main billboard

CHƯƠNG   VIII

NGĂN  CẤM  TẾ  TỰ

8.1   NHỮNG HOẠT ĐỘNG TRONG GIAI ĐOẠN KHÓ KHĂN

 Kể từ khi các buổi tế tự bị đình chỉ Bang Phòng Thủ Chân Lý Thái Bình và Bang Hành Sự của Doanh Tuẫn Giáo đã quyết định kêu gọi dân chúng đến tham dự buổi tế tại Đền thờ Vương quốc vào giờ Tỵ mỗi cuối tuần. Theo luật lệ của Thiên Giáo, Đền thờ Vương quốc được xem là Đền Thờ của vị Hoàng Đế đang cai trị vương quốc đó. Do đó, vào những ngày đại lễ của Thiên Giáo, vị Hoàng Đế có bổn phận phải về Đền thờ Vương quốc để chủ sự các cuộc tế. Việc lựa chọn Đền thờ Vương quốc nằm giữa đế đô Hồ Sinh để dự các buổi tế, người Hoài Quốc muốn nhắc nhở Triều đình về tình trạng bơ vơ, lạc lỏng của họ. Họ muốn Hoàng Đế Thạch Đỗ Ma và những quan lại của Triều đình luôn luôn nhìn thấy sự thiếu thốn về mặt tinh thần của đám dân xa xứ và nhanh chóng giải quyết toàn bộ vấn đề của Doanh Tuẫn Giáo.

 Lúc đầu tiên khi người Hoài Quốc kéo đến Đền thờ Vương quốc để tham dự các buổi tế, người dân bản xứ rất đổi ngạc nhiên và lo sợ về những xáo trộn có thể xảy ra. Chính những quan Thất Phẩm bản xứ lúc chủ tế cũng cảm thấy không an tâm khi nhìn thấy đoàn người lạ mặt hiện diện chật ních Đền thờ. Tuy nhiên sau vài tuần lễ, sự lo lắng bối rối lúc ban đầu không còn nữa. Thay vào đó, các quan Thất Phẩm và dân chúng bản xứ đã dành nhiều thiện cảm cho người Hoài Quốc. Thiện cảm tốt đẹp này được thể hiện bằng cách người Hoài Quốc có thể hát những bài hát hoặc đọc những pho Thánh Thư bằng ngôn ngữ của họ trong các nghi lễ của người bản xứ. Điều này đã yên ủi một phần nào cho dân chúng của Doanh Tuẫn Giáo. Tuy nhiên những đặc ân nho nhỏ không thể nào thay thế được sự mất mát to lớn của việc thiếu vắng các nghi lễ bằng chính ngôn ngữ của họ.

 Tối ngày mồng 3 tháng giêng năm 1987, hàng ngàn dân chúng kéo về Đền thờ Nữ Vưong Thái Bình ở Trấn Ánh Dương để tham dự buổi cầu nguyện đặc biệt. Buổi cầu nguyện đặc biệt vào đầu năm Tây Lịch có mục đích cầu bình an cho vương quốc Hồ Sinh, Hoàng Đế Thạch Đỗ Ma, các quan lại cao cấp của Triều đình và nhất là cho Doanh Tuẫn Giáo cũng như cho Hoài Quốc. Buổi cầu nguyện được tổ chức sau nghi thức tế tự của Đền thờ Nữ Vưong Thái Bình. Sau phần nguyện kinh đặc biệt bằng 6 ngôn ngữ khác nhau của các sắc dân thiểu số tại Hồ Sinh, người Hoài Quốc đã tiến ra Nữ Vương Đài trước cổng Đền thờ để hát và cầu nguyện cho những mục đích của họ. Hàng ngàn ngọn nến đã được thắp sáng như những biểu tượng nhiệt thành sốt sắng của đoàn người đang tìm kiếm sự an bình chân thật. Mặc dầu đêm hôm ấy trời chuyển mưa to và gió lạnh thổi thật mạnh, đoàn người Hoài Quốc vẫn tiếp tục cất cao giọng hát lời kinh; ánh nến trên tay sáng rực như mang đến hy vọng cho một ngày mai tươi đẹp.

8.2   PHẦN NGOẠI SỬ : VÀI NÉT VỀ DOANH TUẪN GIÁO

 Doanh Tuẫn Giáo được thiết lập trên một thửa đất vuông vắn, cân đối về phía Nam của đế đô Hồ Sinh. Diện tích hơn một mẫu tây, có bờ thành bao bọc chung quanh và có kiến trúc của thế kỷ 20. Nằm ở một địa thế vô cùng thuận lợi. Doanh Tuẫn Giáo đã đáp ứng thật nhiều cho những ước vọng của người Hoài Quốc về cả hai phương diện tinh thần và vật chất.

 Nằm cách giao lộ nhộn nhịp Sinh Tử Lộ và Cách Phi Tần không xa, Doanh Tuẫn Giáo chễm chệ uy nghi giữa khu vực đông đúc dân cư. Huyết lộ Bách Nhất chạy dọc từ Bắc xuống Nam,  xuyên ngang lãnh thổ Hồ Sinh là lối đi quan trọng thường được những người phương xa sử dụng để đến Doanh Tuẫn Giáo. Ngoài ra Huyết lộ Nhị Bát Thập cũng nằm trên trục Bắc Nam giúp những người từ vương quốc Kim Sơn đến Doanh Tuẫn Giáo được mau chóng dễ dàng.

 Trước mặt Doanh phủ là con lộ lớn Sinh Lệ Tông, bên trái là một Trung Học tràng của dân bản xứ. Hai mặt còn lại được bao bọc bởi những trang trại của dân chúng. Doanh Tuẫn Giáo có một sân tiền đường thật rộng và một khoảng đất trống để cột chiến mã. Phía trong là một sân chơi cho trẻ em.

 Vào những ngày đại lễ, khi có những buổi tế tự hoặc những hoạt động lộ thiên, Doanh Tuẫn Giáo thiết lập một lễ đài đồ sộ tại sân tiền đường để hàng ngàn dân chúng có dịp tham dự. Kiến trúc của Doanh Phủ gồm hai toà nhà lớn: Nguyện đường và sảnh đường. Từ trên nhìn xuống, kiến trúc của Doanh Tuẫn Giáo có hình chữ nhân với Nguyện đường là nét dọc chính, trong khi sảnh đường hoàn tất hình nét ngang. Đây là điểm quan trọng ảnh hưởng rất lớn đến nhân sự và hoạt động của Doanh Tuẫn Giáo. Trước mặt Nguyện đường là Nữ Vương đài với bức tượng Nữ Vương có đường nét của một phụ nữ Hoài Quốc. Trước hành lang chính dẫn vào Doanh phủ là một cây Thập Tự cao vút, biểu tượng linh thiêng của Thiên Giáo. Ba trụ cờ cao để thượng những lá đại kỳ trong những ngày đại lễ nằm thẳng tấp song song với sảnh đường. Một số các trụ cờ thấp hơn nằm dọc bờ thành của Doanh Phủ. Vào những buổi trưa hè nóng bức, Doanh phủ và sân chơi đuợc che mát bởi những tàng cây cổ thụ và những cây nhỏ chung quanh bờ thành.

 Doanh Tuẫn Giáo như đã nói ở trên đã thoả mãn những ước nguyện của người Hoài Quốc vì đạt được cả ba yếu tố: Thiên thời, địa lợi, nhân hoà.
 
Thiên thời: Việc tạo mãi Doanh Tuẫn Giáo được phát động dưới thời cai trị của Tổng Trấn Bình Viễn An. Trong thời kỳ đó, toàn thể người Hoài Quốc theo Thiên Giáo ở Hồ Sinh đã mơ ước có một đền thờ riêng biệt với những nét đặc thù của dân tộc họ. Việc thờ tự và phát triển tôn giáo chắc chắn phải là mệnh Trời. Vì thế, yếu tố thiên thời thể hiện rõ rệt ngay từ lúc bắt đầu.

 Địa lợi : Toạ lạc tại một vùng có khá đông dân cư, nhất là người Hoài Quốc, Doanh Tuẫn Giáo có địa lợi dễ dàng. Bên cạnh các trục lộ giao thông thuận lợi và các khu sinh hoạt sầm uất, vấn đề di chuyển đến Doanh Tuẫn Giáo không còn là một mối ưu tư lớn lao cho dân chúng.

 Nhân Hoà : Đây là yếu tố quan trọng hơn hết. Việc tạo mãi và xây dựng Doanh Tuẫn Giáo hoàn toàn do lòng tự nguyện và thiện chí của người Hoài Quốc. Tinh thần đoàn kết và ý chí quyết tâm kiến tạo một nơi linh thiêng để thờ tự và bảo tồn những phong tục tập quán tốt đẹp của người Hoài Quốc đã mang đầy đủ yếu tố Nhân Hoà, một yếu tố không thể thiếu cho bất cứ một công việc nào.

 Chính những yếu tố trên đã làm cho thế đứng của Doanh Tuẫn Giáo trở nên vững chắc. Doanh phủ và dân chúng, cả hai tạo thành một khối như keo sơn khó tách biệt. Linh hồn của Doanh Tuẫn Giáo cũng là linh hồn của dân chúng. Nơi đây trở nên một nơi đặc biệt, linh thiêng có thể biểu hiện bằng bốn chữ “Địa Linh Nhân Kiệt”. Như đã nói ở trên, theo các nhà địa lý, kiến trúc hình chữ Nhân một phần lớn ảnh hưởng đến tương lai của Doanh Tuẫn Giáo. Chỉ những người có lòng nhân hậu, tinh thần xả thân phục vụ bác ái vị tha mới có thể hoạt động tại Doanh Tuẫn Giáo. Những kẻ có lòng phản trắc, dạ bất trung hay tinh thần bất mãn đều không tìm được đất đứng tại đó. Ngay cả những nhà lãnh đạo được sai đến cai trị nếu không thể hiện được lòng Nhân như dân chúng mong muốn cũng bị tẩy chay. Ngoài ra, Doanh Tuẫn Giáo luôn luôn giữ được mục đích ngay từ lúc ban đầu, đó là hình ảnh một Đền Thờ của một sắc dân lưu lạc. Bất cứ mọi ý định biến đổi vùng đất ấy cho một mục đích khác đều không thực hiện được vì đi ngược lại với ước nguyện của dân chúng; ước nguyện đó cũng là mục đích của chiến dịch “Góp Quỹ Dựng Đền”.

8.3   THANH TẨY TẬP THỂ

Đầu năm 1987 Tây Lịch, Kim Sơn, vương quốc láng giềng ở phiá Bắc cách Hồ Sinh vào khoảng 50 dặm, có dịp mở rộng cửa ải quan để chào đón đoàn người Hoài Quốc của Doanh Tuẫn Giáo. Với những khó khăn cấm cách bao trùm lên lãnh thổ Hồ sinh, người Hoài Quốc trong thế chẳng đặng đừng phải vượt biên giới đến vương quốc lân cận để thể hiện tinh thần sùng đạo và tìm tự do tín ngưỡng. Sau hơn năm tháng sống trong bồn chồn lo lắng, ngày 11 tháng giêng năm 1987, không khí vui tươi an hoà lại tái xuất hiện với đoàn người của Doanh Tuẫn Giáo. Mặc dầu họ đến Kim Sơn chỉ để cử hành một vài nghi lễ trong một buổi chiều ngắn ngủi, những hoạt động tôn giáo đó đã ít nhiều mang lại niềm an ủi lớn lao cho họ. Trong khi người Hoài Quốc của Hồ Sinh tìm được một chút sinh khí sau những ngày tháng vất vả, triều đình Thạch Đỗ Ma trở nên bối rối vì những hoạt động của Bang Phòng Thủ Chân Lý Thái Bình bắt đầu vượt ra khỏi vùng kiểm soát. Những hoạt động này lại liên quan đến Kim Sơn, vương quốc có quá nhiều liên hệ với Hồ Sinh.
 
 Nằm tiếp giáp ở phía Bắc Hồ Sinh, Kim Sơn là một vương quốc lớn rất nổi tiếng về nhiều phương diện. Hai trục lộ chính nối liền Kim Sơn với Hồ Sinh là huyết lộ Bách Nhất và Nhị Bát Thập, hai thương lộ sầm uất với hàng triệu ngựa xe nhộn nhịp. Phía Tây của Kim Sơn giáp với Hoà Bình Đại Dương khiến vương quốc này cũng trở thành một hải cảng quan trọng của Liên Quốc Tạp Chủng. Trước khi được tách rời để trở thành vương quốc tự trị,  Hồ Sinh là phần lãnh thổ phía Nam của vương quốc Kim Sơn với Hoàng Đế Giang Huỳnh trên ngôi Cửu Ngũ và Thạch Đỗ Ma giữ chức Phó Vương. Chiếu chỉ của đại đế Giang Phong Đệ II nâng Hồ Sinh lên thành Vương Quốc và Phó Vương Thạch Đỗ Ma được tấn phong thành Hoàng Đế để cai trị vương quốc tân lập này. Vì những liên hệ kể trên, sự giao hảo giữa hai vương quốc thật là êm thắm . Trong suốt cuộc binh biến của người Hoài Quốc tại Doanh Tuẫn Giáo, Kim Sơn đã khéo léo đứng ngoài cuộc xung đột, không một lời bàn luận chính thức. Tất cả được xem như công việc nội bộ của Triều Đình Thạch Đỗ Ma. Tuy nhiên ngày 11 tháng Giêng năm 1987 Tây Lịch, vấn đề người Hoài Quốc bắt đầu đi vào một chiều hướng mới.

 Chiều hướng mới bắt đầu từ lúc Quan Thất Phẩm Tấn Mãnh Nguyên của môn phái Phan Sanh từ Kim Sơn đến Hồ Sinh để giúp đỡ dân chúng Doanh Tuẫn Giáo trong dịp đại lễ Giáng Trần. Lúc bấy giờ lệnh cấm cử hành các nghi thức tôn giáo tại nguyện đường của Doanh Tuẫn Giáo vẫn còn hiệu lực. Các buổi tế tự của người Hoài Quốc tại Đền Thờ các Trấn cũng đều chịu chung số phận. Triều đình Thạch Đỗ Ma chỉ cho phép cử hành các nghi thức đặc biệt khác như thanh tẩy, Quan, Hôn, Tang tế tại một số Đền Thờ thuộc Hồ sinh mà thôi. Sau hơn năm tháng tranh đấu, một số trẻ em sơ sinh và những người  trưởng thành muốn tòng giáo gặp khó khăn trong việc lãnh nhận nghi thức Thanh Tẩy. Những gia đình của dân chúng có trẻ em mới sinh quyết định tẩy chay các nghi thức tôn giáo do Tổng Trấn Lộ Dung chủ sự nên họ đã nhờ Bang Phòng Thủ Chân Lý Thái Bình và Bang Hành Sự của Doanh Tuẫn Giáo thu xếp cho họ. Sau khi tham khảo ý kiến của Quan Thất Phẩm Tấn Mãnh Nguyên và vị Chưởng môn phái Phan Sanh tại Kim Sơn, buổi tế tự đặc biệt cho người Hoài Quốc được tổ chức.

 Vào giờ Mùi ngày 11 tháng Giêng năm 1987, không khí tại sân tiền đường của Doanh Tuẫn Giáo trở nên nhộn nhịp. Hàng trăm cổ xe tứ mã trên chở đầy nam phụ lão ấu tề tựu đông đủ, sắp hàng ngay ngắn. Các Kha Trưởng và Kha Phó của Bang Hành Sự và các thủ lãnh của Chân Lý Thái Bình bận rộn phối trí công tác cho cuộc di hành đông đảo. Các nghĩa quân trong những bộ võ phục tươm tất, kiểm điểm võ khí, sẵn sàng bảo vệ cho đoàn người sắp lên đường. Trên mỗi tứ xe tứ mã có dán một mảnh giấy nhỏ quen thuộc “Thể Nhân Trấn : Thuận” để làm dấu hiệu liên lạc và nhận diện trong suốt cuộc di hành. Sau khi kiểm điểm đội ngũ lần chót và cắt đặt người coi sóc Doanh Phủ, đích thân Bạc Trang Hán Tử và Giáo Học Thiền Trang thống lĩnh đoàn ngựa ra khỏi cổng thành. Đoàn xe nối đuôi dài như con rắn, theo huyết lộ Bách Nhất, trực chỉ hướng Bắc tiến về vương quốc Kim Sơn. Các nghĩa quân của Doanh Tuẫn Giáo cưỡi ngựa song song với đoàn xe để bảo vệ an ninh ở hai cạnh sườn. Một toán nghĩa quân khác đi đoạn hậu để kiểm soát toàn bộ và hướng dẫn những cổ xe bị lạc đưòng.

 Khoảng giữa giờ Mùi, đoàn xe của Doanh Tuẫn Giáo bắt đầu tiến vào địa giới của thủ phủ Kim Sơn. Việc tìm kiếm Đền Thờ Bố Nhị Phát không mấy khó khăn vì mỗi cổ xe đều được cấp phát một mảnh hoạ đồ nhỏ. Đền thờ Bố Nhị Phát nằm trên lộ Kim Kiều của đế đô Kim Sơn là nơi cư trú của Quan Thất Phẩm Tấn Mãnh Nguyên. Để người Hoài Quốc có cơ hội tham dự một buổi tế tự đặc biệt trong đó có nghi thức Thanh Tẩy cho các trẻ sơ sinh và những người tòng giáo, ông đã quyết định cho tổ chức buổi tế ngay tại Đền Thờ của ông. Theo lịch Thiên Giáo, hôm ấy là ngày kỷ niệm Thiên Sai Giáo Chủ lãnh nhận nghi thức Thanh Tẩy trước khi bắt đầu sứ mạng truyền đạo của Ngài.

 Vừa đặt chân vào Đền Thờ, dân chúng đã sững sờ trước công trình kiến trúc theo lối cổ thật nguy nga tráng lệ. Trên trần cao và chung quanh bốn vách của Đền thờ là những bức hoạ tuyệt mỹ diễn tả lịch sử của Thiên Giáo. Chánh Điện và hai hàng trụ cao bằng đá cẩm thạch bóng loáng phản chiếu ánh sáng đủ màu từ những khung cửa kính ngũ sắc. Đền thờ có vẻ cổ kính đặc biệt khác hẳn những Đền thờ có lối kiến trúc tân kỳ thường thấy ở Hồ Sinh. Người Hoài Quốc cảm thấy tâm hồn rung động. Họ mừng rỡ sung sướng khi tìm thấy sự tự do tín ngưỡng trên vùng đất của vương quốc lân cận.

 Các quan Thất Phẩm người bản xứ của môn phái Phan Sanh tại Đền Thờ Bố Nhị Phát cũng cảm thấy vui lây với niềm vui của dân chúng Doanh Tuẫn Giáo.  Buổi tế được đồng chủ sự bởi Quan Thất Phẩm Tấn Mãnh Nguyên và một vị quan Thất Phẩm khác người bản xứ. Dân chúng đứng chật cả Đền Thờ, cất cao giọng hát chào mừng đoàn trẻ sơ sinh được cha mẹ bế vào Đền Thờ theo lối đi chính giữa. Hai vị quan  Thất Phẩm chủ sự cuộc tế đứng gần Chánh điện chào đón những người sắp lãnh nhận nghi thức Thanh Tẩy bằng cách ghi dấu Thập Tự trên trán của họ. Sau đó toàn thể dân chúng bắt đầu tham dự cuộc tế với tất cả tinh thần sốt sắng. Họ vui mừng sung sướng khi thấy dòng nước tươi mát chảy tràn đầy trên đầu con em họ. Sau đó tất cả mọi người dâng lời cầu nguyện cho những người vừa gia nhập Thiên Giáo qua nghi thức Thanh Tẩy và đặc biệt cho vương quốc Hồ Sinh cùng những nhà lãnh đạo.

 Buổi tế đặc biệt tại Đền Thờ Bố Nhị Phát của vương quốc Kim Sơn đã mang đến cho dân chúng của Doanh Tuẫn Giáo cảm tưởng vui buồn lẫn lộn. Vui vì thấy những nhà lãnh đạo Thiên Giáo như các Quan Thất Phẩm của môn phái Phan Sanh và Tấn Mãnh Nguyên đã hết lòng giúp đỡ, thương yêu, lo lắng cho họ trong những ngày tháng lận đận. Buồn vì nghĩ đến đời sống tinh thần thiếu thốn và tương lai mù mịt của Doanh Tuẫn Giáo. Người Hoài Quốc của Doanh Tuẫn Giáo cảm thấy có điều trùng hợp về mối liên hệ giữa họ và môn phái Phan Sanh.

 Môn phái Phan Sanh là môn phái của người nghèo. Những người đói khổ về vật chất thường tìm đến các tu viện và Đền thờ của môn phái Phan Sanh để ăn mày sự bố thí. Đối với người Hoài Quốc, tuy không đói về mặt vật chất nhưng họ lại là những kẻ thiếu thốn về phương diện tinh thần. Họ cũng đến Đền thờ của môn phái Phan Sanh để ăn mày những nghi lễ là món ăn cần thiết cho đời sống tâm linh. Những nhà lãnh đạo Thiên Giáo của vưong quốc Hồ Sinh đã khiến thần dân của mình trở nên những người hành khất bất đắc dĩ, bôn ba sang tận vương quốc láng giềng để có được của ăn tinh thần. Thế mà trong các lời hiệu triệu và văn thư gửi người Hoài Quốc, Hoàng Đế Thạch Đỗ Ma lúc nào cũng cho rằng ông hết lòng quan tâm, thương yêu và lo lắng cho họ.

8.4   LIÊN HỘI HOÀI QUỐC TẠI BẮC CA LĨNH

 Mặc dầu đầu năm 1987 Tây Lịch đã qua đi được gần một tháng, năm mới của người Hoài Quốc vẫn chưa bắt đầu. Theo cách tính toán ngày tháng của các dân tộc ở phương Đông, đầu năm mới sẽ bắt đầu vào cuối tháng Giêng của Tây Lịch. Năm 1987 sẽ được gọi là năm Đinh Mão.

 Cũng như mọi dân tộc khác, người Hoài Quốc có quan niệm những ngày đầu năm là những ngày nghỉ ngơi vui chơi sau một năm dài làm việc vất vả. Đó cũng là những ngày đặc biệt được dành riêng để cảm tạ Ơn Trời đã ban cho họ mọi sự lành trong năm cũ. Ngoài ra, những ngày đầu năm cũng là dịp để gia đình quây quần, đoàn tụ, tưởng nhớ công ơn của tổ tiên ông bà, thăm viếng và chúc tuổi thân quyến bằng hữu. Đó là về phương diện tinh thần. Về mặt giải trí, người Hoài Quốc còn tổ chức các buổi tiệc ăn uống linh đình, tham dự các trò vui công cộng để mừng năm mới. Những phong tục tập quán tốt đẹp đó đã có từ lâu và người Hoài Quốc đã cố gắng gìn giữ cho dầu đang sống trong bất cứ hoàn cảnh nào.

 Sau khi bọn Rợ Hồ từ phương Bắc tràn xuống đánh cướp quê hương vào mùa Xuân năm Ất Mão 1975, hơn một triệu người Hoài Quốc phải rời bỏ xứ sở để lánh nạn tại các vương quốc trên thế giới. Đa số đến định cư lập nghiệp tại Liên Quốc Tạp Chủng và đặc biệt tại vương quốc Hồ Sinh. Những vương quốc láng giềng với Hồ Sinh như Kim Sơn cũng có rất đông người Hoài Quốc kéo đến sinh sống. Sau một thời gian ngắn làm quen với cuộc sống mới, người Hoài Quốc bắt đầu kết hợp lại với nhau thành những Bang, Hội với mục đích giúp đỡ lẫn nhau. Những Bang, Hội trong một vùng có thể kết hợp thành tổ chức lớn hơn chẳng hạn Liên Hội người Hoài Quốc tại Bắc Ca Lĩnh. Riêng tại Hồ Sinh, ngoài việc tổ chức các cuộc hội họp, lễ lạy trong năm Liên Hội Hoài Quốc tại Bắc Ca Lĩnh thường đảm nhận việc tổ chức Hội Chợ Xuân hàng năm cho dân chúng Hoài Quốc trong vùng.

 Dầu không phải là một Bang Hội, nhưng người Hoài Quốc theo Thiên Giáo tại Doanh Tuẫn Giáo tự động kết hợp với nhau thành một khối dân đông đảo bằng sợi dây tín ngưỡng vô hình. Vào những năm trước ngày Hoàng Đế Thạch Đỗ Ma của Thiên Giáo về cai trị Hồ Sinh, dân chúng của Doanh Tuẫn Giáo góp mặt với Liên Hội Hoài Quốc Bắc Ca Lĩnh bằng danh xưng Cộng Đồng Thiên Giáo Hoài Quốc. Cho mãi đến những năm sau danh xưng này vẫn thường được dùng để ám chỉ dân chúng Hoài Quốc theo Thiên Giáo thuộc Doanh Tuẫn Giáo.

 Cuộc binh biến Bính Dần 1986 của Doanh Tuẫn Giáo khiến Cộng Đồng Thiên Giáo Hoài Quốc chia thành hai phe rõ rệt: phe ủng hộ Triều đình và tổng trấn Lộ Dung, và phe đối nghịch còn được gọi là phe của Doanh Tuẫn Giáo. Liên Hội Hoài Quốc tại Bắc Ca Lĩnh trong suốt cuộc binh biến của Doanh Tuẫn Giáo đã khéo léo tế nhị đứng ngoài cuộc xung đột, giữ thế đứng trung lập. Cuộc binh biến khởi phát từ mùa hè năm Bính Dần 1986 tưởng như kết thúc trong một thời gian ngắn không ngờ lại kéo dài đến hết cuối năm và chuẩn bị bước sang năm Đinh Mão 1987 trong lúc Liên Hội Hoài Quốc tại Bắc Ca Lĩnh chuẩn bị cho Hội Chợ Xuân hàng năm.

8.5   CHUẨN BỊ XUÂN ĐINH MÃO 1987

 Vì muốn chứng tỏ cho công luận Hoài Quốc và người dân bản xứ biết ai là người đang nắm giữ quyền hành tại Doanh Tuẫn Giáo và là đại diện chính thức của những người Hoài Quốc theo Thiên Giáo, Tổng Trấn Lộ Dung đã ra lệnh cho thủ hạ chuẩn bị kế hoạch đối phó với Hội Chợ Xuân do Liên Hội Hoài Quốc tại Bắc Ca Lĩnh tổ chức. Viện lý do là Cộng Đồng Thiên Giáo Hoài Quốc đang gặp khó khăn về nội bộ, phe Lộ Dung nhất quyết từ chối việc tham dự Hội Chợ Xuân Đinh Mão 1987. Ba tổ chức ủng hộ Lộ Dung là Đạo Quân Tử Thủ Đức Tin Thiên Giáo, Hoài Quốc Nhân Dân Thiên Giáo Hội và Đạo Binh Công Cán Chính Hoài Quốc tại Hồ Sinh đồng ký tên trên một Bưu điệp gửi đến Liên Hội Hoài Quốc tại Bắc Ca Lĩnh. Bưu điệp của 3 tổ chức ủng hộ Lộ Dung đã làm cho dân chúng ở Doanh Tuẫn Giáo và Liên Hội tức giận. Trước hết, về mặt hình thức, các tổ chức này đã chứng tỏ họ không hiểu biết gì về thủ tục hành chính khi dùng hình thức “Bưu Điệp” để thông báo quyết định của một tổ chức cho một tổ chức khác. Kế đến nội dung hoàn toàn có tính cách đe doạ và hoàn toàn vô lý. Hai tuần lễ trước ngày khai mạc Hội Chợ Xuân, Liên Hội Hoài Quốc tại Bắc Ca Lĩnh lại liên tiếp nhận được hai văn thư có dấu triện của Tổng Trấn Lộ Dung xác nhận việc không tham dự, đồng thời ngăn cấm bất cứ tổ chức nào tham dự với danh nghĩa Thiên Giáo. Tất cả việc làm trên đã châm ngòi cho quyết định của Bang Phòng Thủ Chân Lý Thái Bình và Bang Hành Sự của Doanh Tuẫn Giáo: Nhân danh Cộng Đồng Thiên Giáo Hoài Quốc, họ nhất quyết tham dự Hội Chợ Xuân năm Đinh Mão 1987.

 Ngoài 3 gian hàng để triển lãm hình ảnh và sinh hoạt như mọi năm, Doanh Tuẫn Giáo còn lãnh nhận một nhiệm vụ vô cùng quan trọng. Đó là việc thiết lập một cổng Tam quan vĩ đại trước khu hội chợ. Trong các buổi Tiểu Diên Hồng Hội tại sảnh đường của Doanh Tuẫn Giáo, vấn đề thiết lập cổng Tam quan đã được dân chúng bàn thảo kỹ lưỡng. Tất cả đều đồng ý việc dựng cổng kể trên sẽ chứng tỏ cho công luận thấy thực lực hùng mạnh của Doanh Tuẫn Giáo và chính họ mới là những người đại diện chính thức cho Cộng Đồng Thiên Giáo Hoài Quốc chớ  không phải những tổ chức đang ủng hộ Tổng Trấn Lộ Dung và Triều đình. Việc kiến tạo Cổng Tam quan được dân chúng giao phó cho Kha Trưởng Bảo Trầm Luân của Trấn Nam Hồ Sinh, kha phó Ngũ Mạnh San của Trấn Cẩm Báo và Mộc Sư Ngũ Đình Thường của Trấn Bắc Hồ Sinh.

 Sáng ngày 13 tháng Giêng năm 1987, đoàn xe chở gỗ do những con bò mộng kéo về đến sân Doanh Phủ. Lập tức những nghĩa quân của Chân Lý Thái Bình bắt tay ngay vào việc. Hoạ đồ kiến trúc được nghiên cứu tỉ mỉ và đo đạc chính xác. Tiếng cưa gỗ, tiếng dùi đục, tiếng đóng đinh bắt đầu rộn rã âm vang. Mặc dầu Hội Chợ Xuân được tổ chức tại một khu đất trống cách xa Doanh Tuẫn Giáo, các nghĩa quân của Chân Lý Thái Bình quyết định thực hiện từng phần tại sân Doanh Phủ, sau đó toàn bộ cổng Tam quan sẽ được vận chuyển đến địa điểm tổ chức và ráp lại với nhau. Chỉ trong 3 ngày ngắn ngủi, các phần chính của cổng như trụ, mái, kèo . . . hầu như hoàn thành. Công trình kiến trúc đồ sộ này chiếm cả nửa khoảng sân rộng của Doanh Phủ. Dân chúng có dịp ghé lại Doanh Tuẫn Giáo đều thán phục sự hy sinh và khéo tay của những người có trách nhiệm hoàn tất chiếc cổng Tam quan cho Hội Chợ Xuân của người Hoài Quốc. Riêng đối với dân chúng Hoài Quốc theo Thiên Giáo của Chân Lý Thái Bình, đây là biểu tượng cho tình đoàn kết, chí phấn đấu và sự vững mạnh của một khối đông dân trong một hoàn cảnh vô cùng đặc biệt.

 Ngoài viêc tham dự Hội Chợ Xuân do Liên Hội Hoài Quốc tại Bắc Ca Lĩnh tổ chức, Bang Phòng Thủ Chân Lý Thái Bình còn tự đứng ra tổ chức một Nhạc Hội mừng Xuân Đinh Mão trước Hội Chợ Xuân một tuần. Đây cũng là một hình thức biễu dương lực lượng đáng kể của Doanh Tuẫn Giáo. Thành phần các diễn viên của buổi Nhạc Hội là những nghệ sĩ tài hoa Hoài Quốc ở miền Nam Ca Lĩnh phối hợp với các diễn viên địa phương của Doanh Tuẫn Giáo. Điểm quan trọng của buổi Nhạc Hội mừng Xuân Đinh Mão 1987 của Doanh Tuẫn Giáo là phần cầu nguyện cho quê hương Hoài Quốc và vương quốc Hồ Sinh. Giáo Học Thiền Trang đã chính thức viết sớ mời Hoàng Đế Thạch Đỗ Ma đến cầu nguyện và tham dự buổi Nhạc Hội kể trên. Cũng như sớ mời dự lễ Giao Hoà trong dịp Đại Lễ Giáng Trần, Hoàng Đế Thạch Đỗ Ma một lần nữa lại lâm vào thế khó xử đối với dân chúng Hoài Quốc.

 Không riêng gì Hoàng Đế Thạch Đỗ Ma, ngay cả Tổng Trấn Lộ Dung và thủ hạ của ông cũng ở trong tình trạng nan giải. Họ tuyên bố sẽ chống đối kỳ cùng những hoạt động của Chân Lý Thái Bình tại Hội Chợ Xuân của Liên Hội Hoài Quốc Bắc Ca Lĩnh. Những lời tuyên bố trên đã khiến cho các hệ thống Công Báo và truyền ảnh Trạm của Hồ Sinh tới tấp phổ biến những bản tin nóng sốt và trông đợi những hành động mạnh mẽ của phe Lộ Dung. Cùng lúc ấy, Liên Hội Hoài Quốc taị Bắc Ca Lĩnh và đặc biệt Doanh Tuẫn Giáo đã chuẩn bị sẵn sàng đối phó mọi bất trắc có thể xảy đến cho những chương trình của họ.

 Cũng trong khuôn khổ mừng Xuân Đinh Mão 1987, Doanh Tuẫn Giáo đặc biệt dự định tổ chức một buổi phát chẩn cho những người bản xứ nghèo đói tại đế đô của Hồ Sinh. Với tinh thần hãm mình để cầu nguyện cho hai thỉnh nguyện sớm thành tựu tất cả người Hoài Quốc sẽ nhịn ăn một ngày để lấy tiền giúp đỡ những người bản xứ đói khổ.
 
 Tóm lại, sau sáu tháng sống trong hoàn cảnh khó khăn đặc biệt, người Hoài Quốc tại Doanh Tuẫn Giáo đã cố gắng thực hiện những điểu quan trọng cho một năm mới. Tất cả những dự định tổ chức của họ đã thể hiện một tinh thần hy sinh cao độ, lòng quyết tâm vượt mọi gian nguy trở ngại và ý chí sắt đá đấu tranh cho một nền công lý và hoà bình thật sự.

 Tục truyền rằng sau những ngày mùa đông lạnh lẽo buốt giá, vào một ngày đầu xuân tiết trời ấm áp với những tia nắng sớm ban mai vừa chiếu vào khung cửa kính của thư phòng, Hoàng Đế Thạch Đỗ Ma vén cao bức rèm, mở toang cửa sổ để đón nhận làn nắng ấm. Sau những tháng dài căng thẳng về vấn đề Hoài Quốc, ông chưa có dịp sống lại những thời khắc an bình như những năm đầu lúc vừa lên ngôi Cửu Ngũ. Hơn một tháng nay, sau khi ban hành chiếu chỉ ngăn cấm tất cả các buổi tế tự của người Hoài Quốc, không khí của nhóm chống đối có vẻ lắng dịu. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là đã khoá được chân tay của họ. Ông đang chờ đợi những diễn biến khác sẽ xảy ra cho năm Đinh Mão 1987. Nhìn thấy tấm thảm cỏ xanh mơn mởn trong vườn thượng uyển và ánh nắng ban mai chan hoà cả một khoảng sân, ông chợt có ý muốn bước ra vườn để tắm nắng và làm những động tác thể dục như ông vẫn thường làm trước ngày có cuộc binh biến. Ông vội vàng mở cửa bước nhanh ra vườn. Tháo vội đôi hài thêu cườm ra khỏi hai bàn chân, ông cảm thấy khoan khoái khi được bước trên mặt thảm cỏ mịn như nhung. Ông bước thêm vài bước về phía góc vườn. Đột nhiên ông kêu lên một tiếng thất thanh rồi ngồi bẹp xuống nền cỏ, hai tay ôm chặt lấy bàn chân. Mặt ông nhăn nhúm lại vì đau đớn. Những giọt máu đỏ lấm tấm bắt đầu rỉ ra chung quanh hàng chục gai nhọn đang cắm vào gan bàn chân của ông. Tên quân canh đứng gần đó hồn phi phách tán, phóng vào cấp báo với Quan Ngự Y. Trong chớp mắt, vị quan có bổn phận săn sóc sức khoẻ của Hoàng Đế Thạch Đỗ Ma đã có mặt tại vườn thượng uyển và quan sát những vết thương của ông. Vừa thấy Quan Ngự Y, Hoàng Đế Thạch Đỗ Ma tức giận hét to:

 - Tại sao lại có thứ cỏ gai kỳ lạ này mọc trong vườn, trước kia có bao giờ ta bị gai đâm đâu.
 Quan Ngự Y cúi thấp đầu nhìn xuống đám cỏ. Sau một hồi quan sát kỹ lưỡng, ông ngẩng lên và ôn tồn nghiêm nghị:
 - Muôn tâu bệ hạ! Theo sự hiểu biết của hạ thần về thảo mộc thì loại cỏ này đã có từ trước ngày Bệ Hạ về cai trị Hồ Sinh. Chúng có một đặc tính kỳ lạ là luôn luôn xinh đẹp mơn mởn tươi tốt quanh năm. Tuy nhiên nếu người săn sóc cho nó không tưới nước bón phân đầy đủ thì tự nhiên chúng trở nên những gai nhọn rất cứng rắn. Đối với đám cỏ này, Bệ Hạ chỉ cần tưới nước bón phân lại thì tức khắc những gai nhọn sẽ trở nên mềm mại và xinh tốt như thường.
 - Hoàng Đế Thạch Đỗ Ma cố nén đau hỏi tiếp:
 Thế nhà ngươi có biết xuất xứ và lai lịch của giống cỏ này không?
 Quan Ngự Y nhanh nhẹn:
 - Đây không phải là loại cỏ bản xứ. Giống cỏ này được mang từ phương Đông sang. Chúng rất dễ chăm sóc và xinh đẹp. Trong Thảo Mộc Thư, loại cỏ nầy được tìm thấy ở ven bờ biển phía Tây của Hoà Bình Đại Dương và chúng mọc rất nhiều ở Vương Quốc Hoài Quốc. Vì thế chúng còn được gọi là Hoài Quốc Thảo.

8.6   DOANH TUẪN GIÁO VÀ NHẠC HỘI XUÂN ĐINH MÃO 1987

 Không khí Doanh Tuẫn Giáo vào những ngày cuối năm vô cùng nhộn nhịp. Mọi sinh hoạt thường nhật của dân chúng tại các trang trại của họ hầu như bị đình trệ. Tất cả mọi người đều tham gia vào công việc của Doanh phủ, chuẩn bị cho hai biến cố quan trọng vào dịp đầu năm Đinh Mão. Đó là buổi Nhạc Hội Xuân do Bang Phòng Thủ Chân Lý Thái Bình tổ chức và Hội Chợ Xuân của Liên Hội Hoài Quốc tại Bắc Ca Lĩnh.

 Tối 23 tháng Giêng Tây Lịch nhằm ngày 24 Tết của người Hoài Quốc, hàng trăm người sau cuộc họp Tiểu Diên Hồng Hội đã tiếp tục ở lại Doanh phủ để hoàn tất tờ hịch Chánh Đạo đặc biệt vào dịp cuối năm. Đây là một kỳ công về văn học của Doanh Tuẫn Giáo nổi bật nhất trong năm. Ngoài những bài vở thường lệ có nội dung liên hệ đến cuộc đấu tranh của người Hoài Quốc trong năm Bình Dần, người ta còn thấy xuất hiện những bài vở đặc biệt mừng Xuân mới. Hình thức lẫn nội dung của tờ hịch là cả một công trình đặc biệt được đóng góp bởi một số rất đông văn nhân thi sĩ thời bấy giờ.

 Tờ mờ sáng ngày 25 Tết, giữa cái không khí lạnh lẽo của những ngày cuối năm, tiếng vó ngựa của đoàn nghĩa quân lại rộn rã vang lên. Họ từ khắp các Trấn kéo nhau về Doanh Phủ để chuẩn bị cho buổi Hội Nhạc Xuân được tổ chức vào buổi chiều hôm ấy. Xa xôi nhất ở phía Bắc của Hồ Sinh có sự góp mặt của Võ Nhất Thanh Kha Trưởng của Trấn Vưu Sơn. Bầu đoàn thê tử của Võ gia trang đã thức dậy trước cả tiếng gà gáy sáng, cơm nắm chuẩn bị sẵn sàng và vượt hơn chục dặm đường để góp phần công tác trong buổi Nhạc Hội. Kha Trưởng Hoàng Ngọc Chương và phu nhân của Trấn Miêu Phá Thạch cũng không chịu thua kém, rời khỏi Hoàng gia trang trong lúc trang trại của người dân còn cửa đóng then gài. Các  Kha Trưởng Bảo Trầm Luân của Nam Hồ Sinh  và Kha phó Ngũ Mạnh San của Trấn Cẩm Báo với trách nhiệm nặng nề là thiết trí lễ đài cho buổi Nhạc hội đã hầu như thức suốt đêm để hoàn tất những công tác cuối cùng.

 Vào khoảng đầu giờ Ngọ, sân tiền đường của Doanh Tuẫn Giáo tưng bừng như một buổi chợ phiên. Các toán nghĩa quân bận rộn di chuyển hàng chục chiếc bục gỗ nặng nề sang thao diễn đường của Trung học tràng An Đệ Hiếu, nơi mà Doanh Tuẫn Giáo đã tổ chức Nhạc Hội mừng đại lễ Giáng Trần vào tháng trước. Hàng trăm cây gỗ dài đã được đo đạc, cắt xén hẳn hoi cũng được chất lên những xe tứ mã để ráp tại địa điểm. Cho đến cuối giờ Tỵ, toàn thể lễ đài rộng lớn đã được kiến tạo xong với hai cột gỗ vuông cao vút ở tiền điện. Chính diện của lễ đài là bức hoạ sắc sảo với những nét chấm phá linh động mô tả những cảnh trí của ngày Tết.

 Cũng ngày hôm ấy, Bang Phòng Thủ Chân Lý Thái Bình đã chứng tỏ cho công luận thấy lực lượng đông đảo của họ và sự hậu thuẫn mạnh mẽ của quần chúng. Hàng ngàn người đã kéo nhau vào Thao Diễn đường của Trung học tràng An Đệ Hiếu để tham dự buổi Nhạc hội mừng xuân của Doanh Tuẫn Giáo. Tuy nhiên mục đích chánh của buổi Nhạc hội hôm ấy vẫn là nghi thức Giao Hoà. Mặc dầu sớ mời Hoàng Đế Thạch Đỗ Ma và các võ quan cao cấp của Triều đình đã được gửi đi, nhưng nhà lãnh đạo của Thiên Giáo vẫn từ khước tham dự với lý do buổi hội họp không do Tổng Trấn Lộ Dung tổ chức. Sát cánh với Doanh Tuẫn Giáo vẫn là Quan Thất Phẩm Tất Mãnh Nguyên của môn phái Phan Sanh. Ông lại lặn lội từ Kim Sơn đến chung vui với đám dân bất hạnh và chúc mừng dân chúng khi buổi Nhạc hội bắt đầu. Đặc biệt ngày hôm ấy, hàng ngàn ngọn nến đã được toàn thể dân chúng thắp sáng như muốn nói lên đức tin vững mạnh và tinh thần hoà giải thực sự của họ. Sau đó buổi Nhạc hội đã được diễn ra tưng bừng với những màn trình diễn hấp dẫn của các nghệ sĩ tài danh. Lại có cả những hình thức mừng Xuân đặc biệt của ngày Tết như múa Lân, đốt pháo . . . khiến mỗi người có cảm tưởng như đang sống lại những ngày thanh bình của quê hương cũ. Tinh thần dân chúng lên rất cao được thể hiện qua những tiếng vỗ tay tán thưởng vang dội. Đặc biệt họ đã thể hiện sự tích cực có một không hai qua việc đóng góp vào những chi phí của Bang Phòng Thủ Chân Lý Thái Bình cho việc tổ chức; số tiền quyên góp hôm ấy lên đến hơn một vạn quan. Mặc dầu thành công về mọi mặt, sự vắng mặt của Hoàng Đế Thạch Đỗ Ma và các quan lại của ông vẫn làm cho người Hoài Quốc cảm thấy buồn nản. Họ biết rằng cuộc tranh đấu của họ dầu thế nào cũng bị bắt buộc bước sang năm mới, điều mà họ không bao giờ muốn.

8.7   DOANH TUẪN GIÁO VÀ HỘI CHỢ XUÂN ĐINH MÃO 1987

 Dư âm của sự thành công buổi Nhạc hội Xuân chưa kịp tận hưởng thì nghĩa quân của Doanh Tuẫn Giáo lại phải bắt tay ngay vào một công tác khác có tầm mức vô cùng quan trọng. Đó là việc dựng chiếc cổng Tam quan cho Hội Chợ Xuân Đinh Mão 1987 do Liên Hội Hoài Quốc tại Bắc Ca Lĩnh tổ chức. Chiếc cổng Tam quan cũng như những gian hàng triển lãm của Doanh Tuẫn Giáo là một đề tài gây rất nhiều sôi nổi trong cộng đồng Hoài Quốc. Trước đó, Tổng Trấn Lộ Dung và thủ hạ của ông đã liên tiếp gửi văn thư cũng như “bưu điệp” phản đối việc xưng danh Thiên Giáo để tham dự Hội Chợ Xuân của phe Chân Lý Thái Bình. Công luận Hồ Sinh đã chú tâm theo dõi vấn đề và xem Hội Chợ Xuân như một cơ hội để đo lường sức mạnh của hai phe Hoài Quốc. Nhận thức được điều đó, Doanh Tuẫn Giáo dốc toàn bộ nhân lực cũng như tài lực cho dịp thư hùng này.

 Sáng ngày 27 Tết, những thớt tượng khổng lồ ầm ầm rung chuyển đường phố của phía Nam Hồ Sinh. Con đường Sinh Tử Lộ nối liền Doanh Tuẫn Giáo với khu hội chợ tấp nập nghĩa quân của Chân Lý Thái Bình. Họ ra sức điều khiển những chú voi to lớn kéo những súc gỗ lớn đến địa điểm dựng cổng. Những bộ phận của mái, cột, mặc dầu đã được tháo ra thành từng mảnh nhỏ vẫn còn cồng kềnh choán chật bề ngang của con lộ. Việc di chuyển chiếm rất nhiều thì giờ, mãi đến đầu giờ Ngọ nghĩa quân mới thực sự bắt tay vào việc ráp cổng. Thời tiết lại cũng bất lợi cho nhóm Chân Lý Thái Bình. Trời lạnh như buốt, gió lại thổi mạnh khiến việc dựng cổng trở nên khó khăn. Mặc dầu ở vào thế kỷ 20 với những phương tiện văn minh cơ khí sẵn sàng, Bang Phòng Thủ Chân Lý Thái Bình quyết định dùng toàn sức người để kiến tạo công trình vĩ đại nói trên. Quyết định này nhằm mục đích chứng tỏ cho công luận Hồ Sinh nói chung và cộng đồng Hoài Quốc nói riêng sức mạnh của Doanh Tuẫn Giáo.

 Chỉ trong khoảnh khắc, 8 chiếc cột khổng lồ đã sừng sững mọc cao vút trước mặt tiền của khu Hội Chợ. Kế đến là những cây đà ngang nặng nề lần lượt gác lên những đầu cột cao. Và cuối cùng, những bộ phận mái ngói vĩ đại được hàng chục sợi dây thừng và hàng trăm người kéo lên. Tất cả đều hăng say làm việc mặc cho gió lạnh liên tiếp thổi xoáy vào da thịt. Không khí vui nhộn và niềm hãnh diện chung đã làm cho họ quên những cực nhọc vất vả và những điều kiện khó khăn của thời tiết. Mãi đến chiều 29 Tết, chiếc cổng Tam quan vĩ đại mới được hoàn thành. Màu đỏ sậm của mái ngói đỏ bật trên 8 chiếc cột trắng. Những đường viền đỏ chung quanh hai cột chánh đóng khung hai câu đối nhắc nhở người Hoài Quốc về quê hương xa xôi. Nổi bật nhất là hai huy hiệu lớn hình tròn của Cộng Đồng Thiên Giáo Hoài Quốc cùng những bảng nhỏ có hàng chữ cổng được thực hiện bởi những người của Doanh Tuẫn Giáo. Người Hoài Quốc cũng như dân bản xứ khi đi vào khu Hội Chợ đã thầm cảm phục kiến trúc đồ sộ nói trên và đưong nhiên công nhận thực lực đáng kể của Doanh Tuẫn Giáo.

 Trong lúc công việc dựng cổng đang diễn tiến. Bang Phòng Thủ Chân Lý Thái Bình và Bang Hành Sự của Doanh Tuẫn Giáo vẫn còn tranh luận rất nhiều về đường lối triển lãm cho những gian hàng của họ tại Hội Chợ Xuân. Cuối cùng họ quyết định theo đuổi đường lối ôn hoà để chứng tỏ cho Triều đình và công luận tinh thần hiếu hoà và thiện chí xây dựng. Do đó, một mô hình của Doanh Tuẫn Giáo thật mỹ thuật được kê ngay ngắn ở khoảng giữa của gian hàng triển lãm bên dưới bức họa truyền chân của Hoàng Đế Thạch Đỗ Ma. Lối triển lãm đơn sơ vừa kể lại có một ý nghĩa thâm thuý khiến công luận một lần nữa dành trọn cảm tình cho khối người đang tranh đấu.

 Tục truyền rằng Hoàng Đế Thạch Đỗ Ma vào những ngày trước khi Hội Chợ Xuân của người Hoài Quốc được khai mạc, ông vẫn băn khoăn do dự không biết nên quyết định như thế nào. Mặc dầu đã nhận được sớ mời của tổ chức Liên Hội Hoài Quốc tại Bắc Ca Lĩnh từ những tuần lễ trước nhưng ông vẫn chưa có lời phúc đáp. Đối với ông, nếu Hội Chợ kể trên do Doanh Tuẫn Giáo tổ chức, ông đã không phải ở vào thế khó giải quyết. Tuy nhiên đây không phải là cuộc họp của những người đang chống đối ông. Nó là một biến cố quan trọng nhất không những cho những người Hoài Quốc theo Thiên Giáo cũng là thần dân của ông mà là cuộc họp vĩ đại nhất trong năm của toàn thể cộng đồng Hoài Quốc ở Hồ Sinh. Khối người này đang chú tâm theo dõi quyết định quan hệ của ông để thẩm định tất cả những gì ông đã làm trong suốt cuộc đấu tranh của người Hoài Quốc của Doanh Tuẫn Giáo. Quả là một điều khó xử vô cùng. Những người Hoài Quốc theo Thiên Giáo đang ủng hộ ông là phe Lộ Dung đã cực lực tẩy chay Hội Chợ Xuân, nếu ông quyết định ngược lại họ sẽ nghĩ gì? Một buổi sáng sớm ông đang đứng tựa cửa sổ nhìn ra ngoài trời, đầu óc quay cuồng với bao ý nghĩ. Suốt cả đêm trước, cơn mưa nặng hạt ầm ầm như trút nước. Bầu trời tối đen, gió mạnh từng cơn tạo nên những tiếng hú ghê rợn. Ông mong Trời mau sáng để thoát khỏi cảm giác âm u đó. Tờ mờ sáng, mặc dầu bên ngoài trời vẫn còn mưa, nhưng gió đã ngưng thổi. Bất chợt, một vầng hồng nhỏ ló dạng ở cuối đường chân trời. Vầng hồng càng lúc càng lan rộng. Mưa đột nhiên tạnh hẳn. Lần đầu tiên trong đời, ông được mục kích cảnh rạng đông huy hoàng. Lòng ông cảm thấy phơi phới, niềm vui nhè nhẹ len vào tâm hồn. Bổng chốc, một bóng trắng nhỏ từ xa bay đến, xà ngay trên vỉa hè trước mặt ông. Ông chăm chú nhìn kỹ. Thì ra đó là một con chim bồ câu trắng nhỏ với đôi mắt non dại thật dễ thương. Đặc biệt chiếc mỏ nhỏ xíu đang cắp một nhánh ô liu xanh mởn. Ông chợt nghĩ ngay đến câu chuyện Lụt Đại Hồng Thủy trong pho Cổ Thư của Thiên Giáo. Con chim bồ câu nhỏ nhìn ông, đầu ngẩng cao, đôi mắt chớp vài cái như muốn nói điều gì. Cuối cùng nó vỗ cánh bay đi. Hoàng Đế Thạch Đỗ Ma suốt ngày hôm đó trở nên tư lự. Mãi đến tối, ông mới quyết định cho quân cấp báo ý muốn tham dự Hội Chợ Xuân của người Hoài Quốc. Và ý nghĩ đến thăm gian hàng triển lãm của Doanh Tuẫn Giáo cũng lởn vởn trong đầu của ông.

 Sáng hôm sau, lúc bước vào khu  Hội Chợ, thình lình ông bắt gặp chú bồ câu nhỏ hôm trước đang đứng cao chót vót trên nóc cổng Tam quan của Doanh Tuẫn Giáo. Cạnh bên nó là một dấu tròn có nét như một mẫu tự. Ông quay sang hỏi ý nghĩa của mẫu tự ấy, người hướng dẫn cho biết đó là chữ “Thọ”.