main billboard

Giữa miền đất Canada hạnh phúc này, tôi may mắn có một nhóm bạn chí thân thường họp nhau nhậu nhẹt cuối tuần, xưng danh là làng An Lạc.

Dân làng chỉ có một mớ, quanh năm đã vui mà đến dịp tết còn vui hơn. Nó vui hơn vì có một dân làng viễn cư về xum họp. Đó là ông Từ Hoè. Ngay từ xưa khi mới dựng làng ông đã được làng trao trọng trách mùa tết.

Năm nay ông từ xa đã về làng rất sớm để kịp dựng cây nêu và làm cỗ tiễn Ông Táo về trời. Ông cư trú cayneu 2tại nhà Cụ chánh tiên chỉ . Dân làng nghe tin ông về thì kéo nhau đến chào thăm rất vui vẻ. Ông đã tự tay làm bữa cơm tiễn ông Táo đãi cả làng. Bữa ăn toàn món gà. Ông cười hà hà rồi bảo rằng sắp hết năm con gà nên ta phải tiễn gà. Chị Ba Biên Hòa hỏi ngay : vậy năm mới đang tới là năm con chó, bác sẽ làm thịt chó sao? Ông lại cười hà hà rồi trả lời ngay đây là bí mật quốc gia không thể tiết lộ bây giờ được. Xin bà con vui lòng đợi, đừng nôn nóng.

Ông này tài giỏi y như ông ODP là bạn thân của ông và là anh cả trong làng. Bữa ăn tiễn ông Táo này toàn do phe liền ông trong làng đứng nấu, nào chính ông, nào ông ODP, nào Cụ Chánh, nào ông H.O. Anh John và tôi làm chân bồi bàn để các đầu bếp sai vặt. Xưa nay tôi cứ tưởng chỉ có phe liền bà mới nấu ngon, ai ngờ bữa nay dưới sự lãnh đạo của ông Từ Hoè, bữa tiệc tiễn năm con gà ngon và sang trọng quá sức. Nào gà luộc, gà quay, gà xào miến, gà kho gừng, gà nấu canh đu đủ. Bà cụ B.95 phát biểu : lão sang đây từ năm 1995, thấy gà Canada vừa bở, vừa nhạt, vừa bứ, nên cứ thấy món gà là ớn. Bữa nay, nhờ bàn tay có thần của bác Từ Hoè, bác đã làm sống lại hương vị gà quê hương VN. Xin tạ ơn bác. Bác đã cho ăn đúng thịt gà của đồng quê VN. Bác có thể chỉ cho lão bí quyết không ? Ông Từ Hoè chỉ cười mà không nói. Anh John liền nhảy vào đỡ lời :

- Cụ ơi, con được bác Từ Hoè cho làm phụ tá đặc biệt. Con đã đi chợ với bác. Bác ấy không mua loại gà công nghiệp trong các hàng thịt lớn mà bác đến chợ Do Thái chọn mua loại gà chạy bộ tên là Cornish Hen, mỗi con chỉ to bằng 2 vốc tay. Bác luộc xong thì bỏ vào tủ lạnh. Hai giờ sau thịt gà đã cứng, bác mới đem ra chặt bằng giao thật bén. Lòng gà xào miến, nước luộc gà để nấu canh, cổ cánh băm viên trộn với gừng và nấu với đu đủ. Chắc khi nấu thì bác đã bí mật bỏ thêm bùa vào nên nó ngon là thế đó, cụ ơi.

Chị Ba Biên Hòa tiếp lời chồng : Gắp một miếng thịt gà luộc có chút xíu da, chấm vào điã muối tiêu chanh ớt, thêm lát hành ta thái mỏng và chút lá chanh non thái nhỏ, bỏ vào miệng nhai từ từ, chao ơi là ngon, cái ngon của quê hương đã mất từ lâu...

Cụ Chánh liền hỏi Chị Ba : Sau bữa gà để tiễn năm gà, mai này vào năm con chó, liệu Chị Ba có dám ăn thịt chó do bác Từ Hoè nấu không ? Chị Ba và hai Cô Huế rú lên khi nghe tới việc ăn thịt chó.

Ông Từ Hoè thấy vậy liền cười rồi nói : Văn hóa Bắc Mỹ là không ăn thịt chó vì ở đây người ta coi con chó là con vật thân yêu như con, gọi nó là PET , nâng niu nó như con như người tình, thì ai dám giết mà ăn thịt! Còn người Á Châu mình, đặc biệt Tàu, Cao Ly, Phi luật tân và VN thì coi con chó như con gà con vịt con heo. Nuôi để ăn thịt. Tôi có một chuyện dài liên hệ tới cái văn hóa này, hôm nay nhân mùa tết chuẩn bị tết chú cẩu, tôi xin kể các bạn nghe nha.

Rằng khi xưa ở miền Nam tôi có một thằng bạn. Tên này học dốt, thi trượt hoài nên chán học bỏ ra đi buôn. Quê nó ở Đà Nẵng. Nó nói rằng nó trúng số độc đắc nhờ nói láo : Năm 1965 lính Mỹ bắt đầu đổ vào VN ào ạt. Nơi họ đóng quân đầu tiên là Đà Nẵng. Anh lính Mỹ nào ra chợ cũng tìm mua những gì đặc thù VN để gửi về Mỹ cho gia đình biết và giữ làm kỷ niệm. Tên láu cá này bắt được cái tín hiệu đó liền nảy ra sáng kiến. Nó mang một lô cái trống ếch của trẻ em chơi dịp tết Trung thu đem đến trước cửa trại lính Mỹ rao bán. Nó vừa gõ bung bumg vừa rao rằng trống này bịt bằng da con trâu nước... Lính Mỹ nghe thấy tiếng trâu nước, water buffalo, mắt liền sáng lên. Xưa nay ở Mỹ chỉ nghe thấy tên trâu nước trong sách vở hay trên phim ảnh, chưa bao giờ được sờ tới con trâu nước. Thế là lính Mỹ ùa ra cổng và đua nhau mua cái trống bịt bằng da con trâu nước, rồi vội vã gửi về cho người yêu, cho các em, cho gia đình. Nó thấy trúng mối bèn đặt làm hàng ngàn cái và cho người đi bán khắp các trại Mỹ. Chỉ trong mấy tháng nó trở thành triệu phú. Thế là nó vào Saigon mua nhà mua xe. Từ việc này, cái tên con trâu nước ghi đậm trong đầu tôi. Lúc đó tôi đang chỉ huy một tiểu đoàn Thuỷ Quân Lục Chiến.

Đơn vị tôi có một cố vấn Mỹ . Anh Mỹ này rất tốt và rất thân ái. Anh ta giúp đơn vị tôi rất nhiều mặt. Lễ Giáng sinh năm đó, tôi nghĩ mãi mà không biết cám ơn anh cố vấn này như thế nào. Sau cùng thì con trâu nước đã hiện ra. Mà chả lẽ biếu anh ta cái trống ếch của trẻ con ở Đà Nẵng, lỡ về sau anh ta khám phá ra tôi đánh lừa thì tôi vỡ mặt. Suy nghĩ mãi, cuối cùng thì tôi tim ra được cách khác. Tôi đãi ông cố vấn một bữa nhậu, tôi nói là nhậu thịt trâu nước. Lâu lâu mới mua được thịt này. Ông cố vấn Mỹ nghe tới thịt con trâu nước thì mắt sáng lên. Bữa đó chỉ có một món thịt luộc mà thôi, tiệc của lính mà. Cách ăn trúng cách là ăn với muối ớt và lá mơ, và nhậu với bia 33 con cọp. Ông cố vấn nếm thấy ngon nên đã ăn rất say đắm và nhiệt tình. Tôi thấy vui trong lòng nên cũng nhậu rất say đắm và nhiệt tình. Sáng hôm sau ông ta đến gặp tôi rất sớm, giơ cho tôi thấy một bao thư, rồi nói : Tôi phải đi gửi ngay cái thư này về cho vợ. Đêm qua, tôi đã thức rất khuya để viết cho vợ tôi về bữa nhậu ở nhà anh, tả cho vợ cái thơm cái ngon cái béo cái bổ của miếng thịt, tả cái sung sướng được ăn thịt trâu nước lần đầu tiên trong đời. Xưa nay tôi chưa bao giờ có một bữa ăn nào ngon như thế. Xin hết lòng cám ơn Anh.

Rồi ông Từ Hoè kết luận : Đó, các bạn thấy chưa, ngon hay không ngon là do cái đầu ta. Và để trấn an cả làng, ông nói ngay : Bữa cỗ đầu năm Chú Cẩu này, tôi không có thịt chó thật nên sẽ làm món ‘thịt chó giả cầy’, cỗ tết sẽ chỉ có 2 món, một món giả bằng thịt dê, một món giả bằng thịt heo, hai món này nấu với củ chuối non, nhậu với bún hay với cơm nóng, cam đoan cả làng sẽ lên mây hết.

Cả làng vỗ tay râm ran, chưa được ăn, mới chỉ nghe mà ai cũng nuốt nước miếng ừng ực.

Trước khi dân làng ra về thì ông Từ Hoè xin một điều : Tết năm nào làng ta cũng lập bàn thờ tổ tiên, cũng tế tổ trước khi nhập tiệc. Trên bàn thờ thường có hoa đèn, bánh chưng bánh tét và đĩa trái cây. Tôi xin làng chú ý đĩa trái cây này. Xưa nay người ta thường cúng 4 thứ trái : mảng cầu, trái dừa, trái đu đủ, và trái xoài để mang ý nghiã ‘ cầu vừa đủ xài’. Tôi không thích lời cầu này vì cầu vừa đủ xài thì cầu làm gì. Ta phải cầu dư xài chứ. Do vậy tôi đề nghị làng chi mua 3 thứ trái : mảng cầu, trái dưa và trái xoài, để nói lên ý nguyện : cầu dư xài. Làng nghe xong ai cũng gật gù nói có lý. Các cụ phương xa có đồng ý với ông Từ Hoè của chúng tôi không ? Ngày tết nhớ phải cầu dư xài nha.

Cái ông Từ Hoè này có bùa mê. Ông đã bỏ bùa cho cả làng. Dân làng không ai bảo ai, ngày nào cũng tới ăn trưa với ông để nghe ông nói chuyện. Ông nói đủ mọi chuyện, nhưng có 2 chuyện tôi thích nhất nên xin kể ra đây. Ông bảo đây không phải là chuyện của ông bịa ra mà là chuyện do bạn bè chuyển cho qua mạng vi tính. Chuyện thứ nhất chẳng biết ai là tác giả, chỉ thấy trên mạng ghi là Franky.

Chuyện xảy ra sau ngày Đảng tuyên bố cởi trói cho dân được tự do phát biểu. Rằng bữa đó, ngay trước cửa Chợ Bến Thành ở Saigon có một thanh niên bác ghế đứng lên chửi đổng :

- Tiên sư cha nó, vì một thằng già khốn nạn mà cả nước khốn khổ lầm than !

Công an liền bắt anh ta giải về đồn rồi hỏi : Anh chửi ai là thằng già khốn nạn ? Anh ta đáp : Thưa cán bộ, tôi chửi Dương Văn Minh !

Tên công an chưa hài lòng nên hỏi tiếp :

- Ý anh muốn nói là vì Dương Văn Minh đầu hàng nên cả nước mới khổ, phải không ?

- Thưa không phải. Tôi chửi vì hắn giết Ngô Đình Diệm nên cả nước mới khổ.

- Vậy anh có ý nói vì Ngô Đình Diệm lập ra ấp chiến lược nên đã đàn áp được quân giải phóng, phải không ?

- Thưa không phải. Vì Dương Văn Minh giết Ngô Đình Diệm nên Mỹ mới mang quân vào nên đã làm cả nước khốn khổ.

- Anh nói nghe cũng tạm được. Nhưng dân khổ chút xíu rồi Đảng ta chiến thắng vinh quang ngay. Thôi, tha cho anh về. Từ nay anh đừng làm ầm lên chỗ chợ búa như vậy. Và từ nay anh muốn chửi ai thì phải nói rõ tên ra kẻo sẽ sinh ra hiểu lầm lôi thôi. Anh nghe rõ chưa?

- Thưa cán bộ, tôi nghe rõ. Từ nay nếu muốn chửi thì tôi sẽ chửi rõ tên : ĐM tên Minh khốn nạn đã làm toàn dân khốn khổ.

- Cán bộ đập bàn quát lớn : Anh kia anh lại vừa chửi ai thế?

- Thưa tôi chửi Dương Văn Minh.

Cán bộ vừa lườm anh vừa nói : Anh xéo ngay ! Xéo mau !

Cả làng nghe xong, ai cũng cười lăn. Ngay bà cụ B.95, xưa nay hễ nghe nói tới chuyện CSVN là bị dị ứng, là kêu nhức đầu, thế mà bữa nay bà cụ nghe xong chuyện này cũng quay ra cười ngất. Cụ bảo cái anh thanh niên Saigon kia quả là thiên tài. Anh nói Minh này nhưng ai cũng hiểu Minh kia.

Nghe xong chuyện thứ nhất thì ai cũng đòi nghe chuyện thứ hai ngay. Ông Từ Hoè xin để dành đến ngày hôm sau nhưng dân làng không chịu, nhất định bắt ông kể ngay.

Ông Từ Hoè nhấp xong chén trà rồi nói : đây là chuyện thịt chó của tác giả là Đinh Vũ Hoàng Nguyên trên mạng. Tên truyện là ‘Cao Như Đảng’ cũng là tên nhân vật chính trong truyện, như sau :

... Tên cúng cơm của gã là Cao Như Đảng. Trên thẻ căn cước ghi rõ gã tên Cao Như Đảng, tức là đích thị trên đời có thật một gã Cao Như Đảng ! Cao Như Đảng có biệt tài làm thịt chó, làm nhanh, nấu khéo, cả làng cả xóm biết tiếng. Ngay cả chó dại, chó chết, chó bị trẹt xe... gã mà đã nhúng tay pha thịt, ướp hấp, lúc dọn lên mâm vẫn ngon nhứt. Trong xóm nhà ai thịt chó cũng nhờ gã. Ủy ban xã khi nào tiếp khách hay liên hoan, cần thịt chó lại gọi gã ! Bản lĩnh ấy khiến gã với mấy vị trên ủy ban xã thành thân tình . Dần dần người ta lấy luôn cái nghề của gã gắn vào tên, gọi gã là Đảng Chó. Gã nghe vậy cũng chẳng lấy gì làm phiền.

Một ngày Cao Như Đảng mở quán thịt chó. Hôm khai trương, hắn mời cán bộ trong xã đến đánh chén. Rất vui ! Nhưng đang dở bữa thì bí thư xã phát hiện ra cái biển trước quán đề ‘ Thịt Chó Đảng’. Ông bí thư gọi Cao Như Đảng đến, quắc mắt : Anh ghi thế này là chửi ai ? Cao Như Đảng nói : Thì dân vẫn gọi em là Đảng Chó , các bác trên xã cũng gọi em là Đảng Chó! Giờ mở quán em làm biển cho tiện ! Bí thư bảo : ‘ Lời nói gió bay, nói mồm với nhau không có gì làm bằng, chứ ghi lên thế này thì mặt mũi Đảng còn cái chó gì nữa.’. Gã bèn dạ dạ. Cái biển sau, rút kinh nghiệm, Cao Như Đảng đề : ‘Đảng Thịt Chó’.

Bí thư xã đến ăn, nhìn biển mới, gật gật gù gù bảo :

- Sửa thế này được, để cái giống ấy sau chữ Đảng, cho đỡ bị hiểu lầm! Nhưng rồi đang bữa, bí thư sực nghĩ, giật mình, mới quát : Dỡ biển xuống ngay, khẩn trương ! Phản động muốn đi tù à ?

Cao Như Đảng méo mặt hỏi :’ Cả nhà em toàn người ngoan và ngu, có biết gì mà phản động?

Ông bí thư hạ giọng : Nước mình chỉ có một Đảng lãnh đạo, cấm có cái chuyện hai ba đảng. Anh ghi thế này, nhỡ ai hiểu anh lập đảng đối lập, thì toi !

Cao Như Đảng bảo : Chả nhẽ thằng bán thịt chó và mấy thằng ăn thịt chó mà cũng bị thành một đảng à ?

Bí thư bảo : Ai chả biết thế ! Nhưng cái nước mình nó thế ! Mà thôi, tốt nhất thời này cái gì đã Đảng thì đừng Chó, mà đã chó thì đừng Đảng ! Gã đành dạ dạ.

Sau bữa đấy, Cao Như Đảng lại thay biển mới, còn đề mỗi ‘Thịt Chó’.

Lắm lúc gã tấm tức : ‘Đến cái giống chó , đi không đổi họ, ngồi không đổi tên, lúc biến thành thịt vẫn gọi là CHÓ, chẳng nhẽ chỉ do nước này có độc cái Đảng mà mình phải kị húy, phải kiêng cả tên cha mẹ đẻ đặt cho, thì hóa ra mình chẳng bằng Chó !!!

Kể đến đây xong thì ông Từ Hoè xin hết chuyện. Làng thấy hay, thấy ý nhị và thấm thía, nhưng không cười ầm như chuyện thứ nhất. Ông Từ Hoè biết thế nên cười xòa : Làng không cười to vì nó dính tới Đảng phải không. Vậy tôi xin kể đền một chuyện khác, cũng chuyện bán thịt chó, nhưng không có liên hệ gì tới Đảng và già Hồ vô vàn kính yêu của Hà Nội cả . Đây là chuyện dân gian. Rằng ngày xưa ở quê nhà, thịt chó hoặc bán trong tiệm hoặc bán trong chợ, hoặc bán rong. Bữa đó có một chị đội một thúng thịt chó đi bán rong. Vừa đi chị vừa rao : Ai thịt chó đây ! Có một bác kia có máu tếu nên bác đứng trước nhà rồi gọi : Chó ! Chó! Chị nhà quê không phải tay vừa, chị ta đáp lại ngay : Ai chó đấy ? Bác nhà quê chắc có chút máu dê nữa nên nói tiếp : Chó ! Lạị đây !

Sau đó là chuyện mua bán giữa hai người. Các bạn có thấy tiếng VN hay tuyệt vời không? Chỉ có tiếng Chó để trao đổi, mà ai cũng hiểu.

Bà cụ B.95 nghe xong chuyện này thấy đúng quá, quê cụ nó đúng y như vậy, chuyện này làm cụ chợt nhớ quê nhà ngày xưa quá chừng. Cụ bảo quê mình ngày xưa buôn bán y như thế đó, rồi cụ miên man nói sang chợ ngày tết, cụ nhớ cành đào hồng, bánh chưng xanh, dưa hấu đỏ...

Cụ Chánh tiếp lời: Bà làm tôi nhớ quê Bắc Kỳ ngày xưa quá. Ngoài cảnh chợ tết, lão nhớ nhất miền quê với những cánh đồng lúa con gái mơn mởn, nhớ tiếng võng kẽo kẹt và tiếng hát ru con à ơi trưa hè, nhớ hoa sấu rụng bờ sông, nhớ ao sen thơm ngào ngạt đình làng, nhớ nhãn Hưng Yên, nhớ cá Anh Vũ Việt Trì...

Chị Ba Biên Hoà được hứng cũng phụ họa : Còn cháu trong Nam thì nhớ hoài nồi bánh tét cúng ông bà, nhớ nồi thịt kho vịt lộn dưới bếp, hâm đi hâm lại, nhớ cuộc chơi bầu cua cá cọp ầm ĩ. Thôn xóm ai cũng là bà con hết, ai cũng là Bác Hai Thím Ba Anh Tư Chị Năm hết. Ngay cả người Tàu ta cũng coi họ là họ hàng, ta gọi người Hoa là Chú Ba Thiếm Xẩm, ai cũng là chú thiếm hết. Ôi quê hương Miền Nam trước 1975 sao mà đẹp và dễ thương như vậy!

Lời Chị Ba làm tôi nhớ tới châm ngôn sống của một Cụ Bà gốc Miền Nam đã trối lại cho tôi. Cụ mê các bài viết của tôi nên kết nghĩa chị em với tôi. Cụ này về cuối đời sống một mình mà rất hạnh phúc. Vì tên của tôi có chữ L nên bà cụ đã trối lại cho tôi 3 chữ L mà Cụ nói là 3 bí quyết sống hạnh phúc của cụ. Cụ bảo tôi : Đây là quà mừng tuổi cho em. Không ngờ cụ mừng tuổi tôi món quà này vào tết cuối cùng trước khi cụ ra đi. Cụ vừa nói tiếng Anh vừa nói tiếng Việt : Live, Love, Laughter : Sống đạo, yêu thương và vui cười.

Kính chúc các cụ năm mới ai cũng có 3 chữ L hạnh phúc này.