main billboard


Tập truyện thực về Tình người trong và sau chiến tranh.

 

       018 hoang hon                                                                                       

          Qua thơ, văn của người Việt Nam hải ngoại - lớp người tỵ nạn Cộng sản-  lúc viết về đất nước, quê hương, ta thấy bóng dáng cuộc chiến ngày qua (1954 đến 1975) cùng tâm trạng lưu vong nơi xứ người hầu như không buông tha họ. Mỗi một tác phẫm như thế là một ‘hồi ức’, một ‘cái nhìn’ về chiến tranh, về lịch sử, về xã hội không bằng lý luận nhận định, phân tích mà bằng những ‘câu truyện’ kể lại  những sự kiện có thực mà nhà thơ, nhà văn đã trải chịu hoặc đã mắt thấy, tai nghe. Tập truyện ‘Vạt Nắng Bên trời’, theo người viết, thuộc vào dạng tác phẫm đó.         

          Ðỗ Bình vừa là nhà thơ, nhà văn, vừa là người soạn nhạc (nhạc của anh chưa được in ấn, phổ biến mà mới đôi lần được trình bày trong một số buổi ‘họp Văn nghệ’ do Câu Lạc Bộ Văn Hóa Paris tổ chức  tại Thủ đô Ánh sáng). Trong ‘Khung Trời Hướng Vọng’ viết về 16  nhà thơ hải ngoại, người viết đã nhận xét : ‘’Ðỗ Bình đã đi vào chiến trận trước đây cũng như bây giờ đang lưu lạc nơi xứ người, lúc nào cũng ôm ấp nơi mình bốn tính chất căn bản : ‘người dân, người lính, người chiến sĩ  và người nghệ sĩ lãng mạn’. Bốn tính chất nầy luôn gắn bó, quấn quít nơi anh đã tạo nên ‘chất thơ’ diễn đạt cái ‘hình tượng mùa Xuân Tổ Quốc nơi tâm thức’ với nụ hương tình, với màu hoa năm xưa cùng ý hướng tìm về, hồi phục ‘màu trăng Tính thể’ cho Quê hương’’*.

                                       -Nếu thật hồn quê không còn nữa

                                        Xuân về cũng chỉ nụ hương thừa

                                        Dù mai có rộ vàng lối ngõ

                                        Thì vẫn đâu là hoa năm xưa !…

                                                               Ðỗ Bình (Chưa thấy mùa Xuân) 

          Bốn tính cách căn bản cùng hai hướng vọng đó đã khiến các sáng tác của anh luôn mang chở tính nhân bản khai phóng đậm sâu. ‘Nhân bản’ vì luôn luôn hướng về Tình người, về cái ‘Hồn quê’, khai mở cái Tính Thiện nơi con người, để cuộc sống chung luôn luôn là mùa Xuân hoa nở, không gây cho nhau những trầm luân giữa ‘cuộc đời bể khổ’ do của cải, quyền uy, danh vọng, chức vị, tiếng tăm,…. ‘Khai phóng’ vì không chỉ dừng lại nơi một thực tại gần gũi mà luôn khai mở cái Thực tại sao cho tốt đẹp hơn, vượt qua mọi sai biệt, thi phi về màu da, sắc tộc, tín ngưỡng, ngôn ngữ cùng  quan điểm, lập trường hay những khác biệt nào khác để không còn chiến tranh, hận thù mà chỉ có Tình yêu. Công việc sáng tác phần nào chẳng khác công việc kẻ trồng hoa vì ‘Trồng có nghĩa là cấy xuống đất để từ đất trổi lên Cây tiêu biểu cho Sự Sống’ . Ðỗ Bình, qua tập truyện nầy, đang  trồng cây, đang  ươm hoa, đang cấy ước mơ trên mảnh đất khô cằn sỏi đá của quê hương, trên hiu hắt, tang thương, đổ vỡ  của phận mình, của bao lớp người dù có khác nhau chiến tuyến,  bỡi chiến tranh  và sau chiến tranh.

          Tập truyện chỉ vỏn vẹn ba truyên thôi. Suốt cả ba truyện, ta luôn thấy hình ảnh của chính tác giả lúc nào cũng vướng mắc cái quá khứ tàn ác của chiến tranh và những gì đã đến với chàng, với gia đình chàng, với đất nước, nhân dân  lúc chiến tranh kết thúc.

          1.- Những mảnh đời’, mảnh đời của người thiếu phụ xứ Ðông Âu, mảnh đời của một em bé hát dạo trên các toa xe điện ngầm, mảnh đời của chính tác giả  ngày qua và tâm trạng chàng trước hai mảnh đời của người thiếu phụ và của em bé.

           ‘Ba mảnh đời’ chung một số phận : cùng là nạn nhân chiến tranh, cùng là nạn nhân của chế độ Cộng sản, cùng phải tha phương cầu thực. Khác nhau ở số tuổi : thiếu phụ và em bé hát dạo đang còn quá trẻ, không công ăn việc làm ; tác giả đã trưởng thành trong chiến tranh, nếm bao điều khổ nhục và đã có cuộc sống vững vàng nơi xứ người, không phải cảnh lang thang, tìm sống nơi lòng từ tâm của kẻ khác.         

           ‘Những mảnh đời’, truyện nhưng không là truyện vì không có cốt truyện, không nhằm xây dựng một câu truyện có đầu duôi, có những màn gây cấn, có nút thắt, nút gở rõ ràng, gây ngạc nhiên, thích thú cho người đọc. ‘Những mảnh đời’ có thể xem là một thiên ‘phóng sự’ có xen ít nhiều tâm tình chủ quan của tác giả lúc tường thuật lại những gì mắt thấy tai nghe. Ba mảnh đời thường gặp nơi cuộc sống hằng  ngày nhưng cái hay không nơi tường thuật sự việc mà nơi những  chi tiết rất thông thường nhưng lại nói lên nội dung nhân bản của truyện.

          Người thiếu phụ Ðông Âu trẻ đẹp, rất tự nhiên vạch cặp vú trắng đẹp, đầy sữa cho con bú trước ngạc nhiên của hành khách trên toa xe (vi nơi đây không là bãi tắm, không là nơi phô bày vẻ đẹp thân xác) nhưng nhìn em bé bú ngấu nghiến, lại ‘loáng ánh reo vui như chia niềm hạnh phúc’. Riêng chàng (nhân vật ‘tôi’ trong truyện) nhìn ra cái ‘tình mẹ’ cao quí và nhớ lại quảng đời thơ ấu cùng người mẹ mình, người mẹ suốt đời chỉ cầu nguyện cho con mình khỏi chết trong chiến tranh, khỏi phải bị tù sau chiến tranh và bây giờ cầu nguyện cho đất nước được tự do, dân chủ ; người mẹ già yếu, bệnh nặng mà lâu nay chàng chưa hề về thăm vì ‘khi tôi về…mẹ tôi chắc không còn đủ sức nuôi tôi trong tù’. Hình ảnh em bé hát dạo gợi cho chàng cả quảng đời thơ ấu và khoảng thời gian ngày qua trong trại tù Cộng sản đã ‘từng bị đày gánh phân và bỏ đói, từng ăn củ chuối, uống nước lả hay nhai những loài cỏ dại, từng thèm những hạt cơm, mẩu đường, miếng tóp mỡ…’ Cậu bé thông minh, kháu khỉnh với số tuổi đời lên tám, giờ đây bàu nhàu, lem luốc, phải đi hát dạo, ăn xin để sống qua ngày, ‘tiếng hát não lòng , có lẽ  em đã khóc cho thân phận làm người’. Cái ‘nhoẻn miệng cười’ của người thiếu phụ khi bỏ ít bạc cắc vào lon em bé, nói lên niềm vui đồng cảm cảnh ngộ mình với em bé. Cử chỉ tốt đẹp của người thiếu phụ nghèo, cùng ‘diện’ với em bé đã khiến tác giả (nhân vật ‘tôi’ trong truyện)  thèn thẹn vì bản tính Á Ðông đã giả vờ ngủ, làm ngơ trước lời van xin của em bé. Nơi tác giả, ý nghĩ chủ đạo nơi đây là ‘nguyên nhân’ đã tạo nên những cảnh đời đen tối đó và ý nghĩ ‘lá rách đùm lá nát’ khi  nhìn người thiếu phụ nhoẻn cười bỏ ít bạc cắc vào lon em bé. Nơi mọi hành khách trên tàu là nỗi ngạc nhiên trước sự việc khác thường cùng nỗi nhàm chán vì sự việc xảy ra quá nhiều. Nhưng, sau cái ngạc nhiên và nhàm chán đó ‘vài cặp mắt theo dõi đều loang loáng ánh reo vui như chia niềm hạnh phúc’ ‘chắc hẳn trong tâm tư mỗi người đều có chút bâng khuâng’. Tình thương vẫn không cạn tắt nơi trái tim con người, cho dù vì điều kiện hay lý do nào đó (ngạc nhiên trước cảnh thiếu phụ vạch vú cho con bú, nhàm chán trước cảnh hát dạo trên tàu, bản tính Á Ðông khiến do dự) ) đã ‘ngăn chặn’ thể hiện bằng việc làm. Một chi tiết khác là ‘miên man về những danh từ ‘chiến tranh, thù hận và tình yêu’  đã khiến tác giả (nhân vật ‘tôi’ trong truyện)  bỏ quên thói quen vào quán uống ly cà phê trước khi vào sở.

          Những chi tiết không mấy gây chú ý cho người đọc lại là giá trị nội dung của câu truyện. Những cử chỉ, thái độ nhỏ nhặt bình thường thôi vừa diễn tả cảnh đời vừa nói lên tâm trạng ; tất cả phát xuất tử Tình Thương, không lớn lao, qui mô gì mấy nhưng ‘thiếu một cánh tay nương, một lời tri ngộ’, mỗi chúng ta sẽ thấy đường dài hun hút lạnh căm và cảnh đời em bé nọ, người thiếu phụ kia sẽ phải bi thảm đến chừng nào ?. Chúng ta, người Viêt hải ngoại, hẳn không thể không nghĩ đến hàng vạn bé thơ ở quốc nội phải lạc loài nơi các động mãi dâm ở Cam-Bốt, hàng vạn cô gái non choẹt tuổi đời phải cam tâm bán mình qua các cơ sở giới thiệu hôn nhân của chế độ để phải cảnh nô lệ tình dục suốt đời, cảnh hàng vạn trai tráng bi bán buôn lao động phải sống kiếp đọa đày, bị hành hạ, bóc lột nơi xứ người. và hàng vạn người dân nghèo khổ bị cướp đất, cướp nhà, cướp vườn oan ức, lê thân khiếu nại hàng mươi năm trời không hề được giải quyết,…Bao bao nữa, những cảnh đời khốn cùng , thê thảm cùng độ nơi quê hương. ! Hoà binh rồi nhưng chiến tranh không ngừng, hận thù không ngớt. Chế độ bạo tàn trút chiến tranh, thù hận lên đầu lên cổ người dân vô tội chỉ mong được sống yên vui với sức mình nhưng lại bị xem là thù nghịch với lớp người cầm quyền gian ác, bất lương.        

          Ðỗ Bình viết truyện không theo lối kết cấu thường thấy trước nay. Anh lượm lặt những sự việc rời rạc, không cần sắp đặt theo một bố cục nào, những sự việc được thấy, nghe, rồi làm công việc người nhiếp ảnh chụp vào máy. Những sự việc đó tự nhiên liên kết nhau, đồng quy về với tâm trạng tác giả, dẫn về chủ đề : Tình Thương (hoặc thể hiện bằng việc làm hoặc bằng đôi thái độ, cử chỉ đơn sơ). Tình thương không ‘chết’ nơi lòng người nhưng chỉ riêng những người cùng cảnh ngộ đói nghèo, khốn khổ mới biểu lộ tự nhiên, rõ ràng, chân thật. Nội dung nhân bản của câu truyện nơi đây là những cảnh đời đen tối đó phát sinh do từ chiến tranh, từ thù hận nhưng những người như thiếu phụ kia, như em bé hát dạo nầy ‘’làm sao hiểu được cặn kẽ những từ hoa mỹ ‘Cách mạng và giải phóng’ ?’’. Và chính đăm chiêu về những từ đó mà chàng (‘tôi’ trong truyện) đã quên lửng thói quen thường ngày phải dùng ly cà phê trước khi vào sở. ‘Chiến tranh, thù hận và Tình yêu’, đấy là chủ đề của câu truyện, luôn luôn là những suy tư cho con người, cho chung nhân loại. Bao nhiêu kẻ, bao nhiêu chủ nghĩa đem ‘tình thương’ làm chiêu bài để gây thù hận và gieo chiến tranh như người Cộng sản. Nhưng cũng bao nhiêu người vì ‘Tình Thương’ đã hy sinh đời mình mong cứu độ, giải thoát sinh linh như một Thích Ca, Jésus. Bình thường hơn, cũng đã bao người suốt đời tận tụy vì ‘Tình Thương’ như một Simone Weil (từ bỏ chiếc ghế Giáo sư Ðại học lăn mình vào sống kiếp người cùng khốn), một Mẹ Thérésa, một tu sĩ như Abbé Pierre và bao bao nữa khắp Ðông Tây. Tại quốc nội cũng như tại hải ngoại, không thiếu những ‘tình người’ đáng quí, những bà xơ, ni cô, những giáo sĩ, tu sĩ cùng bao con người bình thường khác với những tổ chức bé nhỏ nhưng tinh thương dạt dào luôn tìm mọi cách cứ giúp người thế cô, kẻ tật nguyền, trẻ mồ côi, nạn nhân thiên tai, nạn nhân của những vụ cướp đất cướp nhà, bị hành ha, ngược đãi bỡi chế độ bạo tàn. Những cảnh đời mà lẽ ra thuộc trách nhiệm của nhà cầm quyền Cộng sản phải chăm sóc, lo liệu,  thế nhưng tiếc thay mọi tình thương đó lại bị chế độ khai thác rồi lợi dụng khiến mọi cứu giúp không đến tay người hoạn nạn hay chỉ đến một cách quá ít oi..         

           Cái ‘hay’ khác của câu truyện còn ở lời văn. Qua đoạn nói về Paris, tác giả không đưa ta đến những vàng son của Thủ đô ánh sáng với Tháp Eiffel tiêu biểu, với Bảo tàng viện Louvres danh tiếng, với những nhà thờ Notre Dame hay Sacré Cœur đồ sộ, với điện Versailles thời phong kiến lẫy  lừng mà nói đến sự phát triển của Paris với những khu phố mới đầy đủ những nét văn minh hiện đại nhưng  ‘vẫn có những mảnh đời vụn vỡ’, vẫn còn ‘giới bụi đời sống mờ nhạt trong cõi trần ai, xa rời thế giới cực kỳ vật chất, lắt lay ở các vĩa hè và hầm Métro’  không phải ai cũng là hành khất mà có đủ hạng người’từ những người trước kia từng làm chủ một công ty, giám đốc một xí nghiệp hay thuộc giới trí thức khoa bảng đến những kẻ sa cơ’. Sau cái bề ngoài mĩ miều của văn minh, vẫn còn những cảnh đời nheo nhóc, tăm tối, âm u. Ðến bao giờ Văn minh mới thật sự hoàn toàn phổ quát, đến với toàn thể mọi người, không còn là ‘cái may’ riêng , cái ‘hưởng thụ’ riêng của một số người có điều kiện, có phương tiện.

         (Một chi tiết có thể khiến mọi người khó hiểu là ‘bản tánh  Á Ðông’ đã khiến tác giả ‘giả đò nhắm mắt ngủ…,thèn thẹn khi khước từ lời van xin của em bé’. Ðiều nầy không mấy lạ. Người Pháp -người phương Tây nói chung- thường cho rằng ‘người VN vốn’ nhút nhát’ (timide) . Người viết đã từng nghe họ nói thế lúc còn ở các các cơ sở tạm cư : Créteil, Ambérieu, Miribel. Quả thật có như thế. Cái ‘nhút nhát’ nầy có thể do từ các nguyên nhân sau : 1) Tiếng Pháp ít oi, ấp úng tiếng Pháp mà giọng nói đặc sệt VN, 2) Mặc cảm ăn nhờ ở đậu, 3) Mặc cảm dân tộc đã bị ‘mẫu quốc’ thực dân đô hộ, 4) Mặc cảm nhược tiểu thấy đất nước mình không tiến bộ văn minh như họ. Ðến nay, những thành tựu của người Việt hải ngoại trên mọi phương diên đã giúp nhiều người VN  xóa bỏ cái ‘nhút nhát’ đó. Và cái nhìn của người ngoại quốc đối với người VN đã đổi khác, từ coi thường đổi ra nể trọng)..          

          2.-‘Vạt nắng bên trời’ . ‘Bên trời’ nào ? Có thể là bên trời xứ Pháp hay rộng hơn ‘bên trời xứ sở có người Việt tỵ nạn định cư’. Không hẳn thế. Sao chỉ là một ‘vạt nắng’ ? Không là ‘vạt nắng’ còn sót lai lúc hoàng hôn xuống. Không là ‘vạt nắng’ nơi núi cao mà mây và cây thưa còn ưu ái dành cho bóng chiều nhợt nhạt. Vậy nhan đề câu truyện nói lên gì ?         

           Nhân vật chính trong truyện là ông Giáo già và chú chuột lắt. Qua hai nhân vật nầy, ta thấy tác giả như muốn trình bày hai xã hội : xã hội trí thức VN tỵ nạn nơi các xứ tự do và xã hội loài chuột nơi khu chung cư nhân vật chính định cư để từ đó gián tiếp nói về hiện tình đất nước.          

          ‘Xã hội người VN’ nơi Paris, thủ đô ánh sáng của nước Pháp gồm toàn những trí thức khoa bảng, nhà văn, nhà nhạc, nhà thơ, định cư tại Pháp  hơn hai mươi mấy năm. Bốn khuôn mặt tiêu biểu được tác giả nói đến nhiều nhất trong số trí thức nầy là Cụ Giáo, giáo sư Ðại học ; Ðốc-tờ Xanh Lơ, Nhạc sĩ Bụi Trần và vị Giáo sư Toán học thích làm thơ. bút hiệu Viễn Mơ..

          Ngoài đôi người hành nghề tự do như Cụ Giáo từng du học Pháp, Mỹ, đỗ hai bằng Tiến sĩ, về nước, không tham chính dù được mời mà chi đạy Ðại Học, còn tất cả đều đã lăn lộn vào cuộc chiến một mất một còn chống Cộng sản xâm lăng, đều đã từng chứng kiến cảnh quê hương và đồng bào qua bao năm trời bom đạn, đã phải lảnh bao đòn thù tàn bạo của Cộng sản sau ngày nước mất 30 tháng Tư bảy lăm. Sang được xứ Tự do, các nhà khoa bảng nầy ‘luôn ôm ắp mối sầu quê hương’. Trong những năm đầu, phong trào đấu tranh chống chế độ Cộng sản, mong xây dựng một thể chế Tự Do Dân Chủ cho đồng bào quốc nội còn hăng say, bừng bừng lửa sống nhưng hơn mấy mươi năm qua, tinh thần đấu tranh lắng xuống, cái ‘xã hội trí thức’ nầy thường họp mặt nhau bàn đủ thứ chuyện ‘quốc tế, quốc nội, tranh luận đủ mọi đề tài từ văn hóa, xã hội đến  chính trị…’. Nhưng chỉ để bàn thôi, còn thực tiễn phải làm gì, làm thế nào thì hầu như chẳng một ai đưa ra được ý kiến và phương pháp hữu hiệu. Cuộc bàn thảo cách ‘diệt chuột’ trong truyện là bằng cớ. Cả đôi người như nhạc sĩ Bụi Trần còn tiếp tục mọi sinh hoạt Cộng Ðồng cũng bị xem là ‘ăn cơm nhà vác ngà voi’ vô ích.          

          ‘Xã hội chuột’ được trình bày qua cuộc ‘đối thoại’ giữa chuột Lắt con với chuột mẹ và qua màn chuột Lắt con đi tìm ăn nơi nhà cụ Giáo.

           Cuộc ‘đối thoại’ đi từ loài người sang loài chuột. Nghe lời than của chuột Lắt :’Loài người bọn chúng quả thật chúng ác mồm lắm mẹ ạ !…Chúng đặt tên và xếp loại chúng ta vào loài chuột !’, chuột mẹ bảo :’Con ơi ! Hơi đâu mà nghe mồm người ! Tâm địa chúng còn hiểm độc hơn nhiều ! Lắm đứa còn bẩn hơn cả chuột nữa!’. Chuột Lắt kể lại lần bới bao rác, tìm được cây dồi thơm quá, chuột Chù và chuột Cống cạnh đấy định giật lấy nhưng may sao, Lắt nhanh chân phóng vào góc kẹt. Chuột Cống, chuột Chù phóng theo nhưng vì to lớn đành đứng ngoài chõ mõm chửi.. Chuột mẹ giận run lên rồi nói cả họ nhà chuột. ‘’…Con tưởng loài chuột Chù thơm lắm sao ? Con xem bộ dạng nó đầu đít chẳng cân xứng….trông mà phát gớm ! …Con tưởng chuột Cống sạch lắm hả ? Hủi đấy ! …’. Rồi chuột mẹ xuống giọng nói khẽ như sợ có ai nghe trộm : ‘Nó xơi cả thịt chuột nữa đấy con !’. Nghe chuột con run run ’Ðâu có ai nghe sao mẹ sợ dữ vậy ?’, mẹ chuột hạ giọng bảo : ‘Con ngây thơ lắm !…Là chuột mà chẳng hiểu chuột ! Chuột là tổ sư của nghành rình mò và báo cáo đấy con…Con người mới học lóm sau nầy thôi !’. Rồi trước thắc mắc của chuột con, chuột mẹ nói : ‘… Ý niệm con người thật ác độc ! Cái gì bẩn nhất họ trút lên đầu mình, ngay cả việc lên án giữa con người với con người, hễ ai có hành động bẩn là họ ví là chuột ! Thế có tức không chứ ?!’’.          

          Cụ Giáo hôm nay  đi vắng. Chuột Lắt thừa cơ viếng nhà Cụ, chạy nhảy tung tăng rồi leo lên cả bàn thờ. Trên bàn thờ, những đĩa đựng hoa quả, nhất là đĩa gà khiến ‘mắt nó long lên, mùi thơm đã động não làm ứa đầy nước bọt..’. Lắt mon men trườn đến bỗng ‘giật mình khi nhìn thấy những bức ảnh trên bàn thờ chăm chăm nhìn nó với ánh mắt rất nghiêm khắc’. Nó như bị thôi miên, …’chân cứ mềm nhũn ra... Nó rít lên, thiếp đi trong sợ hãi’.…Tĩnh dậy, thấy những hình người bất động, Lắt yên tâm và chợt hiểu : ‘Thì ra tất cả chỉ là hình tượng giống như thứ gỗ đá…Những hình tuợng nầy đều là những người chết, thế nào mà họ hiền đến thế !’. Quan sát kỹ hơn, Lắt nghĩ :’…Chỉ có người chết là tử tế và có thể sống chung được với họ’… Lắt tiến về phía dĩa gà, ‘ăn ngấu nghiến, rồi rít lên sung sướng…’. Sau khi ăn no nê, ‘Lắt lăn ra ngủ. Ðang ngon giấc, nó bỗng giật mình do những tiếng động ồn ào trước cửa, chân run lên vì thấy chủ nhà đã về…Lắt cuống lên,… , nên không dám leo xuống’.         

          Chuột và Người . Hôm nay là ngày họp bạn của Cụ Giáo.Cuộc họp gồm toàn những người ‘biệt xứ, luôm ôm ấp mối sầu quê hương’ nên ‘trong tiếng cười nói lại ẩn chứa một niềm đau miên viễn’..

          Cuộc họp hôm nay diễn ra sau ‘gần cả tháng biệt tích bất thường của đốc-tờ Xanh-Lơ mà có người xấu mồm bảo ông về Việt Nam cưới vợ’..Ðốc tờ Xanh-Lơ nổi cáu rủa và than : ‘Thiên hạ ăn no lại rỡn mỡ…Bầm giập lắm moi mới thoát khỏi ách Cộng sản, nay về đó để chui vào rọ hả’. Thấy ông cô đơn, có người khuyên : ‘Này, Me-xừ Xanh-Lơ, moi thấy toa dại gái quá, đã mất  tiền mà vẫn phải nằm không ! Lấy quách em thơm nào cho yên thân…già khú rồi đấy !’. Ðốc-tờ Xanh Lơ gân cổ lên cãi : ‘Ơ hay ! Các ông lại lo mặt trời thiếu ánh sáng ! Dại thế chó nào được ! Thế nào là dại ? Nước mất thì chẳng lo…mà lo mất chút tiền cho gái…Già meo rồi ! lấy gái tơ về mà thờ hả ?!’. Cuộc họp ồn ào, sôi nổi qua những lời châm chọc, bông đùa, trêu ghẹo nhau.       

          Chuột Lắt bỗng hoảng sợ vì tiếng động cơ của một phi cơ bay ngang nhà, tưởng có người trèo lên bắt , bèn phóng vào góc bàn thờ, làm đổ chiếc bình hoa. Mọi người cùng buột miệng : ‘Chuột ! Chuột !’ Ðốc tờ Xanh-Lơ đứng phắt dậy hỏi : ‘Nhà cụ Giáo có chuột ?’. Thế là cuộc nói chuyện tầm phào trêu chọc nhau xoay qua một đề tài hiện thực : Chuột và người cùng cách diệt chuột.

          Thoạt tiên, ‘thi sĩ Viễn Mơ vỗ đùi cười rú : Nhiều lúc sống với chuột còn khá hơn sống với người đấy, các cụ ạ !’. Trả lời nhạc sĩ Bụi Trần, đốc-tờ Xanh Lơ bảo : ‘ …Những thứ được gọi là bẩn và phá hoại đều đáng tởm cả !’, rồi hỏi cụ Giáo : ‘Cụ Giáo đã có cách nào diệt chuột chưa ?’. Nghe Cụ Giáo than thở, Bụi Trần đề nghị : ‘’Muốn cho chuột khỏi phá bàn thờ chỉ còn cách dời bàn thờ đi chỗ khác, chuột sẽ mất dấu…’’. Cụ Giáo la lên : ‘’…Ai lại dời bàn thờ gia tiên chỉ vì một con chuột ?’. Xanh-Lơ tiếp thêm : ‘’Ông tưởng dời mà yên được sao ? Dời đi chỗ nào mà hủi không bò đến !’’. Rồi Xanh-Lơ đề nghị : ‘’Theo moi, nên kiếm một tay thiện xạ trong đám bạn cũ, độp một phát là toi đời nhà chuột’’. Cụ Giáo lại la lên : ‘’ Ấy chết !..Biện pháp đó không được đâu ; vả lại, tôi e rằng lâu ngày các ông ấy không còn dùng đến súng, lỡ bắn trật lại trúng vào di ảnh của ông bà tôi thì tội chết !’’. Bụi Trần chen vào : ‘’Sá gì chuột Lắt mà tốn viên đạn. Tôi đề nghị làm một con chuột Lắt khổng lồ bằng giấy,…chuột lắt có chui vào sẽ ngán và cút mất vì thấy sư tổ loài chuột đang ở đấy’’. Cụ Giáo lắc đầu nguây nguẩy : ‘’Ðã tởm không muốn nhìn cái mặt chuột…ai lại làm hình nộm chuột ! Nhìn thấy nó mà bực mình chết sớm hả ?’’. Xanh-Lơ đanh mặt nói : ‘’Chỉ còn cách đốt quách căn nhà nầy đi thì đám chuột cháy queo râu…và cả họ chuột sẽ bơ vơ, chẳng còn cơ hội phá bàn thờ tổ tiên nữa !’’. Cụ Giáo cười ha hả nói : « …Anh Ðốc sắp điên rồi ! Nếu đốt căn nhà không những ở tù mà mình lại phạm tội đốt bàn thờ tổ tiên’’. Trả lời cụ Giáo : ‘’Nói thì nói vật….đâu lẽ chỉ vì con chuột nhắt mà đốt nhà cụ ?’’, Xanh Lơ quay hỏi thi sĩ Viễn Mơ. Nhà thơ bày tỏ ý nghĩ mình : ‘’Các ông bàn đến chuột mà tôi phát ngấy !…Chuột hai chân vừa nhanh vừa gian ác…nhan nhản khắp nơi, sao không thấy ai đề nghị diệt ?’’. Ðốc tờ Xanh-Lơ cười : ‘’Ðám chuột đó mà bị diệt, thiếu gì kẻ phải tự tử vì bị phá sản nghề buôn chuột…’’. Thi sĩ Viễn Mơ lại đề nghị : ‘’Theo tôi…, chỉ cần cho chuột ăn những món ăn của chuột. Chẳng hạn chuột Chù vì hôi nên thích hào nhoáng thì cho nó ăn món có dạng mề-đay và cái tên rất kêu…Chuột Cống ở bẩn lại thích ăn thì cho món ăn có hình đô la. Nhất là phải cho chúng ăn no, chỉ một thời gian, tôi tin nó sẽ mập ú, to lớn và nặng nề…vì thân xác phì nộn, khệnh khạng, nó sẽ không thể nào leo lên bàn thờ được !’’. …         

          Cuộc bàn thảo diệt chuột chẳng đưa đến một giải pháp nào. Chuột Lắt thấy mọi người  không ai chú ý nên phóng cái ào xuống sàn nhà, thoắt biến qua cửa sổ mất dạng. Cụ Giáo la lên : ‘’ Ấy, đấy, các ông thấy chưa ? Nó nằm sẵn trên bàn thờ lúc nào rồi !…’’

          Cụ Giáo bước ra ngoài, nhìn chiếc xe ủi và xe cần trục đang phá sập khu nhà kho. Sơn, người lái chiếc xe ủi nói với Cụ Giáo : ‘’Cháu coi cơ xưởng nầy. Cháu đang cho nhân viên phá sập khu nhà kho để thiết lập một cơ sở thương mại tại đây….Mà chuột, chao ôi, sao nhiều quá !…’’Rồi Sơn bảo : ‘’C ụ yên tâm. Lần nầy chúng không còn vào phá nhà cụ nữa đâu. Chúng bị xe ủi cùng hai xe cần trục cán chết vô số. Còn lại một ít chắc chúng phải tìm một chỗ khác xa xôi’’. Cụ Giáo vào nhà báo tin vui :’’Cái nhà kho chứa đầy chuột bọ tồn tại cả gần thế kỷ nay bị cáo chung chỉ vì người ta sẽ biến khu đất hoang nầy thành một trung tâm thương mại. Cạnh tranh Kinh tế thị trường…đấy mà !’’. Cụ Giáo liếc nhìn lên bàn thờ…như trút được mối sầu.

          Truyện dừng ở đấy. Sau ít dòng tả cảnh , truyện kết thúc ‘Trong vũng sáng đậm màu quê hương, thoáng có niềm đau xứ lạ’.

          Truyện được viết năm 2003 mùa Xuân Quí Hợi. Truyện vừa hiện thực vừa hư cấu mang nhiều ẩn ý có thể động chạm đến số đông.người.

          -Xã hội Chuột có thể ám chỉ xã hội người Cộng sản tại quốc nội. Chuột Lắt tượng trưng cho cán bộ, viên chức Cộng sản tép riu rất đểu, chuyên rình mò, điềm chỉ, bẫm báo mọi sơ hở của người dân. Chuột Cống, chuột Chù là hàng ‘quan lại’ Cộng sản chức trọng, quyền cao, bản chất hôi hám, bẩn thỉu, chạy theo quyền uy, tiền tài, danh vọng, địa vị (xem đề nghị của thi sĩ Viễn Mơ), chuyên cướp của người để vinh thân phì gia, hưởng lạc bẩn thỉu.  Cùng một chủng loại với nhau –loài chuột- cùng bẩn thỉu, hôi hám như nhau, nhưng luôn luôn dòm ngó, tranh giành nhau cái ăn, kèn cựa, chê ghét, khinh khi nhau (cuộc đối thoại giữa mẹ con chuột Lắt). Những hình ảnh ông bà nơi bàn thờ nhà cụ Giáo tượng trưng cho tiền nhân, cho lịch sử, cho Văn hóa dân tộc bây giờ im lìm, câm nín, không còn sức sống, không được kiêng nể, kính trọng dưới chế độ hôi hám của loài chuột. Ðề nghị của Bụi Trần ‘làm con chuột Lắt khổng lồ bằng giấy, chuột có chui vào sẽ ngán và cút mất vì thấy sư tổ loài chuột đang chực ở đấy ‘ ám chỉ hình tượng Hồ Chí Minh mà  Cộng sản đang cố đánh bóng thành tư tưởng vĩ đại, một thứ hình nộm để trang hoàng cho chế độ. Xã hội Chuột nơi hải ngoại cũng đông vô số. Quá nhiều thứ chuột Lắt hoặc là cán bộ Cộng sản hoặc những kẻ phải ‘bùa mê thuốc lú’ cộng sản, làm tay sai cho chúng, len lỏi rình mò đánh phá người Việt hải ngoại bằng mọi thủ đoạn ám tàng quỷ quyệt. Kể cả những kẻ mồm oang oang chống Cộng, hay một thời nổi tiếng chống Cộng, nay cứ xoành xoạch về nước, tìm cách sống chung với những chuột Cống, chuột Chù rồi quay ra chửi bới, bôi nhọ người chống Cộng. Thi sĩ Viễn Mơ, nhà trí thức toán học nầy đã xem số đó là thứ ‘chuột hai chân’ cần phải diệt. Nhưng ‘Ðám chuột ấy mà bị diệt,  thiếu gì kẻ phải tự tử vì bị phá sản nghề buôn chuột…’. Câu trả lời của dốc-tờ Xanh Lơ ám chỉ những ai trong nước và  hải ngoại, chẳng cần phải nói ra.

          -

          Xã hội người trí thức VN nơi Paris –có thể chung cho bất cứ nơi quốc gia nào- chỉ là tập họp bao nhiêu thành phần cùng mẫu số chung ‘yêu nước’ và ‘mang nặng nỗi sầu quê hương’, căm ghét cái ‘xã hội chuột bẩn thỉu’ nhưng chẳng thể đồng thuận một ‘kế sách’ nào diệt chuột.. Các ý kiến ‘diệt chuột’ đưọc nêu ra nhưng chẳng đưa đến một ‘giải pháp’ nào hữu hiệu. Tinh thần yêu nước, đấu tranh cho đất nước, nhân dân được thoát khỏi ‘xã hội chuột’, sôi nổi những ngày rời nước ra đi, qua bao tháng năm, trở thành nguội lạnh. Hình ảnh đất nước, quê hương (những tấm ảnh ông bà nơi bàn thờ nhà  Cụ Giáo) biến thành bất động, không còn sinh khí, nay chỉ là ‘kỷ niệm’ một thời, không đủ sức nuôi dưỡng khí lực đấu tranh. Ðỗ Bình đã từng ngậm ngùi nói lên điều đó qua bài thơ ‘Bọt sóng’ trong thi tập ‘Bóng Quê’ :

                                       -như pho tượng

                                        đượm nét buồn thế kỷ

                                        đời chìm sâu

                                        những giai điệu tình si

                                        tít mù khơi

                                        loài chim nhỏ thiên di

                                        vút tiếng hát từ xa xăm mộng mị

                                        về biển xanh

                                        mang theo chút phù sa

                                        sóng dìu em

                                        vào tận cõi thiên hà

                                        em chắc lạnh

                                        nơi hành tinh băng giá ?

                                        chiếc tàn y

                                        sao đủ ấm làn da ?…..

          Tổ Quốc -người Mẹ Việt Nam- giờ nầy, nơi xã hội Chuột, biến thành bức tượng vô tri, im lìm, câm nín mặc cho lũ chuột tha hồ bôi vẽ những nét lọ lem, dị hình dị hợm. Quê hương bị biến thành nấm mồ nhốt Mẹ bên trong. Tình tự yêu nước yêu dân nơi lớp người xa xứ, xa quê dần dần chẳng khác ‘tiếng hát xa xăm mộng mị’ và tình cảm Quê hương chỉ là chiếc tàn y không đủ ấm cho tâm hồn mình cùng tấm thân Tổ Quốc bên kia bờ biển lớn. Cuộc bàn tán về cách ‘diệt chuột’ trong truyện nầy mô tả thực cảnh đó.

         

          Tuy nhiên, cái ‘Xã hội trí thức’ nầy còn bảo tồn nhiều nét quí giá. Cụ Giáo, đốc-tờ Xanh Lơ, nhạc sĩ Bụi Trần, và bao bao nguời nữa từng tham gia cuộc kháng chiến chống ‘Chuôt người’, từng nếm mùi ‘lao tù chuột’, cùng thấy rõ mọi gian manh, tàn ác, bẩn thỉu, hôi hám của lũ ‘Chuột người’ nên nhất quyết không về với ‘xã hội chuột người’ nầy. Nhạc sĩ Bụi Trần vẫn đeo đuổi sinh hoạt cộng đồng, đấu tranh cho Dân chủ, Tự do mặc bao kẻ dèm pha, chế diễu.

         Cụ Giáo tự thẹn ‘già đến ngần nây tuổi mà vẫn còn ngu’,…’những thứ bằng cấp mà ông đạt…kể đã hết mức…thế mà vẫn bi gạt….’. Hối hận đã phải ở lại nước để người vợ yêu quí phải chết thảm nơi vùng kinh tế mới, sang xứ người, con cháu du học trước đây, nay đã thành tài, đã sống vô cùng sung túc nhưng chẳng đoái hoài gì đên người thân sinh, Cụ vẫn dành dụm ít tiền gởi giúp bà con, bạn bè, vẫn luôn luôn giúp người dù đồng hương hay người sắc tộc khác. Ðốc tờ Xanh-Lơ, dù được bổ nhiệm phục vụ tại một Quân Y viện  thành phố, tự nguyện xin làm y sĩ cho một đơn vị tác chiến. Chàng đi vào chiến tranh với ý nghĩ vô cùng giản dị nhưng sâu sắc : ‘Chiến tranh là sự chém giết lẫn nhau của những người không quen biết, để cho những người đã từng quen biết nhau đang ngồi chiếc ghế lãnh đạo ở Sài-Gòn, Hà-Nội hưởng lợi ! Nhưng dù sao cuộc chiến một mất một còn với Cộng sản trong lúc nầy là cần thiết và chính đáng, chàng bằng lòng làm kẻ hy sinh cho lý tưởng tự do, chứ chẳng phải vì những người ây’. Quả là một thái độ rất trí thức trước thế phải chọn lựa một hướng đi lịch sử cho mình, bằng lòng cầm súng đi vào chiến tranh hơn là sống cuộc sống an nhàn... Cũng vi quan điểm đó, chàng  đã hẹn với người yêu đợi sau tàn chiến tranh mới lập gia đình. Tình yêu cao quí đã khiến chàng ‘đốt đời qua men rượu, khói thuốc và đàn bà’ khi hay tin nàng bi gia đình bắt ép phải lên xe hoa với một người mà nàng không yêu. Cũng vì mối tình đẹp đẽ đó, chàng đã không hề nghĩ đến việc cưới vợ ; từ chối luôn lời người yêu cũ muốn giúp đỡ chàng, từ chối nối lại cuộc tình vì thấy không nên phá hoại cuộc sống đang yên bình của người yêu, chỉ lưu giữ cuộc tình xưa làm kỷ niệm đẹp suốt đời mình. Và cô gái -người yêu cũ của ông- luôn trung trinh với tình yêu ban đầu, sung sướng được ông ‘ca tụng’ nhan sắc mình dù đã cao niên. Phụ nữ, hầu như đa số đều vậy ; tuổi có về già nhưng tình vẫn dào dạt  Họ sống với tình, dù không toại nguyện cũng không nhạt phai. Họ luôn luôn trẻ, nhan sắc luôn tròn đầy  trong tình cảm yêu đương ban đầu đó. Những hành xử đó của chàng và của người yêu cũ của chàng là những thái độ ‘trí thức’ không do bằng cấp mà do cái ‘tình người’, cái ‘bản chất VN’, cái ‘ý thức làm người’.

          Nhạc sĩ Bụi Trần, trong ngục tù Công sản, vết thương cũ lở lói, thân hình như một xác cây khô gảy mục, đã làm đổ thau cơm khiến bao ban tù la lên ‘Trời ơi ! Cơm đổ rồi !’ rồi nhiều người xúm nhau ‘nhặt tững hạt cơm rơi xuống rảnh lán, đem, rửa từng hạt như  đãi cát tìm vàng, tìm ngọc’. Hối hận vì việc để đổ thau cơm của anh em, ông ‘quyết định để một phần cơm chiều của mình dành một bữa cháo sáng cho anh em’. Hành động tự  nguyện ‘chuộc tội’ nầy của một kẻ trong cảnh ‘sống khổ hơn chết’ quả là cao quí. Nào ai bắt lỗi và đòi hỏi ông phải ‘chuộc tội’ cho đâu, nhưng ông đã làm thế chỉ vì tình thương, chỉ vì tự thấy có lỗi với lương tâm mình. Mấy ai được như thế. Ðấy là một việc làm, một thái độ ‘trí thức’ không do vì có được một học vị cao mà chỉ vì ‘ý thức làm người’.

          Thi sĩ Viễn Mơ, nhà Tiến sĩ Toán học thích được gọi là nhà thơ hơn là Giáo sư Tiến sĩ, đã phát biểu quan điểm nghệ thuật của mình khá sâu sắc : Thơ là ngôn ngữ của ngôn ngữ, nghệ thuật của nghệ thuật….Thơ là tiếng nói của tâm hồn, chỉ cần xin các ông bỏ bằng cấp ở nhà và lắng tâm hồn mình xuống cùng tần số với tâm hồn tôi thì các ông sẽ hiểu ngay’. Có lẽ Toán học và Thi ca hoà nhập nơi ông nên ông đã đề nghi cách diệt chuột khá thú vị. 

          Một điều cần ghi nhận. Ông anh cụ Giáo  –giáo sư Ðại học-  bao năm qua, đã phải ép mình, buộc lòng tuân thủ ‘xã hội chuột’, đành phải tự biến mình thành chuột, phục vụ xã hội chuột để bảo toàn mạng sống nhưng vẫn không thể quên tình cảm máu mủ ruột thịt của gia đình dòng họ và luôn mong được thoát khỏi cái ‘xã hội chuột’, nếu không thể cho mình thì cho dòng họ, con cái (khuyên các em sớm vượt biên và gởi con gái mình theo). Qua câu truyện, ta thấy thân phận người trí thức dưới ‘chế độ chuột người’ bi thảm ra sao.          

          Ðỗ Bình nêu ra thực trạng ‘xã hội trí thức’ nơi hải ngoại, không nhằm chỉ trích, đả phá. Anh chỉ nêu lên một sinh hoạt của một số người Việt tỵ nạn Cộng sản nơi hải ngoại. Ðiều Ðỗ Bình muốn nhấn mạnh nơi đây là những nhà trí thức với học vị cao tột và tâm hồn đẹp đẽ như trên, lẽ ra là tinh hoa, là những bàn tay xây dựng vô cùng cần thiết cho đất nước, thế mà giờ đây phải ‘lụi tàn’ trong cuộc sống ‘bát nháo’, chỉ còn sống bằng kỷ niệm, bằng đau buồn, cuộc sống nhạt nhẽo, hư thừa. Tại sao ? Lời Cụ giáo, trong nhà tù, phần nào trả lời cho chúng ta điều đó : ‘Ông ngậm ngùi cho đất nước đang thiếu từng củ khai, miếng sắn nhưng ‘’lại thừa’’ những nhà khoa học, triết học, luật học như ông ! Vì đảng đã kiêm hết nào là khoa học, là tư tưởng, là luật và là chiếc thòng lọng siết cổ dân !…’. Vâng, chính cái lớp người tự phong mình là ‘đỉnh cao trí tuệ’ đã phũ nhận hết mọi tài năng của dân tộc đã giết chết hết khả năng và thiện chí của con người. Có thể, lý do tiếp theo là lịch sử. Lịch sử VN từ hậu bán thế kỷ XX hầu như bắt buộc phải tiêu hủy hết mọi sinh khí của dân tộc, phải trải qua giai đoạn tiêu hao hàng triêu sinh linh cùng mọi khả năng để sâu bọ, lăn quăng lên làm người. Lịch sử VN bị bắt buộc phải quay vòng theo một vận tốc âm trong cái guồng máy (engrenage) gấp gảy của chung thế giới. Cuộc chiến Bắc-Nam suốt hơn phần tư thế kỷ và đến nay dù có được gọi là hoà bình, thật ra chỉ là một diễn trình phi lý và vô ich. Lịch sử VN không còn phục vụ cho dân tộc mà bị bắt buộc phải đi theo từng ‘đoạn gảy’ của cuộc cờ thế giới. Số người trí thức nêu trên còn biết làm gì nơi hải ngoại, còn có điều kiện nào để thực hiện được những điều từng ôm ấp trước nay ? Họ chán biết cuộc sống ‘thừa thải’ của họ giờ nầy, chỉ còn ‘tiêu dao’ trong ‘cái trẻ’ của ngày nào nơi ‘cái già’ của tuổi tác giờ đây. Như một Cao Bá Quát ‘Thế sự thăng trần quân mạc vấn, Yên ba giang thượng  hũu ngư châu’. Họ là những ‘đốm đèn thuyền chài’ trong đêm gió bão. Nên trách hay nên thương ? Trách cũng đúng, nhưng nghĩ ra nên thương họ hơn. Thương họ là để đau xót cho dân tộc, để ngậm ngùi cho cảnh nước tình dân. Ðỗ Bình không chỉ trích. Ðỗ Bình chỉ ngậm ngùi thôi. Lời văn tuy đôi lúc có tính cách hài hước, hằn học, có thể gây phiền lòng, nhức nhối đôi người  nhưng thực ra chỉ để diễn tả nỗi buồn mênh mang đó, không của riêng ai mà của chung tất cả. Nỗi buồn của một cô Kiều : ‘Lỡ làng nước đục bụi trong, Trăm năm để một tấm lòng từ nay’.

         Ðoạn cuối câu truyện nói lên biện pháp diệt chuột hữu hiệu là hủy phá khu nhà kho, ổ cư trú của dòng họ chuột. Nhưng biện pháp nầy lại không do chính tay của số người trí thức nầy. Biện pháp diệt chuột lại do nhu cầu phát triển kinh tế, biến ổ cư trú hôi hám của loài chuột thành một trung tâm thương mãi. Và cụ Giáo reo lên ‘…Cạnh tranh kinh tế thị trường…đấy mà !’. Ðỗ Bình muốn nói gì nơi đoạn nầy ? Có phải do phát triển kinh tế mà hang hốc loài chuột bị phá hủy và xã hội loài chuột tiêu vong ? Loài chuột Chù, chuột Cống ở quốc nội đang làm công việc đó từ lâu, không đợi đến ngày vào WTO. Và chúng ‘thích hào nhoáng nên thích ăn những món ăn có hình dạng mề-đay và cái tên rất kêu,…thích món ăn có hình đô la…sẽ mập ú, thân xác phì nộn, khệnh khạng, sẽ không thể leo lên bàn thờ được’ như ý kiến nhà thi sĩ Toán học Viễn Mơ ? Chúng -những Chuột Chù, chuột Cống, kể cả chuột Lắt nơi hang ổ chúng và nơi hang ổ hải ngoại đã ‘mập ú, đã kềnh càng’ lắm rồi, đã được bao nhiêu ‘’mề đay, đô la’, đã trở thành những ‘tư bản đỏ’ kếch xù nhưng vẫn không ngớt ‘leo lên bàn thờ’ giẫm nát cả hình ảnh ông bà tiên tổ, nghĩa là phá hoại sạch truyền thống lịch sử, văn hóa dân tộc, dìm nhân dân mãi mãi đói nghèo trong vòng bị áp bức, bóc lột, dìm đất nước vào cảnh lạc hậu, hôi hám so với thế giới. Kinh tế thị trường phát triển chưa đủ sức công phá hang ổ loài chuột tinh quái nầy mà cần phải có biện pháp nào khác đi theo. Biện pháp khác đó lại do chính thành phần trí thức cùng bao thành phần khác -tất cả  không phải là thứ ‘chuột người’-  đảm trách, miễn là…..

          Qua những diễn giải trên, ‘Vạt nắng bên trời’ nơi câu truyên là ‘Vạt nắng nào ?’ ‘Bên Trời nào ?’ . Câu cuối cùng của truyện Trong vũng sáng đậm màu quê hương, thoáng có niềm đau xứ lạ’ cho biết đấy là ‘vạt nắng quê hương còn quanh quẩn nơi người Việt tha phương nơi xứ người’ Tiếp đấy, có thể là ‘Vạt nắng sẽ đến với khung trời quê hương trong mơ ước của người Việt hải ngoại’ với nền Kinh tế thị trường phát triển sẽ triệt tiêu hang ổ chuột để chúng không còn đất sống như được nói đến nơi đoạn cuối câu truyện. Tuy nhiên, trong trường hợp nầy, đấy mới chỉ là một ‘Vạt nắng’ nhỏ nhoi’, chưa là cả ‘khung trời nắng ấm cho toàn thể quê hương’. ‘Vạt nắng nhỏ’ đó chỉ có thể sẽ rỏa rộng, bao trùm  khắp mọi miền đất nước khi ngoài Kinh tế thị trường phát triển còn thêm những biện pháp nào khác đi theo. Cuộc đấu tranh chống lũ ‘chuột người’ nầy của người Việt Nam hải ngoại  và của người trong nước vẫn còn phải gian nan kiên trì tiếp tục để cái ‘Vạt nắng bên trời’ của Quê hương nơi mỗi người tỏa rộng thành ‘Khung trời rực rỡ màu tươi’ cho toàn thể đất nước, nhân dân..

         Lối viết của Ðỗ Bình trong truyện nầy, phần nào không theo lối cũ lâu nay. Vừa hiện thực vừa hư cấu, vừa đau buồn vừa hài hước, tác giả ‘lượm lặt’ từng sự việc nhỏ, kết lại không nhất thiết theo một thứ tự cổ điển nghĩa là theo lối ‘tuyến tính’. Anh để cho mọi sự kiện đến như một cách tình cờ, không cần phải sắp xếp, xem như là những chất liệu (matériaux) tự chúng dẫn vào một bố cục , từ đó các sự kiện đó tự nhiên kết cấu nên hình thức và nội dung câu truyện. Sự việc chuột Lắt tránh chú mèo, chui vào lổ kẹt trách chuột Chù, sự việc chuột Lắt leo lên bàn thờ, do tiếng động của phi cơ nhảy xuống sàn nhà chạy mất ; sự việc mấy ông trí thức nghe tiếng bình bông bị đổ, vôi la lên ‘nhà cụ Giáo có chuột’ rồi bàn cách diệt chuột mà lại không hề để ý  là chuột đang nằm trên bàn thờ,.sự việc Ðốc tờ Xanh Lơ đã có mối tình xưa, nay không cưới vợ, . sự việc nhà Toán học làm thơ liên ngữ,…, nhiều sự việc chẳng ích gì cho câu truyện theo lối cổ điển. Chính những sự việc rời rạc đó tự nhiên kết nối với nhau diễn tả nội dung : tâm trạng của các nhà trí thức trong truyện và trạng thái sống ‘thừa dư’ của họ hiện nay. Cuộc sống ‘thừa dư’ đó là ‘Vạt nắng bên trời’ nơi họ và nơi quê hương. Tập truyện của Ðỗ Bình hẳn kén độc giả, có thể gây ‘bất mãn’ nơi nhiều người.  Anh hẳn biết điều đó nhưng Ðỗ Bình không viết theo lối ‘thời trang’ mong được ‘tiêu thụ’. Về hình thức lẫn nội dung, anh muốn tạo nên một ‘thứ mới’ nào đó về mặt thẫm mỹ cũng như về mặt tư tưởng. Tập truyện của anh vừa mang tính thời sự đã qua và hiện nay, đồng thời mang tính cách sử liệu về một giai đoạn của đất nước cho độc giả sau nầy, không để hiểu lịch sử theo lối viết sử mà theo lối thẩm định lịch sử qua văn chương. Vì, cho dù mỗi người là một sản phẫm lịch sử  nhưng bên trong mỗi người vẫn âm ỉ một phản kháng tiềm tàng để không phải lúc nào cũng bị ‘khuất phục’ bỡi lịch sử, để không trong thế  ‘bất khả kháng’, cho rằng ‘lịch sử đã bắt tôi như thế, tôi không thể làm khác’. Người viết chưa dám bảo, chưa thể bảo ‘Ðỗ Bình đã cách tân nghệ thuật viết truyện’ mà chỉ là một kẻ đang thử ‘ươm cây’ trong sáng tạo nghê thuật, có khác với lối viết thường mong thỏa mãn thị hiếu đại chúng như phần đông trước nay.

          3.- ‘Ðỉnh Sương Mù’ : môt thảm trang, một bi kich trong gia đình, một tột cùng thù hân từ cao đô của lý tưởng. ‘Ðỉnh Sương mù’ nơi lòng tác giả, ‘Ðỉnh sương mù’ nơi  trời đất quê hương.          

          Ngồi nơi bờ sông Seine, nghe tiếng nói giọng Viêt xôn xao, Ðăng (nhân vật chính trong truyện) quay nhìn thấy một số thanh niên nam nữ, ăm mặc diêm dứa, trang sức đắt tiền, chàng biết ngay là con cháu, thân nhân của số ‘Tư bản đỏ’ đang nắm quyền trong nước  hiện nay. Cả quá khứ hiện về.          

          Gia đình bên Ngoại Ðăng gồm 8 người con, một nửa theo Việt Minh, chỉ còn sống sót cậu Giáo Út. Số nửa còn lai theo chí hướng khác nhau, mâu thuẫn trong gia đình âm ỉ nên gia đình thiếu hẳn tiếng cười. Giai đoạn Cải Cách Ruộng Ðất, ông Bà Ngoại Ðăng bị đấu tố. Bà Ngoại Ðăng buồn vì bạc bẽo của Cộng Sản (đã từng nuôi Cộng sản, đóng góp thật nhiều vào Tuần Lễ Vàng,..) nên buồn mà chết. Ông Ngoại Ðăng  bị đày lên Thái Nguyên, bỏ xác nơi đó. Những người còn lại ở Miền Bắc chẳng dám hé môi van xin, có người còn cải đổi tên họ để tránh liên lụy. Những người vào Nam lần lượt bỏ mình trong cuộc chiến. chống Cộng. Bên Nôi Ðăng thân Pháp. Bố Ðăng là người lai, làm y sĩ phục vụ quân đội Pháp, trên đường công tác bị Việt Minh phục kích bắt đi biệt tích. Thời gian nầy, câu Giáo Út theo Việt Minh, bi đưa đi công tác xa nhưng có lân lén về bảo gia đình Ðăng nên đi Tây để tránh hậu hoạn. Mẹ Ðăng chần chừ thi Hiệp Ðịnh Genève chia đôi đất nước. Ðăng có quốc tịch Pháp nhưng không qua Tây. Thấy bao ban bè ngã gục vì cuộc chiến, chàng xin cải sang quốc tịch VN và đi vào chiến trân. Bị thương nặng, lở loét khắp người, mắt mờ, chân què, hai ngày sau ngày 30 tháng Tư Bảy lăm, đang nằm tại Tổng Y Viện Cộng Hòa, chàng cùng bao thương binh khác bị các ‘người anh em Miền Băc’ xô đuổi ra khỏi bệnh viện.

          Sau đó, Ðăng bị đưa đi trại tù. Nơi đây, chàng nếm đủ mọi mùi khổ sai. Bị kiểm điểm, bị biệt giam, bị đày đi xúc phân, bị đưa đi lết lê lao động với tấm thân đầy thương tật. Thù hận dâng lên, tự xem mình ‘cùi hủi’, chàng càng lúc càng ngang bướng. Nhổ cỏ, nhổ gai, chàng nhổ luôn cả các cây trồng. Ngang nhiên đi vào bãi cỏ còn sót mìn khiến cán bộ canh tù không dám đi theo.. Không xúc phân bằng chiếc nón sắt vì cho đấy là người bạn thủy chung trong thời gian chiến trân, chàng thọc ngay hai tay vào phân đầy giòi bọ, cùng họa sĩ Hiếu Ðệ vừa cười vừa hát một bản Nhi đồng ca. Cán bô hạch hỏi ‘sao hát bài Bác Hồ mà cười’, chàng đáp ngay : ‘Không lẽ tôi khóc. Tôi hát để nhớ Bác…Vì nhờ Bác mà tôi biết sự vinh quang của cứt’.

          Vì bệnh quá nặng nên quản giáo đành phải đưa chàng đến bệnh xá trại. Nơi đây, chàng gặp người bạn thời niên thiếu. Cả hai nẩy ý định tự tử. Sắp sửa uống mấy viên Chloraquine, thì bỗng thấy một chiếc quan tài bằng mấy tấm váng lợn mang xác một tên tù vừa chết vốn là một bác sĩ quân y ngày trước. Nhìn cảnh thảm đạm nầy, cả hai thấy cần phải sống để làm ‘chứng nhân’ về tội ác Cộng sản. Bi đưa về lai trại, chàng vẫn tiếp tục thái độ bất cần, ngang ngược của mình. Môt hôm, chàng mừng rỡ được nhận một số thư nhà, trong đó có một thư bảo lảnh của cậu Giáo Út. Chàng xé toạc và không làm đơn bảo lảnh. ‘Mỗi người có một lý tưởng’. Bi hạch hỏi, chàng mặc kệ, chờ đợi mọi nguy hiểm đến với mình.

          Vì kiệt sức và đôi mắt bị mù, chàng được tha, chuyển chàng về Bệnh viện Bình dân. Thời gian nầy, chàng được người thân cho biết cậu Giáo Út đã về hưu và đang có mặt ở Sài Gòn, chàng lạnh băng, không còn để ý đến ông cậu mà thời nhỏ đã từng dắt cõng chàng đi chơi, cho chàng kẹo bánh. Cậu Giáo cũng không vào thăm đứa cháu.vi ngại ‘bóng Ðảng đi theo’. Vì là bịnh mãn tính, sau khi được mổ mắt, chàng được về nhà mẹ để điều trị ngoại trú.  Hai Cậu cháu gặp nhau , ‘chiến tranh Quốc-Công’ bùng nổ giữa đôi bên. Không còn tình gia đình, chỉ còn thù hận. Một hôm số bạn cũ của chàng đến rủ chàng đi ăn và rủ cả cậu Giáo. Cậu ăn uống tự nhiên như người sành điệu, khen rượu ngon.  –‘Rượu Mỹ đấy cậu’. Cậu vẫn uống thỏa thích. Dũng, bạn Ðăng, bỗng nói : « Chúng ta cùng nâng cốc mừng Chúa Giáng sinh. Hồng ân Thiên Chúa sẽ mang hạnh phúc đến với gia đình chúng ta ». Câu Giáo hét lên : « Chẳng có Chúa Phật gì cả. Chỉ có Bác thôi. Bác mới có khả năng đem hạnh phúc no ấm đến toàn dân ». Tên Dũng đáp ngay : « Chẳng có Bác biếc gì cả. Chỉ có dô-la Mỹ sẽ no ấm thôi ». Cậu Giáo hùng hổ đứng dậy la lớn : « Chúng mày tưởng các ông chiến thắng tạm bợ hả ? Ðừng có hòng…liệu cái hồn ấy », vừa la lớn vừa nhìn thẳng vào mặt Ðăng.  Cả bọn hoảng sơ nhưng Lê Khang, bạn Ðăng, nghiêng mình nói nhỏ vào tai cụ Giáo khiến câu tái mặt, tiu nghỉu ngồi xuống. Lúc về nhà, Ðăng hỏi , Lê Khang  bảo là mang máng nhớ đâu đó rồi bảo với cậu : « Tôi là người của Sở Bảo vệ Chính trị được lệnh theo dõi cậu thời gian cậu ở trong Nam… ». Ðăng cười ồ và nghĩ ‘’một cán bộ gộc mà sợ câu hù của một công nhân quèn, thế mới biết Cộng sản kiểm soát lẫn nhau quả khiếp thật’’. Ðăng càng căm giận nghĩ rằng phải giết ông cậu nầy, nếu không thì ông cũng giết mình..Chàng  đem Whisky pha với Martell Rémy , cố ý phục rượu cho người cậu phải chết. Câu Giáo túy lúy ngã vật xuống bàn, lè nhè  kể lại những chuyện gia đình mà từ lâu Ðăng chưa hề nghe. Nhìn ông cậu bí tỉ, thiểu não, Ðăng nhận ra nơi cậu có hai con người : một con người Cộng sản và một con người thuần tính người. Chàng hối hận về ý định  tàn ác, suýt giết chết một người ruột thịt, nên bế cậu Giáo lên giường và suốt đêm ngồi quạt cho cậu ngủ. Sáng ra, tĩnh rượu, thấy Ðăng, cậu hỏi ‘Suốt đêm con không ngủ sao ?’. Lần đầu tiên một câu nói ân tình khiến Ðăng xúc động. Rồi tù đó, cậu Giáo lời thỏ thẻ kể lễ nỗi niềm cho  hai người chi nghe. Rốt cuộc, ông khuyên Ðăng ‘’b ằng mọi cách con phải ra đi nước ngoài…’’. …Ít lâu sau, tại Paris, Ðăng nhận được thư nhà, trong đó có tấm hinh cậu Giáo chết lạnh lẽo nơi căn nhà tồi tàn. Chàng không thể ngờ một cán bộ cao cấp, tận tụy phục vụ Ðảng, lúc chết lại tiều tụy đến thế.

          Nhớ lại số thanh niên nam nữ béo tốt, sang giàu, con cháu, thân nhân  các nhà ‘Tư bản đỏ’ đang ung dung du lịch nơi xứ người, Ðăng chạnh lòng nghĩ đến những bà mẹ già môt thời được vinh danh gia đình liệt sĩ vì có con theo Cách Mạng, đã bỏ mình suốt dảy Trường Sơn, giờ sống heo hút, khổ đau, ngày ngày không đủ cháo rau từng bữa. Không kể bao thành phần dân đen quần quật lo áo cơm, lại còn bị cướp đoạt, bóc lột đủ mọi bề, cả sinh mạng cũng luôn bị đe dọa bỡi bạo quyền..Ðăng được biết đất nước bây giờ  có nhiều đổi mới nhưng, oái oăm thay, đấy chỉ là sự chuyển đổi ‘cái xấu nầy sang cái xấu khác’.

          Câu truyện kể lại bằng hồi tưởng một giai đoạn ngày qua của chính tác giả. Hai sự việc chính cần chú y nơi đây : sự phân hóa của gia đình vì chính kiến bất đồng cùng nỗi hận thù cao đô do bất đồng chính kiến  suýt đưa đến sự giết hại nhau giữa người cùng huyết tộc.

          Từ ngày số người Việt Nam theo Cộng sản du nhập chủ nghĩa Mác Lênin rồi nắm quyền ở miền Bác từ 1954 rồi trên cả nước sau 1975 đến nay, người Việt Nam bị phân chia thành hai chiến tuyến đối kháng nhau rõ rệt ngay nơi nội tâm từng người, ngay nơi từng gia đình, nhất là những gia đình có người di cư vào Nam hay tập kết ra Bắc. (Sau 1975, gặp lại, không khỏi ngỡ ngàng, chua chát ; tình trạng đối kháng đó càng mãnh liệt thêm). Một bên là Ðảng Cộng Sản với đảng viên, cán bộ và viên chức nhà nước, theo đường lối Xít-ta-lin, Mao Trạch Ðông, thiết lập chế độ độc tài toàn trị, tập trung mọi quyền hành vào một Ðảng duy nhất, chỉ biết quyền lợi Ðảng hơn là quyền lợi đất nước, nhân dân . Một bên là thành phần yêu nước dù kết tập thành đảng phái hay chỉ là người dân thường, cương quyết chống lại Cộng sản, chủ trương thiết lập thể chế Tự do, Dân chủ, tôn trọng quyền người và quyền sống cho người dân và cho chung xã hội. Hai ý thức tương phản, ngược chiều, lúc đầu âm ỉ nơi từng người, càng lúc càng bung phá dẫn đến nổi loạn, căm hờn, thù hận,  chống đối, sát phạt nhau dù cùng chung huyết thống, cùng chung gia hệ. Sau 1975, tình trạng nầy nhan nhản khắp nước, đến nay vẫn chưa cách nào tàn lụi. Sự phân hóa, hận thù  đến suýt giết hại nhau giữa cậu Giáo Út và Ðăng, là tiêu biểu cho xung đột ‘ý hệ’ đó. Thực trạng nầy, hiện nay,  vẫn còn tiếp tục nơi quốc nội và nơi người Việt hải ngoại. Sương mù dâng lên đỉnh cao, xóa đi màu xanh yêu thương  nơi  mỗi người, nơi mỗi gia đình và chung cho cả dân tộc.          

          Ðỗ Bình, bằng hồi ức, kể lại một bi kịch  có thật xảy ra, nhưng không riêng nơi gia đình anh mà chung cho cả mọi gia đình trong giai đoạn lịch sử bi thương. Ðến bao giờ, bi kịch nầy chấm dứt ? Và bằng cách nào ? Ðỗ Bình không nêu ra. Văn chương không nhất thiết phải nhằm trình bày một quan điểm chính trị hay triết lý. Văn chương chỉ nhằm phản ảnh để gợi lên xúc cảm và suy tư. Ðiều quan trọng và cũng là tính cách nhân bản nơi câu truyện là sự thành thật và tình yêu thương. Cậu giáo Út, trong cơn say, mới nói thật về mình, mới để lộ ra ‘con người thật’ của mình. Ðăng, thấy được ‘con người thật’ của cậu đã hối hận về ý định ‘giết nguời’ cùng gia tộc. Con người Cộng sản: con người không còn mang  hộ tịch nơi làng mạc, quê hương để chỉ  mang một ‘bí danh’. Cái ‘bí danh’ nầy là ‘con người thứ hai’ nơi họ đã dìm chết con người thật nơi bản chất mình. Qua cậu Út, ta thấy Cộng sản đã làm băng hoại và hủy diệt nhân tính ra sao. Cả việc kiềm kẹp, kiểm soát người trong đảng với nhau ghê gớm đến độ nào. Nhưng con người thật, con người Việt Nam nhân ái, nghĩa tình vẫn tồn tại dù có phải bị co rút vào đáy sâu vô thức, vẫn bừng dậy lúc có điều kiện khơi lên. Câu truyện hoàn toàn không mang một nét hư cấu nào, tất cả đều là sự thực, việc thực cảnh thực, người thực. Ðỗ Bình mượn cảnh ngô mình để nói lên tình trạng chung của từng lớp người, và của chung dân tộc. Cái ‘Tôi’ nơi anh trở thành cái ‘Ta’ của dân tộc trong giai đoạn lịch sử đó. Cái chủ quan -nếu có ai bảo thế- không còn là cái chủ quan của ‘con người Việt Nam cá thể’ nơi tác giả mà là ‘cái chủ quan của con người  tổng thể Việt Nam’, cái chủ quan trở thành khách quan. Bi kịch gia đình, hận thù cao độ do chấp tranh lý tưởng đã là sự kiện lịch sử của dân tộc ta suốt bao năm dài từ ngày  chủ nghĩa Cộng sản lộng hành trên đất nước.  ‘Ðỉnh sương mù’ do Cộng sản giăng ra từ ấy đến nay vẫn chưa tan, mà càng lúc càng thêm ảm đạm, dày đặc, quả đau thương cho đất nước và con người Việt Nam !

Kết Luận : ‘Vạt bắng bên trời’ , toàn tập truyện nêu ra những việc thực, người thực, cảnh thực mà tác giả đã chứng kiến và bản thân đã trải chịu. Tập truyện phơi bày cái tàn ác của chiến tranh, cái dã man của hận thù và cái cao quí của tình yêu thương dù trong hoàn cảnh cực cùng khổ não. Tính cách nhân bản của tập truyện toát ra từ đấy. Ðỗ Bình không viết cho mình mà cho chung người Việt Nam. Tập truyện mang tính cách sử liệu để -như đã nói- mọi người sau nầy thẩm định lịch sử qua văn chương.. Hành trang trước tác của anh bao gồm cả con người, cuộc sống và thực trạng xã hội Việt Nam, thể hiện qua Tình yêu nước, yêu gia đình, dòng họ, yêu đồng đội, yêu người cùng lòng căm ghét chiến tranh, hận thù bạo lực. Tất cả kết thành động cơ, thành ‘lực đẩy’ và thành ‘lương thực tinh thần’ cho anh chiến đấu và sáng tác. Anh không viết về ‘con người  Việt Nam cá thể của mình’ mà cho ‘con người tổng thể Việt Nam’ của dân tộc cũng như đã chiến đấu vì lý tưởng Tự do chứ không để phục vụ cho Ðảng hay lớp người lãnh đạo. Ðấy là điểm  khác nhau  rõ ràng giữa ý thức chiến đấu và nền Văn nghệ hiện thực xã hội chủ nghĩa của người Cộng sản với ý thức chiến đấu và văn nghệ theo lý tưởng Tự do, nhân bản  của người Việt quốc gia. 

          Về mặt Nghệ thuật, trong tập truyện nầy, Ðỗ Bình có hai cách viết khác nhau. Truyện ‘Ðỉnh sương mù’  có tính cách đơn tuyến nghĩa là được viết theo kết cấu cổ điển, có đầu có đuôi, mọi sự việc liên kết nhau chặt chẽ, diễn tiến mạch lạc, không gây cảm xúc bất ngờ, không khiến người đọc phải suy nghĩ mông lung ra ngoài câu truyện. Truyện ‘Những mảnh đời’ có thể xem là thiên phóng sự, chụp lại những hình ảnh tình cờ xảy ra trước mắt, rồi những sự kiện kết hợp với nhau không theo một chủ ý nào của tác giả nhưng tự chúng dẫn đến chủ đề . Truyện ‘Vạt nắng bên trời’ có những chi tiết hầu như không cần thiết khiến độc giả như bị đẩy ra khỏi tiến trình của câu truyện nhưng chính những chi tiết không cần thiết đó lại nói lên cái sâu sắc của tâm lý nhân vật cùng cảnh ngộ chung của lớp người trí thức nơi xứ người. Lớp người trí thức đã đạt đến tột đỉnh của học vị, đã trải chịu chiến tranh, đã chiến đấu kiên cường, đã nhận lảnh đòn thù, đã có tâm hồn cao đẹp, cùng tình yêu nước nồng nàn, thế mà giờ đây sống cuộc sống tàn dư, vô vị. Cái trí thức cao tột cùng tấm lòng yêu nước đó giờ nầy chỉ là những chiếc ‘tàn y’ không đủ sưởi ấm tấm thân ly hương lạnh giá của mình cùng tấm thân đất nước xơ xác, rụi tàn nơi quê hương. Lối viết nầy phải chăng đã mang chở ít nhiều tính cách ‘cách tân’ nơi nghệ thuật viết truyện ?        

          Ðọc tập truyện ‘Vạt nắng bên trời’ không để mua vui, để giải trí mà để nhìn, để ‘thẩm định  một giai đoạn lịch sử’, để chán ghét chiến tranh, căm thù bạo lực và để mở rộng tình người.

*Trích trong « Khung Trời Hướng Vọng » của người viết. Sách dày 564 trang, nxb Nắng Mới Paris, Cơ Sở Thơ Văn Cội Nguồn, San José bảo trợ, viết về thơ của 16 nhà thơ hải ngoại gồm 10 nhà thơ Nam : Phương Triều, Song Nhi., Ðỗ Bình, Mạc Phương Ðình, Trần Anh Lan, Cung Diễm, Quan Dương, Hoàng Ðịnh Nam, Vũ Ðình Trường, Lê Nguyễn và 6 nhà thơ nữ : Cao Mỵ Nhân, Tuệ Nga, Dư Thị Diễm Buồn, Phan Thị Ngôn Ngữ, Thúy Trúc, Trung Thành Văn. Mỗi nhà thơ, được viết trên 26, 30 trang, đôi khi trên 40 trang (như viết về Thơ Cao Mỵ Nhân) nên khó thể gởi lên các Diễn Ðàn.