bằng chứng mới nhất về sự can dự của quân đội Nga vào nội tình Ukraina là vụ hàng chục binh sĩ Nga thuộc một đơn vị thiện chiến, đã tử trận sau khi bị lọt vào một ổ phục kích ở gần Lugansk, miền Đông Ukraina vào tháng 08/2014.

Trong số ra ngày 21/09/2014, nhật báo Mỹ The New York Post, rồi sau đó nhật báo Anh Daily Mail, đã tiết lộ vụ việc trên dựa trên tài liệu của một chính khách đối lập Nga.

Thảm kịch : Một đơn vị 90 lính Nga trúng phục kích, chỉ có 10 người sống sót

Dân biểu Lev Shlosberg thuộc đảng Yabloko đã có phần ghi âm một cuộc nói chuyện qua điện thoại của hai người lính dù, được cho là thuộc Sư đoàn 76 Vệ binh Không vận, một đơn vị tinh nhuệ đóng tại thành phố Pskov ở miền Tây nước Nga, gần biên giới với Estonia.

Một người đang nằm viện đã kể lại với một đồng đội của mình về diễn tiến vụ phục kích bất ngờ gần thành phố Lugansk miền Đông Ukraina mà đơn vị anh ta đã phải chịu.
 Người lính này, vốn đã bị thương trong trận đánh đó, cho biết là toán lính của anh gồm 90 người, trong số này 80 người đã tử thương, chỉ còn 10 người sống sót.

Khi được hỏi là trước lúc bị phục kích, anh ta có biết là mình phải ra trận không, người lính này trả lời : « Họ (cấp trên) không cho biết bất cứ điều gì... nói rằng chúng tôi được điều động tham gia một cuộc tập trận. »
Đây không phải là lần đầu tiên trận đánh này được nêu lên. 

Vào giữa tháng Tám vừa qua, Kiev đã loan tin về những vụ giao tranh với Sư đoàn 76 Vệ binh Không vận của Nga, trong lúc trang Web của Bộ Quốc phòng Ukraina cho biết là quân đội chính phủ đã phá hủy ba xe tăng của đối phương và tịch thu được hai xe chở quân.

Dĩ nhiên là Mátxcơva đã phủ nhận hoàn toàn thông tin về trận đánh.
Thế nhưng, sau đó ít lâu, cũng trong tháng 8, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã trao tặng một trong những huân chương nhất cao quý nhất của Nga, Huân chương Suvorov, cho Sư đoàn này, vỉ thành tích « hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quân sự » với « lòng dũng cảm anh hùng ».

Cho đến gần đây, Matxcơva luôn luôn phủ nhận các cáo buộc của Kiev và phương Tây về sự hiện diện của lính Nga tại Ukraina.

Ngày 18/09/2014 vừa qua, Kiev và Washington một lần nữa tố cáo Matxcơva can thiệp trực tiếp trong khu vực, nơi mà chiến sự vẫn không hoàn toàn dừng lại, bất chấp lệnh ngừng bắn đã ký kết.

Tiết lộ của báo chí phương Tây thực ra chỉ làm rõ thêm những gì đã được chính người Nga nêu lên.

 Theo thông tín viên RFI Muriel Pomponne tại Mátxcơva, các tiết lộ nhạy cảm về việc lính Nga chiến đấu bên cạnh lực lượng thân Nga tại miền Đông Ukraina đã được đài truyền hình độc lập TV Rain đưa ra từ tháng Tám.

 Ngày 28/08, đài này đã trích dẫn bà Valentina Melnikova, Chủ tịch Ủy ban các Bà mẹ Lính Nga, cho biết là có gần 15.000 binh sĩ Nga chiến đấu ở miền Đông Ukraina.
Bên cạnh đó, một số phương tiện truyền thông độc lập của Nga còn tiết lộ thông tin về tang lễ bí mật của hai lính dù được tổ chức ở miền Bắc nước Nga.

 Đây chính là hai người lính thuộc Sư đoàn 76 Vệ binh Không vận tại Pskov. Theo thân nhân những người bị thiệt mạng, hai lính dù này bị tử trận ở Ukraina, nơi Nga chính thức không hề triển khai quân đội.

Từ Mátxcơva, trong một cuộc hỏi đáp với Paris, thông tín viên Muriel Pomponne đã phân tích sâu hơn về thủ thuật mà Mátxcơva đã áp dụng để lèo lái dư luận Nga sau khi bị lâm vào tình trạng giấu đầu lòi đuôi trong vụ lính Nga tham chiến tại Ukraina.

Phản ứng đầu tiên khi bị vạch trần : lính Nga đi lạc qua Ukraina !

Trước hết Muriel Pomponne trở lại với tác động của những tiết lộ về vụ lính Nga chiến đấu tại Ukraina kể trên đối với dư luận Nga, đặc biệt sau khi Ủy ban các Bà mẹ Lính Nga biểu tình để tố cáo sự kiện con em họ bị chết ở Ukraina.

M.P. : « Quả đúng là các bà mẹ và vợ của lính Nga đã biểu tình ngày 28/08/2014 tại thành phố Kostroma gần Matxcơva... Họ không chỉ tố cáo sự kiện binh sĩ Nga bị chết ở Ukraina, mà còn đòi thông tin cụ thể.

Mới đây đã xảy ra vụ 9 người linh Nga thuộc Trung đoàn Nhảy dù 331 ở Kostroma bị bắt tại Ukraina. Họ bị bắt làm tù binh sau khi vượt qua biên giới.

Chính quyền Kiev đã đưa họ lên đài truyền hình. Và lần đầu tiên, Matxcơva đã bị buộc phải thừa nhận sự hiện diện của quân đội Nga trên lãnh thổ Ukraina.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng và sau đó, Tổng thống Putin khẳng định rằng những quân nhân này đã đi lạc trong quá trình tập trận... Gia đình họ sau đó biết được rằng nhiều đồng đội của họ đã bị giết và nhiều người khác bị thương đang được điều trị tại thành phố Rostov trên sông Don.

Kể từ lúc đó, người ta đã bắt đầu nói nhiều hơn về lính Nga tại Ukraina.

Các gia đình đã cho báo chí biết là họ không hề được tin tức về chồng hoặc con của họ là lính trong quân đội Nga. Họ cũng được nghe nói rằng nhiều người lính nhảy dù đã được chôn tại một vài nghĩa trang quân đội, đặc biệt là vào ngày 25/08/2014 tại Vybouty gần Pskov, miền bắc nước Nga.

Một số gia đình đã nhận được tin nhắn từ con trai của họ, cho biết là đang ở Ukraina.
Do đó, các Ủy ban các Bà mẹ Lính Nga, nhất là Ủy ban tại Matxcơva, đã gởi thư lên chính quyền để đòi hỏi thông tin về những người lính mất tích.

Từ 10.000 đến 15.000 lính Nga bị đưa sang Ukraina

RFI : Phải chăng là Chủ tịch Ủy ban các Bà mẹ Lính Nga tại St Petersburg, Ella Poliakova, đồng thời là một thành viên Hội đồng Phát triển Xã hội Dân sự và Nhân quyền bên cạnh Tổng thống Nga, đã lên tiếng yêu cầu điều tra về trường hợp 9 người lính bộ binh gốc Dagestan, được chính thức cho biết là đã chết nhân một cuộc tập trận vào đầu tháng Tám tại vùng Rostov ?

M.P. : Đúng vậy. Được một thành viên khác của Hội đồng là ông Sergei Krivienkov giúp đỡ, bà Poliakova đã trực tiếp yêu cầu "Ủy ban Điều tra", cơ chế phụ trách các hồ sơ nhạy cảm, làm sáng tỏ vụ việc.

Đối với các Ủy ban Bà mẹ lính Nga, có khoảng 10.000-15.000 binh sĩ Nga đã bị đưa qua Ukraina, thường là trái với ý muốn của họ, nghĩa là hợp đồng của họ không ghi là họ phải đi chiến đấu ở nước ngoài.

Thông thường, vào giờ phút chót, họ được lệnh mặc quần áo ngụy trang không có phù hiệu đặc biệt nào, để rồi sau đó phát hiện ra rằng họ đang hiện diện tại Ukraina khi bị đối phương bắn vào.

Một số người lính khác thì tình nguyện qua Ukraina vì tiền. Chẳng hạn như những người lính quê từ Cộng hòa Trung Á Dagestan, họ được cho là đã lãnh 220.000 rúp (4.000 euro).
Kênh truyền hình cáp độc lập "TV Rain", đã mở ra một trang web được gọi là "người lính của chúng ta", nơi mọi người có thể gửi thông tin về những người lính bị chết và mất tích.

Hù dọa những ai tiết lộ sự thật

RFI : Phản ứng của chính quyền Nga ra sao ?

M.P. : Phản ứng đầu tiên là những hành vi hù dọa đến từ những thành phần không rõ xuất xứ nhưng được giả định là tay sai của chính quyền.

Các nhà báo đã đến nghĩa trang Vybouty chẳng hạn, đã bị hành hung và đe dọa. Người ta đã cho các ký giả này hiểu rằng tốt hơn hết là không nên can thiệp vào vấn đề lính Nga ở Ukraina. Rắc rối tương tự cũng xảy ra đối với với những ai đến điều tra tại các bệnh viện quân đội ở Saint Petersburg và Rostov, nơi mà theo các Uỷ ban các Bà mẹ Linh Nga, có rất nhiều binh sĩ bị thương.

Và ông Lev Shlosberg, một dân biểu thuộc đảng đối lập Yabloko, người đã tiến hành một cuộc điều tra độc lập về số lính dù được chôn cất tại nghĩa trang Vybouty, thì đã bị kẻ lạ mặt tấn công vào cuối tháng Tám.

Những người này không cướp đi vật gì, mà cũng không nói một lời. Ông bị đánh từ phía sau lưng và bị bỏ lại bất tỉnh trên mặt đất. Ông cho rằng nguyên nhân vụ tấn công là cuộc điều tra của ông.

Và rồi Ủy ban các Bà mẹ Lính Nga của thành phố St Petersburg đã bị bộ Tư pháp Nga liệt vào diện tổ chức "hoạt động cho ngoại bang", một cách gọi rất xấu xa tại Nga, có tác dụng làm dấy lên thái độ nghi kỵ.

Tất cả các tổ chức nhận tiền của nước ngoài, cho dù không là bao, đều bị gọi là cơ quan hoạt động cho ngoại bang. Đa số các tổ chức phi chính phủ đều bị chính quyền Nga liệt vào diện này, và sau đó đã phải tiến hành các thủ tục pháp lý lâu dài để được rút ra khỏi danh sách.

Trong tình hình kể trên, các gia đình đã hiểu được thông điệp và rốt cuộc số người khiếu nại rất ít. Hơn nữa, họ rất cần đến tiền trợ cấp mà họ sẽ được lãnh, cho dù khoản đó tương ứng với việc chết trong khi tập trận chứ không phải là chết trên chiến trường.
Định hướng dư luận : Lính Nga ở Ukraina đều tình nguyện hy sinh kỳ nghỉ phép để đi giúp anh em

RFI : Giới truyền thông Nga phản ứng ra sao ?

M.P. : Phản ứng là một sự đảo ngược dư luận, hay nói đúng hơn là mưu toan khống chế dư luận do các đài truyền hình thân cận với chính quyền tiến hành.

Ngày 28/08, kênh truyền hình thông tin liên tục "Rossya 24" đã phát đi bài phỏng vấn ông Alexander Zarkatchenko, lãnh đạo lực lượng ly khai ở miền Đông Ukraina, biện minh cho sự hiện diện của binh sĩ Nga trong hàng ngũ của họ.

Nhân vật này giải thích rằng binh sĩ Nga đều là những người lính được nghỉ phép, thay vì đi chơi ngoài bãi biển, họ tình nguyện đến giúp huynh đệ của mình ở Ukraina. Số quân tình nguyện khoảng từ 3000 đến 4000 người, và đã có trường hợp tử vong.

Ông Zarkatchenko nói thêm rằng nếu không có sự giúp đỡ của lính tình nguyện Nga, tình hình sẽ khó khăn hơn rất nhiều cho phong trào ly khai.
Đây là một điều đáng ngạc nhiên, bởi vì theo quy định, một người lính khi nghỉ phép, phải để vũ khí của mình tại doanh trại và không được phép đi ra nước ngoài.

Sau đó, vào ngày 04/09/2014, kênh truyền hình số một ở Nga, đài có đông khán giả hâm một nhất, đã phát đi một bài phóng sự về đám tang của một người lính dù, Anatoly Travkine, 28 tuổi, đã qua chiến đấu ở Ukraina một tháng trước đó.

Lời bình trong bài phóng sự giải thích rằng anh Travkhine đã không hề thông báo quyết định của mình cho gia đình hay cấp chỉ huy quân sự biết. Anh chỉ xin nghỉ phép và tự mình ra chiến trường. Gia đình anh rất tự hào.

Cùng ngày hôm đó, một phóng sự khác được dành cho một buổi lễ tưởng niệm Sergei Jdanovitch, một cựu chiến binh ở Afghanistan, bị chết trước đó trong trận đánh xung quanh sân bay Donetsk.

Buổi lễ diễn ra tại thành phố nơi ông sinh sống, và bà vợ của ông nói rằng đó là quyết định của bản thân ông, bà không thể ngăn cản và rất tự hào về chồng mình.

Chính vào tháng Năm, sau cuộc chiến để kiểm soát sân bay ở Donetsk, mà giới báo chí, trong đó có cả những người từ hãng tin Interfax, đã lần đầu tiên đề cập đến vụ lính Nga thiệt mạng ở Ukraina được hồi hương, nhưng đã nói đến vấn đề tình nguyện viên.

Mátxcơva thành công trong việc lèo lái dư luận trong nước

RFI : Hiện nay, tình hình dư luận Nga ra sao ?

M.P. : Ngày 18/09/2014, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga khẳng định rằng không chưa bao giờ có, và sẽ không bao giờ có quân đội Nga ở Ukraina. Qua Ukraina, chỉ có những người tình nguyện, được ước muốn không gì cưỡng nổi thôi thúc là phải đi giúp anh em của họ trong cơn hoạn nạn.

Đấy là cách kiểm soát và hướng dẫn dư luận được chính quyền Nga áp dụng. Nhà nước Nga và các phương tiện truyền thông thân chính quyền đã kích thích tinh thần yêu nước và tình huynh đệ giữa những người nói tiếng Nga.

Các phương tiện truyền thông không ngừng giải thích rằng người nói tiếng Nga ở Ukraina đang bị áp bức và bổn phận của dân Nga là phải giúp đỡ họ. Đây là một chiến dịch tuyên truyền không ngừng nghỉ.

Đối với công chúng, tình đoàn kết giữa những người nói tiếng Nga là điều cần phải thể hiện, kể cả bằng phương tiện quân sự, miễn là không phải đi đến chiến tranh. Và tất nhiên, trên bình diện chính thức, Nga hoàn toàn không phải ở trong tình trạng chiến tranh.

Tóm lại, đối với phần lớn dân Nga, những binh sĩ Nga qua Ukraina đều là những người tình nguyện, không có phép của chính quyền Nga, và họ đã chứng tỏ tình huynh đệ với những người nói tiếng Nga bị áp bức. Công luận Nga hầu như không nghi ngờ gì về điểm đó. Cuộc chiến ở Ukraina đã được công chúng Nga cảm nhận như vậy.

Putin thúc đẩy hưu chiến để kín đáo hồi hương lính Nga từ Ukraina

RFI : Vụ lính Nga chiến đấu ở Ukraina bị tiết lộ phải chăng có liên quan đến cuộc ngừng bắn đã được Tổng thống Nga Vladimir Putin đề xuất ?

M.P. : Cả hai bên đều có khá nhiều lý do để tuyên bố một lệnh ngừng bắn. Nhưng đối với Matxcơva, cuộc hưu chiến cho phép Nga hồi hương những người lính của mình và dập tắt những dị nghị.

Mới đây, Tổng thống Ukraina Poroshenko ước tính rằng 70% lính Nga đã rời khỏi Ukraina, chỉ còn khoảng 1000 người. Theo các gia đình binh sĩ, quả thực là đã có nhiều người lính trở về, và một số đã gửi đơn xin giải ngũ.

Căn cứ vào những gì xảy ra tại chỗ, chính quyền Nga sẽ xác định chiến lược của mình. Nhưng đối với công chúng Nga, có thể nói rằng vụ việc đã bị ém nhẹm khá nhanh chóng với lệnh ngừng bắn, và đã được chính quyền khéo léo xử lý.

Matxcơva không muốn phạm lại sai lầm của cuộc chiến Tchesnya trước đây, khi những chiếc quan tài lính Nga tử trận được hồi hương đã gây chấn động trong dư luận.