main billboard

CHƯƠNG   IV

THỜI  KỲ  KHÁNG  CHIẾN


4.1     CHUẨN BỊ  KHÁNG CHIẾN

 Sau hai tuần lễ bày tỏ thiện chí hoà giải bằng việc tái đóng góp Thuế Đền Thờ và cố gắng giữ thái độ ôn hoà cố hữu, nhóm Chân Lý Thái Bình ngược lại chỉ nhận thêm sự khiêu khích từ phía Triều đình. Điển hình là việc cấm sử dụng hệ thống phóng thanh tại các Đền Thờ. Hơn nữa, Triều đình vẫn giữ thái độ im lặng, ù lì trong các hoạt động nhằm đẩy mạnh cuộc thương thuyết đi đến một giải pháp cho cuộc binh biến. Trong buổi Tiểu Diên Hồng Hội ngày 26 tháng 9 năm Bính Dần 1986 Bạc Trang Hán Tử liền kêu gọi dân chúng thuộc Bang Phòng Thủ Chân Lý và Thái Bình ngưng đóng các sắc thuế Đền Thờ lần nữa để làm áp lực với Triều đình. Hô còn tiến thêm một bước quan trọng khác để chuẩn bị cho kế hoạch trường kỳ kháng chiến: Vận động công luận người bản xứ để làm hậu thuẫn cho cuộc chiến đấu lâu dài. Cuộc vận động này mở đầu bằng việc phổ biến Hịch Chánh Đạo bằng ngôn ngữ của người Hồ Sinh. Việc phổ biến Hịch Chánh Đạo ấn bản đặc biệt này gồm hai mục đích. Thứ nhất thông báo tình hình tổng quát, xác định lập trường của Bang Phòng Thủ Chân Lý và Thái Bình và giải toả thắc mắc cho những người bản xứ chưa thông suốt vấn đề. Thứ hai, kêu gọi dân chúng Hồ Sinh ủng hộ lập trường chống áp bức bất công của phe Chân Lý Thái Bình. Việc phổ biến Hịch Chánh Đạo bằng ngôn ngữ của người Hồ Sinh được quyết định phải thực hiện cấp tốc bằng mọi giá vào cuối tuần ấy để đạt yếu tố bất ngờ. Địa điểm những nơi cần phổ biến hịch đã được nhóm Chân Lý Thái Bình soạn thảo gấp rút: đó là các Đền Thờ của người Hồ Sinh. Một số quân thám sát của phe chống đối đã cung cấp tin tức liên hệ về địa điểm, giờ giấc các buổi tế tự cuối tuần, ước tính số người Hồ Sinh tham dự các buổi tế tự ấy và nhiều chi tiết quan trọng khác. Ngay đêm hôm ấy, đích thân Bạc Trang Hán Tử đã làm việc rất khuya tại sảnh đường của Doanh Tuẫn Giáo để điều động các nhóm nghĩa quân sớm hoàn thành cả hai loại hịch: ấn bản bằng ngôn ngữ Hoài Quốc như thường lệ và ấn bản đặc biệt nói trên. Nhóm nghĩa quân dưới quyền điều động của Kha Phó Trang Thế Ngọc chịu trách nhiệm ấn bản Hoài Quốc trong khi nhóm nghĩa quân do Kha Trưởng Hoàng Ngọc Chương cầm đầu được giao phó những công tác liên quan đến ấn bản Hồ Sinh. Đoàn xe tứ mã với những con ngựa chiến đã già nhưng dai sức do Hoàng Ngọc Chương và Thâm Kỳ Thi Nhân cầm cương được sự hộ tống hùng hậu của những cao thủ Chân Lý Thái Bình như Mộc Túc Định Thiếu Gia, Tiếu Ngạo Giang Bạch Phượng, Kha Truởng Bảo Trầm Luân, Bang Trưởng Ngươn Trấn Cương và nhiều anh hùng nghĩa sĩ khác đã chuyển vận hàng ngàn tờ hịch suốt đêm từ Doanh Tuẫn Giáo đến các trang trại của dân chúng để ấn loát và ngược lại. Sáng ngày 29 tháng 9 Bính Dần 1986, không khí trong sảnh đường của Doanh Tuẫn Giáo nhộn nhịp khác thường. Hàng trăm người thuộc phe Chân Lý Thái Bình, bất kể nam phụ lão ấu, tề tựu đông đủ để hoàn tất những công việc cuối cùng trước khi hịch được phân phát. Từng nhóm nghĩa quân được phân công rõ rệt, thâu thập tin tức về những Đền Thờ và nhận lãnh số hịch cần thiết để phổ biến vào ngày hôm sau.

 Tờ mờ sáng ngày ngày 29 tháng 9 Bính Dần 1986, trong khi nhà cửa trong các trang trại của người dân còn đóng cửa then gài thì các nhóm nghĩa quân đã nai nịt gọn gàng tập họp tại sân tiền đường của Doanh Tuẫn Giáo chuẩn bị xuất quân. Những con chiến mã cũng lồng lộn, miệng hí vang trời, hai vó trước cất lên cao, nôn nóng chờ đợi giờ lên đường. Sau khi kiểm điểm lại đội ngũ lần chót, một tiếng pháo lệnh chát chúa nổ vang; đoàn người ồ ạt phóng ra khỏi cổng thành, tiếng vó câu rộn rã phá tan không khí tĩnh mịch của một buổi sáng còn mờ hơi sương. Trực chỉ hướng Bắc, Hoả Tâm Đại Hiệp Trương Võ Huỳnh đơn thân độc mã nhắm hướng Đền Thờ Thần chiến thắng nằm sát chân núi. Một nhóm nghĩa quân khác dưới sự thống lĩnh của Thăng Long Nữ Tướng cũng phóng về hướng Bắc đến Đền Thờ Nhất Thể Tam Vị. Kha Trưởng Bạch Thủ Võ Nhất Thạnh của Trấn Vưu Sơn dẫn quân lấy huyết lộ Bách Nhất về hướng Đông Bắc tiến đến Đền Thờ Hồ Sinh nằm cạnh biên giới Vương Quốc Kim Sơn trong khi Trang Thế Ngọc Phu Nhân thay mặt đức lang quân cho người án ngữ hai cổng chính của Đền Thờ Nữ Vương Thái Bình tại Trấn Ánh Dương. Hai nhóm nghĩa quân khác do Đại Bàng Võ Ngà Phủ có sự trợ lực của Phụng Lão Gia bố trí dọc theo hai con lộ chính dẫn vào cổng Đền Thờ Ngũ Dấu và Đền Thờ Vương Quốc tại trung tâm thị tứ của Đế Đô Hồ Sinh. Kha Phó Ngũ Mạnh San sau giờ tế tự tại Trấn Cẩm Báo, hiệp cùng Bạch Thủ Thiền Sư Ngũ Cốt và Cải Lương Chi Bảo Thái Viễn đang thúc ngựa như bay về hướng Tây đến Đền Thờ Khải Tấu Phong. Ở hướng Nam Kha Trưởng Bảo Trầm Luân gò mình trên lưng ngựa, cuốn thốc bụi mù tiến về Đền Thờ Thần Nữ. Bang Chủ Tráng Niên Bang Ngươn Trấn Cương và Trại Chủ Phùng Tất Thạnh điều động một số thanh niên nhiệt huyết trấn đóng các cửa ra vào của Đền Thờ Đồng Tâm trong khi đa số nghĩa quân còn lại dồn hết lực lượng lên Ải Địa Cầu Cẩm Báo đang bố trí tại Đền Thờ Sanh Lưu Xinh. Một vài nhóm nghĩa quân còn chịu trách nhiệm thêm tại một số Đền Thờ gần khu vực Đền Thờ chính đã được giao phó. Trong suốt buổi sáng ngày 28 tháng 9 năm Bính Dần 1986,  các nhóm Chân Lý Thái Bình đã hăng say hoạt động, trao tận tay người dân bản xứ những tấm hịch Chánh Đạo màu sắc rực rỡ, nội dung phong phú. Một số người Hồ Sinh say sưa nghiền ngẫm tờ hịch quý báo của Bang Phòng Thủ Chân Lý và Thái Bình đến nỗi quên cả lắng nghe những lời giảng thuyết của các Tổng Trấn và Phó Tổng Trấn trong các buổi tế tự. Việc phổ biến hịch Chánh Đạo cho người dân bản xứ đã hoàn toàn thành công, mặc dầu có vài cuộc đụng độ nho nhỏ với những người theo phe Lộ Dung hay các Tổng Trấn bản xứ ủng hộ chính sách của Triều Đình.

 Tục truyền rằng Tể Tướng Xú Uế Vân sau giờ tế tự thường lệ tại Đền Thờ Hồ Sinh và Trấn Vưu Sơn bước ra ngoài cổng để tiễn chào dân chúng thì bắt gặp một đại hán của phe  Chân Lý Thái Bình đang hiên ngang trao hịch Chánh Đạo tận tay những người dân của Ông. Mặc dầu tức giận tràn hông, Ông vẫn cố nén vì sợ mất uy tín với đám dân trước mặt. Chờ mọi người ra về hết, Ông bước xuống tam cấp trước cổng đền và bắt đầu chất vấn lai lịch của đại hán nọ. Đại hán ưỡn ngực đối đáp không chút sợ sệt. Xú Uế Vân hịch cầm trên tay hịch Chánh Đạo lật lại trang sau bắt gặp ngay hình ảnh để đời của ngày Lễ Trao Gươm cho Lộ Dung: một toán Cảnh Bị đang cầm đoản côn ngăn chận phe Chân Lý Thái Bình tại Đền Thờ Đồng Tâm. Ông rùng mình nhớ lại hình ảnh có một không hai đó. Ông vội vàng vào phòng xiêm y trút bỏ phẩm phục tế tự rồi phóng ngựa như bay về hoàng cung vào gặp Hoàng Đế Thạch Đỗ Ma. Sau khi báo cáo sự tình, Xú Uế Vân đứng im lặng đợi chờ chỉ thị của Hoàng Đế, đầu óc không ngớ liên tưởng đến cơn giận dữ của Vị Quân Vương sắp bùng nổ. Trái với ý nghĩ của Ông, Hoàng Đế Thạch Đỗ Ma lật vài trang trong tờ hịch Chánh Đạo rồi say sưa đọc. Tể Tướng Xú Uế định lên tiếng nhắc nhưng lại thôi. Cuối cùng Hoàng Đế Thạch Đỗ Ma xếp tờ hịch lại rồi ôn tồn phán: “Từ trước đến nay, Ta cứ tưởng nhóm Chân Lý Thái Bình chỉ là một bọn dốt nát, không có phương pháp đấu tranh gì ngoạn mục. Thế mà hôm nay chúng lại cho tung ra kế hoạch rải hịch như bươm bướm khắp các Trấn như thế này, lại còn mệnh danh là kế hoạch “trăm hoa đua nở” nữa. Bọn Lộ Dung không thể nào có kế hoạch “trăm hoa” như họ được. Lộ Dung và thủ hạ không bao giờ biết thưởng thức hoa đẹp như nhóm Chân Lý Thái Bình; ngày tối chúng chỉ lo sưu tầm hoa ớt, hoa dâm bụt, cậy xương rồng và cỏ dại mà thôi. Có lẽ trên bàn cờ ta nên cho con chốt  Lộ Dung sang sông là vừa. Còn bọn nịnh thần, tay chân của Lộ Dung bên Sở Dịch “Hạch” Thuật, nhà ngươi bảo chúng cũng nên chuẩn bị là vừa. Sáng mai bảo chúng xếp bút lại về quê lo đuổi gà cho vợ vì kể từ nay Ta có thể đọc hịch Chánh Đạo mà không cần tài dịch thuật ác ôn của chúng nữa. Nhớ bảo chúng trình diện tại tư dinh Quan Hầu Mã Ôn Tôn Thất Nghiệp để trả ngựa lại cho Triều đình trước khi lội bộ về quê nghe chưa.” Xú Uế Vân bàng hoàng như người từ mây xanh xuống, mặt mày bí xị, mồm lí nhí hai chữ “Phụng mạng!” rồi đi giật lùi ra ngoài. Hôm ấy trời đổ mưa to.

4.2     VĂN HỌC HOÀI QUỐC DƯỚI ĐỜI NHÀ THẠCH

 Trong những năm đầu tiên của triều đại nhà THẠCH, người HOÀI QUỐC một phần vì ngược xuôi vất vả sinh kế, phần khác họ không có cơ hội thuận tiện nên nền văn học chẳng mấy phát triển là bao. Bấ thình lình cuộc binh biến Bính Dần 1986 bùng nổ tạo cho họ một môi trường thích hợp để phục sinh nền văn học tưởng đã bị quên lãng.Trong suốt cuộc khủng hoảng năm ấy, người ta thấy xuất hiện rất nhiều văn nhân thi sĩ mà trước đó không ai thấy họ cầm bút viết bao giờ.

 Vào khoảng giữa năm Ất Sửu 1985, để mở màng kế hoạch cướp quyền cai trị tại DOANH TUẪN GIÁO, THAM MƯU BỘ của LỘ DUNG đã cho thủ hạ dùng diễn đàn của một tờ công báo lá cải để viết bài mạt sát, chửi bới Tổng Trấn BÌNH VIỄN AN. Dưới hình thức thể văn xuôi, các loạt bài “Tổng loạn” đã vu khống, xuyên tạc mạt sát cá nhân lẫn chính sách cai trị của BÌNH VIỄN AN và những người đang cộng tác với Ông trong BANG HÀNH SỰ của Doanh TUẪN GIÁO. Ngưòi HOÀI QUỐC lấy làm căm giận vì những lời thoá mạ đê hèn của bọn người chuyên lo phá phách này. Một số người đã viết bài biện minh cho BÌNH VIỄN AN và chính sách của Ông nhưng tờ công báo trên đã bán rẻ lương tâm chức nghiệp nên cố tình ém nhẹm lại tất cả những bài minh xác và tiếp tục con đường lầm lạc. Hơn nữa, BÌNH VIỄN AN là một vị quan nhân từ, luôn luôn chủ trương “vĩ hoà vi quý”, “đem đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân mà thay cường bạo” nên đã khuyên nhủ dân chúng nén giận, gác bỏ mọi hiềm khích. Đến khi nhận được chiếu chỉ cách chức BÌNH VIỄN AN, đồng thời bổ nhậm LỘ DUNG về làm Tân Tổng Trấn, dân HOÀI QUỐC mới vỡ lẽ ra tác giả của những bài“Tổng loạn” kể trên lại là thủ hạ thân tín của LỘ DUNG. Quá ức lòng vì chính sách cai trị áp bức và để phản đối Triều Đình THẠCH ĐỖ MA về việc sử dụng các quan lại thất cách, ngưòi HOÀI QUỐC cấp tốc thành lập BANG PHÒNG THỦ CHÂN LÝ và THÁI BÌNH và phổ biến HỊCH CHÁNH ĐẠO nói lên hai nguyện vọng của họ: Yêu cầu Triều đình thiết lập Thể Nhân Trấn cho người HOÀI QUỐC và không chấp nhận LỘ DUNG làm Tổng Trấn của Doanh TUẪN GIÁO và HỊCH CHÁNH ĐẠO đã mở ra một chân trời mới cho nền văn học HOÀI QUỐC trong thời kỳ biến động.

 Là một sản phẩm tổng hợp, Hịch CHÁNH ĐẠO quy tụ trên dưới một trăm tài năng xuất chúng về thi văn bao gồm đủ mọi thành phần sĩ, nông, công, thương. Với chủ trương làm sáng tỏ lập trường của người HOÀI QUỐC trong hai thỉnh nguyện, Hịch CHÁNH ĐẠO đã nói lên tất cả sự thật và ý nguyện của dân chúng thời bấy giờ. Những bài viết trong hịch được phân chia làm hai loại: văn xuôi và văn vần. Văn xuôi bao gồm các bài quan điểm, nhận định, bình luận, lập trường, tài liệu, văn kiện, thư ngỏ, thư góp ý, phóng sự, truyện ngắn, truyện dài, phiếm luận, chuyện vui cười, tin tức, tin đồn . . . Văn vần được biết bằng nhiều thể như Đường Luật, thất ngôn bát cứ, lục bát, song thất lục bát, thơ tự do . . . biểu hiện cho các khuynh hướng tình cảm, luân thường đạo lý, trào phúng . . . Đa số văn nhân thi sĩ đã hăng say đóng góp bài vở liên tục hàng tuần trong khi một số ít thỉnh thoảng mới múa bút gọi là góp mặt cho có anh có em. Tuy nhiên tất cả những bài thơ bài văn trong Hịch CHÁNH ĐẠO là những tác phẩm giá trị, có nội dung phong phú, hình thức sáng sủa đã được thai nghén của chính con tim và khối óc của những người đầy nhiệt huyết muốn nói lên sự thật.

 Về văn xuôi Hịch CHÁNH ĐẠO tập trung những nhân văn nổi danh như HỒ SINH HÁN TỬ với loạt bài nhận định “Những lỗi lầm của Hoàng Đế THẠCH ĐỖ MA đã làm Triều đình ăn ngủ không yên trong mấy tuần lễ. Cùng một khuynh hướng với HỒ SINH HÁN TỬ, một kiếm khách vô hình đã sử dụng đường gươm độc thủ “Những hành động mang Độc Tính Ác thần của Triều đình THẠCH ĐỖ MA báo hại Triều Đình phải cấp tốc cử người lên Động Hoa Quả để tìm Tề Thiên Đại Thánh mượn Chiếu Yêu Kính về soi tà. Am hiểu tình hình và thấu đáo ngọn nguồn phải kể đến anh em nhà họ TRỰC vói TRỰC PHÒNG, TRỰC GÁC, TRỰC CHỈ, TRỰC THĂNG  đã lột trần những bí mật về chính sách của Hoàng Đế THẠCH ĐỖ MA đối với người HOÀI QUỐC. Bước sang lãnh vực bình luận pha lẫn nhận định phải nhắc đến PHÙNG MẠNH QUỚI, Kha Trưởng TÂY HỒ SINH, với bài “Đức Vâng Phục” phá tan làn khói dầy đặc che phủ cái chiêu bài cũ rích mà phe LỘ DUNG vẫn thường dùng để chỉ trích nhóm CHÂN LÝ THÁI BÌNH. Pha lẫn một chút trào phúng, tác giả lại tung một chưởng thứ hai “Sắp có phép màu” nhắc nhở đến sự lạ lùng THIÊN SAI GIÁO CHỦ đã hoá bánh năm xưa khiến  LỘ DUNG phải vận dụng đến tài năng vô song của ĐỀN HOA TẶC TỬ trong trò ảo thuật “có ít xít ra nhiều”, điển hình là trò đếm dân theo đa số, thiểu số.

  Người HOÀI QUỐC là một dân tộc nhiều tình cảm, luôn luôn lo lắng cho những người đang gặp hoạn nạn. Thấy LỘ DUNG đang ở vào thế bí, một số văn nhân đã cố gắng gửi những cánh thư góp ý trên Hịch CHÁNH ĐẠO để tìm lối thoát cho Ông. Sau nhiều lần chờ đợi không thấy vị Tổng Trấn đau khổ thoát ra khỏi Bát Quái Trận Đồ, tác giả đã dùng mục “Trả lời thư tưởng tượng” đề nghị một lối thoát khác mà ai cũng công nhận là đúng: Siêu thoát. Hịch CHÁNH ĐẠO cũng rất hào sảng, luôn luôn giúp đỡ kẻ cơ hàn và là diễn đàn tự do, dân chủ. Hịch chấp nhận tất cả những bài vở của người sang lẫn kẻ hèn. Điển hình là những “Lá Thư Thiếu Cước Phí Số 1, Số 2, Số 3 . . .” của người hàn sĩ LÊ ĐỨC YÊN, nghèo đến nỗi không có đủ hai mươi hai hào để nhờ bưu trạm chuyển thư đi. Người hàn sĩ này tuy nghèo tiền nhưng không nghèo lòng nhiệt huyết nên đã viết đến ba, bốn lá thư thiếu cước phí không gửi. Đại diện cho phái nữ thường góp tiếng trên Hịch CHÁNH ĐẠO là nữ sĩ NGÀ TRINH; dù bận bịu với rất nhiều công việc gia đình cũng không quên dùng thời giờ rỗi rảnh còn lại để nói lên tiếng nói đơn sơ của người phụ nữ HOÀI QUỐC đối với đại cuộc.

 Những tác phẩm trong lãnh vực truyện ngắn và truyện dài phải kể đến “Thằng Nhỏ” của DUY HUYNH đã làm những người đang theo đuổi chính sách “thúc trẻ thơ HOÀI QUỐC sớm hội nhập” phải chùn bước. Với lối hành văn ngắn gọn, chân thật, nhà văn tí hon DUY HUYNH đã xứng đáng với danh xưng “Thần Đồng Chính Giáo”, đè bẹp hai “Thần Đồng Nước Mình,  Thần Đồng Nước Họ” của văn sĩ HẮC PHỤNG. Về truyện dài, Hịch CHÁNH ĐẠO hàng tuần phải bóp bụng trả tiền ấn loát giấy in cho câu chuyện dài lê thê không có đoạn kết “Thời kỳ mất nước” của sử gia bất đắc dĩ TÔN KHOÁC LÁC. Bài này được viết theo lối giả sử pha kiếm hiệp và dùng nhiều cổ tự khiến bọn thủ hạ LỘ DUNG phải thành lập gấp một bang sưu tra và dịch thuật để truy tầm và phiên âm tên tuổi các nhân vật của cả hai phe HẮC BẠCH HẦU dễ dàng báo cáo lên Hoàng Đế THẠCH ĐỖ MA và  Tể Tướng XÚ UẾ VÂN. Tục truyền rằng bọn thủ hạ LỘ DUNG trong Sở Dịch Thuật của Triều Đình đã đạt được kỹ thuật siêu đẳng về dịch sách báo HOÀI QUỐC sang ngôn ngữ của người HỒ SINH. Có lần chúng đã hiên ngang dịch “rượu lễ” thành “rượu đế” khiến Hoàng Đế THẠCH ĐỖ MA cảm thấy xây xẩm không ít. Riêng về hai tên “THẠCH ĐỖ MA” và “XÚ UẾ VÂN” trong truyện dài “Thời kỳ mất nước”, bọn chúng không đủ từ ngữ để diễn tả nên đành nói trống không mỗi khi Triều đình thắc mắc. Triều đình lại khen thuởng cho chúng hậu hỉ vì cho rằng bọn này không dám nhắc đến tên vua chúa quan quyền vì sợ “phạm huý”.

 Ngoài ra còn nhiều văn nhân đã góp công sức trong việc hoàn tất những tác phẩm văn xuôi để đời cho nền văn học HOÀI QUỐC. LỘ DUNG và bọn thủ hạ rất sợ những tác phẩm trên Hịch CHÁNH ĐẠO vì luôn luôn nói lên sự thật, nhất là trong các tài liệu và văn kiện xác thực. Tục truyền rằng họ đã tìm cách ngăn chận tờ hịch này và cố gắng mua lại với giá thật cao nhưng đều thất bại.

 Sang lãnh vực văn vần, mặc dầu số lượng bài vở có phần khiêm  nhượng so với văn xuôi. Tuy nhiên không vì thế mà phẩm chất của vần điệu bị giảm sút. Trái lại dân chúng HOÀI QUỐC đã say mê thích thú những bài thơ ý tưởng dồi dào, nội dung xúc tích, âm điệu trầm bổng của tất cả các khuynh hướng trong Hịch CHÁNH ĐẠO. Về tình cảm, để tưởng nhớ và ghi ơn công đức củ vị Khai Trấn Công Thần BÌNH VIỄN AN, thi sĩ lão thành TRÙNG KHƠI đã làm cho ngưòi đọc xót xa rơi lệ với những bài thơ “Ngày ly biệt”, “Nhớ thương”. Đóng góp thường xuyên hàng tuần với những bài thơ bất hủ được viết theo thể tự do, diễn tả đầy đủ ý tưởng không kém một bài văn xuôi là những tác phẩm lừng danh “Hãy đi hoài”, “Thành ngàn cơn sóng”, “Con đò không bến” . . . của THIỆN BIỂN đã làm phe LỘ DUNG dù ghét thơ cách mấy cũng phải học thuộc lòng để ngâm vịnh. Về khuynh hướng trào phúng của văn vần trong Hịch CHÁNH ĐẠO là cả một vườn hoa muôn màu. Dẫn đầu về phẩm cũng như về lượng của loại thơ trào phúng có nữ sĩ XINH NHƯ HOA với những bài lục bát “Yêu thương”, “Thăm Ngài”, “Kiêu Huyền 86” . . . , hay thất ngôn biến thể “Hỏi Ông” đã làm Triều đình dở khóc dở cười. Trước đó nữ sĩ thường lấy bút hiệu khác có tính cách con nhà võ hay sử dụng vũ khí đạn dược như THẦN CÔNG 518, HOẢ LỰU M . . . Một hàn sĩ HOÀI QUỐC khác vừa có tài sáng tác thơ văn lại giỏi cả ngâm vịnh từng ngâm thơ trong các buổi Tiểu DIÊN HỒNG HỘI. Đó là THÂM KỲ THI NHÂN với những bài thơ dí dỏm như: “Cao Thủ Tà Ma”, “Người Chủ Không Quen” . . . nói lên tiếng nói uất ức của người HOÀI QUỐC trong cuộc binh biến lịch sử có một không hai của THIÊN GIÁO phải nhắc đến những bài thơ “Lời cầu không tên Số 1, Số 2 . . . “ của CHIÊN DI TẢN đã làm Triều đình và LỘ DUNG xám mặt vì lo sợ.

 Người HOÀI QUỐC thời bấy giờ không ngờ lực lượng Hịch CHÁNH ĐẠO lại có một lực lượng văn nhân thi sĩ hùng hậu đóng góp công lao sức lực như thế. Hàng trăm người đã cung cấp món ăn tinh thần cho dân chúng trong thời kỳ sôi động của năm Bính Dần. Và chính họ cũng như toàn thể dân chúng đã làm cho nền văn học HOÀI QUỐC tiến đến chỗ cực thịnh như đã từng xảy ra trong lịch sử lâu dài của họ.

Tục truyền rằng vào một đêm không trăng, không sao, bên ngoài trời tối đen như mực Bạc Trang Hán Tử đang ngồi cắn bút trong thư phòng để tìm đề tài cho Hịch CHÁNH ĐẠO vào cuối tuần đó, Ông nghe có tiếng nói văng vẳng bên tai. Đúng là tiếng nói của một cao thủ võ lâm có nội lực thâm hậu đang dùng thuật “MẬT NGỮ TRUYỀN THANH” để liên lạc với Ông. Ông vớ lấy chiếc áo ngự hàn khoác vội lên vai, tay nắm chặt chiến phán quan bút phi thân ra ngoài bóng đêm.

Đi gần đến cây đa đầu làng CỬU LỘ, BẠC TRANG thấy một bóng người vận toàn đồ trắng, có dáng dấp như một đạo sĩ. Ông định lên tiếng trước thì vị đạo sĩ đã cất giọng sang sảng: “Ta thấy nhà ngươi và dân HOÀI QUỐC đang xả thân cho đại cuộc nên lấy làm cảm động vô cùng. Ta muốn đóng góp một chút công việc của nhà ngươi đang làm”. Nói xong vị đạo sĩ biến mất. BẠC TRANG kinh hãi vô cùng, dụi mắt liên hồi tưởng như đang mơ. Ông nhìn chung quanh nhưng không thấy bóng dáng một người nào. Nhìn dưới gốc cây đa chỗ đạo sĩ vừa đứng. Ông bắt gặp một cuốn giấy tròn cẩn thận. Ông vội vận nội công tập trung nhãn lực theo “MIÊU NHÃN PHÁP” để soi thủng bóng đêm và liếc nhìn cuộn giấy thì bắt gặp hàng chữ đại tự đập ngay vào mắt “Những lỗi lầm của Hoàng Đế THẠCH ĐỖ MA”.

BẠC TRANG vui mừng khôn tả vì cuộn giấy sẽ giúp Ông một phần nào. Tuy nhiên Ông vẫn thắc mắc về lai lịch của vị đạo sĩ thần bí. Lúc trở về thư phòng, BẠC TRANG lại bắt gặp một mãnh giấy hồng điều trên có bốn chữ đại tự màu vàng “HỒ SINH HÁN TỬ” đang nằm trên án thư. BẠC TRANG liền chắp tay đa tạ vị ân nhân vô hình  Cuối tuần đó người HOÀI QUỐC  say mê theo dõi loạt bài của HỒ SINH HÁN TỬ trong Hịch CHÁNH ĐẠO. Ai cũng tấm tắc ca ngợi bài viết được nghiên cứu kỹ càng tỉ mỉ thật công phu và sâu sắc. Có người đến hỏi BẠC TRANG Hán Tử về tác giả. Với sắc mặt đầy vẻ nghiêm trọng, Ông hạ thấp giọng: “Bài này tại hạ tìm thấy dưới một gốc đại thụ, và gốc đại thụ nầy đã sống cả ngàn năm rồi”.

4.3     TIỀN HẬU BẤT NHẤT

 Trong buổi DIÊN HỒNG HỘI tối ngày 30 tháng 9 năm Bính Dần 1986, BẠC TRANG Hán Tử thông báo đến dân chúng thuộc BANG PHÒNG THỦ CHÂN LÝ THÁI BÌNH một tin quan trọng. Đó là tin Quan Chưởng Môn NGUYÊN ĐỨC THIỆP, sau khi được sự đồng ý của Hoàng Đế THẠCH ĐỖ MA, sẽ đến Doanh TUẪN GIÁO để làm Chủ sự buổi cầu nguyện đặc biệt cho người HOÀI QUỐC. Tin trên vừa được loan ra, nhân dân từ các Trấn cảm thấy phấn khởi và vui mừng khôn tả. BANG HÀNH SỰ lập tức cắt đặt nhân sự và phác hoạ những công việc cần thiết cho buổi lễ nói trên. Mọi người cảm thấy được yên ủi rất nhiều vì sau hơn hai tháng khủng hoảng, đây là ngày đầu tiên có một vị quan lại THIÊN GIÁO đến chủ sự cho một sinh hoạt về tôn giáo tại Doanh Phủ.

Vả lại đây cũng chính là cơ hội cần phải có để phe CHÂN LÝ THÁI BÌNH chứng tỏ cho vị Sứ giả của Đại Đế Giang Phong Đệ IIthấy rằng họ không phải là những người đang tạo phản, ly khai khối THIÊN GIÁO như những lời xuyên tạc vu khống của phe LỘ DUNG. Tuy nhiên, niềm vui của họ bị dập tắt ngay lập tức. Vì vào buổi tối ngày hôm sau, mồng 1 tháng 10, BẠC TRANG Hán Tử lại chính thức thông báo cho người HOÀI QUỐC là Hoàng Đế THẠCH ĐỖ MA đã quyết định yêu cầu Quan Chưởng Môn NGUYỄN ĐỨC THIỆP đình hoãn ngày cầu nguyện kể trên cho đến khi có dịp thuận tiện. Dân chúng thuộc nhóm CHÂN LÝ THÁI BÌNH lại càng bất mãn về thái độ tiền hậu bất nhất của Triều đình và nghi ngờ những bàn tay phù thuỷ của phe LỘ DUNG đã ít nhiều ảnh hưởng đến quyết định vừa kể. Đây cũng là lần đầu tiên đích thân vị Sứ giả của Quan Khâm Sai PHỤNG LỄ NGHI chứng kiến một trong những quyết định lạ thường của Hoàng Đế THẠCH ĐỖ MA.

4.4     HOÀI QUỐC NHÂN DÂN THIÊN GIÁO HỘI

 Cũng trong tuần lễ đó, nhóm CHÂN LÝ THÁI BÌNH lại phải đối phó với một hành động khiêu khích khác của phe LỘ DUNG. Đó là việc thành hình của một tổ chức có tên là HOÀI QUỐC NHÂN DÂN THIÊN GIÁO HỘI do 9 thủ hạ của LỘ DUNG cầm đầu. Tổ chức này là hậu thân của đạo quân TỬ THỦ ĐỨC TIN được sáng lập cách đó hai tháng và được phe LỘ DUNG mệnh danh là kế hoạch “bình cũ rượu mới”. Đạo quân TỬ THỦ ĐỨC TIN trong những ngày đầu của cuộc binh biến đã được khai sinh để làm hậu thuẫn cho LỘ DUNG về Doanh TUẪN GIÁO.

Tuy nhiên, nhóm CHÂN LÝ THÁI BÌNH đã dùng sức mạnh nhân dân đập tan ý đồ đen tối ấy trong lần biểu dương lực lượng tại Đền Thờ VƯƠNG QUỐC ngày 9 tháng 8 năm Bính Dần 1986. Sau gần hai tháng thoi thóp, tổ chức trên đã đi vào lịch sử chiến bại của LỘ DUNG sau khi cố gắng tung ra hai tờ hịch lịch sử: hịch thứ nhất kêu gọi người HOÀI QUỐC về dự Tế Giải Hoà ngày 9 tháng 8 và hịch thứ hai phản đối nhóm CHÂN LÝ THÁI BÌNH đã dùng sức mạnh của 282 nghĩa quân phá tan buổi tế kể trên. Sau khi tổ chức đạo quân TỬ THỦ ĐỨC TIN bị khai tử, LỘ DUNG liền cho ra đời một đạo quân khác lấy tên là HOÀI QUỐC NHÂN DÂN THIÊN GIÁO HỘI để hoạt động trong thời kỳ thương thuyết. Vẫn với chủ trương cố hữu là ủng hộ chính sách của Hoàng Đế THẠCH ĐỖ MA, đồng thời lên án nhóm CHÂN LÝ THÁI BÌNH đã xúi giục nhân dân dấy loạn chống lại những võ quan THIÊN GIÁO đã được Triều đình cắt cử, HOÀI QUỐC NHÂN DÂN THIÊN GIÁO HỘI đã được khai sinh trong một buổi họp mặt của Sở Xã Hội của Triều đình. Trong tờ hịch TRUYỀN TIN của BANG HÀNH SỰ vào cuối tuần đó, người HOÀI QUỐC tại HỒ SINH đã được thông báo tin tức về tổ chức mới ra đời với đầy đủ chi tiết về tính cách bất hợp pháp và thế đứng yếu kém của tổ chức trên. Và họ đã chuẩn bị mọi thứ cần thiết để khai tử cái gọi là HOÀI QUỐC NHÂN DÂN THIÊN GIÁO HỘI.

4.5     KẾ LY GIÁN VÀ LẬP TRƯỜNG CỦA CÁC VÕ QUAN

 Để tạo một cái nhìn lệch lạc cho vị Sứ giả của Đại Đế GIANG PHONG Đệ II, phe LỘ DUNG đã cố gắng thực hiện những công tác từ công khai đến bí mật. Trước hết, họ cho tung ra những tờ sớ đã được thảo sẵn nhằm nói lên sự ủng hộ Triều đình và LỘ DUNG. Hịch này được phân phát tại trang trại của người dân hay tại những dinh phủ của Triều đình hoặc tại những nơi người HOÀI QUỐC thường lui tới để làm ăn buôn bán. Phe LỘ DUNG còn dùng tờ công báo lá cải để xuyên tạc nhiệm vụ hoà giải của Quan Chưởng Môn Nguyễn Đức Thiệp trong lối thông tin mập mờ không chính xác. Họ lại còn rỉ tai tuyên truyền trong dân chúng những điều vô căn cứ có liên quan có liên quan đến cá nhân gia đình và công việc của vị Sứ giả. Và quan trọng hơn hết là kế hoạch ly gián giữa các Phó Tổng Trấn của HOÀI QUỐC với nhóm CHÂN LÝ THÁI BÌNH.

 Theo THIÊN GIÁO, vâng phục là yếu tố then chốt để bảo đảm tôn ti trật tự. Cuộc binh biến Bính Dần 1986 đã xác định lại thế nào là Vâng Phục đúng nghĩa. Người HOÀI QUỐC tại Doanh TUẪN GIÁO vẫn luôn luôn xác định sự trung thành với THIÊN GIÁO và những quan lại của Triều đình; tuy nhiên, họ chống lại cách thức hành xử quyền hành vô lối của những người đang cầm quyền. Đối với một số các quan lại, họ cũng nhận thấy lập luận hợp lý của nhóm CHÂN LÝ THÁI BÌNH, nhưng đồng thời họ cũng bị ràng buộc gắt gao hơn về đức Vâng Phục với các vua chúa nên họ rơi vào tình trạng rất khó giải quyết. Người thời bấy giờ gọi đó là tình trạng “trên đe dưới búa” và điển hình là hai vị Phó Tổng Trấn của Doanh TUẪN GIÁO: ĐẬU LƯ  và CHÁNH NGUYÊN không làm sao thoát khỏi vòng cương toả của Triều đình khi nói về Đức Vâng Phục.

Có những lần người HOÀI QUỐC cảm thấy khó chịu về những lời tuyên bố của hai vị quan này. Trong các buổi tế tự vào ngày mồng 3 tháng 10 năm Bính Dần 1986, Phó Tổng Trấn ĐẬU LƯ tại Đền Thờ NỮ VƯƠNG THÁI BÌNH tại Trấn ÁNH DƯƠNG và Phó Tổng Trấn CHÁNH NGUYÊN tại Đền Thờ SANH GIANG tại Trấn MIÊU PHÁ THẠCH đã có những lời hiệu triệu làm buồn lòng dân chúng rất nhiều. Những lời tuyên bố này không ngoài việc biện minh cho các hành động của Triều đình. Mặc dầu cảm thấy không vui, phe CHÂN LÝ THÁI BÌNH vẫn thông cảm với hoàn cảnh khó xử của hai vị Phó Tổng Trấn và cho rằng các Ông phải làm như thế để tránh những báo cáo của phe LỘ DUNG lên Hoàng Đế THẠCH ĐỖ MA về các công việc cũng như lời nói của hai ông tại các buổi tế tự.

 Cũng trong những buổi tế tự cuối tuần đó, người ta thấy xuất hiện một vị Phó Tổng Trấn đến từ Vương Quốc láng giềng KIM SƠN để đồng chủ sự với ĐẬU LƯ và CHÁNH NGUYÊN. Đây là một điều rất lạ vì vị Phó Tổng Trấn này đã đứng lên thuyết giảng trong hai buổi tế ngày mồng 5 tháng 10. Bài hiệu triệu hôm ấy đã nói bóng gió đến cuộc khủng hoảng của người HOÀI QUỐC tại HỒ SINH. Vị Phó Tổng Trấn đã đề cao vai trò lãnh đạo của các quan lại THIÊN GIÁO đồng thời nói lên những điểm tương tự của cuộc chống đối do CHÂN LÝ THÁI BÌNH phát động và lỗi lầm của dân riêng mà THƯỢNG ĐẾ đã tuyển chọn trong lịch sử THIÊN GIÁO. Điều này đã làm dân chúng tức giận và quả quyết vị Phó Tổng Trấn trên đã được LỘ DUNG sai đến để dùng các buổi tế tự chống lại công việc của họ.

 Tục truyền rằng vào buổi chiều hôm ấy, sau buổi tế tự tại Đền Thờ NHẤT THỂ TAM VỊ tại Trấn BẮC HỒ SINH, vị Phó Tổng Trấn vừa bước ra khỏi cổng Đền Thờ liền bị hai nữ lưu của CHÂN LÝ THÁI BÌNH chận lại chất vấn. Vị Phó Tổng Trấn nhớ lại hình ảnh của LỘ DUNG trong hai buổi tế Giải Hoà và Lễ Trao Gươm mà Ông có dịp mục kích trên TRUYỀN ẢNH TRẠM. Mồ hôi tráng bắt đầu đổ ra. Tay chân ông lạnh ngắt như đang ngâm vào đá. Ông hối hận vì đã nghe lời xúi bẩy dại dột của LỘ DUNG xả thân vào chốn dầu sôi lửa bỏng này.

Không để vị võ quan kịp tra tay vào gươm, hai nữ lưu đã lạnh lùng rút kiếm múa luôn những thế kiếm xuất quỹ nhập thần của CHÂN LÝ THÁI BÌNH. Đường kiếm loang loáng quấn chặt lấy địch thủ không rời nửa bước. Những thế đánh không dữ dội, cuồng phong như các đại hán, nhưng uyển chuyển và lanh lẹ rất khó chống đỡ. Vị Phó Tổng Trấn vừa lui dần về phía đường lộ vừa dáo dác tìm chỗ cột con chiến mã, đầu óc liên tưởng đến những ngôi mộ mới xây nằm thẳng tấp tại một nghĩa trang mà Ông có dịp ghé thăm hôm nào. Ông nghĩ tới cái lổ huyệt sâu thẳm sắp được đào lên. Ông rùng rùng mình và nhắm mắt lại. Bất thình lình, tiếng vù vù của hai thanh kiếm ngưng bặt. Ông vội mở mắt ra thì thấy hai nữ lưu đã tra kiếm vào vỏ từ lúc nào. Với giọng bình thản một ngưòi trong họ lên tiếng: “Đây chỉ là lần cảnh cáo, Ngài chớ tái phạm. Nếu Ngài đang muốn tìm một chỗ có dân để cai trị thì nơi đây không phải là chỗ ấy.” Vị Phó Tổng Trấn bàng hoàng như vừa trải qua một cơn ác mộng, vội phóng lên lưng chiến mã chạy như bay đánh rơi cả mảnh giấy giới thiệu ông với dân chúng HOÀI QUỐC có đóng dấu triện của Tổng Trấn LỘ DUNG.

4.6     KẾ HOẠCH THÂM ĐỘC

 Buổi chiều ngày 11 tháng 10 năm Bính Dần 1986, vào khoảng giờ Thân, trong lúc sảnh đường của Doanh TUẪN GIÁO đang tấp nập người ra vào để hoàn tất Hịch CHÁNH ĐẠO cho các buổi tế tự cuối tuần thì quân thám báo của CHÂN LÝ THÁI BÌNH mang tin quan trọng về. Tại Đền Thờ ĐỒNG TÂM ở cách Doanh TUẪN GIÁO không xa, phe LỘ DUNG vừa cho phổ biến Hịch TRUYỀN TIN của Ông ta. Trong đó có thông tư mới nhất của Tể Tướng XÚ UẾ VÂN. Toán quân thám báo của nhóm CHÂN LÝ THÁI BÌNH khi nhận được thông tư quan trọng kể trên đã tức tối rời Đền Thờ ĐỒNG TÂM phi ngựa như bay về Doanh TUẪN GIÁO.

Họ trao tờ hịch chưa ráo mực cho Giáo Học THIỀN TRANG đang ngồi trước cửa gian đại sảnh. Lúc bấy giờ ngoài GIÁO HỌC THIỀN TRANG còn sự hiện diện của Kha Trưởng TƯ MÃ Ý, Kha Phó TRANG THẾ NGỌC, BẠCH THỦ THIỀN SƯ NGŨ CỐT, Trại chủ PHÙNG TẤT THẠNH và một số bô lão đang ngồi đàm đạo trong phòng ăn của Doanh TUẪN GIÁO. Những nghĩa quân của CHÂN LÝ THÁI BÌNH vừa sắp xếp Hịch CHÁNH ĐẠO, vừa cười đùa vui vẻ trong gian đại sảnh, không hay biết tin tức quan trọng vừa được thông báo cho những người có trách nhiệm. Giáo Học THIỀN TRANG cho người cấp báo ngay cho BẠC TRANG Hán Tử và hội ý khẩn cấp với những người đang hiện diện. Một người trong nhóm đọc to thông tư của Tể Tướng XÚ UẾ VÂN cho tất cả cùng nghe. Nội dung thông tư như sau: “Nhận thấy có tình trạng căng thẳng tại các buổi tế tự và việc thâu góp Thuế Đền Thờ gặp nhiều trở ngại, Triều đình ra lệnh khẩn cấp cắt cử 23 người để lo việc thâu thuế. Nhóm người này được các quan HOÀI QUỐC đề cử và được dân chúng kính mến.  Họ được chia thành từng nhóm nhỏ để lo thâu thuế tại các Đền Thờ như sau: Đền thờ SANH GIANG  ở Trấn MIÊU PHÁ THẠCH do một toán 5 người. Đền Thờ NỮ VƯƠNG THÁI BÌNH ở ÁNH DƯƠNG có 3 người. Đền Thờ SANH LƯU XINH ở CẨM BÁO CÓ 5 người và Đền Thờ NHẤT THỂ TAM VỊ tại BẮC HỒ SINH do một toán 10 người chịu trách nhiệm. Trong số 23 người vừa kể, nhóm CHÂN LÝ THÁI BÌNH ghi nhận chỉ có 3 người thường được nhắc đến tên tuổi, số còn lại hoàn toàn xa lạ.
 
 Cuộc họp trở nên sôi động. Tất cả mọi người đều tức giận vì nhận thấy Triều đình đã không tỏ lộ một thiện chí hoà giải nào trong khi Sứ giả NGUYÊN ĐỨC THIỆP đang có mặt tại HỒ SINH. Trong lúc BANG PHÒNG THỦ CHÂN LÝ VÀ THÁI BÌNH âm thầm cố gắng bình thường hoá mọi sinh hoạt để chuẩn bị cho cuộc thương nghị thì Triều đình và LỘ DUNG đã cố tình tạo nên một chuỗi những khiêu khích như: Yêu cầu Quan Chưởng Môn NGUYÊN ĐỨC THIỆP đình hoãn ngày cầu bình an cho người HOÀI QUỐC tại Doanh TUẪN GIÁO, thành lập HOÀI QUỐC NHÂN DÂN THIÊN GIÁO HỘI và cuối cùng là cắt cử người đi thâu Thuế Đền Thờ. Tất cả mọi người trong cuộc họp có cùng một nhận định là nhóm CHÂN LÝ THÁI BÌNH phải áp dụng biện pháp mạnh để ngăn chận việc thâu thuế do những người lạ mặt vừa được đề cử. Việc này sẽ xác nhận vai trò đại diện hợp pháp của BANG HÀNH SỰ đã có từ lâu và chặn đứng những hành động có tính cách “vết dầu loang” của phe LỘ DUNG đang dần dần tìm cách nắm quyền kiểm soát. Sau khi mọi người đều đồng ý, Kha Trưởng TƯ MÃ Ý thông báo cho BẠC TRANG về quyết định của cuộc họp trong lúc những người còn lại cho tổ chức những toán nghĩa quân để ứng phó với tình thế mới. Ngoài việc ngăn chận người của phe LỘ DUNG đi thâu thuế, nhóm CHÂN LÝ THÁI BÌNH còn phải đối phó với một vấn đề khác: đó là nguồn tin HOÀI QUỐC NHÂN DÂN THIÊN GIÁO HỘI cũng sẽ cho phổ biến một tờ hịch do họ chủ trương cũng vào chiều hôm ấy.

 Chỉ trong khoảnh khắc, hàng trăm nghĩa quân CHÂN LÝ THÁI BÌNH đã tề tựu đông đủ tại sân tiền đường. Đoàn người ngựa hàng ngũ chỉnh tề, chăm chú lắng nghe tin tức mới nhất trong ngày và nhận công tác cũng như tiêu lệnh trước khi lên đường. BẠCH THỦ THIỀN SƯ oai vệ trên lưng chiến mã, cắt cử người lo canh gác Doanh Phủ và kiểm điểm đội ngũ lần chót. Gió chiều lồng lộng thổi tung mái tóc bạc phơ của người kiếm khách cao niên của Doanh TUẪN GIÁO. Sau gần ba tháng biến động, BẠCH THỦ THIỀN SƯ vẫn không có vẻ gì mệt mỏi. Trái lại gương mặt xạm đen của Ông vẫn còn hằn lên những nét kiêu hùng của tuổi thanh niên ngang dọc. Bất thình lình gương mặt của Ông đanh lại, vẻ tức giận lộ rõ qua đôi mắt sáng quắc. Một tay rút soạt thanh kiếm “Chân Lý Thái Bình” đang đeo ở vai, tay kia Ông tung tờ thông tư của Tể Tướng XÚ UẾ VÂN lên trời. Mọi người dõi mắt nhìn tờ hịch vút lên cao hơn 20 trượng rồi bị gió cuốn thổi đi xa. Như ánh chớp, BẠCH THỦ THIỀN SƯ tung mình vào khoảng không, lao vút theo tờ giấy, lưỡi kiếm trên tay Ông lấp loáng toả hào quang. Tiếng rít của thanh kiếm có cung bậc cao như tiếng sáo. Trong chớp mắt, tiếng rít của thanh kiếm ngưng bặt, kiếm quang vụt tắt và thanh kiếm đã nằm gọn trong tay BẠCH THỦ THIỀN SƯ đã ngồi chễm chệ trên lưng ngựa từ lúc nào. Tờ hịch bị cắt vụn thành ngàn mảnh nhỏ bay lả tả xuống đất. Mọi người đều ồ lên kinh hãi, mồm há hốc, mắt mở to ngạc nhiên về kiếm pháp thượng thừa của vị Thiền sư đầu bạc. Ông trỏ kiếm về hướng Đông Bắc hét một tiếng thật to chát chúa như pháo lệnh “Lên đường! ” Con chiến mã giật bắn người, cất cao hai vó, miệng hí vang, rồi phóng như bay ra cổng. Đoàn người ngựa của nhóm nghĩa quân cũng tung bụi mù bén gót hướng về Đền Thờ NỮ VƯƠNG THÁI BÌNH ở Trấn ÁNH DƯƠNG trong lúc nắng chiều bắt đầu thoi thóp.

4.7     HOÀI QUỐC NHÂN DÂN THIÊN GIÁO HỘI VÀ HỊCH TIN HÃO

 Sau khi được cấp báo từ Doanh TUẪN GIÁO, BẠC TRANG Hán tử liên lạc cấp tốc với Quan Chưởng Môn NGUYỄN ĐỨC THIỆP để thông báo biến chuyển quan trọng vừa xảy ra và yêu cầu Ông nên đến Đền Thờ NỮ VƯƠNG THÁI BÌNH để quan sát tình hình. Vị sứ giả vội vả thắng yên cương cùng với người hướng đạo phi ngựa về hướng Đền Thờ để điều tra hư thực. Chưởng Môn NGUYÊN ĐỨC THIỆP vừa đến cổng Đền Thờ liền đứng lẫn vào  đám đông ở cuối Đền Thờ để dễ bề quan sát.

 Bấy giờ nhóm nghĩa quân của CHÂN LÝ THÁI BÌNH đã rải đều khắp, ngồi lẫn lộn trong dân chúng và đứng trấn giữ dọc hai lối đi bên hông của Đền Thờ. Đứng cạnh các giỏ thâu thuế là những đại hạn lực lưỡng, mặt hầm hầm sát khí, sẵn sàng ứng phó với mọi bất trắc. Trong phòng xiêm y, Hảo hán HỒ QUANG NGUYỆT hết lời can ngăn Phó Tổng Trấn CHÁNH NGUYÊN không nên đọc thông tư của Tể Tướng XÚ UẾ VÂN vì Ông lo sợ có một cuộc xung đột sẽ xảy ra. Phó Tổng Trấn CHÁNH NGUYÊN đi đi lại lại, vò đầu bức tóc, miệng không ngừng than thở về tư thế “cỡi lưng cọp” lúc bấy giờ. Cuối cùng Ông cũng đành bước ra phòng xiêm y, tiến lên Chánh Điện và bắt đầu tuyên đọc thông tư. Có vài tiếng xì xào ở cuối Đền Thờ. Đa số người HOÀI QUỐC  lắc đầu chán nản về lệnh quái ác của Triều đình. Tuy nhiên mọi sự vẫn diễn tiến êm thắm và mọi người nôn nao chờ đợi giờ thâu thuế để rõ hư thực. Khi Phó Tổng Trấn CHÁNH NGUYÊN vừa chấm dứt lời nguyện của nhân dân, tất cả mọi người đều quay xuống, mắt dán chặt vào những người đang cầm giỏ tiến lên. Đến lúc bóng dáng quen thuộc của BẠCH THỦ THIỀN SƯ xuất hiện giữa vùng ánh sáng ở giữa Đền Thờ, mọi người mới thở phào nhẹ nhỏm như vừa trút xong một gánh nặng. Thế là kế hoạch của Phe LỘ DUNG tại thí điểm thứ nhất bị thất bại.

 Vừa dứt buổi tế, Bang Chủ của Tráng Niên Bang là NGƯƠN TRẤN CƯƠNG lao vội ra bên ngoài cổng Đền Thờ để chỉ huy nhóm nghĩa quân đang phân phát Hịch CHÁNH ĐẠO. Dân chúng bắt đầu kéo nhau ra về. Trong bóng tối nhá nhem, NGƯƠN TRẤN CƯƠNG phát hiện có nhiều bóng dáng lạ mặt cũng đưa những mảnh giấy cho dân chúng. Biết Phe LỘ DUNG bắt đầu phát động chiến dịch rải Hịch, Ông vội phi thân đến gần một tên thủ hạ của LỘ DUNG và bắt đầu chất vấn. Một số người dân kéo đến bao chung quanh. Ánh trăng sáng soi rõ khuôn mặt dáo dác, xám xịt của tên thủ hạ của LỘ DUNG. Một khuôn mặt hoàn toàn xa lạ, chưa bao giờ lai vãng đến Doanh TUẪN GIÁO. Khi bị tra hỏi, hắn ấp úng hồi lâu về lai lịch của chính hắn cũng như xuất xứ của tờ Hịch. NGƯƠN TRẤN CƯƠNG liếc nhanh hai chữ đại tự bằng mực tàu trên tờ Hịch: “TIN HÃO” A! LỘ DUNG và thủ hạ dám phổ biến tin tức thất thiệt đến người HOÀI QUỐC. NGƯƠN TRẤN CƯƠNG có bao nhiêu máu nóng dồn hết lên mặt, sắc diện đỏ gay như mặt trời đúng ngọ, dồn hết sức bình sanh trong thuật “SÁT NHĨ TRUYỀN THANH” hét lớn: “Ai ra lệnh cho ngươi gieo rắc mầm độc nầy trong dân chúng? Khai ra mau!” Tên thủ hạ lại ấp úng, lí nhí viện dẫn lý do này, lý do nọ. NGƯƠN TRẤN CƯƠNG không nhịn được nữa, ghé sát mồm vào tai đối thủ thì thầm to nhỏ. Lập tức, sắc mặt của tên thủ hạ biến đổi từ xám xịt ra đỏ, từ đỏ sang chàm, từ chàm sang tím rồi trắng bệch. Hai chân hắn run lẩy bẩy. Chồng hịch đang cầm trên tay rơi lả tả xuống đất. Bất ngờ hắn khuỵu xuống, mồm lắp bắp những gì không rõ. Đồng bọn hoảng sợ vội lao tới, xốc nách kẻ xấu số, lôi xềch xệch ra ngoài.

 Tục truyền rằng những người có mặt tại cổng Đền Thờ hôm ấy lấy làm kinh hãi về đấu pháp dị thường của NGƯƠN TRẤN CƯƠNG. Họ không biết Ông thì thầm những gì mà đối thủ khiếp sợ ngất xỉu như thế. Có người bạo phổi đến gần xin Ông cho biết đã nói những gì với tên phát hịch đi làm ăn không coi ngày giờ. NGƯƠN TRẤN CƯƠNG chỉ mỉm cười trả lời: “Không! Tại hạ có nói gì đâu, lúc tức giận chỉ hát vài câu cho hắn nghe chơi vậy mà!” Điều này ai cũng cho là lạ. Chỉ có vài câu hát mà tên kia hồn phi phách tán, ngã đánh huỵch như thế. Thật vô lý. Mãi về sau mới có người cho biết: NGƯƠN TRẤN CƯƠNG là một người ghét âm nhạc, không bao giờ hát hỏng. Chỉ những lúc buồn miệng, Ông thật tình có nghêu ngao một vài câu mà Ông đã lượm lặt đâu đó. Những câu đó trích trong phần mở đầu của bài “HỒN TỬ SĨ”.

4.8     CƯỜNG BẠO VÀ PHẢN ỨNG CỦA NHÂN DÂN

 Tảng sáng ngày 10 tháng 12 năm Bính Dần 1986, các nhóm nghĩa quân của CHÂN LÝ THÁI BÌNH từ khắp nơi đã tề tựu đông đủ tại sân Đền Thờ SANH LƯU XINH ở Trấn địa đầu CẨM BÁO. Biết chắc chắn Triều Đình và phe LỘ DUNG sau khi thất bại đêm trước tại ÁNH DƯƠNG sẽ tung quân tái phản công tại CẨM BÁO nên CHÂN LÝ THÁI BÌNH dồn hết lực lượng lên ải địa đầu. Có một bất ngờ xảy đến vào buổi sáng hôm ấy là đích thân Quan Chưởng Môn NGUYÊN ĐỨC THIỆP  đứng làm chủ sự cuộc tế tự cùng với Phó Tổng Trấn CHÁNH NGUYÊN. Không khí trong Hội đường, nơi làm chỗ tế tự, trở nên căng thẳng vì quân của hai bên ở vào thế cài răng lược. Khi bài ca Nhập tế vừa chấm dứt, Phó Tổng Trấn CHÁNH NGUYÊN lại bắt đầu đọc thông tư của Triều đình mặc dầu trước đó những người trong BANG HÀNH SỰ hết lòng can ngăn. Và việc phải đến đã đến. Dân chúng bắt đầu la ó phản đối, trước còn ít, sau lan dần ồn ào như một phiên chợ. Một vài ngưòi dân cảm thấy không còn sự trang nghiêm nữa nên bỏ ra ngoài. Phe LỘ DUNG cũng bắt đầu dùng khẩu chưởng phóng vào CHÂN LÝ THÁI BÌNH. Kha Trưởng TƯ MÃ Ý và BẠCH THỦ THIỀN SƯ yêu cầu Phó Tổng Trấn CHÁNH NGUYÊN bắt đầu cuộc tế trong khi phe LỘ DUNG thôi thúc Ông đọc hết tờ lệnh của Tể Tướng XÚ UẾ VẤN. Nghĩa quân của CHÂN LÝ THÁI BÌNH cho một vài người lên phía trên, vạch trần âm mưu chia rẽ người HOÀI QUỐC của Triều đình THẠCH ĐỖ MA. Họ cho rằng việc cắt cử người không được nhân dân biết danh tánh chỉ gây nên sự loạn lạc phân hoá giữa người HOÀI QUỐC mà thôi, và lúc ấy Triều đình sẽ rửa tay vô can. Tiếng ồn ào la lối trong Hội đường khiến đám Cảnh bị lục đục từ ngoài sân kéo vào. Cuối cùng, mặc cho sự chống đối, Phó Tổng Trấn CHÁNH NGUYÊN cũng hoàn tất nhiệm vụ Triều đình giao phó với kết quả là không ai có thể nghe được danh tánh của những người vừa được đề cử. Quan Chưởng Môn NGUYÊN ĐỨC THIỆP bình tĩnh đứng yên lặng tại Bàn Tế Tự. Ông không hề nói một tiếng trong suốt lúc xáo trộn. Tuy nhiên đầu óc của Ông đã làm việc dữ dội, ghi nhận toàn bộ hình ảnh của cuộc Tế có một không hai. Đến giờ thâu thuế cũng chỉ thấy BẠCH THỦ THIỀN SƯ và TƯ MÃ Ý làm phận sự vì những người của LỘ DUNG đã thấy rõ lực lượng của CHÂN LÝ THÁI BÌNH. Thế là Tể Tướng XÚ UẾ VẤN lại thất bại một lần nữa trong kế hoạch thất nhân tâm này.

 Gần tàn buổi Tế Tự, mọi người đều cảm thấy thoải mái vì những rắc rối lúc đầu đã qua đi êm thắm. Tuy nhiên, người HOÀI QUỐC cảm thấy thêm một lần chua xót cho thân phận kẻ lưu đày. Số là khi Kha Trưởng TƯ MÃ Ý hộ tống Quan Chưởng Môn NGUYÊN ĐỨC THIỆP vào phòng xiêm y thì bất thình lình Quan Thất Phẩm ngưòi bản xứ tên là BỒ XỊCH xuất hiện ở cửa hông của Đền Thờ. BỒ XỊCH là Tổng Trấn của CẨM BÁO, một võ quan trung thành của Triều đình THẠCH ĐỖ MA, dáng dấp cao lớn, tuổi đã cao nhưng tác phong vẫn còn mang tính cách võ biền của một người chỉ thích dùng vũ lực. Tất cả lệnh lạc từ Triều đình ban xuống đều được Ông thi hành một cách tích cực không cần suy xét. Ông tỉ mỉ thi hành các lệnh ấy không sai một dấu chấm, dấu phẩy. Trong những tuần lễ trước, Tổng Trấn BỒ XỊCH đã huy động lực lượng CẢNH BỊ của Vương Quốc THẾ TRẦN  đến Đền Thờ SANH LƯU XINH để canh chừng những người thuộc phe CHÂN LÝ THÁI BÌNH. Trong một vài lần nói chuyện với những người chống đối, Ông đã không ngần ngại bảo những người HOÀI QUỐC: “Nếu muốn bảo tồn văn hoá và tập tục thì các ngươi hãy về HOÀI QUỐC mà làm điều đó.” Dầu vậy, người HOÀI QUỐC vẫn tôn trọng Ông là một võ quan THIÊN GIÁO và cho rằng Ông chỉ tuyên bố như thế vì quá trung thành với Triều đình. Sáng hôm ấy, bọn thủ hạ của LỘ DUNG thấy kế hoạch thâu thuế bị thất bại liền chạy vào thậm thọt với Tổng Trấn BỒ XỊCH. Để lập công với Triều đình, Ông liền thông báo cho những tên CẢNH BỊ chuẩn bị sẵn sàng và đích thân Ông tiến đến cửa hông của Đền Thờ.

 TƯ MÃ Ý thấy Tổng Trấn BỒ XỊCH ngoắc tay với mình ra ngoài thì nhanh nhẹn bước ra vì tưởng vị võ quan cần thông báo việc gì. Trong lúc TƯ MÃ Ý không phòng bị, bất thình lình  Tổng Trấn BỒ XỊCH giở ngay thủ pháp “ẨU QUYỀN”, bàn tay thủ pháp xoè ra, năm ngón khoằm lại như móng vuốt của ác điểu, dùng hết sức chộp ngay cánh tay phải của vị Kha Trưởng. TƯ MÃ Ý hồn phi phách tán tưởng mình đang sống trong một khu rừng già không có luật lệ. Ông vội vàng vận nội lực phong toả các huyệt đạo như thường lệ, miệng thổi một luồng chân khí cực mạnh theo phép “Phản Kháng Phong”, cho rằng việc nắm giữ tay chân Ông là điều vô lý.  Tổng Trấn BỒ XỊCH lập tức né sang một bên tránh luồng chân khí, tay vẫn bấu chặt TƯ MÃ Ý, miệng tung ra “CÀN NGÔN NGỮ” là Triều đình đã cử người khác thay thế BANG HÀNH SỰ. BỒ XỊCH thấy TƯ MÃ Ý nhỏ người, chỉ đứng thấp tới vai của Ông, liền chuyển bộ sang thế ‘Miêu Vờn Thử”, lôi TƯ MÃ Ý như mèo tha chuột, đồng thời Ông khoác tay ra hiệu cho tên CẢNH BỊ đang đứng gần đó. TƯ MÃ Ý dùng hết sức bình sinh tập trung tất cả nội lực dồn vào hai chân trong đấu pháp thượng đẳng “Hòn Vọng Phu” biến thân thể của Ông nặng như khối đá ngàn cân. Thế nội công này TƯ MÃ Ý đã luyện tập hơn 40 năm ròng rã vì luôn bị những cường lực đe doạ tại quê nhà. Tổng Trấn BỒ XỊCH thở hổn hển, không ngờ đối thủ nhỏ con mà nội lực thâm hậu như thế. Ông kinh hoàng vội lẩm nhẩm câu kinh xin ơn trợ lực  rồi ra sức kéo “tảng đá” người trước mặt. Bấy giờ, dân HOÀI QUỐC từ trong Đền Thờ túa ra như ong vỡ tổ. Họ thấy cảnh bắt người trái phép của viên Tổng Trấn võ biền liền xông đến tiếp tay với TƯ MÃ Ý. Tất cả mọi ngưòi đều chuyển chân khí vào vai, vào tay, vào hông, vào bất cứ nơi nào trên người của TƯ MÃ Ý và bắt đầu kéo Ông ra khỏi sức kềm toả của BỒ XỊCH. BỒ XỊCH cố gắng kéo thêm một lúc nữa, mồ hôi trán bắt đầu nhỏ giọt, hơi thở nặng nề, mồm lắp bắp không ra tiếng. Ông nhớ lại bài học chiến thuật đầu tiên trong cuốn binh pháp của Hoàng Đế THẠCH ĐỖ MA là câu châm ngôn “Mãnh hỗ nan địch quần hồ”. Đồng thời Ông cũng nghĩ ngay đến chiến thuật của vị vua đương thời đã chạy vút như gió trong Lễ Trao Gươm cho LỘ DUNG vì sợ đám đông trong cơn giận dữ. Sáng sớm hôm ấy, trước khi ra khỏi thư phòng, Ông có liếc nhìn tờ lịch treo trên tường, thấy có ghi không nên hội họp hay đến gần chỗ đông người. Ông đành buông TƯ MÃ Ý ra. Thế là vị Kha Trưởng phóng vội vào bên trong cấp báo ngay cho Quan Chưởng Môn NGUYÊN ĐỨC THIỆP. Vị sứ giả của Quan Khâm Sai PHỤNG LỄ NGHI cảm thấy có điều không ổn liền rảo bước sang dinh Tổng Trấn . . .

4.9     LÀM CHỦ TÌNH HÌNH

 Vào cuối giờ Ngọ ngày 22 tháng 10 năm Bính Dần 1986, trong lúc nhân dân ở Doanh TUẪN GIÁO đang chuẩn bị thiết lập Lễ Đài cho cuộc rước kiệu NỮ VƯƠNG vào buổi chiều hôm ấy thì quân thám báo lại cho biết thủ hạ của LỘ DUNG sẽ dốc toàn lực để thực hiện kế hoạch thâu thuế tại Đền Thờ NHẤT THỂ TAM VỊ. Lập tức các nhóm nghĩa quân CHÂN LÝ THÁI BÌNH lại nai nịt gọn gàng để lên đường thi hành nhiệm vụ. Dưới ánh nắng gay gắt lạ thường của một buổi trưa mùa thu, đoàn chiến mã ào ạt cuốn thốc bụi mù. Vừa bước vào Đền Thờ, họ bắt gặp thủ hạ của LỘ DUNG đã ngồi chễm chệ tại dãy ghế giữa. Tất cả đều áo quần chỉnh tề, chuẩn bị thi hành lệnh của Triều đình. BANG HÀNH SỰ họp khẩn với nghĩa quân CHÂN LÝ THÁI BÌNH để phân chia công tác và canh phòng cẩn mật các giỏ thâu thuế như thường lệ. Họ biết rằng đây là buổi tế tự cuối cùng của tuần lễ nên phe LỘ DUNG sẽ tìm đủ mọi cách để thực hiện cho bằng được thông tư của XÚ UẾ VẤN. Vả lại Triều đình nhận thấy tầm mức quan trọng của Đền Thờ NHẤT THỂ TAM VỊ nên đã cử một nhóm gồm 10 người để dễ dàng đối phó với CHÂN LÝ THÁI BÌNH.

 Sau khi hảo hán HỒ QUANG NGUYỆT lên đọc thông tư của BANG HÀNH SỰ kêu gọi nhân dân ngưng đóng thuế như thường lệ, giờ tế tự bắt đầu. Bọn thủ hạ của LỘ DUNG nghểnh cổ lên cố gắng nghe xem Phó Tổng Trấn ĐẬU LƯ có đọc thông tư của Tể Tướng XÚ UẾ VÂN hay không nhưng chúng lấy làm thất vọng vì vị Phó Tổng Trấn đã rút kinh nghiệm từ hai buổi tế tự hôm trước và buổi sáng cùng ngày nên đã để dành thông tư ấy vào lúc cuối. Thế là BANG HÀNH SỰ vẫn tiếp tục công việc thường lệ. Đến cuối giờ Tế, Phó Tổng Trấn ĐẬU LƯ trịnh trọng tuyên đọc lệnh của Triều đình cắt cử những người của phe LỘ DUNG vào công việc lấy thuế. Hảo hán HỒ QUANG NGUYỆT không chút chậm trễ, lao nhanh lên bục cao bên phải Chánh Điện, dùng hệ thống phóng thanh phủ nhận tư cách đại diện của những người vừa được cắt cử. Tiếng vỗ tay ủng hộ HỒ QUANG NGUYỆT vang dội cả Đền Thờ như một sự khẳng định dứt khoát của người HOÀI QUỐC  đối với âm mưu thâm độc của Triều đình.

 Tục truyền rằng vào buổi tối hôm đó, tại trang trại của một tên thủ hạ LỘ DUNG, THAM MƯU BỘ của Ông ngồi rầu rĩ, bất động như những tượng đá. Dưới ngọn đèn dầu leo lét, Lão Pháp Sư đang cố gắng gọi hồn cho tên thủ hạ phát hịch TIN HÃO đã mất vía từ đêm hôm trước. Những tên còn lại chán nản bơ phờ vì vừa bị Tể Tướng XÚ UẾ VÂN quở trách vì đã không hoàn thành nhiệm vụ đã được giao phó. Trên chiếc bàn to ở giữa nhà là một chồng TIN HÃO chất cao như núi vì không có cơ hội phổ biến. Lão Pháp Sư loay hoay một hồi lâu bổng thấy tên thủ hạ của LỘ DUNG mấp máy đôi môi. KHUYỂN NGÔN ĐẦU ĐÀ liền kề sát tai vào mồm của tên thủ hạ để nghe hắn muốn nói gì. Hơi thở ngắt quãng, hắn chỉ thều thào được vài tiếng “CHÂN . . . LÝ . . . THÁI . . . BÌNH . . . Không! Chết mất . . .”, đoạn tiếp tục mê man. Lão Pháp Sư lắc đầu thở dài. Lão chìa tay xin tiền công đã gọi hồn cho tên nọ. KHUYỂN NGÔN ĐẦU ĐÀ soát lại túi vải đựng tiền giắt ở thắt lưng nhưng không còn một hào vì tiền đã dốc sạch để ấn loát đống hịch đang nằm trên bàn. Hắn thở dài chán nản, khất với Lão Pháp Sư: “Hôm nay tiểu gia vừa cháy túi. Ngày mai khi lão trở lại, tiểu gia đem cân ký đống hịch vô dụng kia sẽ có tiền cho Lão”. Có tiếng nói mệt mỏi như người thiếu ngủ: “Cân ký ở đâu bây giờ. Hồi chiều tiểu đệ đi dọ khắp cả HỒ SINH mà không nơi nào chịu cân. Họ nói bài vở kém như thế chỉ nên đưa vào chợ để gói cá cho được việc.”